Hiệu ứng Chameleon - Bạn là “tắc kè hoa” bắt chước người khác? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
12 Thg 08, 2021

Hiệu ứng Chameleon - Bạn là “tắc kè hoa” bắt chước người khác?

Lặp lại hành động trong vô thức không phải là kết quả của thuật thôi miên hay thao túng tâm lý. Đó hoàn toàn là hiện tượng tự nhiên từ hiệu ứng Chameleon.

Hiệu ứng Chameleon - Bạn là “tắc kè hoa” bắt chước người khác?

Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Khác với sự rập khuôn và lập trình sẵn ở robot, con người tự hào là những bản thể độc lập với tư duy riêng biệt. Nhưng bạn đã từng giật mình vì bản thân vô tình sao chép câu cửa miệng của mẹ, tật rung đùi của đứa bạn và cách nói chuyện của đồng nghiệp chưa? 

“Thần giao cách cảm" cũng là một cách lý giải thú vị, nhưng các nhà nghiên cứu còn một lời giải khác về xu hướng vô thức bắt chước người xung quanh, được gọi là hiệu ứng tắc kè hoa. 

1. Hiệu ứng Chameleon là gì?

Chameleon effect, hay hiệu ứng tắc kè hoa, mô tả xu hướng lặp lại hành động, biểu cảm và phong thái của người khác một cách vô ý. 

Tên gọi của hiệu ứng xuất phát từ đặc tính bản năng của tắc kè hoa. Loài bò sát này có khả năng thay đổi màu sắc cơ thể dựa vào môi trường để ngụy trang, bảo vệ lãnh thổ và thể hiện cảm xúc với bạn tình.

Cũng tương tự như thế, hiệu ứng Chameleon làm thay đổi hành vi để thích nghi với môi trường hoặc hoà hợp với đối tượng mà ta bắt chước. 

giao tiếp
Hiệu ứng giúp con người tăng cường gắn kết hơn.

Hiệu ứng tắc kè hoa có tác động tích cực đến các mối quan hệ của con người. Sự bắt chước hoạt động như một chất keo xã hội, giúp tăng cường gắn kết và thúc đẩy liên minh nhóm ngay cả khi không có chủ đích. Đặc biệt, hiệu ứng là “mánh khóe” giao tiếp với người lạ dựa trên các tín hiệu bề mặt như ngôn ngữ cơ thể. 

2. Nguồn gốc của hiệu ứng Chameleon?

Tanya L. Chartrand và John A. Bargh là những nhà tâm lý học đầu tiên khám phá ra hiệu ứng này. Năm 1999, hai giáo sư tại Đại học New York đã tiến hành 3 thí nghiệm nghiên cứu hiện tượng tắc kè hoa. Kết quả là:

  • Nghiên cứu đầu tiên chỉ ra rằng các đối tượng đã vô thức sao chép hành động của người đối diện, bao gồm chạm vào mặt, vắt chéo chân và mỉm cười, dù đó là cuộc gặp đầu tiên. 
  • Ở thí nghiệm thứ 2, những sinh viên được bắt chước đã đánh giá cuộc giao tiếp dễ gần, hiệu quả hơn với sự tương tác tốt giữa hai bên. 
  • Trong thí nghiệm cuối cùng, những cá nhân cởi mở có tỉ lệ sao chép hành động của người đối diện nhiều hơn. Tuy nhiên, đặc tính đồng cảm này không phải là nhân tố gây ra hiệu ứng hay ảnh hưởng đến mức độ bắt chước của một người. 

3. Hiệu ứng Chameleon hoạt động như thế nào?

Các nhà khoa học chỉ ra cơ chế đằng sau hiệu ứng tắc kè hoa là quy trình tự động mà không có việc phân tích kỹ lưỡng hay sự chọn lọc dữ liệu. Cụ thể, các giác quan sẽ tiếp nhận thông tin từ bên ngoài, sau đó lan truyền một cách vô thức đến hành vi của chúng ta.

