Tháp nhu cầu Maslow còn thiếu sót gì? 4 Điều cần biết để tránh quy chụp | Vietcetera
Billboard banner
23 Thg 04, 2022
Cuộc SốngTâm Lý Học

Tháp nhu cầu Maslow còn thiếu sót gì? 4 Điều cần biết để tránh quy chụp

Tháp Maslow là một trong những học thuyết tâm lý học được phổ cập đại chúng rộng rãi nhất. Chúng ta sử dụng chúng để giải thích cho vô số hành vi của con người, nhưng bao nhiêu phần trong đó là đúng?
Tháp nhu cầu Maslow còn thiếu sót gì? 4 Điều cần biết để tránh quy chụp

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Nếu có một cuộc thi đọ về độ nổi tiếng của các lý thuyết tâm lý học, tháp nhu cầu Maslow chắc hẳn sẽ nằm ở hàng đầu của danh sách.

Người ta thấy Maslow trong giáo trình kinh doanh, quản trị nhân sự, trong truyền thông, marketing, trong giáo dục. Thậm chí nếu chưa từng học qua về Maslow ở trường thì có lẽ bạn cũng đã từng nghe qua tên ông trong các cuốn sách tâm lý về động lực, cảm hứng, hoặc đâu đó ở một video trên YouTube với cú pháp “Theo tháp nhu cầu của Maslow, con người...”

Nhưng độ nổi tiếng nhiều khi không đi kèm với sự tín nhiệm.

Nhu cầu của con người dưới góc nhìn của Maslow đang được hiểu thế nào?

Có một sự thật là chiếc tháp được chia thành 5 tầng mà chúng ta thường thấy không phải do Maslow tạo ra. Ông chỉ mô tả về sự phân tầng của các nhu cầu. Còn chiếc kim tự tháp là sản phẩm khái quát và hình tượng hoá của các nhà tâm lý học sau này.

Thaacutep nhu cầu theo học thuyết của Abraham Maslow
Tháp nhu cầu được minh hoạ theo học thuyết của Abraham Maslow. Tên gốc của các nhu cầu trong tiếng Anh (thứ tự từ đáy lên đỉnh): Physiological needs, Safety needs, Love and Belonging, Esteem, Self-actualization.

Theo giáo sư Douglas Kenrick của trường Đại học Arizona, chiếc tháp Maslow có sức hấp dẫn và dễ thẩm thấu đến vậy là vì bộ não của chúng ta ưa thích sự đơn giản. Ta thích những lối tắt để hiểu thế giới phức tạp. Nhất là khi lý thuyết của Maslow có thể dễ dàng quan sát ở cuộc sống xung quanh.

Điển hình là quá trình phát triển của một đứa trẻ. Khi còn sơ sinh, chúng cần được đảm bảo các nhu cầu thiết yếu như ăn no, uống đủ, ngủ say, mặc ấm. Đến tuổi đi nhà trẻ, chúng bắt đầu quan tâm đến việc kết bạn, biết ghen tị, sợ không được yêu thương. Lớn hơn thêm chút nữa, trẻ có thể để ý đến sự khác biệt về địa vị gia đình mình với gia đình của bạn bè, hay khó chịu khi không được bày tỏ, lắng nghe ý kiến.

Trong quản trị nhân sự, chiếc tháp Maslow được hiểu thành các công ty trước hết phải đáp ứng nhu cầu thiết yếu (ăn, mặc, ở, đi lại) của nhân viên bằng chế độ lương thưởng, đồng phục, ký túc xá nhân viên, xe đưa đón. Sau đó, họ cần nghĩ đến việc đáp ứng nhu cầu gắn kết tập thể, bằng chế độ hiếu hỉ, tổ chức sinh nhật,... Tiếp đó, công ty sẽ thể hiện mối quan tâm đến nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu thể hiện mình của nhân viên qua việc xây dựng cơ chế thăng chức, tăng lương.

