Poverty porn nói gì về văn hóa từ thiện? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Poverty porn nói gì về văn hóa từ thiện?

Từ thiện chỉ là giải pháp tình thế chứ không giúp xã hội tốt đẹp hơn.
Poverty porn nói gì về văn hóa từ thiện?

"Không có món quà nào miễn phí". | Nam Ph @namphstuff cho Vietcetera.

Đối với dân thành thị chúng ta, những người có internet để hóng phốt của người nổi tiếng và xem nghệ sĩ sao kê ngân hàng, từ thiện là định nghĩa quen thuộc. Nhưng là những người có tri thức, ta cũng đủ nhận thức để thấy hoạt động từ thiện ẩn chứa nhiều nguy cơ nảy sinh tiêu cực.

Cấp độ tiêu cực dễ thấy nhất là sự không minh bạch trong quá trình nhận tiền, trao quà. Ở cấp độ trừu tượng hơn, là hoạt động hỗ trợ xảy ra giữa tầng lớp cao với tầng lớp thấp. Việc từ thiện có thể khiến người nghèo không được nhìn nhận với đầy đủ quyền con người của họ.

Bị lược đi đời sống cộng đồng, văn hoá và tâm tư cá nhân, họ chỉ được truyền thông mô tả như những kẻ nhận bố thí. Thuật ngữ chỉ nội hàm của hiện tượng này là poverty porn (khiêu dâm nghèo đói).

Poverty porn là gì?

Poverty porn được nhà xã hội học Ehsan Shahghasemi nhận diện như bất cứ dạng truyền thông nào trưng dụng hình ảnh của người nghèo và thêm mắm thêm muối. Điều này nhằm gia tăng sự đồng cảm và ham muốn làm việc tốt của những người dư giả về mặt tài chính.

Hiện tượng này được cho là ra đời vào “thời kỳ hoàng kim của từ thiện (the golden age of charity)” vào những năm 1980. Ở thời kỳ này, tận dụng sự suy yếu của khối Liên bang Xô Viết, các nước phương Tây đổ tiền vào giúp đỡ các nước thuộc “thế giới thứ ba” nghèo đói để gia tăng vị thế trên vũ đài chính trị.

NGOs (các tổ chức phi chính phủ) đứng ra làm cầu nối giữa người dân phương Tây hoa lệ với người nghèo ở khắp nơi trên thế giới. Poverty porn là chiến lược truyền thông họ sử dụng nhằm đưa hình ảnh của thế giới thứ ba lên chương trình TV của các quốc gia giàu có.

Lần đầu tiên kể từ thời thuộc địa, người da trắng nhìn thấy một thế giới đầy méo mó với bệnh tật và đói kém vẫn đang tồn tại bên ngoài tháp ngà kinh tế của mình.

Vì sao cần nhắc đến poverty porn?

Vung tiền làm từ thiện, nhiều người để tâm hơn tới cảm giác thoải mái đạo đức (moral comfort) cho chính mình, chứ không thực sự quan tâm đến việc cải thiện đời sống cho người khác.

Họ không biết chính hoạt động tiêu thụ hàng hoá vô độ ở thành thị của mình mới là nguyên do sâu xa cho bất bình đẳng xã hội. Nó tạo ra những phụ huynh bỏ nhà lên phố làm thuê, những phu mỏ khoáng sản vùng cao và những đầu nậu vận chuyển hàng lậu qua biên giới…

Xem hình ảnh những em bé da đen gầy guộc qua báo đài, độc giả truyền thông chưa chắc đã phân biệt được những người cùng khổ này thuộc về quốc gia nào, nền văn hoá nào, và đâu là nguyên nhân sâu xa gây ra đói nghèo. Họ chỉ nhìn thấy những người cần được bố thí.

alt
Poverty porn khiến gia tăng sự đồng cảm và ham muốn làm việc tốt của những người dư giả về mặt tài chính.

Vì sao poverty porn gây tranh cãi?

Poverty porn gây tranh cãi vì hai đặc tính. Đầu tiên, nó gây khoái cảm đối với các tầng lớp trên: trông thấy người khác nghèo khổ, người khá giả cảm thấy tốt hơn về cuộc sống của mình.

Tiếp theo, nó đơn giản hoá cuộc sống của người nghèo. Poverty porn khiến những bất ổn chính trị, chiến tranh cát cứ, sự khai thác thuộc địa kiểu mới của các nước mạnh, hay sự đánh cắp văn hoá, chỉ còn là đói ăn thiếu mặc và những khó khăn thuần tuý vật chất.

Hiện tượng này cũng xảy ra ở Việt Nam, khi hình ảnh những em bé dân tộc chân đất, cởi truồng đứng trước rừng thiêng nước độc của vùng núi phía bắc vẫn được trưng dụng làm điểm nhấn cho sự nghiệp của nhiều nhiếp ảnh gia kiêm nhà từ thiện.