Điều đáng chú ý là xu hướng nhận thức về hành vi của người khác không đòi hỏi bất kỳ mục tiêu, kế hoạch nào. Chẳng hạn, bạn bỗng thay đổi tông giọng trầm hơn sau lần đầu gặp đối tác mà không hề có sự sắp xếp, cố ý thay đổi. 

Tuy nhiên, không phải tất cả hành vi đều có thể sao chép. Các hoạt động đòi hỏi kỹ thuật cao lại khó mà bắt chước được trong vô thức. Ví dụ, bạn không thể nâng quả tạ nặng quá số cân của mình như một vận động viên mà không hề cần ý chí hay trải qua bất kì bài tập luyện nào. 

Trong hiệu ứng Chameleon, có 2 cách sao chép cơ bản bao gồm:

1. Kiểu soi gương (mirrorwise): có thể hiểu nôm na là sao chép đảo ngược. Bạn thực hiện cùng 1 cử chỉ nhưng ngược hướng với người đối diện. Ví dụ, người đối diện chào bằng tay trái trong khi bạn làm tay phải.

soi gương
Hành động ngược qua gương soi
soi gương
Cảnh sao chép “soi gương” xuất hiện nhiều trong phim kinh dị Us | Nguồn: Universal Studios

2. Kiểu giải phẫu (anatomical): bạn sao chép theo nguyên bản, thực hiện các chuyển động hệt như người mà bản thân đang bắt chước. Ví dụ, người ngồi cạnh chống cằm tay trái, bạn cũng sẽ làm điều tương tự cùng hướng. 

Mặc dù sự khác biệt giữa hai phương pháp này có vẻ nhỏ, nhưng nghiên cứu cho thấy rằng cả hai đều có những tác động xã hội khác nhau. 

Đó là khi bạn cố gắng lặp lại người khác một cách gượng gạo, cử chỉ đó có thể tạo cảm giác “giả trân". Người đối diện có thể hiểu sai ý định của bạn và coi đó như một sự nhái lại hoặc chế giễu, gây ảnh hưởng đến việc giao tiếp và xây dựng mối quan hệ. Điều đáng lưu ý là tác động tiêu cực này thường xảy ra với kiểu sao chép giải phẫu hơn là soi gương.

4. Làm sao tận dụng lợi thế của hiệu ứng?

Hiệu ứng tắc kè hoa có thể khiến bạn trở nên dễ mến và hòa đồng hơn. Tuy nhiên để tránh hiểu sai bản chất hiệu ứng, bạn không nên cố tập luyện mà chỉ đón nhận nó một cách tự nhiên. 

Nhận thức lợi ích của nó và nắm bắt linh hoạt:

Đằng sau mỗi cuộc trò chuyện, chúng ta nên dành ra một vài phút để chiêm nghiệm và tự rút ra bài học giao tiếp hiệu quả hơn cho lần sau.

Đừng cố gắng chối bỏ việc sao chép hay ép mình phải khác biệt:

Nhiều người lo rằng những hành động giống nhau này giống như bị thao túng tâm lý hay thôi miên, nên họ cố xoá bỏ nó hay ép mình phải khác biệt. Điều này có thể sẽ khiến bạn có cái nhìn tiêu cực với người khác cũng như vô tình làm đứt gãy mối quan hệ. 

Tự điều chỉnh cho phù hợp:

Thay vì để cho bản thân hành động theo hiệu ứng, bạn cũng có thể cởi mở và làm những gì bạn cảm thấy phù hợp với mình hoặc hoàn cảnh xung quanh.

Chẳng hạn trong buổi workshop, bạn dễ “bị lây lan" hành vi nhìn vào điện thoại và né tránh giao tiếp của người cùng bàn. Nhưng bạn có thể chủ động điều chỉnh, bắt chuyện với người ngồi cạnh để phá “bức rào cản" và tận dụng thời gian tham gia.

Bạn có thể tham khảo thêm một số mẹo giúp bạn trau dồi hiệu ứng tắc kè hoa theo hướng tích cực hơn: