Triển lãm Fragment of Soul – Mảnh Linh hồn: Chốn tĩnh lặng để khám phá bản thân

Triển lãm “Fragment of Soul – Mảnh linh hồn” mang đến không gian tĩnh lặng cho những góc nhìn và sự khám phá bản thân.
Nguyễn Hồng Nhung
Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Theo thuyết nhị nguyên, mọi thứ tồn tại trong đời sống đều có hai mặt đối lập. Quy luật này cho rằng vạn vật được tạo thành từ sự tương tác cân bằng giữa các trạng thái đối lập và mâu thuẫn nhau. Để hiểu được ánh sáng thì trước tiên, ta phải hiểu được bóng tối, trạng thái khi thiếu đi ánh sáng. Chỉ khi mò mẫm trong bóng tối, ta mới trân trọng ánh sáng.

Khái niệm “nhị nguyên“ là chủ đề nổi bật trong các tác phẩm của Lập Phương và Trịnh Cẩm Nhi. Lấy cảm hứng từ trải nghiệm của cuộc sống thường nhật, hai nghệ sỹ sử dụng sức sáng tạo mãnh liệt của mình để nuôi dưỡng tiến trình làm nghệ thuật.

Sự giao thoa giữa những suy tư triết học và cuộc sống thực là mối quan tâm chủ đạo trong thực hành của Lập Phương và Cẩm Nhi, với một niềm tin chung rằng qua những nỗi đau của đời sống thật, nghệ thuật cho phép người nghệ sỹ tìm thấy bản ngã của mình và, đến cuối cùng, sự tự do.

Vẽ hoa mà chẳng phải hoa

Ngôn ngữ chung trong các tác phẩm của Phương và Nhi là tình yêu và những suy tư hướng đến thiên nhiên. Chuỗi tác phẩm “Cánh” của Lập Phương cho thấy sự nhạy cảm của cô với nhiều chất liệu khác nhau.

Chúng mang đến góc nhìn về khởi đầu sự nghiệp của Lập Phương với những tác phẩm bằng sắt, đầy khác biệt so với nguồn năng lượng của cô trong các tác phẩm sau này bằng thủy tinh, một chất liệu tinh tế cần đến nhiều sự kiểm soát.

Ở đây, tính nhị nguyên hiện diện nhưng đã được biến hóa, cũng giống như bản thân Lập Phương là một người nghệ sỹ; cô đã thích nghi, thử thách bản thân mình với các chất liệu và hình thái khác nhau.

Đối với Phương, Âm và Dương là cặp đối lập chủ đạo trong những đường nét tối giản, mềm mại mà cô đem đến qua các tác phẩm này. Trái ngược với các sáng tạo từ sắt trước đó liên quan đến bóng – hình và sự cản sáng, các tác phẩm điêu khắc thủy tinh của cô cho phép ta có một góc nhìn khác vào tâm hồn người nghệ sĩ.

Vẫn là Lập Phương, nhưng theo cách nào đó đã khác biệt hoàn toàn. Sắt dày, dai và đòi hỏi cường độ cao, trong khi thủy tinh thì dễ vỡ; với cả hai chất liệu, người nghệ sỹ đều giữ nguyên độ chính xác và nhiều sự tinh xảo. Để tiến tới lộ trình mới này, Phương thường nhắc đến chuyện cô đã phải “phủ nhận bản thân để phát triển một bản ngã mới”, từ đó mở rộng chân trời thực hành của mình.

Với “Epiphyllum” (Quỳnh), bằng việc đặt tên cho các tác phẩm theo loài hoa được mệnh danh là “Nữ hoàng của Bóng đêm”, Lập Phương muốn tôn vinh một tạo vật đẹp đẽ của Đất Mẹ. Cả hai tác phẩm trong series này đều bao gồm các khối rời module uốn cong.

Các module được ghép lại ở giữa, tạo thành một khối cân bằng, đại diện cho những mảnh ghép chiêm nghiệm bên trong Phương, mang đến cho chúng ta một góc nhìn mới khi nhìn vào “Quỳnh” cũng như Lập Phương, một nghệ sĩ không ngừng thử thách bản thân trong lĩnh vực sáng tạo vốn được gắn với tính nam. Ở giai đoạn thực hành này, Phương cho thấy sự phân cực giữa tính nam và tính nữ là một mặc khải trong việc cô phát triển cảm thức nghệ thuật ở mình.

Cũng như Lập Phương, Cẩm Nhi hoàn thiện theo thời gian. Trong một thế giới mà các nghệ sỹ liên tục phải chịu thách thức trong việc tạo dựng vị thế giữa guồng cạnh tranh với công nghệ trí tuệ nhân tạo, Cẩm Nhi lại kiên định với gốc rễ của mình. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống nghệ thuật, cô cũng được thừa hưởng lại tư chất ấy.

Những bức vẽ của cô luôn xoay quanh sự kết hợp giữa các họa tiết hoa và thực vật với cơ thể người. Nếu triển lãm cá nhân đầu tay của cô “Vườn địa đàng: Garden of Unknowing” gây ấn tượng với màu sắc rực rỡ, thì trong triển lãm này, ta bị mê hoặc bởi mê cung những suy tư quyết đoán có phần âm thầm của Nhi.

