Các quỹ đầu tư mạo hiểm đổ hàng triệu đô vào startup thương mại điện tử Việt

Vừa qua, OnPoint đã huy động thành công 50 triệu đô la Mỹ ở vòng gọi vốn series B. Thương vụ triệu đô này càng chứng minh thị trường thương mại điện tử Việt Nam có tiềm năng khai thác rất lớn.
Hiezle Bual
Kể từ khi thành lập, OnPoint đã chú trọng đầu tư vào công nghệ, xây dựng một đội ngũ chuyên môn cao về thương mại điện tử và đam mê mang đến cho khách hàng dịch vụ tốt nhất. | Nguồn: OnPoint

Kể từ khi thành lập, OnPoint đã chú trọng đầu tư vào công nghệ, xây dựng một đội ngũ chuyên môn cao về thương mại điện tử và đam mê mang đến cho khách hàng dịch vụ tốt nhất. | Nguồn: OnPoint

OnPoint là nhà cung cấp các dịch vụ phát triển thương mại điện tử có trụ sở tại Việt Nam. Mới đây, OnPoint thông báo đã đã huy động thành công 50 triệu đô la ở vòng series B từ quỹ đầu tư SeaTown Private Capital Master Fund. Đây là quỹ đầu tư trực thuộc SeaTown Holdings International (SeaTown), thành viên của Temasek Holdings.

Với nguồn tài trợ mới này, OnPoint sẽ thúc đẩy thêm các giải pháp tiếp thị và bán hàng đa kênh để hỗ trợ nhãn hàng và người tiêu dùng tốt hơn. Sự hợp tác này cũng giúp OnPoint học hỏi được kinh nghiệm dày dặn và tiếp cận mạng lưới quan hệ rộng lớn trên khắp Đông Nam Á và trên toàn cầu của SeaTown trong lĩnh vực kinh tế số và tiêu dùng.

Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành của OnPoint - ông Trần Vũ Quang cho biết họ sẽ tiếp tục mở rộng hệ sinh thái về các dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử, củng cố nguồn nhân lực chất lượng cao và năng lực của hệ thống, đồng thời đầu tư vào các công nghệ lấy dữ liệu làm trung tâm.

Ông Quang nhấn mạnh rằng: "Tầm nhìn chiến lược của OnPoint là trở thành nền tảng kiến tạo giá trị cho các bên tham gia vào nền kinh tế số của khu vực Đông Nam Á. Từ các nhãn hàng, nhà bán hàng, nhà cung cấp dịch vụ, cho đến người tiêu dùng cuối cùng. Và sau hết là tạo nên giá trị cho người lao động cũng như các cổ đông của công ty."

Kể từ khi thành lập vào năm 2017, OnPoint đã chú trọng đầu tư vào công nghệ, xây dựng một đội ngũ chuyên môn cao về thương mại điện tử và đam mê mang đến cho khách hàng dịch vụ tốt nhất. Không chỉ cung cấp các giải pháp toàn diện, độc quyền cùng các sản phẩm tận dụng dữ liệu lớn, OnPoint còn liên tục đổi mới để giúp thương hiệu khai thác tiềm năng phát triển trên thương mại điện tử.

Thương mại điện tử - mảnh đất màu mỡ cho startup Việt

Thương vụ hàng triệu đô la của OnPoint là dấu hiệu rõ nhất cho thấy thị trường thương mại điện tử có tiềm năng khai thác rất lớn, đặc biệt với các startup Việt.

Đầu tháng 7 vừa qua, StartupBlink (trung tâm nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu) đã công bố bảng xếp hạng hệ sinh thái startup các quốc gia năm 2022. Trong đó, Việt Nam đứng thứ 5 ở khu vực Đông Nam Á (tăng 1 bậc so với năm ngoái), và thứ 54 trên thế giới (tăng 5 bậc so với năm trước).

Theo báo cáo của StartupBlink, thương mại điện tử là ngành có sức hút nhất trong giới khởi nghiệp ở Việt Nam. Có khoảng 39 startup (và vẫn đang tăng) hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử và bán lẻ. Đó là lý do hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam dẫn đầu khu vực về đổi mới sáng tạo.

Các startup thương mại điện tử khác như Aemi, FoodMap và OpenCommerce gần đây cũng đã huy động thành công hàng triệu đô la Mỹ từ các quỹ đầu tư mạo hiểm lớn trong khu vực. Một số thương vụ đầu tư vào startup thương mại điện tử cũng đang trong quá trình đàm phán.

GDP quý II năm 2022 của Việt Nam ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước. Để đạt được mức tăng trưởng này, thương mại điện tử đóng vai trò khá chủ chốt và sẽ còn mang lại tác động mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

Bước đi tiếp theo trong ngành thương mại điện tử

Dù các startup thương mại điện tử lần lượt đạt được nhiều chiến tích huy hoàng, thị trường này vẫn tràn ngập rủi ro và thách thức, dẫn tới áp lực phải luôn đuổi kịp những thành tựu mới.

Theo ông Quang, các doanh nghiệp thương mại điện tử phải liên tục thích ứng với các xu hướng công nghệ mới nhất và chủ động tìm kiếm đối tác kinh doanh để tận dụng thế mạnh của nhau.

"Ở OnPoint, chúng tôi có mở một chương trình “vườn ươm”, hoạt động như một bộ phận độc lập trong công ty để thử nghiệm các ý tưởng kinh doanh mới. Nếu chứng minh được một ý tưởng có khả năng mở rộng với mức kinh tế phù hợp, chúng tôi sẽ mạo hiểm đầu tư vào ý tưởng đó.”

Theo ông Quang, cácbước đi tiếp theo của ngành thương mại điện tử là mở rộng khả năng tiếp cận của thương mại điện tử đến khu vực nông thôn, giao dịch xuyên biên giới, và thương mại hóa vũ trụ ảo (metaverse). “Chính sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng và những đổi mới về công nghệ cũng như chuỗi cung ứng sẽ thúc đẩy các quá trình này diễn ra nhanh chóng."

Nhờ những công nghệ tân tiến như trí tuệ nhân tạo và học máy (machine learning), các nhà cung cấp công nghệ có thể giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quá trình chuyển đổi số. Khi môi trường kinh doanh ngày càng được số hóa, ngành thương mại điện tử sẽ phát triển hơn nữa, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 844) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành vào ngày 18/5/2016 giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện. Đề án có mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Chuyển ngữ bởi Bích Trâm


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất