1. Giả trân là gì?
Giả trân là một tiếng lóng của cộng đồng mạng, bắt nguồn từ clip quảng cáo của Huỳnh Lập và chị Cano Lê Nhân ra mắt hồi đầu năm nay. Trong một phân đoạn, Lê Nhân đá xoáy chiếc mũi mới phẫu thuật của Huỳnh Lập trông rất “giả trân” (không tự nhiên). Nghe thấy bùi tai, dân mạng lập tức bỏ túi từ vựng này.
Vậy định nghĩa giả trân thế nào hợp lý?
Giả: Không phải thật mà làm ra vẻ giống thật.
Trân:
- Ngây ra, không thấy có một cử động, một phản ứng gì cả (từ điển tiếng Việt);
- Bộ mặt trơ trơ, không biết thẹn, biết sợ (Việt Nam tự điển);
- Tính từ dùng để kết hợp với một số yếu tố trạng thái để chỉ mức độ cao của trạng thái ấy (từ điển Từ ngữ Nam Bộ).
Ví dụ: “Chữ viết đều trân” (chữ viết rất đều và thẳng), “Hai gương mặt anh em khác trân mà” (hai gương mặt rất khác nhau).
Với cách sử dụng như hiện nay, giả trân hiểu nôm na là hành động hoặc một sự vật, sự việc không đáng tin, trông như dàn dựng nhưng vẫn cố tình làm như thật.
2. Giả trân phổ biến khi nào?
Sau khi clip của Huỳnh Lập viral, trang tin Kenh14 (như thường lệ) bắt kịp trào lưu và áp dụng triệt để trong loạt bài viết. Nổi bật là bài về kỹ xảo phim Trung Quốc Tam Thiên Nha Sát.
Giữa tháng 7, một đoạn video từ tài khoản Tiktok Hà Bang Chủ được chia sẻ chóng mặt vì lối diễn xuất không thể gượng gạo hơn của dàn cast. Nhiều khán giả bình luận “diễn không giả trân chút nào”. Đến nay, video đạt hơn 10.6 triệu lượt xem, trở thành cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp điện ảnh của Hà Bang Chủ.
Tới tháng 10, các nghệ sĩ và nhóm hài có lượng người hâm mộ khủng như Trấn Thành, Khả Như, WeLax cũng bắt sóng và góp sức truyền bá “văn hóa giả trân”. Kế thừa những “giá trị đương đại” này, nhóm Hội người giả trân Việt Nam được lập nên. Nội dung tập trung đăng tải những hình ảnh hài hước ngày thường, khi con người phải “gồng” và “diễn vai diễn cuộc đời”.
Giả trân không phải lúc nào cũng được dùng với sắc thái vui tươi. Cách đây không lâu, hình ảnh của Hương Giang tại cuộc thi Hoa hậu Chuyển giới 2018 bị anti-fan đào lại và dán nhãn “giả trân”. Theo clip, Hương Giang đang niềm nở giao lưu với người hâm mộ, khi quay mặt đi 1 giây thì biểu cảm đột ngột lạnh ngắt như Tiểu Long Nữ Lưu Diệc Phi. Giả trân lúc này được hiểu là giả tạo, sống hai mặt.
Sau một thời gian, từ vựng này tiếp tục “tiến hóa” và hình thành nên các tổ hợp mới:
- Không hề giả trân một chút nào;
- Rất thật trân.
Hai “dị bản” này xuất phát từ tư duy ngôn ngữ của người Việt là nói hàm ý, nói ngược để gián tiếp đưa ra quan điểm cá nhân.
3. Cách diễn đạt tương đương?
Trong tiếng Việt, tùy thuộc vào ngữ cảnh, các từ vựng ‘giả tạo’, ‘giả dối’, ‘thảo mai’ có thể thay thế cho giả trân.
Trong tiếng Anh, từ vựng gần nghĩa nhất với giả trân là: fake, phony, sham.