15 Từ vựng phải biết về startup, đúc kết từ Start Up | Vietcetera
Billboard banner

15 Từ vựng phải biết về startup, đúc kết từ Start Up

Start Up là một lát cắt đa sắc về thế giới khởi nghiệp, nơi người trẻ tham vọng được thử nghiệm, được sai và vấp ngã, được trao cơ hội để cất lên tiếng nói hoài bão.
15 Từ vựng phải biết về startup, đúc kết từ Start Up

Nguồn: Start Up

Nhờ kịch bản đầu tư, Start Up mở ra cho độc giả một “biển” kiến thức về khởi nghiệp. Cùng Vietcetera khám phá kho thuật ngữ hấp dẫn từng xuất hiện trong phim nhé.

1. Sand Box - Thung lũng Silicon Hàn Quốc

Bối cảnh chính của phim diễn ra tại khu công nghệ khởi nghiệp (giả tưởng) Sand Box, nơi được ví như thung lũng Silicon ở Hàn Quốc vì nhiều điểm tương đồng.

Trong lĩnh vực khởi nghiệp, sandbox là môi trường để các startup công nghệ triển khai các hoạt động thử nghiệm: ứng dụng công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trên thị trường. Năm 2012, cơ chế sandbox ra đời tại Mỹ. 3 năm sau, Cơ quan Điều hành Tài chính (FCA) tại Anh áp dụng hệ thống “điều chỉnh thử nghiệm - regulatory sandbox”. Từ đó, hơn 30 quốc gia bắt đầu áp dụng cơ chế này.

Trong lĩnh vực công nghệ, sandbox còn là hệ thống bảo vệ máy tính khỏi sự xâm nhập của các phần mềm độc hại. Nếu thiếu sanbox, một ứng dụng thứ 3 có thể dễ dàng truy cập vào dữ liệu người dùng và khai thác nguồn tài nguyên trên hệ thống.

2. Thung lũng Silicon đời thực

Thung lũng Silicon đời thực tọa lạc tại vùng vịnh phía Nam San Francisco, Bắc California, Mỹ. Đây là mái nhà của hơn 2000 công ty công nghệ hàng đầu, bao gồm cả những ‘ông lớn’ như Apple, Facebook, Google, hay Netflix. Trong mắt dân IT, thung lũng Silicon như miền đất hứa với những triển vọng nghề nghiệp hấp dẫn.

Năm 1909, David Starr Jordan - Hiệu trưởng trường đại học Stanford đầu tư tiền vốn vào sáng chế ống chân không của Lee deForest. Bước đi này đã khuyến khích công cuộc khởi nghiệp của nhiều doanh nhân. Nhằm gia tăng lợi nhuận, nhà trường thành lập khu công nghiệp Stanford, nơi cung cấp không gian văn phòng và cơ hội đầu tư cho các công ty non trẻ đang tìm chỗ đứng trên thị trường.

Cái tên "Silicon Valley” được cây bút Don Hoeffler đặt vào năm 1971, đây là tiêu đề cho loạt bài đăng thuộc tuần báo Electronic News. Silicon chỉ ngành công nghệ bán dẫn và công nghệ vi tính. Valley (thung lũng) chỉ thung lũng Santa Clara, thuộc cực Nam vịnh San Francisco.

3. Cold email - Email nguội/ngẫu nhiên

Không giống thư rác, cold email được gửi đi khi đã có sự nghiên cứu cẩn thận về nhóm khách hàng mục tiêu.

89% marketer nhận định, email là công cụ chính giúp họ thu thập tệp khách hàng tiềm năng. Nhằm tối ưu hiệu quả, nội dung cold email dần được cá nhân hóa để phù hợp với nhu cầu của tệp khách hàng riêng biệt. Ngoài thu thập thông tin khách hàng, cold email cũng giúp kết nối với đối tác tiềm năng, hỗ trợ tuyển dụng.

4. Angel investor - Nhà đầu tư thiên thần

Nhà đầu tư thiên thần là cá nhân sở hữu giá trị tài sản lớn, họ thường đầu tư với mục đích đổi lấy quyền sở hữu công ty. Angel investor còn có tên gọi khác như angel funder, private investor, seed investor hay business angel.

Vào năm 1978, khi nghiên cứu về phương thức doanh nghiệp huy động vốn, giáo sư William Wetzel của trường Đại học New Hampshire dùng thuật ngữ để định nghĩa angel investor: người đầu tư vốn ban đầu cho công ty khởi nghiệp. Đây cũng là lần đầu tiên thuật ngữ này được sử dụng.

