George Floyd - Giọt nước mắt tràn ly của người Mỹ da đen | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

George Floyd - Giọt nước mắt tràn ly của người Mỹ da đen

Điều gì khiến hàng triệu người Mỹ xuống đường giữa đại dịch COVID-19? Liệu George Floyd có phải là giọt nước tràn ly cho nạn phân biệt chủng tộc đang tại Mỹ?
George Floyd - Giọt nước mắt tràn ly của người Mỹ da đen

Tóm Lại Là: George Floyd - Giọt nước mắt tràn ly của người Mỹ da đen

1. Chuyện gì đang diễn ra ở Mỹ?

Ngày 25/05, một người đàn ông da đen tên George Floyd đã chết vì bị cảnh sát ghì chặt cổ xuống mặt đường tại Minneapolis, Mỹ.

Sự việc này khiến hàng triệu người dân Mỹ phẫn nộ, và biểu tình nổ ra trên cả nước.

Cái chết của George Floyd không phải một trường hợp cá biệt. Nó là giọt nước tràn ly của nạn phân biệt chủng tộc ăn sâu vào hệ thống (systemic racism), và thói bạo lực của cảnh sát Mỹ.

2. Những mốc thời gian chính của vụ George Floyd?

25/05

George Floyd bị bắt khi đang mua hàng ở siêu thị Cup Foods. Nhân viên thu ngân nghi ngờ ông dùng tờ $20 giả. Sau khi trả tiền, ông vào xe ngồi và được cảnh sát cho là “đang say khướt”.

Cảnh sát Derek Chauvin lôi ông ra khỏi xe và ghì đầu ông lên mặt đường để khống chế tuy ông không chống cự.

Floyd van xin, “Tôi không thở nổi.” (“I can’t breathe.”) Những người xung quanh kêu gọi cảnh sát dừng lại nhưng không thành công.

Năm phút sau, Floyd tử vong vì ngạt thở.

26/05

Video quay lại sự việc được tung lên mạng. Các hashtag #BlackLivesMatter #JusticeForGeorge #ICantBreathe tạo nên làn sóng dữ dội trên mạng xã hội.

Bốn cảnh sát liên quan đến vụ việc bị sa thải. FBI vào cuộc điều tra. Người dân thành phố Minneapolis bắt đầu xuống đường.

27/05 - Hôm nay

Biểu tình diễn ra trên cả nước và leo thang thành bạo động, khiến ít nhất 5 người thiệt mạng.

3. George Floyd là ai?

Floyd đến từ Houston, Texas. Năm nay ông 46 tuổi. Ông là bảo vệ tại một nhà hàng kiêm club tên Conga Latin Bistro. Khi nhà hàng này phải đóng cửa vì dịch COVID-19, Floyd mất việc.

Floyd có hai con gái, 6 và 22 tuổi. Ông mới lên chức ông ngoại, nhưng chưa một lần được nhìn mặt cháu bé.

Trước khi mất, ông tức tưởi gọi, “Mẹ ơi! Mẹ ơi!” Mẹ ông mới qua đời năm ngoái.

4. George Floyd có phải giọt nước tràn ly?

Nước Mỹ không còn lạ với những George Floyd.

Trong 7 năm qua, cảnh sát liên tục gây ra những cái chết của người da đen không vũ trang. Tuy chỉ chiếm 13% dân số Hoa Kỳ, người da đen là nạn nhân của 23% các vụ cưỡng chế gây tử vong.

Năm 2013, cậu bé Trayvon Martin bị bắn chết trên đường đi thăm người nhà vì “trông có vẻ mờ ám”. Em là khởi đầu của hashtag #BlackLivesMatter - sinh mạng của người da đen cũng quý giá.

Năm 2014, Eric Garner bị một cảnh sát bóp cổ chết. Lời cuối cùng của anh cũng là, “Tôi không thở nổi.” Sau đó là Michael Brown và cậu bé 12 tuổi Tamir Rice.

Năm nay, cộng đồng da đen lại tiếp tục khóc thương Ahmaud Arbery, Breonna Taylor, rồi George Floyd. Và họ đã quá mệt mỏi.

5. Vì sao giữa dịch mà dân Mỹ vẫn xuống đường vì George Floyd?

Do dư âm của chế độ nô lệ, người da đen chịu nhiều định kiến và bất công trong xã hội Mỹ.

Hình ảnh của họ bị gắn liền với đói nghèo, tội phạm và ma túy. Thậm chí, nhiều người đang di chuyển trên phố thì bị dọa gọi cảnh sát chỉ vì “trông mờ ám”.

Nạn kỳ thị chủng tộc ăn sâu vào hệ thống pháp lý được gọi là systemic racism.

Những người Mỹ yêu hòa bình cho rằng systemic racism là không thể chấp nhận được. Họ yêu cầu giới chức phải trừng trị thích đáng những cảnh sát giết người và mang lại công lý cho người da đen.

“Sinh ra là người da đen ở Mỹ không nên là một án tử,” thị trưởng Minneapolis Jacob Frey khẳng định với tờ Star Tribune.

6. Gia đình George Floyd nói gì?

“Họ đối xử với em tôi còn không bằng thú vật,” Philonise Floyd, anh trai của George Floyd nức nở.

“George đứng lên đấu tranh vì mọi người và sẵn lòng yêu thương những số phận bị vứt bỏ. Anh đến Minnesota để bắt đầu một cuộc sống mới, và hay nói với tôi rằng mọi người ở đây thật tốt bụng,” Courtney Ross, bạn gái Floyd chia sẻ.

7. Người dân nơi đâu đang xuống đường?

Các cuộc biểu tình đã nổ ra tại 140 thành phố khi nước Mỹ vẫn đang là tâm dịch COVID-19.

Những tỉnh thành đang chứng kiến nhiều cuộc biểu tình là Minneapolis, Birmingham, Boston, Philadelphia, New York, và Chicago.