Bảo Nguyễn: “Chúng ta thường chỉ chú tâm vào cách làm mà quên mất lý do bắt đầu"

“Khi bạn tham quan một nơi mới, bạn có thể nhìn ra vẻ đẹp mà người dân ở đó không để ý đến. Vậy nên, sự thân thuộc đôi khi khiến cho cái đẹp bị che lấp”
Minh Trang
Nguồn: Khooa Nguyen cho Vietcetera

Nguồn: Khooa Nguyen cho Vietcetera

Bảo Nguyễn là một đạo diễn người Mỹ gốc Việt, được biết đến lần đầu nhờ màn ra mắt bộ phim tài liệu Live from New York! tại Liên hoan phim Tribeca 2015. Anh tiếp tục gây ấn tượng với công chúng thông qua bộ phim Be Water tái hiện lại cuộc đời của Lý Tiểu Long, và gần đây nhất là bộ phim tài liệu The Greatest Night in Pop.

Bộ phim kể về nguồn cảm hứng và quá trình hoàn thiện ca khúc kinh điển We Are The World đã nhận được vô số đánh giá tích cực và xếp hạng 1 toàn cầu trên Netflix vào tháng 2 năm nay.

Trong tập podcast Have A Sip vừa qua, anh đã có dịp chia sẻ về nguồn cảm hứng và quá trình thực hiện đằng sau các dự án phim, cũng như tầm quan trọng trong việc đại diện cho bộ phận người Mỹ gốc Á để cất lên tiếng nói về văn hoá. Thông qua cuộc trò chuyện, ta có thể thấy được một hình ảnh rất “be water” ở anh: Lúc cứng rắn, khi mềm mỏng, và linh hoạt thích ứng theo dòng chảy của thời cuộc.

Điều quan trọng để tạo ra một bộ phim là tận hưởng cả quá trình

Với các dự án nhiều thử thách như MV Đừng làm nó phức tạp , kết hợp cùng nữ ca sĩ Tlinh, đạo diễn Bảo Nguyễn cho biết kiệt sức là điều dễ gặp phải. Thế nhưng, sau một thời gian, anh vẫn nhìn lại những dự án này với niềm hân hoan và mong muốn được thử sức lại theo những cách khác nhau.

Chúng ta thường đặt ra mục tiêu “Tôi sẽ hạnh phúc nếu hoàn thành xong dự án này”, hay “Cuộc sống tôi sẽ trọn vẹn nếu mua được căn nhà này”. Tuy nhiên, điều này dẫn đến một nghịch lý: Nếu hoàn thành mục tiêu đó, liệu bạn sẽ không còn hạnh phúc nữa? Vị đạo diễn cho rằng hạnh phúc nên được nhìn nhận là cả quá trình để đến được đích cuối cùng.

Anh cũng áp dụng điều này vào quá trình làm phim của mình. Trong lúc làm một dự án phim anh thường sẽ không kỳ vọng nhiều về kết quả, chẳng hạn như khán giả sẽ phản ứng và nói gì về bộ phim. Thay vào đó, anh bắt tay vào làm hết sức và hoàn tất nó, rồi cho mình một khoảng nghỉ và nhìn lại tổng thể để có đánh giá khách quan hơn.

Để có thể kể một câu chuyện hay, vị đạo diễn cũng chú trọng tính kết nối giữa bộ phim và khán giả. Sau khi bộ phim được trình chiếu, nó sẽ không đơn thuần là câu chuyện về nhân vật chính, mà mỗi khán giả sẽ viết tiếp bộ phim dựa trên trải nghiệm của riêng mình. Vì vậy, anh mong muốn khán giả có thể đồng cảm hoặc có thêm góc nhìn mới về một chủ đề nào đó sau khi xem xong các bộ phim do anh thực hiện.

Sự không hoàn hảo làm nên những điều hoàn hảo

Đạo diễn Bảo Nguyễn có một cách tiếp cận khác thường khi xây dựng ý tưởng cho các bộ phim: Đi từ những điều tưởng chừng như không thể. Khi có ai đó trình bày ý tưởng mà họ nghĩ là không tiềm năng, anh sẽ nhìn theo hướng ngược lại. Và đó là cách một bộ phim mới được thành hình trong đầu vị đạo diễn.

Con người ngày càng có thêm sự lựa chọn, và khi phải đối mặt với quá nhiều lựa chọn, chúng ta luôn muốn chọn ra cái hoàn hảo nhất. Tuy nhiên, anh quan niệm rằng những mảnh ghép không hoàn hảo mới tạo nên một tổng thể hoàn hảo. Anh cũng liên hệ khái niệm này với mối quan hệ tình cảm. Chúng ta thường hy vọng vào một mối tình đẹp hay một cuộc hôn nhân đẹp.

Thế nhưng, những sự đổ vỡ trong tình cảm mới tạo nên một bản thể tốt đẹp và hoàn thiện hơn của hiện tại. Vị đạo diễn cũng tiết lộ những dự án trong tương lai cũng sẽ khai thác vào sự chân thật và những điều không hoàn hảo.

Trước khi bắt đầu với “Làm cách nào?”, hãy hỏi “Vì sao?”

Đạo diễn Bảo Nguyễn là một đạo diễn người Mỹ gốc Á, và được chú ý nhiều hơn nhờ một bộ phim xoay quanh một nhân vật cũng là một người Mỹ gốc Á - Be Water do Lý Tiểu Long đóng chính. Từ đó, anh hi vọng có thể phần nào đại diện cho cộng đồng này để giúp mọi người hiểu hơn về sự đa dạng trong văn hoá và thể hiện niềm tự hào dân tộc.

Đó cũng là cảm hứng để anh bắt đầu những bộ phim của mình. Trước khi suy nghĩ đến việc làm sao để tạo ra một bộ phim hay, hãy hỏi "Vì sao phải kể câu chuyện về những con người thuộc cộng đồng người Mỹ gốc Á?", hay "Vì sao lại cần một đạo diễn trong cộng đồng này kể những câu chuyện đó?"

Ví dụ như trong phần phim X-Men: Days of Future Past, nhân vật Mystique do nữ diễn viên Jennifer Lawrence thủ vai đã có một vài câu thoại bằng tiếng Việt. Điều này khiến các học sinh tại Việt Nam của vị đạo diễn rất thích thú và có cảm giác “Hollywood đang nghĩ về chúng ta”.

Vậy nên, khi Hollywood mở rộng sân chơi và chào đón những bộ phim có giá trị đa dạng chủng tộc, anh đã biết đó là thời điểm thích hợp để kể câu chuyện của những người thuộc cộng đồng người Mỹ gốc Á. Anh cũng cổ vũ các nhà làm phim độc lập tại Việt Nam hãy giữ vững tinh thần ngay cả khi ngành công nghiệp điện ảnh có thể trở nên đắt đỏ và phức tạp hơn.

Anh đánh giá cao tinh thần làm phim tại Việt Nam, đặc biệt ở những ý tưởng độc đáo, sự quyết tâm và khả năng vượt qua mọi thách thức. Đồng thời mong muốn thông qua sự nghiệp làm phim của mình, các nhà làm phim trẻ có thể nhìn thấy được phiên bản tương lai của họ và không bao giờ ngừng theo đuổi ước mơ.


Read full article

Most viewed