Một cuộc hành trình của âu lo | Vietcetera
Billboard banner

Một cuộc hành trình của âu lo

Ghi chép về một lần gặp bác sĩ tư vấn tâm lý và hành trình đi tìm lại cân bằng cuộc sống khi tôi còn là nghiên cứu sinh.
Một cuộc hành trình của âu lo

Nguồn: Gaelle Marcel/Unsplash

Tuần vừa rồi hầu như ngày nào tôi cũng tỉnh dậy với một đám mây xám lơ lửng trên đầu. Đám mây nặng trĩu như thể chỉ cần một tác động nhỏ thôi nó cũng sẽ vỡ tung thành một trận mưa xối xả.

Chuyện gì đã xảy ra vậy? Bạn có thể đang tự hỏi và chính tôi cũng đã hỏi bản thân rất nhiều lần. Nhưng tôi không tìm được một câu trả lời nào rõ ràng cả. Mỗi lúc như thế, đám mây trên đầu lại một nặng hơn, đè xuống bộ não vốn đã quá tải.

Nhưng vì đây không phải lần đầu tiên, nên tôi biết chính xác mình cần phải làm gì. Tôi nhấc điện thoại và gọi cho trung tâm tư vấn tâm lý…

Một buổi tư vấn tâm lý: Kiên nhẫn chờ đợi kết quả

“Tôi có thể giúp gì được cho bạn?” - Cô trực tổng đài tư vấn tâm lý chậm rãi cất tiếng hỏi, sau khi đã kiểm tra qua hàng loạt câu hỏi ngắn xem tôi có ý định làm việc gì kinh khủng, cần can thiệp khẩn cấp hay không. Tôi hít một hơi thật dài, và bắt đầu nói.

Từ các lần tư vấn trước, tôi biết mình vốn có vấn đề về kiểm soát lo âu, đặc biệt khi nỗi lo này liên quan đến một điều gì đó trong tương lai mà tôi khao khát muốn đạt được nhưng không thể nắm chắc.

“Tôi hiểu”, cô ấy nói, nhận ra tôi đã sống chung với vấn đề này từ lâu. “Vậy bạn thường làm gì khi thấy lo âu?” Tôi kể ra cho cô ấy một danh sách dài. Tôi thiền, luyện tập sự biết ơn (gratitude). Tôi viết, gặp bạn bè, nấu ăn, chăm sóc bản thân…

“Ồ, vậy bạn đã làm rất tốt rồi!”, cô ấy thốt lên. “Tôi không biết nên khuyên bạn thêm điều gì nữa.”

Tôi lắc đầu nói: “Chính là bởi vậy! Tôi biết mình đang làm rất tốt. Mọi lần tôi làm những điều trên thì cảm thấy tích cực trở lại sau một thời gian ngắn. Nhưng lần này thì không, tôi thực sự bế tắc. Đó là lý do tại sao tôi phải gọi đến đây”.

Ngừng một vài giây, cô ấy nói tôi nên đến gặp trực tiếp bác sĩ/chuyên gia tư vấn tâm lý tại trường xem sao. Họ sắp vào kỳ nghỉ đông nên không có thời gian cụ thể, nhưng tôi có thể cứ đến và gặp bất cứ chuyên gia nào có giờ trống trong khoảng 30 phút. Tôi ghi lại thông tin, cảm ơn, và tắt máy. Đúng như những gì tôi nghĩ, lần này, mọi thứ thật không dễ dàng.

titleGặp baacutec sĩ tacircm lyacute Nguồn Takahiro TaguchiUnsplash
Không biết liệu buổi tư vấn có kết quả thế nào, lần này tôi biết mình phải đi. Nguồn: Takahiro Taguchi/Unsplash

Sau vài ngày lần lữa, cuối cùng tôi cũng tìm đến trung tâm tư vấn tâm lý. Đó là một ngày rất lạnh, lất phất mưa. Đón tôi là một chuyên gia tư vấn nam, trung tuổi. Ông ấy cũng bắt đầu hỏi tôi những câu hỏi giống hệt cô tư vấn viên qua điện thoại. Rồi như cùng một kịch bản, ông nói: “Tất cả những gì cô làm rất tốt rồi. Tôi không biết mình có thể đưa ra thêm lời khuyên nào.”

Lạnh và ướt, phần nào đó trong tôi bắt đầu mất kiên nhẫn. Nhưng ông ấy vẫn kiên trì, tiếp tục trò chuyện. Chúng tôi bắt đầu nói về những thứ ngoài lề, như dự định tương lai, gia đình, đề tài tốt nghiệp, sau cùng là kỳ vọng của tôi về bản thân và cuộc sống. Rồi một lúc trầm ngâm, ông ấy nói:

- Tôi nghĩ cô đang thiếu lòng trắc ẩn với bản thân (self compassion). Cô kỳ vọng cao và khá nghiêm khắc với bản thân mình.

Tôi gần như nhảy dựng lên. Tôi luôn tin mình là người biết yêu bản thân!

- Những gì cô đang làm là rất tốt, ông ấy tiếp. Nhưng tôi nghĩ cô cần thêm thời gian suy nghĩ ở bên trong tâm hồn, chứ không phải chỉ ở hành động hay lý trí.

Lúc này thì tôi không thể nào không thắc mắc. Điều đó có liên quan gì đến vấn đề lo âu của tôi?