Tuy nhiên, không có món quà nào “miễn phí”

Quà tặng là thứ mang nhiều ý nghĩa

"Không có món quà nào miễn phí" là nhận định của nhà nhân học vĩ đại Marcel Mauss qua tác phẩm Luận về quà biếu (The Gift). Lịch sử của con người là lịch sử của trao tặng quà cáp. Biếu xén là một trong những thực hành trao đổi hàng hoá cơ bản nhất của chúng ta.

Món quà có giá trị vượt ra khỏi biên giới vật chất và tinh thần. Nó là biểu tượng cho địa vị cao của người tặng, và cũng là lời thách thức hồi đáp món quà có giá trị tương tự đối với người nhận. Từ đó, xã hội phân hoá ra nhóm có địa vị cao và nhóm có địa vị thấp.

Gói đồ từ thiện và chiếc phong bì của người giàu gửi tặng người nghèo có thể cứu đói lúc khẩn cấp. Giống như người xưa hay nói “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

... nhưng cũng là món hàng đổi chác

Tính chất biểu tượng của quà biếu như Marcel Mauss chỉ ra rằng người nghèo sau khi nhận trợ giúp còn phải gánh trên vai cảm giác mang nợ và bị ràng buộc đối với người giàu. Họ không thể trả lại thứ hàng hoá gì có giá trị tương tự.

Vì lẽ này, nhà nhân học James Petras lập luận, từ thiện giống như một thứ chủ nghĩa đế quốc kiểu mới. Mang theo viện trợ tới những nơi nghèo đói, bệnh tật, kẻ mạnh không đơn thuần chỉ muốn giúp đỡ. Làm thương hiệu cá nhân và thương hiệu tổ chức là sự “lấy lại” tối thiểu của họ.

Ở quy mô tập đoàn, quốc gia, hoạt động từ thiện còn gắn liền với khai thác tài nguyên thiên nhiên, tìm kiếm lao động địa phương, cũng như đàm phán để xây dựng nhà máy sản xuất cách xa đô thị.

Cái giá của sự “đổi chác” này là hiện tượng đánh mất bản sắc văn hoá và ô nhiễm môi trường. Dường như sau các khoản tiền từ thiện, người nghèo chẳng được gì hơn ngoài rắc rối đô thị.

alt
"Từ thiện giống như một thứ chủ nghĩa đế quốc kiểu mới".

Làm sao để từ thiện "sạch" hơn?

Bản chất của từ thiện là đổi chác giá trị. Đó là điều không thể thay đổi. Chính vì vậy, xã hội có quyền yêu cầu sự đổi chác này xảy ra công bằng và minh bạch, không có ai phải chịu thiệt quá nhiều ở đây. Đây là lúc việc sao kê trở nên cần thiết.

Sự minh bạch trong việc phân phối tiền từ thiện ngăn chặn được một vấn đề nan giải: Bạn tặng một món quà nhỏ nhưng lại đòi hỏi nhận lại một món quà lớn hơn. Và sự minh bạch cũng nên là một yêu cầu pháp lý, vì nguy cơ cá nhân sử dụng tiền huy động vào sai mục đích so với thoả thuận ban đầu là hoàn toàn có thể xảy ra.

Đòi hỏi tuân thủ những chuẩn tắc hành chính đối với người làm từ thiện cũng là phản ứng hoàn toàn hợp lý từ phía công chúng. Nó cho thấy, từ thiện chỉ là việc tốt tối thiểu người giàu có thể làm để duy trì sự bền vững của một xã hội cho phép họ tích luỹ nhiều của cải đến vậy.

Từ thiện không phải để lấp đầy một thứ phức cảm cứu độ (savior complex) của con người, nơi tầng lớp tinh hoa bỗng nhiên trở thành đấng cứu nhân độ thế. Nó là khoảnh khắc để ta thành thật với chính mình rằng xã hội này vẫn chưa lý tưởng như ta muốn, và ta là một phần nguyên nhân của điều đó.

alt
Minh bạch trong từ thiện nên là một yêu cầu pháp lý.

Kết

Từ thiện chỉ là một giải pháp tạm thời. Như bài viết đã đề cập, nghèo đói không phải một vấn đề đơn lẻ. Nó có liên quan đến hằng hà sa số những tiêu cực xã hội có tính hệ thống như tiêu thụ quá đà, khai khoáng vô tổ chức, đánh cắp văn hoá, v.v.

Vì vậy, để thay đổi cuộc sống của người nghèo và nhóm yếu thế, chúng ta cần có những giải pháp mang tính hệ thống như tăng độ hiệu quả của các chính sách công, có ý thức bảo vệ môi trường, và kiểm soát ảnh hưởng chính trị của tầng lớp thượng lưu.

Tuy nhiên, thay đổi xã hội không phải điều mà ngày một ngày hai chúng ta có thể làm được. Là một cá nhân nhỏ bé, điều tối thiểu tôi và bạn có thể làm ngay lập tức là yêu cầu các cá nhân và tổ chức từ thiện minh bạch về cả tài chính và sự đồng thuận sử dụng hình ảnh truyền thông của các nhóm yếu thế.

Vì tôn trọng lẫn nhau là nền tảng của một xã hội văn minh.