Quan tâm đến cảm xúc và đối xử tử tế với những người xung quanh là điều chúng ta luôn được dạy bảo từ nhỏ. Tuy nhiên, khi nó dần vượt qua ngưỡng cân bằng và lành mạnh, biến thành hy sinh bản thân thì ít ai nhận ra kịp thời.
Vậy khi nào thì chúng ta đang rơi vào mức độ tiêu cực và trở thành một người luôn khao khát làm hài lòng người khác (people-pleaser)? Hãy thử kiểm tra những dấu hiệu dưới đây.
Những người muốn làm hài lòng người khác – Họ là ai?
Đó là những người luôn lo lắng mọi người không thích mình, luôn muốn nhận được sự chấp thuận của người khác. Điều này vốn dĩ không có gì xấu, bởi nó bắt nguồn từ xa xưa khi con người còn sống theo bầy đàn, được "bộ lạc" chấp thuận chính là yếu tố sống còn. Nó thúc đẩy chúng ta tuân theo quy tắc xã hội và sống tử tế hơn.
Tuy nhiên, nó sẽ trở nên tiêu cực nếu họ hành động như vậy bởi mặc cảm và tự ti. Đó là khi nhu cầu được yêu thích vượt lên trên cả việc cảm thấy hài lòng với chính mình, thậm chí đến một mức cực đoan, họ sẽ dần bỏ bê bản thân (echoist).
Kiểu người này cũng thường là bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo, đặt ra các tiêu chuẩn hà khắc cho bản thân. Ở mức độ chừng mực, những suy nghĩ này không xấu, miễn là chúng hướng đến mục tiêu phát triển bản thân chứ không chỉ vì ánh nhìn của người khác.
Dấu hiệu nhận biết
Kiểu người này thường nhầm lẫn mong muốn làm hài lòng người khác với phẩm chất tốt bụng. Nếu hỏi họ vì sao không từ chối người khác, câu trả lời thường gặp sẽ là "Tôi không muốn trở nên ích kỷ". Chính vì thế, họ khó lòng bảo vệ mình khỏi việc bị lợi dụng và thao túng.
Vấn đề cốt lõi của họ là muốn tất cả mọi người đều yêu quý mình. Sắc mặt, thái độ của mọi người thường là “kim chỉ nam” hành động của họ, dù có phải gác lại mong muốn cá nhân.
1. Bạn nói xin lỗi quá thường xuyên
Bạn xin lỗi rất nhiều, ngay cả khi sự việc không xuất phát từ mình. Bạn nghĩ rằng nếu mình nhún nhường và nhận lỗi trước, mọi người sẽ có thiện cảm với bạn hơn, hoặc ít nhất sẽ không ghét bạn.
2. Bạn không thể từ chối người khác
Bạn cảm thấy mình thật ích kỷ khi phải vạch ra ranh giới cá nhân, sợ rằng người khác sẽ nghĩ rằng bạn không quan tâm đến họ, thậm chí ghét họ. Vì thế, luôn gật đầu là một lựa chọn an toàn hơn, kể cả khi có quan điểm trái ngược.
3. Bạn không có thời gian dành cho mình
Khác với bận rộn thông thường, lần gần đây nhất bạn dành thời gian cho mình là khi nào? Cho dù là bận rộn vì công việc, nhưng hãy nghĩ lại xem nguyên nhân có phải vì bạn cả nể và làm hộ phần việc của ai khác không?
Nếu là một người luôn bận rộn để làm hài lòng người khác, vậy thì thời gian của bạn thường chỉ toàn những công việc mà bạn nghĩ người khác muốn bạn làm.
4. Bạn cho rằng ý kiến và cảm xúc của người khác quan trọng hơn
Nếu luôn chiều theo ý người khác và gạt suy nghĩ, cảm xúc của mình sang một bên, cuối cùng không rõ mình thật sự muốn gì. Khi đó, những cảm xúc và ý kiến của bạn dễ bị nhấn chìm bởi suy nghĩ của người ngoài.
Vô tình, bạn đang củng cố niềm tin rằng “người khác quan trọng hơn mình” và "mình có trách nhiệm với cảm xúc của mọi người". Dù có nhận thức được cảm xúc của mình, bạn cũng khó khăn lên tiếng vì sợ làm tổn thương cảm xúc của người khác.
5. Bạn rất nhạy cảm với những lời phê bình
Một lời phê bình hoặc góp ý có thể khiến bạn lo lắng rằng những gì mình đã xây dựng bao lâu nay có thể sẽ sụp đổ. Bạn cảm thấy từ giờ người khác sẽ chỉ nhớ đến lỗi sai của mình và không bao giờ hài lòng về bạn nữa.
6. Bạn ngại tranh cãi với người khác
Những người muốn làm hài lòng người khác luôn sợ cơn tức giận. Bởi vì tức giận nghĩa là "không vui", mà bạn thì luôn muốn tất cả đều hài lòng. Khi có xích mích, bạn sẽ xin lỗi trước hoặc làm bất cứ điều gì để họ vui, ngay cả khi họ không giận bạn.
Làm sao để vượt qua nỗi ám ảnh này?
Đừng quá lo lắng khi thấy mình có một vài dấu hiệu trên, những gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn vẫn là chính mình và vẫn đối xử tử tế với mọi người. Nếu nhận thấy mình vẫn nằm ở ngưỡng lành mạnh, những gợi ý này cũng sẽ giúp bạn giữ vững phong độ đó.
Chăm sóc bản thân không hề ích kỷ
Yêu thương bản thân không phải là ích kỷ hay xa xỉ. Chỉ khi biết cách chăm sóc chính mình, bạn mới có thể chăm lo và yêu thương người khác.
Bắt đầu thế nào:
- Đặt lịch nhắc nhở để có thể bắt đầu với từng bước nhỏ và tạo thành thói quen hàng ngày.
- Mỗi ngày một câu hỏi quan tâm bản thân: “Mình cảm thấy thế nào? Mình đang cần điều gì?”
Bài viết dành cho bạn:
Chọn lọc ý kiến từ người khác
Tinh thần cầu tiến và thái độ cởi mở là đức tính tốt, tuy nhiên bạn cần phân biệt ý kiến nào mang tính chất xây dựng, ý kiến nào chỉ đang soi chiếu những mặc cảm cá nhân của người nói.
Bài viết dành cho bạn:
Chấp nhận những mâu thuẫn lành mạnh
Tránh bất đồng và tranh cãi để giữ mối quan hệ là một điều tự nhiên, nhưng lại không khả thi và hữu ích. Khi bạn trốn tránh mâu thuẫn, bạn đang tự kìm hãm những cảm xúc và nhu cầu tự nhiên của mình. Và một mối quan hệ phát triển sâu sắc cũng cần có những thăng trầm nhất định.
Bài viết dành cho bạn:
Cảm xúc và ý kiến của bạn cũng quan trọng
Văn hoá cộng đồng và những trải nghiệm thời thơ ấu cũng là một phần nguyên nhân khiến bạn luôn phủ định bản thân.
Bài viết dành cho bạn: