Kỷ nguyên Web 3: Tương lai của Bitcoin sẽ thế nào?

Bài viết phác họa hành trình đầy biến động của Bitcoin từ thuở sơ khai đến hiện tại, được viết dưới góc nhìn của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình (đại học RMIT).
Dr. Binh Nguyen
Nguồn: Unsplash

Nguồn: Unsplash

Khi nhắc đến blockchain và Web3, người ta thường nghĩ ngay đến Bitcoin - "sản phẩm tiên phong" trong tài sản số phi tập trung. Không chỉ dẫn đầu về số lượng giao dịch, Bitcoin còn được xem là tài sản số lớn nhất thế giới.

Năm 2018, khi tôi lần đầu nghiên cứu về Bitcoin và blockchain, giới tài chính truyền thống (TradFi) vẫn còn dành cho những khái niệm này ánh nhìn xa lạ và ngần ngại. Tuy nhiên, nhờ việc phổ cập kiến thức và nâng cao nhận thức về Bitcoin và blockchain, tới nay giới TradFi đã dần cởi mở hơn với hai công nghệ này.

Mặc dù đã có những thăng trầm trong lĩnh vực tài sản số trong những năm qua, thế giới Web3 vẫn ghi dấu nhiều cột mốc. Nổi bật trong số đó là sự ra đời của đồng Ordinals, sự kiện Bitcoin Halving lần thứ 4, Mỹ phê duyệt các quỹ Bitcoin ETF giao ngay (Spot Bitcoin ETFs),...

Tại sao việc phê duyệt Bitcoin ETF giao ngay lại là một sự kiện quan trọng?

Trước tiên, tôi sẽ giải thích lý do vì sao ETF (Exchange Traded Fund), hay còn gọi là quỹ hoán đổi danh mục, lại trở thành phương tiện đầu tư phổ biến trên thị trường tài chính trong hai thập kỷ qua.

ETF cho phép đầu tư vào nhiều danh mục tài sản: từ cổ phiếu, bất động sản đến hàng hóa. Loại quỹ này còn giúp đơn giản hóa quá trình đầu tư vào các tài sản truyền thống như vàng hay dầu mỏ, vốn khó nắm giữ và chuyển nhượng.

Có thể nói, sự ra đời của Bitcoin ETF giao ngay đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc thể chế hóa Bitcoin như một loại tài sản. Loại quỹ này giúp nhiều nhà đầu tư lớn và nhỏ dễ dàng tham gia cuộc chơi Bitcoin, giải quyết được bài toán phức tạp khi mua và sở hữu Bitcoin.

Từ năm 2013, rất nhiều bên đã xin mở quỹ Bitoin ETF nhưng bị từ chối. Phải mất tới một thập kỷ sau, Mỹ mới phê duyệt quỹ Bitcoin ETF giao ngay. Đây là một hành trình dài hơi, phức tạp. Vì vậy, việc phê chuẩn này là một bước ngoặt lớn trong nỗ lực đưa Bitcoin trở thành một sản phẩm tài chính hợp pháp được quản lý chặt chẽ.

Tháng 10/2021, Mỹ đã cho phép giao dịch quỹ ETF hợp đồng tương lai Bitcoin (Bitcoin futures ETFs). Dù vậy, các nhà đầu tư vẫn chưa có cơ hội đầu tư trực tiếp vào Bitcoin thông qua một sản phẩm giao dịch trao đổi.

Trong những năm qua, nhiều công ty đã muốn triển khai quỹ Bitcoin ETF nhưng đều vướng phải rào cản về pháp lý. Vào tháng 1/2024, Mỹ đã phê duyệt một số đơn đăng ký giao dịch quỹ Bitcoin ETF. Đây là bước ngoặt lớn trong việc chấp thuận và hợp pháp hóa tài sản số trong ngành tài chính truyền thống.

Nỗ lực từ cộng đồng công nghệ Blockchain, đặc biệt là các công ty lớn như Binance, Coinbase hoặc Square, đã thúc đẩy sự phát triển và thu hút sự chú ý của công chúng đối với Bitcoin và tài sản số. Tuy nhiên, những khái niệm này vẫn còn tương đối mới và chưa được công nhận rộng rãi trong giới tài chính truyền thống.