Nhu cầu của con người không phải lúc nào cũng tăng tiến theo một trình tự nhất định

Nhiều ý kiến đã chất vấn cách giải thích tuyến tính và có phần cứng nhắc như bên trên. Tiếp nhận chúng, Maslow đã bổ sung cho lý thuyết của mình, rằng các tầng nhu cầu có thể gối đầu lên nhau, chứ không chuyển tiếp. Con người không cần thoả mãn 100% một tầng nhu cầu nhất định trước khi chuyển sang đáp ứng nhu cầu khác.

Tuy nhiên, vì kết luận này của Maslow vẫn không thể được kiểm chứng bằng thực nghiệm, nên một số nhà khoa học sau này đã đưa ra luận điểm mới rằng các nhu cầu có thể tồn tại song song. Đồng thời, sự tồn tại hay mức độ ưu tiên của các nhu cầu cũng có thể thay đổi phụ thuộc vào các yếu tố ngoại cảnh hoặc do những sự kiện, biến cố xảy ra trong cuộc sống.

Ví dụ, một chiến sĩ có thể sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy về tính mạng để bảo vệ người khác, bảo vệ danh dự và địa vị của một cộng đồng/quốc gia mình thuộc về (nghĩa là người này đang đánh đổi tầng 1 để đến tầng 4 trong tháp Maslow).

Hay khi bị vướng vào nợ nần, ly hôn, phá sản,... (mất kết nối với cộng đồng mình thuộc về) nhiều người không màng gì đến ăn uống, và thậm chí đánh mất tất cả các động lực, nhu cầu sống. Ngược lại, một người bị bệnh, không được đảm bảo về nhu cầu an toàn, cơ thể khỏe mạnh, nhưng vẫn cảm thấy có nhu cầu về cái đẹp và trí tuệ.

Ví dụ điển hình khác là nhiều nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, dù vật lộn với kế sinh nhai nhưng vẫn muốn hết mình dâng hiến cho nghệ thuật. Như danh họa Toulouse Lautrec bị cơ thể hành hạ liên tục. Như Van Gogh tự hành hạ chính cơ thể mình. Ông vẽ tranh cả đời nhưng tài năng dường như chỉ được công nhận khi đã qua đời. Việt Nam thì có Hàn Mặc Tử, Vũ Trọng Phụng hay Nam Cao sống một đời vì văn chương nghệ thuật mà không màng danh lợi.

Giải thích cho những trường hợp này, tiến sĩ Pamela Rutledge đã đề xuất một bản “sắp xếp lại” cho tháp nhu cầu của Maslow. Mô hình mới có dạng vòng tròn chỉ ra sự tương tác lẫn nhau giữa các nhu cầu. Tâm của vòng tròn là động lực kết nối, một động lực rất cốt lõi của con người. Điều này là tương ứng với kết luận rằng con người là một sinh vật xã hội.

Thaacutep nhu cầu Maslow phiecircn bản quotsắp xếp lạiquot
Mô hình về mối tương quan giữa các nhu cầu của con người được "sắp xếp lại" dựa trên tháp nhu cầu của Maslow (Pamela Rutledge).

Các giai cấp, tầng lớp xã hội có ưu tiên nhu cầu khác nhau, nhưng mức độ có thể không như bạn nghĩ

Dù lý thuyết của Maslow không đề cập rõ ràng, nhưng dường như có một “sự thật ngầm hiểu” phổ biến được suy ra từ chiếc tháp 5 tầng, rằng các nhu cầu ở tầng thấp thì quan trọng hơn đối với tầng lớp lao động. Các nhu cầu ở tầng cao hơn thì quan trọng hơn đối với tầng lớp trung lưu, thượng lưu.

Điều này có thể thấy rõ ở nhiều gia đình cha mẹ làm nông hoặc công nhân, nhưng nuôi con cái đi học đại học, cao đẳng. Tài khoản YouTube MJ Burgess chia sẻ rằng bố mẹ của cô chỉ tập trung vào những mục tiêu sinh tồn. Đối với họ, miễn là có thức ăn, quần áo, chỗ ở, bảo hiểm y tế thì mọi thứ đều đã ổn. Họ không muốn cô theo đuổi sự nghiệp trong ngành làm phim, vì đây là ngành mà theo họ là quá viển vông, mạo hiểm và “vốn chỉ dành cho những người nhà giàu, da trắng”.