Giờ đây, nét vẽ của cô đã trở nên tinh tế hơn, với gam màu bớt rực rỡ nhưng cũng rõ ràng hơn, đòi hỏi người xem phải nhìn kỹ để có thể nắm bắt từng chi tiết trong các bức tranh. Cô dẫn chúng ta vào những lối đi khác nhau trong tranh của mình. Những xúc chạm có thể trải từ u sầu, thân mật, cô đơn, mềm mại, cho đến sôi nổi.

Thường nhắc đến Georgia O’Keffle và Hilma af Klint như là nguồn cảm hứng đến thực hành của mình, Cẩm Nhi dành sự tôn vinh đến thiên nhiên và khuyến khích người xem đọc ra những biểu tượng khi thưởng thức tranh của cô. Cẩm Nhi vẽ hoa, nhưng không chỉ vẽ hoa; cô gửi gắm tất cả những trải nghiệm thể hiện chiều sâu cảm xúc của mình với chủ thể ấy.

Từ bàn cờ mọc lên một bông hoa mang những đường cong của cơ thể người; trong các tác phẩm như “Ngày, Đêm”, “Nỗi nhớ/ Hoài niệm” và “Hẹn gặp lại ở bên kia bờ”, ta thấy Cẩm Nhi không cố gắng tách biệt các đặc điểm khách quan của chủ thể ra khỏi những suy nghĩ trừu tượng của mình. Thay vào đó, các sáng tạo của cô là sự hài hòa giữa sinh thể hữu hình với chiêm nghiệm triết học.

Bên trong những chiếc hộp này, nét vẽ mờ của cô đưa ta vào một thực tại phôi pha mà có thể là một sự tri nhận. Bên dưới kết cấu lưới vững chắc này, Nhi cho phép bản thân được thả trôi vào trong cõi thế gian bao la và bí ẩn mà cô tạo dựng.

Đối với cô, những mặt đối lập như bóng tối và ánh sáng, cái tốt và cái xấu, hay sự sống và cái chết đều cùng hiện diện trong một thực tại duy nhất. Sự thật rằng ta cần đến cả hai yếu tố để tạo thành một bức tranh hoàn chỉnh cũng giống như thế giới của Cẩm Nhi, như một nghệ sĩ và như một con người.

“Nghệ thuật là Kiệt tác của Lao động”

Nhìn lại hành trình tạo nên bộ đôi nghệ sĩ, họ giao nhau ở nút thắt thơ mộng mà giản đơn – trong lao động sáng tạo, và tự thân sự lao động này đã là một kiệt tác theo đúng nghĩa của nó.

Lập Phương tôn vinh khái niệm lao động, ngay cả trong những khó khăn và sự trống rỗng mà cô phải đối mặt. Series “Tam giác” và “Cung” biểu tượng cho sự linh hoạt trong thực hành của cô. Với “Tam giác”, tất cả các tác phẩm đều mang kích cỡ lớn, bởi ý đồ của cô không chỉ nằm ở sự hiện diện của chúng trong không gian, mà còn ở sự chiếm lĩnh không gian.

Trong khi đó, “Cung”, một bức tranh lụa, lại thể hiện một khía cạnh trong Phương hoàn toàn đối lập với thẩm mỹ thị giác trước đây. Hai phần trái ngược ấy đã làm nên một Lập Phương độc nhất vô nhị, không thể tách rời, không thể phân loại.

Còn với Nhi, sự uốn nắn từ người cha thân yêu, họa sĩ Trịnh Tú đã truyền lại cho cô tính kỷ luật nghiêm ngặt để cô tiếp tục áp dụng trong thực hành của mình. Trong những thời điểm thử thách, cô đã nghe theo bản năng và vẽ như một nghi thức để có thể lấy lại sự tự chủ, tĩnh lặng và tập trung.

Ô lưới được chia thành một nửa, bốn ô vuông hoặc nhiều khối hộp minh họa cho các ngắt đoạn suy nghĩ mà có lẽ đã từng khiến cô bối rối một lúc nào đó. Cô chia sẻ: “Thời gian trôi qua, tôi nhận ra rằng quá trình sáng tạo của mình không nhất thiết phải nằm trong cùng khoảng thời gian tôi vẽ một bức tranh; nó là một quá trình diễn ra liên tục với mọi trải nghiệm trong cuộc sống thường nhật. Khi tôi có được tư duy mới này, tôi cảm thấy thoải mái hơn trong thực hành của mình.”

Chân dung mà Phương và Nhi mang đến một cách nhất quán không chỉ khắc họa cảm xúc, mà cả tính thẩm mỹ và nguồn năng lượng họ mang tới. Lập Phương và Trịnh Cẩm Nhi sẽ còn tiếp tục biến hóa và hoàn thiện mình, trân trọng việc được sống cởi mở với sự thống nhất rõ ràng đầy nghịch lý này.

Fragment of Soul – Mảnh Linh Hồn” – một triển lãm mới với 16 tác phẩm điêu khắc và 16 bức tranh của hai nghệ sĩ Lập Phương và Trịnh Cẩm Nhi sẽ diễn ra từ ngày 27/4 - 3/6/2023 tại tòa nhà Centec Tower G-04. Triển lãm được giám tuyển bởi Nguyễn Hồng Nhung, trong đó khám phá chủ đề nhị nguyên và các mặt đối ngẫu, mời gọi người xem nhìn vào bên trong bản thân họ và tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi nội tâm của mình."


Read full article

Most viewed