Sự phức tạp trong quy trình và nhiều bất ổn khiến các nhà quản lý tài sản dè dặt trong việc mua và quản lý Bitcoin trực tiếp. Trong khi đó, với quỹ Bitcoin ETF giao ngay, nhà đầu tư vẫn có thể đầu tư vào Bitcoin mà không cần trực tiếp nắm giữ tài sản số. Đây là yếu tố then chốt, góp phần thay đổi cuộc chơi tài chính, mở ra cánh cửa cho giới TradFi tiếp cận Bitcoin và thị trường tài sản số rộng lớn.

Quỹ Bitcoin ETF giao ngay cho phép nhà đầu tư dễ dàng sở hữu Bitcoin thông qua chứng khoán có giá trị tương ứng. Mỗi chứng chỉ quỹ của quỹ ETF được bán ra đều đựa trên một lượng Bitcoin thật tương đương, do đó giá trị của quỹ ETF thực sự được bảo chứng bằng chính Bitcoin.

Việc giao dịch này tương tự như các sàn giao dịch chứng khoán truyền thống. Nhờ vậy, các nhà đầu tư mới có thể tiếp cận tài sản số dễ hơn mà không cần trực tiếp nắm giữ và quản lý. Có thể thấy, ETF Bitcoin là cầu nối giữa ngành công nghiệp tài sản số và ngành tài chính truyền thống, tạo nên một lộ trình đầu tư tinh giản và dễ tiếp cận.

Sự dịch chuyển trong thái độ của giới TraFi với tài sản số

Các nhà quản lý không chỉ ngày càng xem Bitcoin như một loại tài sản. Họ cũng tin tưởng vào cơ sở hạ tầng của Bitcoin, rằng các sàn giao dịch, người giám sát và nhà cung cấp thanh toán đều hoạt động tuân thủ theo quy định.

Theo tôi thấy, phố Wall sẽ chứng kiến thêm nhiều đổi mới khác xoay quanh Bitcoin. Đó có thể là những sản phẩm và dịch vụ tài chính mới, tích hợp Bitcoin vào danh mục đầu tư và hướng tới một tương lai mà Bitcoin được công nhận rộng rãi hơn.

Việc TradFi chấp nhận Bitcoin như một loại tài sản mới là một thay đổi ngoạn mục vì Bitcoin được đặt ngang hàng với những loại tài sản lâu đời khác như vàng, chứng khoán, trái phiếu, và bất động sản. Tôi mong rằng, điều này sẽ khuyến khích các nhà đầu tư tìm hiểu về giá trị (value proposition) của Bitcoin, từ đó thúc đẩy việc hợp pháp hóa Bitcoin nói riêng và tài sản số nói chung.

Chỉ vài năm trước, nhiều tổ chức tài chính truyền thống vẫn dành cho Bitcoin ánh nhìn nghi ngờ và thận trọng. Nhưng gần đây, những tổ chức này bắt đầu tham gia cạnh tranh để tung ra các sản phẩm tài chính về Bitcoin.

Điều này dù đi ngược lại với quan điểm ban đầu của họ, nhưng lại là dấu hiệu vui mừng cho ngành công nghiệp tài sản số. Khi những tổ chức tài chính truyền thống cũng bắt đầu giới thiệu khách hàng và đại chúng về Bitcoin, họ đã chấp nhận thử thách và thách thức những quan niệm lỗi thời về tài sản số.

Những sự kiện đáng lưu ý khác

Ngoài sự kiện Mỹ chấp thuận giao dịch quỹ Bitcoin EFT giao ngay, năm 2024 còn đánh dấu sự kiện Bitcoin Halving lần thứ 4. Dự kiến trong tháng 4 sắp tới, số phần thưởng mà “thợ đào" Bitcoin nhận được khi khởi tạo một khối sẽ giảm một nửa từ 6,25 xuống còn 3,125 BTC dể tránh lạm phát.