Theo Lynda C. Graton, giáo sư trường London Business School, đúng là mỗi tầng lớp có mức độ ưu tiên cho các nhu cầu là khác nhau. Nhưng mức độ khác nhau giữa chúng có thể chưa được nhìn nhận chính xác.

Cụ thể, kết quả nghiên cứu của Graton về nhu cầu của 3 tầng lớp xã hội và mối tương quan với lý thuyết nhu cầu của Maslow đã chỉ ra rằng tầng lớp lao động vẫn có nhu cầu xã hội (thuộc về một cộng đồng) và nhu cầu khẳng định bản thân tương đối cao so với hai nhu cầu cơ bản. Họ cũng có nhu cầu tinh thần cao, chứ không chỉ quanh quẩn “hôm nay ăn gì?”

Cách hiểu đơn giản về nhu cầu của con người còn bị khắc sâu hơn nếu người đọc bị ảnh hưởng bởi lăng kính có giới hạn của truyền thông. Điển hình là hiện tượng được nhà xã hội học Ehsan Shah Ghasemi gọi với cái tên “khiêu dâm nghèo đói”. Nghĩa là các tổ chức, công ty, cá nhân dùng hình ảnh của người nghèo và tập trung mô tả sự túng quẫn của họ để thu hút sự chú ý của đại chúng.

Người nghèo ở đây không được nhìn nhận với đầy đủ quyền con người. Họ bị lược đi đời sống cộng đồng, văn hoá và tâm tư cá nhân, và hiện ra như những kẻ nhận bố thí. Chẳng hạn như hình ảnh những em bé dân tộc chân đất, cởi truồng đứng trước rừng thiêng nước độc của vùng núi phía bắc vẫn được trưng dụng làm điểm nhấn cho sự nghiệp của nhiều nhiếp ảnh gia kiêm nhà từ thiện. Cuộc sống của nhân vật chính trong bức ảnh hoặc có thể bị lãng mạn hoá hoặc “drama hoá” hơn thực tế.

Góc nhìn chủ quan của chúng ta lại càng có thể được củng cố thêm khi người đọc biết đến chiếc tháp tinh gọn của Maslow mà không tìm được những lời giải thích rõ ràng hơn.

Taacutec giả Gratton LC cho rằng mức độ quan trọng giữa caacutec nhu cầu coacute thể được phacircn biệt rotilde thocircng qua xem xeacutet caacutec tầng lớp xatilde hội thay vigrave nhigraven theo giới tiacutenh hay độ tuổi Nguồn Gratton LC
Tác giả Gratton L.C. cho rằng mức độ quan trọng giữa các nhu cầu có thể được phân biệt rõ thông qua xem xét các tầng lớp xã hội, thay vì nhìn theo giới tính hay độ tuổi. | Nguồn: Gratton L.C.

Khám phá hết tiềm năng của bản thân không (chỉ) là nhu cầu của một số cá nhân xuất chúng

Các học giả khác cũng lưu ý về cách Maslow nhận định việc giác ngộ, khám phá hết tiềm năng của bản thân (“self-actualization”, tầng cuối cùng trong tháp) là nhu cầu chỉ có thể xuất hiện ở một số con người xuất chúng.

Maslow có nhận định này sau khi khái quát hoá từ câu chuyện cá nhân của khoảng chục nhân vật lịch sử như Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln, Thomas Jefferson, nhà vật lý Albert Einstein, phu nhân Tổng thống Eleanor Roosevelt,... và 12 người ẩn danh khác sống cùng thời với ông.

Đây là một mẫu số quá nhỏ để nói lên một quy luật xã hội. Nhiều người cho rằng đây không phải là một phương pháp khoa học.

