High-functioning anxiety - Đừng để bị đánh lừa bởi câu “Tôi ổn” | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
27 Thg 07, 2023

High-functioning anxiety - Đừng để bị đánh lừa bởi câu “Tôi ổn”

Đằng sau một người luôn đạt KPI hay điểm cao có thể là 1001 nỗi lo âu mà chúng ta không thể nhìn thấy.
High-functioning anxiety - Đừng để bị đánh lừa bởi câu “Tôi ổn”

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Nhắc đến rối loạn lo âu, chúng ta thường nghĩ đến những biểu hiện như hoảng sợ, toát mồ hôi hay đứng ngồi không yên. Về lâu dài, chúng đều có ảnh hưởng nhất định đến khả năng vận hành bình thường của con người.

Nhưng có những người rất giỏi ngụy trang nỗi lo âu. Họ có thể trông khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng và thành công đến nỗi người xung quanh không nghĩ rằng họ có 1001 nỗi lo. Họ có thể luôn nói mình “ổn”, nhưng thực tế ta không thể biết được thực sự họ ra sao.

Hiện tượng này trong tâm lý học còn gọi là high-functioning anxiety (tạm dịch: lo âu năng suất cao). Vậy vì sao nó xảy ra và khiến nhiều người “đeo mặt nạ” che giấu nỗi lo âu của mình?

High-functioning anxiety là gì?

Theo bác sĩ tâm thần Sasha Hamdani, high-functioning anxiety là hiện tượng một người bị lo âu song vẫn có thể “vận hành” bình thường. Họ vẫn học tập và làm việc hiệu quả, trò chuyện vui vẻ với người khác dù bên trong không ổn chút nào.

Hiện tại, high-functioning anxiety không được ghi nhận chính thức trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần (DSM-5). Dù vậy theo bác sĩ Hamdani, nó có thể kích thích các rối loạn tâm lý khác ở mức độ nghiêm trọng, mà phổ biến nhất là trầm cảm do sự thờ ơ với cảm xúc bên trong.

Đặc điểm của high-functioning anxiety

Dù có thể đạt được thành công, nhưng ít khi người mắc high-functioning anxiety thấy tận hưởng và thỏa mãn. Nỗi “sợ sai”, “sợ không đủ” thôi thúc họ không ngừng cống hiến cho công việc và các mối quan hệ. Bị đánh lừa bởi những gì họ làm được, xã hội thường mặc định là họ ổn, thậm chí kỳ vọng hơn thay vì quan tâm đến cảm nhận của họ.

Theo Psychology Today, hầu hết các biểu hiện của high-functioning anxiety là cơ chế chống trả lại mối nguy (fight response). Họ cố gắng loại bỏ những nguy cơ của nỗi lo bằng một số dấu hiệu điển hình như:

Suy nghĩ thái quá: Chẳng hạn trước buổi thuyết trình, họ có thể trăn trở những nỗi sợ nói vấp, người nghe thiếu tập trung, slide mờ màu hay lỗi font. Dù thuyết trình mạch lạc và thành công, họ cũng không hết lo lắng.

Nghiện công việc: Họ đi sớm về khuya, cần mẫn, sẵn sàng OT để hoàn thành tốt công việc. Dù mệt mỏi nhưng xin nghỉ là điều tối kỵ vì họ không muốn “mất điểm”.

Cầu toàn: Nhu cầu được công nhận và vượt trội khiến họ đặt nhiều kỳ vọng, đôi khi thiếu thực tế. Ngay cả khi đạt được mục tiêu, lòng họ vẫn không yên.

Trì hoãn: Đây là kết quả của việc ôm đồm công việc quá sức hoặc không hứng thú. Khi cảm thấy không tự tin để giải quyết, họ sẽ trì hoãn mọi thứ càng lâu càng tốt.

Chiều lòng người khác: Họ không biết từ chối, cuộc vui nào cũng có mặt dù không muốn. Thời gian của họ bận rộn cho nhiều việc bên ngoài mà thiếu sự quan tâm tới bản thân. Họ sợ bị bỏ rơi và sợ làm người khác buồn.

