‘Nước chấm’ – Cú nổ tiếp theo trong thị trường gia vị nước Mỹ

Xuất hiện trong những phần ăn nhà hàng và trên các kệ hàng siêu thị, ‘nước chấm’ đang sẵn sàng gia nhập thị trường phổ thông nước Mỹ.
Brandon Muhawi
'Nước chấm' - loại gia vị đại diện cho nền ẩm thực Việt Nam và là hương vị không thể thiếu trong mỗi mâm cơm của người Việt. | Nguồn: Shutterstock

'Nước chấm' - loại gia vị đại diện cho nền ẩm thực Việt Nam và là hương vị không thể thiếu trong mỗi mâm cơm của người Việt. | Nguồn: Shutterstock

Từ lâu, những chai gia vị mang đậm chất ẩm thực Châu Á đã len lỏi vào trong ngăn bếp và bàn ăn của người Mỹ.

Có thể kể đến như nước tương trong những năm gần đây rất được ưa chuộng, đến mức chỉ xếp sau tương cà trong thị trường gia vị ở Mỹ.

Ẩm thực Nhật Bản cũng rất được các thực khách Mỹ hoan nghênh. Những gia vị của xứ mặt trời mọc như teriyaki và miso trở thành mặt hàng nội trợ chủ lực trên khắp đất nước cờ hoa.

Tiếp bước Nhật Bản, Hàn Quốc cũng gia nhập vào cuộc chơi ẩm thực đa quốc gia này. Những năm gần đây, kimchi và gochujang (tương ớt Hàn Quốc) đã không còn là những hương vị xa lạ trong các nhà hàng hiện đại khắp Hoa Kỳ; bulgogi (thịt bò nướng) và gà rán Hàn Quốc cũng là những món ăn cực kì được yêu thích.

Thật khó mà tin là chỉ cách đây một hoặc hai thập kỷ trước thôi, những hương vị ngoại quốc này vẫn hoàn toàn xa lạ với đại đa số dân chúng Mỹ.

Khi đã bị nền ẩm thực Nhật Bản và Hàn Quốc thuyết phục thành công, nhiều thực khách Mỹ càng hứng thú mở rộng khẩu vị của họ tới nhiều nền văn hoá khác.

Những người Mỹ gốc Việt đang sinh sống ở nơi đây đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội này để giới thiệu với bạn bè quốc tế ẩm thực quê nhà, với đại diện chủ lực là ‘nước chấm’ (cách họ gọi nước mắm pha với những nguyên liệu khác như ớt, tỏi, đường) – loại gia vị đại diện cho nền ẩm thực Việt Nam và là hương vị không thể thiếu trong mỗi mâm cơm của người Việt.

Nước mắm là loại gia vị không hề tồn tại trong ẩm thực Mỹ cho đến những năm gần đây, và ‘nước chấm’ là lựa chọn hoàn hảo để mang nước mắm đến gần hơn với khẩu vị của người Mỹ.

Jimmy Ly, đầu bếp kiêm chủ quán Madame Vo, nổi tiếng với những món ăn kết hợp với ‘nước chấm’ và luôn dành sự yêu mến cho thứ nước sốt của dân tộc, chia sẻ:

“Nước chấm có hương vị rất đặc trưng, đậm vị umami (vị cơ bản thứ năm trong giới ẩm thực bên cạnh các vị ngọt-mặn-đắng-chua, cũng là vị của bột ngọt. Ở Việt Nam, umami còn được biết đến là vị ngọt từ thịt.). Đây là loại gia vị không thể thiếu trong ẩm thực Việt Nam."

Ngọt, mặn, nồng và cực kỳ thơm ngon là những điểm tương đồng giữa ‘nước chấm’ với tương cà – loại nước sốt phổ biến ở Mỹ. Nhưng dù gần như hội đủ các đặc điểm cần có để thuyết phục khẩu vị ẩm thực xứ người, ‘nước chấm’ của Việt Nam vẫn chưa được đạt được thành công như teriyaki, miso của Nhật Bản và kimchi của Hàn Quốc.

Dane Hoàng, một nha sĩ ở Dallas, đã dành nhiều tháng trời nghiên cứu cách thức giới thiệu ‘nước chấm’ đến thực khách Mỹ và nâng ‘nước chấm’ lên ngang tầm với những mặt hàng âm thực châu Á vốn đã đạt được sự công nhận nhất định.

Cô tranh thủ thời gian rảnh của mình để thành lập Dr. Dane’s Kitchen, nhằm mang ‘nước chấm’ và các loại nước sốt Việt Nam khác ra khỏi căn bếp thương mại nhỏ để bày bán trên các quầy hàng ở những siêu thị địa phương.

Dane cho biết, “Tôi nảy ra ý tưởng này vì nhận thấy sự cần thiết của nó. Tôi thường hay chiêu đãi bạn bè và khách khứa. Những vị khách rất thích các món ăn tôi làm nên tôi muốn tặng cho họ những bịch nước sốt nho nhỏ làm quà. Nhưng những loại ‘nước chấm’ trên thị trường lại không đạt được chất lượng tôi mong muốn, vì vậy tôi đã tự làm và đóng gói luôn.”

Dane cũng nghĩ rằng để ẩm thực Việt Nam tiến vào thị trường phổ thông chính thống ở Mỹ thì sẽ tốn rất nhiều thời gian.

“Tôi thấy đôi khi người Việt mình còn e dè khi tham gia vào thị trường phổ thông ở đây. Chúng ta thường chỉ hướng tới những thị trường nhỏ và quen thuộc như cộng đồng người Việt Nam và châu Á thôi.”

Khi thấy bạn bè và người thân từ khắp các nền văn hoá khác nhau bày tỏ sự yêu thích món với ‘nước chấm’, Dane tin rằng sản phẩm của cô hoàn toàn có tiềm năng được bày bán trên các kệ hàng siêu thị khắp đất nước.

“Tôi rất muốn nhìn thấy ‘nước chấm’ được phổ biến rộng rãi và bày bán trên kệ của Whole Foods (chuỗi siêu thị lớn ở Mỹ). Hy vọng điều này có thể xảy ra trong vòng một hoặc hai năm nữa.”

Đúng là sẽ mất rất lâu để 'nước chấm’ trở thành loại gia vị quen thuộc trong căn bếp của người Mỹ, nhưng Chris Shepherd, đầu bếp người Mỹ từng đoạt giải thưởng James Beard và là chủ sở hữu của tập đoàn nhà hàng Underbelly Hospitality, đã dành một tình cảm đặc biệt cho nước mắm và ẩm thực Việt Nam trong anh suốt nhiều năm qua. Đối với anh, phát hiện ra ‘nước chấm’ là một cuộc cách mạng.

Anh chia sẻ, “Tôi rất thích loại sốt đậu phộng ở các nhà hàng Việt Nam đến nỗi dùng nó làm nước chấm cho mọi thứ. Có lần tôi đang ăn bún, thì ai đó bỗng đưa cho tôi chai ‘nước chấm’ và nói “Dùng cái này thử đi.” Sự kết hợp của hai món này xuất sắc đến nỗi tôi phải cảm thán ‘Tại sao đến giờ tôi mới phát hiện ra ‘nước chấm’ cơ chứ?’’”

Kể từ khi biết đến ‘nước chấm’, Shepherd đã kết hợp gia vị này vào công thức nấu ăn trong nhà hàng của mình.

“Tôi đã sử dụng nước mắm và ‘nước chấm’ trong thực đơn của mình được gần 16 năm. Đây là một thành phần đặc biệt. Theo lẽ thường thì tôi sẽ không nói cho thực khách biết đâu, nhưng giờ thì người ta lại thích vị này.”

Trong cuốn sách nấu ăn xuất bản năm 2019 Cooking Like A Local, Chris thậm chí còn dành hẳn một phần riêng để nói về các công thức nấu ăn sử dụng các nguyên liệu chính từ Việt Nam.

Shepherd đoán lý do người Mỹ dần biết đến ẩm thực Việt Nam một phần là nhờ vào những lời ca tụng từ các chuyên gia ẩm thực.

“Khi thấy các đầu bếp nói món ăn Việt Nam là món ăn yêu thích của họ, mọi người bắt đầu dồn sự quan tâm vào đấy. Ẩm thực Việt Nam mang đến một sự cân bằng về vị giác, rất ngon và thanh.”

Nhưng khi ‘nước chấm’ dần được bày bán và sử dụng rộng rãi hơn, thì mối lo về việc giữ gìn bản sắc ẩm thực dân tộc lại nổ ra.

Những quyển sách dạy nấu ăn và thực đơn của các nhà hàng lại hay ‘biến tấu’ đi công thức gốc của ẩm thức ngoại quốc, trong trường hợp này là ‘nước chấm’.

Dane Hoang cho rằng những ‘biến tấu’ này là dư thừa, không cần thiết.

“Chúng ta cần giới thiệu món ăn đúng với bản chất của nó. Chúng ta phải hướng dẫn công chúng cách phát âm tên các loại thực phẩm địa phương và cũng cần khuyến khích họ nên phát âm đúng. Dần dà họ sẽ làm được thôi.”

‘Nước chấm’ đang đi trên con đường đến với vinh quang có vị mặn ngọt lẫn lộn, và trên quãng đường này không thể thiếu sự đồng hành của nỗ lực tập thể.

Sự nổi lên của ‘nước chấm’ đã được vun đắp từ rất lâu: Từ lúc Shepherd bắt đầu sử dụng ‘nước chấm’ trong món ăn của mình vào năm 2006 cho đến những nỗ lực hiện tại của Ly để mang ‘nước chấm’ đến gần với nhiều thực khách Mỹ hơn.

Ngành nhà hàng đang nỗ lực để nâng tầm và thu hút thực khách đến với ẩm thực và hương vị Việt Nam. Khi đồ ăn Việt ngày càng phổ biến, thì nhu cầu được thưởng thức cũng sẽ tăng theo.

Và với những doanh nhân như Dane, hy vọng những chai ‘nước chấm’ của cô sẽ sớm có mặt trên các kệ hàng khắp nước Mỹ, đợi đến tay người tiêu dùng để thực hiện sứ mệnh giới thiệu ẩm thực Việt Nam ra thế giới và đồng thời, mang đến hương vị thơm ngon cho mỗi bữa ăn của mọi người.

Chuyển ngữ bởi Bích Trâm.


Read full article

Most viewed