Vì sao chúng ta thích người mà mình hay gặp? | Vietcetera
Billboard banner
29 Thg 06, 2022
Cuộc SốngTâm Lý HọcBổ Não

Vì sao chúng ta thích người mà mình hay gặp?

Lý giải hiện tượng "lửa gần rơm lâu ngày cũng bén" theo tâm lý học.
Vì sao chúng ta thích người mà mình hay gặp?

Linh Thảo @in_prairie cho Vietcetera

Khác với kiểu “sét đánh” hay “yêu em từ cái nhìn đầu tiên”, có những thứ tình cảm lại lớn lên sau nhiều lần gặp gỡ. Người đời hay gọi đó là kiểu “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”.

Tại sao người bạn gặp ban đầu chẳng thấy gì hấp dẫn, nhưng về sau lại “lọt hố” lúc nào không hay? Tại sao việc chạm mặt một người nhiều lần lại khiến thiện cảm của ta leo lên nhiều bậc?

Rốt cuộc, phép diệu kỳ nào của tâm lý có thể khiến ta thích một người từ “con số không”?

Yêu thích những gì quen thuộc là một cơ chế tiến hóa

Theo nguyên tắc gần gũi (proximity principle) trong tâm lý học xã hội, phản ứng “tình” sẽ xảy ra khi đủ điều kiện khoảng cách và thời gian. Nghĩa là mối quan hệ dễ hình thành giữa những người ở gần và gặp nhau nhiều lần. Như nghiên cứu của Back, Schmukle, và Egloff, tình bạn phát triển một cách tự nhiên giữa những sinh viên ngồi cạnh nhau hoặc trong cùng một nhóm.

Cơ sở tiến hóa của hiệu ứng tiếp xúc thường xuyên (mere-exposure effect) cũng là một cách để lý giải. Ta thường có nỗi sợ ban đầu với những điều mới mẻ, bởi trước đây điều này giúp tổ tiên của chúng ta tránh ăn phải những loại quả lạ có chứa độc. Nhưng càng tiếp xúc, mọi thứ càng trở nên quen thuộc và an toàn. Dần dần, ta mở lòng đón nhận, như cách một bản nhạc “ngang phè” có thể gây nghiện sau nhiều lần nghe.

Moreland và Beach đã chứng tỏ điều này qua việc cho các sinh viên nữ tham gia một lớp học và chia họ thành các nhóm 5, 10, 15 lần đến lớp hoặc không đến buổi nào. Cuối cùng, như giả thuyết, những sinh viên có mặt nhiều hơn thì được yêu thích hơn.

Trong bộ phim How I met your mother hiệu ứng tiếp xúc thường xuyên còn được biết đến với cái tên mỹ miều là “thuyết nàng tiên cá” (the mermaid theory). Thuyết nàng tiên cá cho rằng ta có xu hướng thích, tin tưởng và bị thu hút bởi những người mà chúng ta thường xuyên tiếp xúc. Điều này cũng diễn ra tương tự với hấp dẫn tình dục. Tiền đề cho lý thuyết này đến từ việc các thủy thủ thời xưa thường dành nhiều thời gian trên biển đến mức nhầm lẫn lợn biển với những nàng tiên cá xinh đẹp.

alt
Tiền đề của "thuyết nàng tiên cá" đến từ việc các thủy thủ thời xưa dành nhiều thời gian trên biển đến mức nhầm lẫn lợn biển với những nàng tiên cá xinh đẹp.

Não thích những thứ quen thuộc vì nó giúp não “nhàn” hơn

Bên cạnh câu chuyện tiến hóa, “sự trôi chảy tri nhận” (perceptual fluency) cũng giúp chúng ta lý giải hiện tượng “càng ở bên ai đó lâu, ta càng thích họ”. Hiểu đơn giản, sự trôi chảy tri nhận chỉ việc chúng ta hiểu và diễn giải tốt hơn những gì mà mình đã từng thấy trước đó.

Ví dụ của hiện tượng này là việc chúng ta thích xem đi xem lại những bộ phim cũ. Lúc này, chúng ta cảm thấy bộ phim dễ hiểu hơn bởi đã nắm được cốt truyện, quen với nhân vật, nên cũng giảm đi lượng thông tin mới mà não phải tiếp nhận và xử lý.

alt
Mức độ yêu thích tăng theo tần suất tiếp xúc bởi vì sau khi quen thuộc với ai đó, não sẽ "bớt việc" hơn

Tương tự đối với người mà mình hay gặp, tần suất tiếp xúc khiến lượng thông tin lưu trữ về người đó nhiều hơn, từ đó não đỡ phải lo nghĩ xem ta cần phải nói gì, làm gì để không gây mất lòng. Nó giống như việc chúng ta thường nói chuyện thiếu kiêng nể với bạn thân bởi vì biết chắc rằng họ sẽ không hiểu lầm.

“Cùng dấu” thu hút hơn “trái dấu”

Do ưu ái tính quen thuộc, ta dễ gặp và phải lòng những người trên cùng “tầng mây”, có nhiều điểm chung về vẻ ngoài, sở thích, quan điểm, hoàn cảnh.

alt
Chúng ta thích những thứ quen thuộc vì đó là cách mà ta ghi nhận giá trị của mình.

Theo một số nghiên cứu, người cao có xu hướng thích người cao khác, người hạnh phúc có xu hướng thích người hạnh phúc khác, và nhiều người thích ở với người chung tần số hài hước. Dù sao thì người hiểu và tung hứng với câu đùa của bạn vẫn thích hơn là bị giội một gáo nước lạnh. Sự xác nhận và đồng thuận của đối phương với giá trị của ta chính là thứ dễ đưa ta vào lưới tình.

Chiến thuật hẹn hò hiệu quả

Bởi mức độ thân thiện của cảm giác quen thuộc, đây thường được coi là một chiến thuật hẹn hò hiệu quả. Điều này thể hiện qua những câu bông đùa như “Đẹp trai không bằng chai mặt” hay “Nhất cự li, nhì tốc độ”. Việc chạm mặt thường xuyên là cách hay để ghi điểm với đối phương. Thực chất, rất nhiều chuyện tình đã “đơm hoa kết trái” bởi vì cả hai có điều kiện gặp nhau mỗi ngày (học cùng lớp, làm cùng công ty).

Nhưng nên lưu ý, bạn cần có sự đồng ý và không gây phiền hà đối phương, nếu không thì rất dễ gây ra “tác dụng ngược”.