Các nguồn đầu tư thiên thần thường tới từ: Gia đình và bạn bè, gọi vốn cộng đồng hoặc những cá nhân giàu có. Tại Việt Nam, các nhà đầu tư thiên thần nổi bật có thể kể đến:

  • Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên): Founder Bảo hiểm LIAN – Danh mục đầu tư: Be Home, Lô Tô Sài Gòn Tân thời, Lamita Dance Fitness….
  • Thái Vân Linh (Shark Linh): CEO Quỹ Đầu tư Việt Nam – Danh mục đầu tư: GCalls, Wisepass…

5. Venture capitalist - Nhà đầu tư mạo hiểm

Người tài trợ vốn cho các công ty khởi nghiệp hoặc doanh nghiệp nhỏ để đổi lấy cổ phần. Đây là những công ty có rủi ro cao nhưng sản phẩm, dịch vụ có tiềm năng tăng trưởng mạnh.

American Research and Development Corporation (ARDC) thành lập năm 1946 là một trong những tập đoàn đầu tiên thuộc sở hữu của quỹ đầu tư mạo hiểm. Các công ty khởi nghiệp trước đó đều được huy động vốn bởi gia đình hoặc cá nhân có thế lực tài chính. Ngược lại, nguồn tài trợ của ARDC tới từ các cơ sở giáo dục và công ty bảo hiểm.

Tại Việt Nam, Shark Tank (Thương Vụ Bạc Tỷ) là một chương trình giúp kết nối start up với các nhà đầu tư mạo hiểm. Nếu ý tưởng đủ đột phá, thực tế và có tiềm năng sinh lời cao, sản phẩm của bạn có khả năng được rót vốn.

Shark Tank lagrave chương trigravenh kết nối chủ đầu tư vagrave start up
Shark Tank là chương trình kết nối chủ đầu tư và start up

6. Hackathon - Cuộc thi lập trình

Hackathon là một sự kiện lập trình diễn ra trong thời gian ngắn, thông thường các đội thi có 24h hoặc 1 tuần để hoàn thiện sản phẩm. Thành viên đội nhóm thường bao gồm chuyên gia phát triển phần mềm, lập trình viên, nhà thiết kế đồ họa, người thiết kế giao diện, quản lý dự án…

“Giới coder” tại Việt Nam không còn xa lạ với tên gọi hackathon. Năm ngoái, tại sự kiện công nghệ toàn cầu DevFest, tổ chức bởi cộng đồng Google Developer Group thuộc Google, hackathon là một hoạt động quan trọng thuộc chuỗi sự kiện.

7. Accelerator - Mô hình tăng tốc khởi nghiệp

Là mô hình hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong giai đoạn đầu phát triển: cung cấp không gian làm việc, công cụ, dữ liệu, nguồn vốn, cố vấn...

Incubator (vườn ươm doanh nghiệp) và accelerator có rất nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên, giai đoạn hỗ trợ start up của accelerator thường diễn ra ngắn hơn, thời gian trung bình từ 3 - 4 tháng. Kết thúc giai đoạn này là ‘lễ tốt nghiệp’ hay ‘demo day’, trong đó start up phải thuyết trình về dự án.

Khu công nghệ khởi nghiệp Sand Box trong phim là một accelerator. Sau khi lọt top các dự án triển vọng nhất từ cuộc thi hackathon, đội nhóm của Seo Dal Mi được cung cấp không gian làm việc hiện đại, truy cập nguồn tài nguyên phong phú và lựa chọn cố vấn dự án.

Đội nhoacutem của Seo Dal Mi lagravem việc trong khocircng gian chung của Sand Box
Đội nhóm của Seo Dal Mi làm việc trong không gian chung của Sand Box

Accelerator đồng thời là nơi quy tụ của nhiều doanh nghiệp lớn, Seo In Jae tận dụng lợi thế này để xây dựng mối quan hệ với các nhà đầu tư tiềm năng.

8. Funding round - Vòng gọi vốn

Funding round là giai đoạn mà công ty khởi nghiệp cần vượt qua để thuyết phục nhà đầu tư rót vốn. Họ cần chứng minh được tiềm năng sản phẩm, sự tăng trưởng khách hàng theo thời gian.

