1. Delusionship là gì?
Delusionship là sự kết hợp giữa “delusion” (ảo tưởng) và “relationship” (mối quan hệ), chỉ mối quan hệ yêu đương được hình thành trong trí tưởng tượng của một người về crush của mình, thậm chí là một ai đó họ chưa gặp lần nào. Đó có thể là một người quen qua app hẹn hò hoặc một người bạn đã ngưỡng mộ từ rất lâu.
Dấu hiệu của người đang trong mối quan hệ delusionship:
Khi người ấy nhắn cho bạn: “Hello”, cảnh tượng hai người hẹn hò, yêu đương và thậm chí là… cưới nhau lập tức hiện lên trong đầu bạn.
Anh ấy xem story ngay sau khi bạn đăng và bạn nghĩ anh ấy check Instagram cả ngày để xem bạn có post gì không.
Khi đối phương không trả lời tin nhắn của bạn trong nhiều ngày, bạn sẽ nghĩ do anh ấy vẫn chưa tìm được cách để phản hồi một cách hoàn hảo, suy ra anh ấy… yêu mình.
2. Nguồn gốc của delusionship
Hiện không có thông tin xác định rõ thời điểm khái niệm này xuất hiện. Theo một số diễn đàn, delusionship bắt đầu từ năm 2014 và được các fan Kpop dùng để diễn tả việc tưởng tượng mình được yêu đương, hẹn hò với idol mà họ hâm mộ.
Cho đến năm 2023, khi được Gen Z sử dụng rộng rãi, thuật ngữ này mới được định nghĩa một cách chính xác. Theo Urban Dictionary: “Delusionship là mối quan hệ do một người tưởng tượng ra và không có thật ngay từ đầu. Đó là tất cả ảo tưởng trong tâm trí của họ”.
3. Vì sao delusionship trở nên phổ biến?
Delusionship trở thành hiện tượng khi tài khoản TikTok có tên @isabelunhiged sáng tạo những nội dung xoay quanh mối quan hệ này. Tính đến nay, hashtag #delusionship đã thu về hơn 33 triệu lượt xem với rất nhiều câu chuyện về trải nghiệm cá nhân của mỗi người về tình yêu trong… tưởng tượng.
Theo một khảo sát gần đây của Quackquack (ứng dụng hẹn hò của Ấn Độ) cho thấy, 39% trên 15.000 người dùng app hẹn hò thừa nhận mình đã ở trong delusionship ít nhất một lần trong đời.
Nhiều người cảm thấy thoải mái và tích cực khi rơi vào mối quan hệ này, vì họ đang tập trung vào sự nghiệp và những dự định cá nhân khác nên chưa sẵn sàng cho một tình yêu thực tế, lâu dài. Vậy nên, việc ảo tưởng sẽ giúp họ giải thoát tạm thời khỏi cảm giác trống rỗng, cô đơn.
Lý do khác đó chính là “fear of rejection” (tạm dịch: nỗi sợ bị từ chối) - nỗi sợ một khi bày tỏ tình cảm với đối phương thì sẽ không được chấp nhận và thậm chí đánh mất đi mối quan hệ đó.
Vì là những người giàu cảm xúc, nữ giới sẽ dễ mắc kẹt vào delusionship hơn. Trong khi nam giới thường chủ động với những người mình thích và có xu hướng hiện thực hoá các mối quan hệ hơn là mơ mộng về nó. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Bumble, 41% phụ nữ lo lắng về việc bị “mất giá” khi chủ động, và 25% sợ bị người khác đánh giá khi chia sẻ về mong muốn có một mối quan hệ yêu đương nghiêm túc.
Delusionship sẽ trở nên vô hại khi bạn nhận thức rõ sự khác biệt giữa tưởng tượng và thực tế mà không bị ám ảnh bởi đối phương. Đồng thời hiểu rằng đó chỉ là những tưởng tượng mình do tự nghĩ ra và người đó sẽ rất khác ngoài đời thật.
Thay vì chỉ suốt ngày suy nghĩ và stalk người ấy, bạn có thể tập trung vào việc thay đổi bản thân một cách tích cực từ ngoại hình đến tính cách để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Thực tế, nhiều bạn trẻ đang sử dụng phương pháp này để thu hút những điều tích cực và biến thành động lực để tốt lên từng ngày: from delusion to solution (từ ảo tưởng trở thành giải pháp) với câu cửa miệng “Hope all my delulu come to trululu” (Tạm dịch: hy vọng những ảo tưởng của tôi sẽ trở thành sự thật).
4. Cách dùng delusionship
Tiếng Anh:
A: Hey! Your crush just shared a love song on Instagram story
B: OMG! This song is definitely about me
A: Or you may be stuck in a delusionship.
Tiếng Việt:
A: Ê crush của bà mới share bài hát tình yêu trên Instagram story kìa
B: Trời ơi! Chắc ảnh đang ám chỉ tui đó!
A: Hoặc bà bị kẹt trong delusionship rồi.