Cũng như ngôn ngữ nói, ngôn ngữ cơ thể có chức năng truyền tải riêng, vì thế việc tự ý thức và điều chỉnh ngôn ngữ cơ thể trong giao tiếp cũng quan trọng không kém. Tuy nhiên, muốn tự kiểm soát không hề dễ dàng, vì khác với lời nói có thể tự nghe thấy, ngôn ngữ cơ thể chỉ được nhận biết khi người khác nhìn vào.
Sau đây là một số ngôn ngữ cơ thể mà bạn có thể đang thực hiện sai và có nguy cơ mang lại nhiều hiểu lầm. Hãy cùng Vietcetera điểm qua những lỗi này nhé.
1. Co mình
Là khi bạn gù hoặc gập người, phần vai và cổ chùng xuống. Đây là một dáng người vô thức rất phổ biến khi ngồi. Bởi vì cổ phải gánh sức nặng của đầu, nên khi đầu vô thức chúi về phía trước, cổ sẽ bị kéo theo. Lúc này các cơ vai và lưng phải chống lại trọng lực, lâu dần sẽ khiến bạn bị nhức mỏi, thậm chí là bị gù.
Không chỉ ảnh hưởng đến vóc dáng, co người còn phản ánh một hình ảnh mệt mỏi và chán chường, thậm chí vô tình ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn. Ngoài ra, hành động thu mình còn tạo cảm giác bạn đang tự ti và không thiện chí khi tiếp xúc với người khác.
Vậy làm thế nào để điều chỉnh hành động vô thức này?
- Tập thẳng người trong tất cả hoạt động sinh hoạt hàng ngày để hình thành thói quen.
- Sắp xếp lại nơi làm việc để cơ thể không phải điều chỉnh theo. Lỗi sai thường gặp nhất là ngồi cách xa bàn khiến cơ thể phải chồm tới.
- Đầu tư mua một cái gối dựa lưng.
- Trong lúc ngồi làm việc, thỉnh thoảng hãy tạm ngưng ít phút để kiểm tra tư thế của mình.
- Dành ra khoảng nghỉ nếu phải ngồi làm việc liên tục.
2. Nhìn xuống hoặc tránh nhìn thẳng
Giao tiếp bằng ánh mắt (eye contact) là một ngôn ngữ cơ thể quan trọng bậc nhất, vì nó phản ánh chính xác mức độ tự tin, hứng thú và tập trung của một người trong giao tiếp. Vì thế, không giao tiếp bằng ánh mắt thậm chí bị cho là bất lịch sự.
Không chủ động giao tiếp bằng ánh mắt (nhìn xuống, tránh nhìn thẳng) có thể là hệ quả của tự ti hay chứng rối loạn lo âu xã hội (SAD). Bạn có thể thấy những biểu hiện này rất rõ ở những người mắc chứng tự kỷ.
Không hề đơn giản để có thể thực hiện giao tiếp ánh mắt tốt, nhưng bạn có thể đi từ bước nhỏ nhất như sau:
- Nhìn vào những chỗ khác trên khuôn mặt xung quanh mắt (lông mày, mũi, trán) để tránh làm người đối diện thấy mất tự nhiên.
- Dành ra khoảng nghỉ cho mắt bằng việc gật đầu và nhìn ra chỗ khác thật chậm rãi.
- Luyện tập với những người bạn thân thiết nhất.
3. Gật đầu cường điệu
Ai cũng biết gật đầu là dấu hiệu cho thấy bạn đang lắng nghe và đồng tình. Nhưng vì ai cũng biết nên hành động này thường bị lạm dụng và gây tác dụng ngược mà đôi khi bạn không tự nhận ra.
Nếu bạn gật đầu liên tục và mạnh quá mức cần thiết, nó cho thấy bạn không nghe kỹ, hoặc không hiểu hết những gì người đối diện đang trao đổi, nên mới phải cố tỏ vẻ là mình đang nghe.
Vì thế, hãy giới hạn số lần gật đầu và điều chỉnh cường độ vừa phải. Hợp lý nhất là khoảng một hai lần, khi thấy người nghe ngừng lại, hoặc nhìn mình chờ đợi một dấu hiệu xác nhận.
4. Nụ cười gượng gạo
Nếu bạn đã từng khó chịu khi nhìn emoji :) thì đó chính xác là cảm giác của bất kỳ ai khi nhận một nụ cười gượng gạo.
Có thể trong giây phút "đời rất dở" ấy bạn phải niềm nở để sự việc thuận lợi hơn cho mình. Tuy nhiên nếu nụ cười của bạn "giả trân", điều này lại ám chỉ bạn đang mờ ám che giấu những điều không hay. Hậu quả là tính minh bạch trong giao tiếp bị mất và bạn có thể bị nghi ngờ vô cớ.
Để có một nụ cười chân thành hơn, kể cả tình huống có bất lợi, bạn hãy:
- Thả lỏng cơ mặt và cơ hàm.
- Nghĩ đến điều vui vẻ, hoặc viễn cảnh tích cực của vấn đề.
- Những lúc bạn thật sự cười 'từ trong lòng', hãy thử quan sát những chuyển động trên gương mặt khi đó để mô phỏng lại.