Gareth Costello, một học giả người Ireland chuyên nghiên cứu các học thuyết của Maslow, khuyến cáo chỉ nên coi giới cảnh giác ngộ như một trạng thái, chứ không phải là một nhu cầu. Nó là phạm trù trạng thái mà cả những con người bình thường, bị đày đọa, bị ngược đãi, những con người bất hạnh trong cuộc sống vẫn có thể đạt đến.

Mức độ ưu tiên và cách thể hiện nhu cầu thay đổi theo bối cảnh văn hoá

Một thiếu sót khác của tháp Maslow là nó không xét đến mức độ ưu tiên của các nhu cầu ở các môi trường văn hoá khác nhau.

Xuất thân từ Mỹ, môi trường văn hoá được cho là coi trọng chủ nghĩa cá nhân và có mức độ gắn kết nhóm thấp, Maslow đã xếp nhu cầu khẳng định bản thân lên đỉnh tháp. Tuy nhiên, ở các môi trường văn hoá có tính gắn kết nhóm cao như nhiều nước châu Á, nhu cầu được chấp nhận và thuộc về một cộng đồng có thể được xếp cao hơn nhiều.

Chẳng hạn, các học sinh châu Á có thể sợ phát biểu ý kiến cá nhân nếu họ nhận ra ý kiến của mình có thể phá vỡ bầu không khí đồng thuận đang có.

Nhu cầu của con người thay đổi tuỳ theo bối cảnh xatilde hội văn hoaacute
Nhu cầu của con người thay đổi tuỳ theo bối cảnh xã hội, văn hoá.

Ngoài ra, cùng là một nhu cầu khẳng định bản thân, tuỳ bối cảnh, môi trường văn hoá, sẽ có những cách thể hiện khác nhau. Nếu không xem xét các yếu tố này, mọi người có thể thường xuyên gặp hiểu lầm trong giao tiếp.

Chẳng hạn, theo mô tả của Maslow trong cuốn Các học thuyết tâm lý nhân cách, những người đạt đến tầng 5 (giác ngộ) là những người thích đời sống độc lập. Để khai thác hết tiềm năng của bản thân, họ phải hướng vào bên trong bản thân. Vì vậy, họ không thích sức ép đời sống xã hội, không dễ dàng hòa nhập ở nơi đông người.

Đó là nỗi cô đơn của những người thành công thường được mô tả trên truyền thông, phim ảnh. Tuy nhiên, theo Gareth Costello, những người giác ngộ cũng có thể có tính hướng ngoại. Họ nhìn ra thế giới bên ngoài để quan sát, khám phá, và soi chiếu lại bản thân.

Lý thuyết nào rồi cũng cần điều chỉnh

Không thể phủ nhận rằng, công trình nghiên cứu của Maslow có tầm quan trọng của người đi tiên phong. Nó giúp giải thích được nhiều vấn đề về động lực hình thành nhu cầu của con người ở mặt cơ bản.

Nghiên cứu của ông cũng có tính cách mạng thời đại, khi vào những năm 1900 các thí nghiệm về tâm lý học vẫn dựa chủ yếu trên phân tích hành vi của loài chuột, hoặc các trắc nghiệm máy móc. Ông đưa triết lý nhân văn vào tâm lý học, nhìn nhận con người như một tổng thể đa dạng với nhiều động lực, nhu cầu.

Tuy nhiên, như bất kỳ hệ thống lý thuyết nào, chiếc tháp Maslow cũng cần được cải tiến. Như chính ông vào năm 1962, sau 20 năm cho công bố lý thuyết, đã từng tha thiết kêu gọi mọi người hãy tiếp tục con đường do ông khởi xướng bằng những phương pháp khoa học nghiêm túc hơn. Người đọc lý thuyết thì đừng chỉ tin và đem ra xài ngay lập tức.

Chẳng hạn trong quản trị nhân sự, các nhà quản lý có lẽ cần cân nhắc đáp ứng các nhu cầu gắn kết, nhu cầu cần được tôn trọng và thể hiện mình của nhân viên một cách song song, thay vì theo tuần tự.