Tóm Lại Là: Hate speech là gì mà khiến 56 tỷ đô "bốc hơi" trong một nốt nhạc? | Vietcetera
Billboard banner
01 Thg 07, 2020

Tóm Lại Là: Hate speech là gì mà khiến 56 tỷ đô "bốc hơi" trong một nốt nhạc?

Thế nào thì gọi là hate speech? Liệu nổ lực của Facebook có bao giờ được xem là 'đủ đô' để chống chọi hàng tấn sự thù ghét trên mạng xã hội của họ?
Tóm Lại Là: Hate speech là gì mà khiến 56 tỷ đô "bốc hơi" trong một nốt nhạc?

Nguồn: Erin Scott/Reuters

1. #StopHateForProfit là gì?

Mới đây, trên tờ LA Times, Facebook bị chỉ trích vì phát tán trang web có liên quan tới phần tử cực đoan và thông tin sai lệch về làn sóng #BlackLivesMatter.

Đây không phải lần đầu nội dung thù hận (hate speech) khiến Facebook bị tẩy chay. Các tổ chức nhân quyền cho rằng công ty này đã liên tục phớt lờ vấn đề.

Khởi động bởi 6 tổ chức nhân quyền ở Mỹ, chiến dịch #StopHateForProfit (Ngưng trục lợi từ thù hận) tạo áp lực thúc đẩy Facebook loại bỏ hate speech.

Chiến dịch này kêu gọi các công ty dừng quảng cáo trên Facebook đến khi có động thái tích cực từ nền tảng này.

2. Thế nào thì gọi là hate speech?

Theo Community Standards của Facebook, hate speech là phát ngôn tấn công vào các "đặc điểm được bảo vệ" (protected characteristics).

Các đặc điểm này bao gồm sắc tộc, nguồn gốc quốc gia, tôn giáo, giới tính, bản dạng giới, bệnh tật và khuyết tật của người khác.

Những phát ngôn nhằm mục đích sỉ nhục, phân biệt đối xử, khiêu khích bạo lực được tính là hate speech.

Việc ca sĩ Lynk Lee bị công kích vì phẫu thuật chuyển giới hồi tháng 6 là một ví dụ điển hình của hate speech.

3. Chiến dịch này tác động đến Facebook như nào?

Sau khi chiến dịch khởi động, cổ phiếu Facebook đã giảm 8,3%, tương đương 56 tỷ USD. Nhiều chuyên gia phân tích rằng chiến dịch tẩy chay này sẽ khiến Facebook thiệt hại danh tiếng hơn tài chính.

Giáo sư Brayden King từ Đại học Northwestern đã nghiên cứu 133 vụ tẩy chay từ năm 1990 đến 2005. Ông ghi nhận khoảng 25% số công ty bị tẩy chay toàn quốc cuối cùng phải nhượng bộ. Rất có thể Facebook sẽ trở thành một trong số đó.

4. Những ai đang ủng hộ #StopHateForProfit?

Hơn 160 doanh nghiệp đã cam kết thực hiện chiến dịch. Nổi bật trong đó là The North Face, Coca-Cola, và Unilever. Những người nổi tiếng như Hoàng tử nước Anh Harry và công nương Meghan Markle cũng ủng hộ phong trào này.

5. Facebook cần thay đổi gì để đáp ứng #StopHateForProfit?

6 Tổ chức sáng lập đã đưa ra 10 điều mà Facebook nên thực hiện để đảm bảo một môi trường mạng an toàn.

Chia thành ba nhóm chính, Trách nhiệm, Công lý Bảo vệ, những yêu cầu này gồm một số điểm như:

  • Làm việc với các chuyên gia nhân quyền để thiết lập đội ngũ cải thiện chính sách nội dung trong Ban điều hành;
  • Cho phép một bên thứ ba kiểm duyệt định kỳ nội dung thù hận thay vì để Facebook tự kiểm;
  • Hoàn tiền cho các nhãn hàng bị đặt quảng cáo bên cạnh nội dung thù hận;
  • Loại bỏ hoàn toàn các hội nhóm thiên vị người da trắng, chối bỏ Holocaust, chối bỏ thực trạng biến đổi khí hậu;
  • Thành lập đội ngũ nghiên cứu hành vi thù hận;
  • Hỗ trợ nạn nhân thù hận, cho phép họ gặp thẳng nhân viên tư vấn của Facebook.

6. Bạn có thể làm gì để thúc đẩy Facebook thay đổi?

Đây là 4 điều đơn giản bạn có thể làm để tạo nên một nền tảng an toàn hơn cho tất cả mọi người:

  • Không bao giờ - dù vô tình hay cố ý - đăng nội dung thù hận;
  • Report và flag nội dung thù hận;
  • Thông báo các ca thù hận nghiêm trọng tới các tổ chức nhân quyền;
  • Ký tâm thư kêu gọi Facebook loại bỏ hate speech.

7. Chiến dịch này kéo dài đến bao giờ?

Theo dự định ban đầu, chiến dịch sẽ diễn ra suốt tháng 7. Tuy vậy, tập đoàn Unilever đã cam kết không chạy quảng cáo trên Facebook, Instagram và Twitter cho đến hết năm 2020. Coca-Cola tuyên bố ngừng quảng cáo trên các mạng xã hội trong ít nhất 30 ngày.