- Luyện tập nở nụ cười. Có thể ban đầu bạn còn hơi gượng gạo, nhưng nở nụ cười 'vật lý' có tác dụng đẩy tâm trạng lên cao, và nụ cười sẽ dần trông tự nhiên hơn.
5. Khoanh tay
Trên đời có 50 kiểu khoanh tay khác nhau. Trong chào hỏi, khoanh tay là hành động lịch sự với người lớn hơn. Đôi khi đó là cách để bạn ôm lấy mình khi lo lắng, hay tự bao bọc mình trước những nguồn năng lượng tiêu cực bên ngoài. Hoặc chỉ đơn giản là vì nhiệt độ phòng lạnh.
Có thể thấy, khoanh tay thường được biết đến như cử chỉ để tự xoa xịu hoặc bảo vệ mình khi có cảm giác không thoải mái. Khi bắt gặp cử chỉ này ở bạn, người đối diện có thể nghĩ bạn đang khép mình và không muốn giao tiếp, hoặc họ đã làm gì đó khiến bạn không thoải mái.
Để giải quyết, bạn nên:
- Tìm môi trường giao tiếp thoải mái cho mình.
- Vỗ về tâm lý tự ti. Nên nhớ rằng thật ra người khác thích bạn nhiều hơn bạn nghĩ.
- Giải thích để tránh hiểu lầm. Ví dụ như bạn khoanh tay vì nhiệt độ phòng, có thể nói bâng quơ: "Chỗ này hơi lạnh nhỉ."
6. Né tránh
Khi có sự can thiệp của vật thể khác vào chính giữa như laptop, điện thoại, tai nghe,... bạn đang tự dựng lên một màn chắn vô hình cho mình. Người khác sẽ ngầm hiểu bạn không muốn tiếp xúc với họ. Đây cũng là nguyên do mà nhiều nơi làm việc không cho phép nhân viên đeo tai nghe, bởi nó sẽ gián đoạn việc giao tiếp hiệu quả.
Cho những lần giao tiếp cần thiết tiếp theo, bạn hãy cố gắng tạm 'cách ly' với các vật chắn này để tạo cảm giác chào đón và kết nối giữa các bên.
7. Xao nhãng
Nhìn đồng hồ, kiểm tra điện thoại, ngó ra cửa,... là những động tác thường thấy khi bạn đang bị 'ngộp' trong giao tiếp. Đây là điều không nên khi bạn trò chuyện với đối tượng quan trọng, chẳng hạn như khách hàng, đối tác công việc,... Không gì gây bực bội hơn việc nói chuyện với một người hoàn toàn không để tâm đến mình.
Nếu bạn cần nghỉ, hãy thông báo rõ ràng. Nếu có tin nhắn hay email khẩn cấp, hãy xin phép người đối diện một khoảng thời gian để giải quyết rồi quay trở lại cuộc trò chuyện sau.
8. Tay lúng túng
Sẽ rất khó cho bất kỳ ai muốn tập trung vào lời bạn nói khi đôi tay bạn cứ mân mê một món đồ (nhẫn, bút, quần áo,…) hoặc liên tục vuốt tóc. Việc này cũng mang đến một hình ảnh rất lúng túng cho bạn.
Thay vào đó, hãy thay bằng các cử chỉ tay trong giao tiếp, để đôi tay thật sự trở thành 'trợ thủ' giúp bạn truyền đạt thông tin cuốn hút hơn. Nhưng lưu ý là:
- Không chỉ một ngón tay vào người đối diện.
- Tránh vung tay quá nhiều như thể đang chỉ huy một dàn nhạc.
- Tránh nhầm lẫn cử chỉ tay thành 'múa may', như vậy sẽ chỉ làm rối loạn thông tin mà người nghe đang cố tiếp nhận.
9. Bắt tay nhẹ hều
Bắt tay là hành động chỉ sự hân hạnh khi gặp mặt và cảm ơn giữa việc hợp tác của hai bên. Một cái bắt tay nhẹ hều sẽ được lý giải rằng bạn đang hời hợt và không có thiện chí, hoặc thiếu tự tin trước người đối diện, dù đôi khi bạn không hề cố ý.
Vì bắt tay là cử chỉ phổ biến khi làm việc với đối tác, bạn lại càng phải cẩn thận để tránh gây mất thiện cảm cho chính mình cũng như đơn vị mà mình đại diện.
Tốt nhất là bạn nên bắt tay với một lực vừa phải và dứt khoát. Nếu e ngại vì tay hay ra mồ hôi thì đừng quên mang khăn giấy, khăn mùi soa bên mình.
10. Hướng cơ thể quay đi
Tương tự với giao tiếp bằng mắt, hướng cơ thể cũng thể hiện mức độ tự tin và hứng thú trong giao tiếp. Khi hướng cơ thể quay đi, người đối diện có thể hiểu bạn không thích nói chuyện với họ và muốn trốn khỏi cuộc đối thoại.
Vì thế, trước khi bắt đầu giao tiếp, hãy hướng cơ thể mình về phía đối tác để phát tín hiệu bạn đang chào đón họ.