1 vòng gọi vốn thông thường gồm có:

  • Pre-Seed Round - Vòng tiền hạt giống: Giai đoạn thành lập công ty và phát triển ý tưởng. Tiền vốn giai đoạn này chủ yếu đến từ người sáng lập công ty, gia đình hoặc bạn bè.
  • Seed Round - Vòng hạt giống: Giai đoạn công ty đã có sản phẩm mẫu. Nhà đầu tư thiên thần thường là người đứng sau tài trợ.
  • Series A: Khi công ty bán được sản phẩm, có doanh thu, bước vào giai đoạn ổn định. Nguồn vốn giai đoạn này thường đến từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.
  • Series B: Bước vào giai đoạn mở rộng mô hình kinh doanh. Số tiền có được dùng để tập trung tuyển dụng nhân lực, đầu tư quảng cáo, nâng cấp & mở rộng địa điểm.
  • Series C: Giai đoạn doanh nghiệp tăng trưởng mạnh và đạt thành tựu rõ rệt. Vốn đầu tư đến từ các tập đoàn lớn và được dùng để phát triển sản phẩm mới, mở rộng thị trường, gia tăng thị phần.

9. Burn rate - Tỉ lệ đốt tiền

Burn rate hiểu đơn giản là tốc độ chi tiêu hằng tháng của một start up. Trước khi tạo ra lợi nhuận, start up sử dụng tiền vốn của các nhà đầu tư mạo hiểm để chi trả cho hoạt động kinh doanh.

Hai loại burn rate chủ yếu là:

  • Gross Burn: tổng chi phí hoạt động mỗi tháng.
  • Net burn: tổng số tiền thực tế mỗi tháng.

10. Demo day

Demo day là ‘sân khấu’ dành cho các start up. Đây là thời điểm công ty khởi nghiệp trình bày kỹ về ý tưởng sản phẩm, đối tượng khách hàng, cột mốc doanh thu.

Thông thường, công ty khởi nghiệp chỉ có vài phút trong vòng demo day để trình bày ý tưởng và giải đáp khúc mắc từ nhà đầu tư. Vì vậy, nội dung cần ngắn gọn, thực tế và nhấn mạnh vào kết quả.

Trong phim, để giúp Seo Dal Mi tận dụng hết lượng thời gian ngắn ngủi, cố vấn Ji Pyeong đã trực tiếp sửa phần nội dung thuyết trình. Là người có kinh nghiệm “chinh chiến”, anh hiểu điều nhà đầu tư thực sự quan tâm không phải ý nghĩa nhân văn của sản phẩm, mà là giá trị lợi nhuận và tiềm năng phát triển lâu dài trên thị trường.

11. Elevator pitch

Thuật ngữ miêu tả một bài trình bày ngắn gọn về ý tưởng sản phẩm, dịch vụ hoặc dự án. Thời gian giới hạn của phần phát biểu được ví với thời gian ngắn ngủi khi đi thang máy (20-60 giây).

Trong giới tài chính, elevator pitch là cơ hội để thuyết phục nhà đầu tư mạo hiểm gây vốn. Một elevator pitch hiệu quả nên bao gồm thông tin về tính năng sản phẩm, thị trường mục tiêu, lợi ích mang lại và chi phí có thể tiết kiệm.

Bài thuyết trình về ứng dụng “Đôi Mắt” của Seo Dal Mi trong vòng demo day là một elevator pitch.

12. Viral Marketing - Tiếp thị lan truyền

Viral marketing là chiến lược marketing tác động đến hành vi chia sẻ thông tin của người dùng. Mục đích của viral marketing là thông qua hoạt động truyền miệng (word of mouth) hoặc Internet, thông điệp tiếp thị sẽ được lan tỏa đến các mối quan hệ của người xem. Mạng xã hội được xem là hệ sinh thái hoàn hảo cho viral marketing phát triển.

Năm 2018, Shopee ra mắt TVC quảng cáo trên nền nhạc Baby Shark. Nhờ chứa yếu tố người nổi tiếng (influencer) cùng giai điệu bắt tai, dễ nhớ, video nhanh chóng lan truyền trên khắp các phương tiện truyền thông. Dù có nhiều ý kiến trái chiều nổ ra, video vẫn đứng top thịnh hành trong suốt 1 thời gian dài và đạt hơn 65 triệu lượt xem trên Youtube, tính đến ngày 01/12/20.

13. Acquihire

Acquihire được ghép từ Acquisition (thu nhận, mua) và Hire (thuê). Đây là hình thức mua lại/sáp nhập một công ty để sử dụng nguồn nhân lực của công ty đó, thay vì sản phẩm hay dịch vụ.

Tập đoàn công nghệ 2STO trong Start Up đã mua lại công ty Samsan không phải do ứng dụng “Đôi Mắt”, mà vì muốn chiêu mộ các lập trình viên đến làm việc tại thung lũng Silicon.

14. Limited partner - Thành viên góp vốn

Limited partner hay Silent Partner, là một trong những nhà đầu tư. Tuy sở hữu một phần công ty và được hưởng lợi nhuận, Limited partner không đảm nhiệm vai trò quản lý trực tiếp, cũng như không có trách nhiệm cá nhân đối với các khoản nợ của công ty.