Sự kiện Halving còn là một phương pháp tạo ra sự khan hiếm, từ đó giúp gia tăng cam kết giá trị của Bitcoin và thu hút nhiều nhà đầu tư hơn.

Sự kiện này hứa hẹn sẽ thu hút sự chú ý từ giới đầu tư truyền thống, củng cố vị thế Bitcoin như một loại ‘vàng kỹ thuật số’. Giống như vàng, Bitcoin sở hữu nguồn cung hạn chế, chi phí sản xuất đáng kể và quy trình khai thác phi tập trung.

Năm 2023 còn là một năm nhiều sự kiện với Bitcoin, đặc biệt là với sự phát triển của hệ sinh thái Bitcoin Ordinal. Hệ thống này cho phép người dùng ghi trực tiếp các sản phẩm kỹ thuật số (NFT và mã thông báo) lên chuỗi khối Bitcoin, gắn kết chúng với từng Bitcoin hoặc Satoshi riêng lẻ.

So với NFT thông thường chỉ lưu trữ một biểu tượng của của sản phẩm kỹ thuật số trên blockchain, Ordinals cho phép lưu trữ chính sản phẩm số đó trên blockchain. Đây là một bước đột phá, giúp thúc đẩy thị trường sưu tầm tài sản số bùng nổ và được dự đoán sẽ củng cố vị thế của Bitcoin.

Dù mới ở giai đoạn đầu, Ordinals và công nghệ inscription - việc khắc thứ tự tạo ra tài sản kỹ thuật số - cho thấy tiềm năng tích hợp tài chính phi tập trung vào chuỗi khối Bitcoin.

Bước tiến này có thể biến Bitcoin thành một thứ tài sản hiệu quả hơn, cho phép người dùng tham gia nhiều dịch vụ tài chính phi tập trung, không chỉ mua, sở hữu và bán. Sức hút của Ordinals trên Bitcoin hứa hẹn mang đến những đổi mới và lượng người dùng khổng lồ trong tương lai gần.

Có thể nhìn thấy là Bitcoin sẽ ngày càng phát triển, nhất là khi vai trò của nó trong đổi mới tài chính ngày càng được công nhận.

Ngành tài chính truyền thống có thể sẽ dần kết hợp Bitcoin vào nhiều sản phẩm đa dạng hơn như chương trình hoàn tiền, dịch vụ cho vay và vay thế chấp, tài khoản tiết kiệm hay trái phiếu bằng Bitcoin. Những đổi mới này không chỉ giúp mở rộng công dụng của Bitcoin mà còn đưa Bitcoin tích hợp sâu rộng hơn vào hệ sinh thái TradFi.

Bitcoin đang vươn lên cạnh tranh trực tiếp với các tài sản vĩ mô như vàng, cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản. Khi loại tài sản số này trở thành "vàng kỹ thuật số", hiệu quả sử dụng vốn sẽ trở thành điểm độc đáo, tạo nên lợi thế cạnh tranh.

Bên cạnh sự khan hiếm vốn có, việc tối ưu hóa tiềm năng của Bitcoin sẽ là chìa khóa giúp loại tiền này chiếm lĩnh thị phần từ các loại tài sản truyền thống, củng cố vị thế trong bức tranh tài chính toàn cầu.


CẢNH BÁO RỦI RO ĐẦU TƯ CAO:

Loại hình đầu tư này hiện chưa được pháp luật Việt Nam công nhận. Do đó, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng và nâng cao cảnh giác khi tham gia. Hãy tránh xa các nền tảng giao dịch không uy tín.

Nội dung này không phải là lời khuyên tài chính. Giá trị của tài sản kỹ thuật số có thể biến động mạnh, dẫn đến việc lợi nhuận hoặc thua lỗ trong các khoản đầu tư. Số tiền đầu tư ban đầu có thể không được thu hồi đầy đủ. Vui lòng tham khảo kỹ Điều khoản và Cảnh báo rủi ro của chúng tôi trước khi đưa ra quyết định đầu tư.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất