1. Chuyện gì vừa xảy ra với Lynk Lee?
"Khi còn học cấp 1, Linh đã biết mình là con gái và muốn được mặc váy hay chơi búp bê như các bạn nữ trong lớp," Lynk Lee viết trên Facebook của mình.
Lynk Lee tên thật là Tô Mạnh Linh, nay đã đổi thành Tô Ngọc Bảo Linh. Cô công khai chuyển giới từ nam sang nữ vào năm 2019. Tuần vừa rồi, cô chia sẻ quá trình phẫu thuật chuyển giới và hành trình đi tìm chính mình.
Ngày 13/06, Lynk lần đầu tái xuất hiện trên sân khấu sau phẫu thuật. Điều này đã thu hút nhiều sự chú ý, cùng đó là dư luận trái chiều.
2. Cộng đồng mạng nói gì?
Nhiều người chúc mừng quyết định của Lynk. Họ khen ngợi diện mạo mới, và ủng hộ Lynk sống đúng bản dạng giới của mình.
Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ cũng đã có những hành động khiếm nhã. Một số đăng lên những hình ảnh của Lynk trước phẫu thuật. Số khác gièm pha về ngoại hình, giới tính, cơ thể, khả năng sinh đẻ,...
Không chỉ vậy, họ còn lợi dụng thời điểm này để công kích người chuyển giới và cộng đồng LGBT nói chung.
3. Tại Việt Nam, có bao nhiêu người chuyển giới?
Theo SCDI ước tính, Việt Nam có khoảng 300.000 người chuyển giới. Phần lớn trong số họ vẫn gặp nhiều bất cập về các lỗ hổng pháp lý và thiếu hỗ trợ về y tế, bên cạnh sự kỳ thị còn tồn tại trong cộng đồng.
4. Vì sao có những người chọn phẫu thuật chuyển giới?
Không phải người chuyển giới nào cũng sẽ chọn phẫu thuật, tuỳ vào lý do sức khoẻ hay cá nhân. Có người người chuyển giới sử dụng hormon. Có người sẽ chỉ công khai giới tính bằng cách come out với gia đình, thay đổi tên và đại từ xưng hô, hoặc thay đổi vẻ ngoài cho phù hợp với bản dạng giới.
Với những ai chọn phẫu thuật, quá trình can thiệp y học này có thể giúp:
- Thuyên giảm các triệu chứng của rối loạn định dạng giới do khác biệt giữa giới tính sinh học và bản dạng giới của họ;
- Cải thiện tâm lý;
- Dễ dàng hòa nhập với cộng đồng mà họ tin mình thuộc về.
5. Phát ngôn thiếu cẩn trọng ảnh hưởng đến người chuyển giới thế nào?
Chuyển giới không phải là bệnh. Người chuyển giới cũng có nhu cầu sống và làm việc trong xã hội như mọi công dân khác.
Tuy nhiên để làm được điều này, họ phải đối mặt với nhiều áp lực, từ gia đình, từ bạn bè và từ cộng đồng.
Theo nghiên cứu của viện ISEE tại Việt Nam, người chuyển giới luôn là nhóm có mức độ trải nghiệm phân biệt đối xử cao nhất, cả chuyển giới nam và chuyển giới nữ. Điều này khiến họ có nguy cơ gặp các vấn đề tâm lý nhiều hơn như trầm cảm hoặc rối loạn lo âu. Có đến 46% số người được khảo sát có nguy cơ trầm cảm cao.
Việc phải chống chọi với những phát ngôn công kích sẽ thêm vào gánh nặng tinh thần này của người chuyển giới.
6. Làm thế nào để nói về người chuyển giới một cách tôn trọng?
Dù có biết hay không, chúng đang sống và làm việc hằng ngày bên cạnh những người chuyển giới.
Bản dạng giới là một vấn đề hết sức riêng tư. Điều tối thiểu mà chúng ta có thể làm cho người chuyển giới là tôn trọng sự riêng tư đó, và im lặng - không bình phẩm giới tính của họ.
Ngoài ra, chúng ta có thể tạo ra một cộng đồng an toàn hơn cho người chuyển giới qua 8 cách sau:
1. Dùng đại từ nhân xưng tương xứng (chẳng hạn: dùng các đại từ của nữ khi nói về một người chuyển giới nữ).
2. Nếu bạn không biết phải dùng đại từ nào, hãy hỏi họ chứ đừng tự mặc định.
3. Tránh nói những câu “kém duyên”, dù có ý tốt (“Cô ấy đẹp quá. Nhìn không biết cô ấy chuyển giới đâu.” "Đang đẹp gái tự nhiên lại thành đàn ông.")
4. Không đùa cợt về giới tính của họ.
5. Tránh đăng lại những hình ảnh và nhắc lại cái tên trước khi chuyển giới. Điều này có thể làm gợi nhớ những kỷ niệm không hay cho họ.
6. Đừng công khai giới tính giúp họ. Chỉ vì họ tin tưởng come out với bạn không có nghĩa là họ muốn những người khác cũng biết.
7. Hiểu rằng không có cách “đúng” hay “sai” để chuyển giới. Hành trình của mỗi người chuyển giới là khác nhau.
8. Dùng tiếng nói của mình để ủng hộ quyền người chuyển giới - từ chia sẻ nhận thức với người quen đến tự mình đi vận động quyền. Không có hành động nào là quá nhỏ.
7. Những người chuyển giới nổi tiếng đối mặt với sự kỳ thị như nào?
Làm việc trước ánh nhìn của truyền thông, việc come out chưa bao giờ là dễ dàng đối với người của công chúng. Ngay cả ở những quốc gia tiến bộ về mặt nhân quyền, sự kỳ thị vẫn thường trực.
Caitlyn Jenner, với một sự nghiệp thể thao danh tiếng, vẫn bị dư luận tấn công khi quyết định chuyển giới vào năm 2015. Bà thậm chí còn bị một người dẫn chương trình quấy rối về vấn đề này trên sóng.
Nhưng bà tiếp tục lên tiếng cho người chuyển giới ở Hoa Kỳ.
Trong một lần nhận giải, bà nói, “Nếu mọi người muốn châm chọc hay nghi ngờ tôi, cứ thoải mái. Tôi có thể chịu được. Nhưng đừng làm vậy với hàng ngàn đứa trẻ ngoài kia còn đang đi tìm chính mình, chúng không đáng bị như thế".
Tại Việt Nam, Hương Giang Idol là một người chuyển giới luôn lên tiếng về LGBT. Đến bây giờ, cô vẫn nhận những bình luận xúc phạm, mỉa mai xoáy vào giới tính.
Vượt qua điều tiếng, cô trở thành Hoa hậu Chuyển giới. Dùng danh tiếng của mình, cô phần nào thúc đẩy quyền và nhận thức cho cộng đồng LGBT.