Nguyên nhân và hệ quả của high-functioning anxiety

Thực tế không phải lúc nào người mắc high-functioning anxiety cũng cố tình che đậy cảm xúc. Chẳng hạn nếu lớn lên trong môi trường bạo lực, hoặc từng có những trải nghiệm tiêu cực trong cuộc sống, việc “nghĩ gì nói đấy” có thể gây bất lợi cho họ. Vì vậy, vỏ bọc “tôi ổn” trở thành cách giúp họ bảo vệ bản thân.

Tính cách họ thể hiện bên ngoài bị “khớp” với nhu cầu bên trong, gây nên những mâu thuẫn về bản dạng. Trong họ sẽ luôn thường trực cảm giác thiếu vắng, bất mãn và mất điểm tựa nếu người thân thiết rời đi.

27jul2023intext1jpg
Khi lớn lên trong môi trường không mấy lý tưởng, vỏ bọc “tôi ổn” trở thành cách tự vệ hiệu quả.

Vì sống cho cảm xúc của người khác trong phần lớn thời gian, họ không biết cách kết nối và thổ lộ mong muốn của bản thân. Do đó, họ gặp khó khăn trong việc thỏa hiệp về những gì bản thân muốn ở mối quan hệ. Ngay cả khi cuộc tình trở nên độc hại, “ngậm đắng nuốt cay” vẫn dễ hơn nói lời chia tay.

Bên cạnh đó, high-functioning anxiety cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý về tuyến giáp. Đây là bộ phận đóng vai trò trong việc điều tiết hormone và sự trao đổi chất của cơ thể. Khi nó bị rối loạn, nồng độ hormone trong máu tăng và quá trình trao đổi chất chậm lại, tim đập nhanh hơn, tạo cảm giác căng thẳng. Điều này khiến người mắc bệnh sẽ nhạy cảm hơn về các tác nhân gây lo âu so với người bình thường.

Làm sao để kiểm soát high-functioning anxiety?

Lo âu vốn là một cảm xúc hoàn toàn “con người”, và high-functioning anxiety cũng không ngoại lệ. Vì vậy thay vì tìm mọi cách phủ nhận, ta có thể học cách thấu hiểu để kiểm soát và chung sống với nó lâu dài. Nếu bạn đang mắc phải trạng thái này, đây là một vài gợi ý cho bạn:

Lắng nghe cảm xúc và suy nghĩ: Thường xuyên ghi lại những cảm xúc của bạn vào nhật ký. Một khi những suy nghĩ tiêu cực chạy lung tung trong đầu, hãy “xả” chúng ra giấy và tìm lọc những điều có thể kiểm soát được.

27jul2023intext2jpg
Chấp nhận cảm xúc là bước đi tiên quyết giúp bạn kiểm soát high-functioning anxiety.

“Hỏi thăm” kỳ vọng của bản thân: Ghi lại những mục tiêu bạn đang thực hiện và tự hỏi “Tại sao mình muốn làm điều này? Mình làm điều này vì ai? Việc này có ý nghĩa như thế nào cho bản thân về lâu dài? Nếu hoàn thành nó, mình sẽ cảm thấy thế nào?”

Trấn an cảm giác lo âu: Những bài tập điều hòa hơi thở như thiền, chánh niệm hay yoga giúp đưa cơ thể về trạng thái cân bằng và đủ minh mẫn để đánh giá sự việc.

Tìm sự hỗ trợ bên ngoài: Nếu cần thiết, bạn có thể đi tham vấn tâm lý ngay khi nhận ra mình gặp vấn đề. Chuyên gia sẽ cung cấp những phương pháp lành mạnh để bạn khám phá và kết nối với những vấn đề bên trong. Cách này thậm chí giúp bạn rèn luyện khả năng quản lý cảm xúc từ sớm, tránh để vấn đề của bạn trở nên nghiêm trọng hơn.