Liệu Việt Nam đã sẵn sàng trước các cơ hội đầu tư ESG?

Buổi gặp gỡ 50 nhà đầu tư ESG Việt Nam đã mở ra một diễn đàn chia sẻ, trao đổi thông tin và tạo điều kiện kết nối các nhà đầu tư với doanh nghiệp tiềm năng.
Hiezle Bual
Nguồn: Vietcetera

Nguồn: Vietcetera

Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, con người phải đối mặt với lựa chọn mang tính tồn tại: Tìm ra giải pháp hạn chế tác động xã hội lên môi trường hoặc cam chịu và trả giá cho hậu quả mình gây ra. Nhiều hội nghị quốc tế và hiệp định được đặt ra với nỗ lực tìm kiếm sự chung tay của toàn nhân loại trong lĩnh vực và khía cạnh cuộc sống để cứu lấy hành tinh.

Các khái niệm về phát triển bền vững và nguyên tắc ESG từ đó cũng ra đời và trở thành mục tiêu toàn cầu trong mọi ngành nghề, bao gồm cả lĩnh vực đầu tư vốn chỉ chú trọng vào lợi nhuận. Đầu tư “xanh" hay đầu tư theo nguyên tắc ESG (Environmental - Môi trường, Social - Xã hội, Governance - Quản trị) đang dần chiếm vị trí tối quan trọng trong nền kinh tế của nhiều quốc gia. Ông Daniel Stork - Tổng Lãnh sự quán Vương quốc Hà Lan tại TP.HCM - nhấn mạnh: "ESG không phải là vấn đề lựa chọn, mà là sự cấp thiết."

Dù ESG là một tiêu chuẩn kinh doanh còn khá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng bà Vân Ly, Đối tác tại Raise Partners, cho biết: "Đừng sợ những gì bạn không biết". Khi đầu tư với lăng kính ESG, lợi nhuận tài chính không phải tất cả. Thứ cần ưu tiên là tính bền vững, tác động đến môi trường, xã hội, kinh tế địa phương, và khả năng quản trị. Họ tìm kiếm các công ty có chung lý tưởng về môi trường và xem xét tác động xã hội của các khoản đầu tư, từ đãi ngộ công bằng, lương bổng nhân viên, cho đến các hoạt động cộng đồng. Tính minh bạch, trách nhiệm và khả năng quản trị mạnh mẽ là những yếu được các nhà đầu tư đánh giá cao ở một doanh nghiệp.

Các nhà đầu tư này tích cực đồng hành với doanh nghiệp nhằm cố gắng thúc đẩy những thay đổi tích cực. Họ muốn các khoản đầu tư phải đáp ứng được những nguyên tắc bền vững và vẫn mang lại lợi nhuận tài chính dài hạn. Câu hỏi đặt ra là: Việt Nam đã sẵn sàng để thu hút các cơ hội đầu tư như vậy chưa?

Đây là nội dung mà Buổi gặp gỡ 50 nhà đầu tư ESG Việt Nam vừa diễn ra vào ngày 31/5 và 1/6 vừa qua. Diễn ra tại khách sạn New World Saigon Hotel, buổi gặp mặt có sự góp mặt của gần 400 người tham gia, 50 diễn giả và chuyên gia từ khu vực tư nhân và công cộng, bao gồm các quỹ đầu tư hàng đầu như Dynam Capital Limited, Vietnam Holding, Climate Fund Managers, Sarona Asset Management, Emerging Markets Impact Investment Fund (EMIIF) và Patamar Capital. Các chuyên gia đã cùng nhau thảo luận về những thách thức, giải pháp và cơ hội đầu tư trong bối cảnh Việt Nam áp dụng các nguyên tắc ESG vào quá trình hội nhập toàn cầu.

Đồng tổ chức bởi Raise Partners và Vietcetera Media, Buổi gặp gỡ 50 nhà đầu tư ESG Việt Nam là diễn đàn cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp hàng đầu gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu về các khoản đầu tư minh bạch, vừa mang lại lợi suất cao vừa có thể giải quyết các nhu cầu xã hội, môi trường và kinh tế.

Buổi họp mặt ưu tiên trình bày quan điểm đầu tư ở nhiều lĩnh vực thông qua lăng kính ESG tại Việt NaM, Từ đó giúp người nghe xác định được các cơ hội và thách thức mà doanh nghiệp ESG Việt Nam đối mặt. Ngoài ra, buổi họp mặt còn mở ra cơ hội kết nối cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Dưới đây là những chủ đề được thảo luận sôi nổi trong Buổi gặp gỡ 50 nhà đầu tư ESG Việt Nam.

Việt Nam đối mặt với cơ hội và thách thức ESG nào?

Trong bài phát biểu về "Các tiêu chuẩn đầu tư ESG ở Việt Nam dành cho các nhà đầu tư tổ chức", ông Craig Martin - Chủ tịch Dynam Capital, khẳng định việc tuân thủ các tiêu chuẩn ESG sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thế hệ nay và mai sau, tuy nhiên chặng đường này còn rất nhiều chông gai.

Ông nhấn mạnh: "Chúng ta cần các giải pháp ESG tân tiến để giải quyết những thách thức này và tạo ra thay đổi tích cực cho con người và hành tinh. Đây không chỉ là trách nhiệm đạo đức, mà là lựa chọn sáng suốt hiện nay."

Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho các khoản đầu tư ESG nhờ tiềm năng phát triển năng lượng xanh lớn, tốc độ đô thị hoá cao, và nhu cầu tìm kiếm cơ hội đầu tư bền vững cũng đang gia tăng. Tuy nhiên, để đi con đường bền vững lâu dài, điều tiên quyết là giải quyết được các vấn đề liên quan đến thị trường bất động sản và quản lý chất thải nhựa.

Hiện nay, các nhà đầu tư ngày càng chú trọng đến yếu tố ESG, từ đómối quan tâm về tính minh bạch, khả năng so sánh, và rõ ràng về chỉ số và phương pháp đo lường ESG cũng tăng lên - ông Craig đề cập. Nếu nỗ lực hợp tác và đề ra các chiến lược ESG sáng tạo, Việt Nam sẽ có thể trở thành điểm đến hấp dẫn cho các thương vụ đầu tư bền vững.

Ông Craig cũng đưa ra một câu hỏi đáng suy ngẫm, thúc đẩy người nghe nhìn về tương lai: “Nếu một đứa trẻ ra đời vào năm nay, 27 năm nữa, đứa trẻ đó sẽ được sống trong môi trường như thế nào? Tôi không biết chắc chắn. Nhưng mọi sự thay đổi đều có thể bắt đầu từ ngày hôm nay, khi chúng ta ngồi với nhau ở đây, cùng thảo luận về phát triển bền vững, về sự đầu tư vào ESG sẽ tác động thế nào đến cuộc sống của thế hệ tiếp theo”.

Đầu tư vào cơ hội công bằng, lực lượng lao động và khả năng lãnh đạo

Trong phiên thảo luận về "Đầu tư vào các cơ hội công bằng (inclusive opportunities), lực lượng lao động và khả năng lãnh đạo", bà Shuyin Tang, CEO và đồng sáng lập quỹ Beacon Fund, đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tính đa dạng. Đầu tư vào tính đa dạng không chỉ phù hợp về mặt đạo đức mà còn mang lại lợi ích kinh tế thiết thực.

Khi mới thành lập 12 năm trước, Patamar Capital tập trung chủ yếu vào giải quyết vấn đề cân bằng cơ hội kinh tế. Nhưng khi kiểm tra danh mục đầu tư đợt đầu, họ nhận ra các vị trí lãnh đạo như CEO, thành viên hội đồng quản trị và đội ngũ quản lý cấp cao thiếu trầm trọng nữ giới.

Phát hiện này khiến quỹ phải nhìn nhận lại vấn đề đa dạng giới tính, đặc biệt là khi tệp khách hàng của họ chủ yếu là phái nữ. Vì vậy, ngoài sứ mệnh cân bằng cơ hội kinh doanh, Patamar Capital cũng bắt tay vào giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính này.

Eddie Thai, đồng sáng lập và là General Partner của Ascend Ventures Việt Nam, quan niệm rằng nơi đâu cũng có nhân tài, nên ở đâu cũng tiềm ẩn cơ hội kinh doanh đáng khám phá . Tuy nhiên, cơ hội kinh doanh lại không được phân bổ đồng đều. Vì thế, Ascend Ventures Việt Nam chủ động tìm kiếm những cơ hội bị người khác bỏ qua. Ngay từ những ngày đầu, thương vụ đầu tiên họ đầu tư là một startup có nhà đồng sáng lập là nữ giới. Nhưng vấn đề là 19 thương vụ sau đó, toàn bộ danh mục đều có nhà lãnh đạo là nam giới.

Điều này Ascend Ventures Việt Nam phải nhìn nhận lại phương pháp đánh giá của họ, và tiến hành điều chỉnh, theo dõi. Ông Eddie chia sẻ: “Sự điều chỉnh này đã mang lại hiệu quả , khi tỉ lệ giới tính ở cấp lãnh đạo có sự cải thiện, và chính điều này giúp chúng tôi xử lý được nhiều rủi ro.”

Đầu tư vào tính đa dạng và công bằng là yếu tố rất quan trọng cho hành trình tăng trưởng bền vững của Việt Nam. Serge LeVert-Chiasson, CEO của Sarona Asset Management, cho biết: "Tại hầu hết mọi nền kinh tế, bao gồm Canada và Việt Nam, phụ nữ thường bị thiệt thòi so với nam giới về khả năng tiếp cận vốn, nguồn lực và nhận được sự tư vấn".

Serge nói thêm rằng, chỉ khi thúc đẩy một môi trường đề cao tính đa dạng, Việt Nam mới có thể khai phá hết tiềm năng phát triển bền vững.

COP 26 & JETP: Đầu tư vào trung hoà carbon và chuyển đổi năng lượng

Việt Nam và Nhóm đối tác Quốc tế IPG (International Partners Group) đã thiết lập quan hệ Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP) vào ngày 14/12/2022. Khoản hỗ trợ 15 tỷ USD từ JETP sẽ hỗ trợ Việt Nam trên hành trình đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Bà Hà Đỗ, Trưởng bộ phận ESG của KPMG tại Việt Nam và Campuchia, đã chia sẻ về những cơ hội và rủi ro trong ngành công nghiệp tiện ích, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến JETP. Theo bà Hà, Việt Nam đang có 2 cơ hội lớn.

Thứ nhất, đất nước đang đối mặt với tình trạng thiếu điện ngày càng gia tăng, trong khi đặt ra tham vọng sản xuất 40% lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2050. Đây là cơ hội rộng mở cho các nhà đầu tư và nhà phát triển trong lĩnh vực năng lượng xanh (điện mặt trời, điện gió, gió ngoài khơi và các dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn).

Thứ hai, Việt Nam có thể tận dụng khoản hỗ trợ từ JETP để xây dựng khung pháp lý và tăng cường năng lực xanh hóa. Các vấn đề liên quan đến khung pháp lý có thể là các quy định, quy trình, và các hiệp định mua bán năng lượng lớn. Một môi trường pháp lý rõ ràng, đảm bảo được sự hỗ trợ cho nhà đầu tư sẽ giúp thu hút nhiều khoản đầu tư quy mô lớn hơn vào các dự án năng lượng xanh.

Về mặt rủi ro, bà Hà nêu lên 2 vấn đề chính. Thứ nhất là rủi ro từ việc trì hoãn triển khai khung pháp lý hoặc triển khai chưa thỏa đáng. Thứ hai là từ việc thiếu hụt những hỗ trợ cần thiết cho nhà đầu tư.

Việt Nam đang trong quá trình nghiên cứu và xây dựng các kế hoạch, lộ trình pháp lý để hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0", nhưng việc triển khai và thực thi hiệu quả có thể sẽ vấp phải khó khăn. Trong khi đó, các nhà phát triển và dự án ESG cần những quy trình quản lý kịp thời và hiệu quả để có thể hoạt động suôn sẻ.

Rủi ro thứ hai liên quan đến nhu cầu hỗ trợ pháp lý của các nhà đầu tư trong khu vực. Họ cần sự hỗ trợ từ chính quyền để đảm bảo các dự án được triển khai thành công, đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư tiềm năng đầu tư bền vững.

Đầu tư vào con người

Nhiều doanh nghiệp và cá nhân thường liên hệ ESG với các hoạt động về môi trường và tiêu chuẩn quản trị. Tuy nhiên, tác động xã hội và hạnh phúc của con người cũng là yếu tố không thể thiếu của một chiến lược ESG toàn diện.

Một số doanh nghiệp, như PNJ - công ty bán lẻ trang sức lớn nhất Việt Nam, đã sớm nhận ra việc đầu tư vào con người không chỉ giúp thúc đẩy tính bền vững mà còn góp phần tăng trưởng lợi nhuận.

Trong phiên thảo luận "ESG không phải cuộc chạy nước rút mà là cuộc đua đường dài" (ESG is a Marathon, Not a Sprint), bà Trần Phương Ngọc Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Trưởng ban ESG tại PNJ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp định hướng giá trị, điều chỉnh các hoạt động kinh doanh theo hướng có trách nhiệm và mang lại tác động tích cực, đồng thời không ngừng học hỏi và thích nghi với các khái niệm và ý tưởng mới.

PNJ kết hợp cam kết bền vững của mình với mục đích kinh doanh để cho ra phương châm: "PNJ hành động có trách nhiệm để tôn vinh vẻ đẹp của con người và cuộc sống một cách bền vững”. Để đạt được điều này, PNJ đã thành lập một tiểu ban ESG nhằm xác định ra các ưu tiên chiến lược như thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải nhà kính theo lộ trình quốc gia, quản lý nguồn thải, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, phát triển nguồn lực con người, tác động đến cộng động, và hệ thống báo cáo kiểm kê minh bạch.

Dù vẫn đang trong giai đoạn đầu chuyển đổi những ưu tiên này thành các dự án cụ thể, PNJ đã và đang thực hiện tốt việc tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, báo cáo và công khai đầy đủ kịp thời, từ đó xây dựng một cơ sở vững chắc cho nỗ lực phát triển bền vững.

Bằng việc cân bằng các nguyên tắc ESG với lợi ích tài chính, PNJ đã xây dựng được nhiều mối quan hệ hợp tác và dành được sự ủng hộ từ đội ngũ nhân viên, khách hàng, nhà phân phối và nhà đầu tư.

"Sẽ không có đổi mới nếu không có thay đổi"

"Cho dù chúng ta đang thảo luận về ESG hay DEIA (Diversity – Đa dạng, Equity – Công bằng, Inclusion – Hòa nhập, Accessibility – Hỗ trợ tiếp cận), hành trình của mỗi doanh nghiệp và nhà lãnh đạo đều khởi đầu từ nơi hiểu được giá trị của họ" - Amy Kunrojpanya, Phó chủ tịch Quan hệ công chúng khu vực APAC của Netflix, cho biết.

Trong phần chia sẻ về "Đầu tư vào DEIA", Amy nhấn mạnh rằng sứ mệnh của Netflix là đáp ứng nhu cầu giải trí cho toàn thế giới, và tham vọng trở thành một công ty giải trí toàn cầu. Việc Netflix đầu tư vào các chương trình DEIA không chỉ mở rộng nhân lực của doanh nghiệp này trên toàn cầu mà còn thúc đẩy phát triển các nội dung gốc (Netflix Original) ở những nước bản địa, bao gồm Việt Nam nói riêng và Đông nam Á nói chung.

Mục tiêu của Netflix là "mang đến niềm vui, một thoáng thoát ly khỏi thực tại và kết nối hàng tỉ người trên thế giới" bằng sức mạnh nghệ thuật kể chuyện, để càng nhiều người với xuất thân khác nhau có thể nhìn thấy bản thân và cuộc đời họ phản chiếu trên màn ảnh.

Amy đã tóm tắt phương pháp tiếp cận DEIA của Netflix bằng 4 chữ C: Consciousness - Ý thức, Competency - Năng lực, Compassion - Lòng trắc ẩn và Courage - Lòng can đảm. Bà cũng nhấn mạnh: "Cách tiếp cận này không nằm ngoài hoạt động kinh doanh của chúng tôi mà đó là trọng tâm của tất cả hoạt động tại Netflix". Amy kết thúc bài nói bằng lời kêu gọi hành động để hướng tới một tương lai toàn diện hơn. "Sẽ không có đổi mới nếu không có thay đổi."

Trong một phiên thảo luận khác, ông Kelvin Vương, Giám đốc Quản lý Quỹ CFM B.V, khẳng định y tế và năng lượng sạch là hai lĩnh vực hứa hẹn thu hút đầu tư ESG vào thị trường Việt Nam nhất.

Theo ông Kelvin, việc đáp ứng tất cả các tiêu chí ESG cần thiết để thu hút đầu tư là một thách thức không nhỏ, nhưng đội ngũ đứng sau tất cả những nỗ lực này mới thực sự là yếu tố quan trọng. "Vấn đề cốt yếu là xây dựng được một đội ngũ thấu hiểu được quan điểm quốc tế lẫn văn hoá địa phương, từ đó mới đưa ra được những phương pháp tiếp cận hài hoà và thiết thực nhất cho chặng đường bền vững lâu dài."

Sau cùng, để nỗ lực ESG không phí hoài, tất cả phải khởi sự từ những cá nhân có hiểu biết sâu sắc về nhu cầu của đất nước, cũng như làm thế nào các khoản đầu tư và mối hợp tác phù hợp tạo ra được những thay đổi tích cực. Mỗi cá nhân được trang bị kiến thức, tư duy đổi mới và có thể tự đưa ra những quyết định đúng đắn sẽ mang lại đà tăng trưởng cho các sáng kiến ESG, từ đó tạo ra những thay đổi ý nghĩa cho xã hội, môi trường, và kinh tế.

Tầm nhìn lâu dài

Những nỗ lực đổ vào các sáng kiến ESG liệu có xứng đáng?

Trong phần chia sẻ về "Tương lai của ESG - Triển vọng toàn cầu và bài học kinh nghiệm về tác động", ông Michael Traill AM, Nhà sáng lập Social Ventures Australia, đã đào sâu vào bối cảnh phát triển của lĩnh vực đầu tư ESG.

Từ kinh nghiệm huy động vốn và hỗ trợ nhiều doanh nhân của bản thân, Michael nhấn mạnh cần phải liên hệ các hệ quả của biến đổi khí hậu vào nhiều lĩnh vực tác động xã hội, đồng thời vẫn đảm bảo được khả năng phân tích tỉ mỉ và tìm kiếm lợi nhuận có mức rủi ro thấp.

Cũng theo Michael, khi chúng ta nhận thức được mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và tác động của nó đến xã hội, ta có thể chủ động giải quyết chúng với một tư duy tích cực và thận trọng, từ đó mang lại những kết quả khả quan.

Để hiểu thêm tầm nhìn lâu dài của Việt Nam với cam kết bền vững, các nhà đầu tư có thể nhìn vào cách các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận và giải quyết các tác động của họ với môi trường, xã hội, và kinh tế trong hoạt động hằng ngày.

Hoạt động tại Việt Nam gần 3 thập kỷ, KPMG đã có cơ hội quan sát quá trình chuyển đổi tư duy ở cả khu vực nhà nước và tư nhân. Trong những năm gần đây, càng nhiều doanh nghiệp tư nhân thành lập uỷ ban ESG và áp dụng các nguyên tắc ESG có ảnh hưởng lớn đến thành tựu chung của doanh nghiệp. Điều này cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức của ban lãnh đạo doanh nghiệp về ESG.

Về phía nhà đầu tư, họ cũng cần cẩn thận đánh giá cách ban lãnh đạo của doanh nghiệp đưa ra quyết định cũng như mức độ minh bạch của doanh nghiệp, để giảm thiểu những rủi ro liên quan khi rót vốn. Nhà đầu tư có thể sử dụng khung ESG đã điều chỉnh và các phương pháp báo cáo để hỗ trợ quá trình này. Việc theo dõi và đánh giá nhất quán sẽ đưa ra được kết quả đánh giá xác đáng về mức độ cam kết của một doanh nghiệp với hoạt động kinh doanh bền vững. Theo bà Hà Đỗ của KPMG, câu hỏi đầu tiên khách hàng luôn đặt ra là "Chúng tôi dùng chỉ số nào để đánh giá doanh nghiệp?"

Nhìn về tương lai, những tiến bộ mà Việt Nam đạt được trên hành trình ESG cho thấy tiềm năng phát triển lâu dài của đất nước. Trong bối cảnh Việt Nam đang phấn đấu phát triển kinh tế, việc tích hợp các nguyên tắc ESG sẽ thúc đẩy quá trình phát triển bền vững và đưa Việt Nam trở thành một nhân tố quan trọng trong bối cảnh ESG toàn cầu. Các nhà đầu tư và doanh nghiệp sẽ tiếp tục triển khai và nắm bắt các cơ hội kinh doanh bền vững, đưa Việt Nam lên vị trí tiên phong trong lĩnh vực quản lý môi trường, trách nhiệm xã hội, phát triển kinh tế địa phương và quản trị doanh nghiệp.

Tóm lại, mọi thay đổi đều khởi đầu từ việc đặt câu hỏi. Trong bối cảnh ESG, đặt câu hỏi khuyến khích tư duy phản biện, tính trách nhiệm và minh bạch - tất cả đều là nền tảng cho những thay đổi đột phá trong kinh doanh và tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn.

Những hình ảnh khác trong hội thảo:

Cảm ơn Dynam Capital, Vietnam Holding (Nhà tài trợ Vàng), KPMG Vietnam, HSBC Vietnam, DEEP C Industrial Zone (Nhà tài trợ Bạc), Australian DFAT, The Kingdom of the Netherlands Consulate, Raise Partners, The Embassy of Belgium in Vietnam (Partners), New World Saigon Hotel (Tài trợ địa điểm) và AmCham, AusCham, EuroCham, BeluxCham, HKBAV (Tài trợ truyền thông) đã hỗ trợ Vietcetera tổ chức buổi gặp gỡ.

Chuyển ngữ bởi Bích Trâm


Read full article

Most viewed