Thấy có vẻ như tôi đang cần một “bằng chứng khoa học” rõ ràng, vị bác sĩ mỉm cười và nói sẽ gửi cho tôi một bài test để xem tôi có đang đối xử tốt với bản thân hay không. Đồng thời, ông giới thiệu một hình thức thiền chuyên để luyện tập lòng trắc ẩn, gọi là metta meditation.

Tôi bước ra khỏi trung tâm tư vấn với một cảm giác vô cùng khó hiểu. Nhưng đó là điều tôi thích nhất khi đến gặp chuyên gia tâm lý. Họ luôn khiến tôi nhìn vào chính mình bằng một con mắt khác.

Đôi khi không thể dùng lý trí để điều khiển tâm hồn

Ngồi trên xe buýt về nhà, tôi thử ngay bài test nhận được từ bác sĩ trên điện thoại. Và ông ấy đúng, kết quả cho thấy tổng điểm của tôi về lòng trắc ẩn với bản thân thấp hơn mức trung bình.

Bài test cũng cho ra nhiều con số khác, giải thích tại sao tôi không để ý đến sự mất cân bằng đó. Ví dụ, hệ số cô lập (isolation) của tôi rất cao vì tôi thường cảm thấy khó chia sẻ với người khác, nghĩ rằng khó có ai hiểu vấn đề của mình.

Tuy vậy, hệ số “chánh niệm” (mindfullness) và nhân văn (humanity) của tôi lại rất cao. Nghĩa là về mặt lý trí, tôi hiểu rõ những việc mình làm, và tôi có cái nhìn tích cực với mọi người. Nhưng chính điều đó đã khiến tôi nhầm lẫn rằng mình cũng đang đối tốt với bản thân về mặt tinh thần.

Tôi nhận ra mối quan hệ của tôi với bản thân cứng nhắc như cách các bố mẹ thường áp đặt kỳ vọng với con cái. Bố mẹ sẵn sàng mua cho con cái này, cái kia chỉ với điều kiện con học giỏi, con thành đạt và nghĩ rằng như thế là yêu con đủ. Tôi thấy sống mũi mình cay xè vì không thể ngờ được mình đang đối xử với bản thân hệt như cách mà tôi vẫn luôn phản đối.

Ngay tối hôm đó, tôi bỏ hết công việc, dành một đêm hoàn toàn thư giãn. Tôi ngâm mình trong bồn tắm rất lâu, nhớ lại kỷ niệm ngày nhỏ hay xem phim nước ngoài và khát khao sau này nhà mình có một cái bồn tắm để ngâm nước nóng thư giãn.

Tôi cũng nghĩ về những ước mơ thuở bé: được nhìn thấy tuyết rơi, được học thêm nhiều điều mới, được trở nên độc lập… Tất cả mọi thứ tôi muốn hầu như đều đã đạt được. Nhưng đôi khi, thật khó để dừng lại một vài giây mà tự bảo mình rằng “Làm tốt lắm!”.

titleMetta meditation bagravei tập thiền luyện tập lograveng trắc ẩn Tập thiền khocircng chỉ để tĩnh tacircm magrave cograven lagrave luyện tập lograveng trắc ẩn với bản thacircn Nguồn Marta DzedyshkoPexels
Tập thiền không chỉ để tĩnh tâm, mà còn là luyện tập lòng trắc ẩn với bản thân. | Nguồn: Marta Dzedyshko/Pexels

Tôi cũng tập metta meditation trong bóng tối. Có rất nhiều cách để làm bài thiền này, nhưng cách tôi làm là nhắm mắt, thở đều, nghĩ thầm: “Mong cho tôi hạnh phúc. Mong cho tôi khỏe mạnh. Mong cho tôi bình an.” (May I be happy. May I be healthy. May I be peaceful). Sau đó, nghĩ về một người mình yêu thương nhất, rồi kế đến là một người mình không thích/không thoải mái khi bên họ nhất, và lần lượt lặp lại những lời trên, chỉ thay ngôi xưng.

Cuối cùng, nghĩ về tất cả mọi người đang đứng xung quanh mình, và mong những điều trên với bản thân và mọi người. Bài tập này, dù chỉ kéo dài khoảng 15 phút cũng làm cho tôi cảm thấy vững chãi, và ấm áp hơn.

Đó là đêm đầu tiên, sau khoảng 2 tuần, tôi ngủ được ngon giấc.

Niềm tin là một thứ kỳ diệu

Sáng hôm sau, tôi gặp J., một người bạn thân của tôi ở trường (và là một người theo đạo Thiên Chúa). Tôi kể cho J. nghe toàn bộ câu chuyện trong tuần vừa qua, cũng như buổi gặp của tôi với bác sĩ tư vấn. Ban đầu J. ngạc nhiên lắm, cười toáng lên vì nghĩ sao “một người như cậu” mà cũng phải lo lắng về tương lai. Nhưng nghe dần câu chuyện của tôi, bạn ấy trầm hẳn lại, rồi kể cho tôi:

Cuối tuần trước, mình đã làm một chuyện hết sức ngu ngốc. Việc mắc lỗi thế này cũng thường xuyên xảy ra, nên mình buộc phải học cách tha thứ cho bản thân và tin vào Chúa. Nếu không thì chắc mình không sống nổi!

Chuyện là hôm đó trời rất đẹp nên mình hứng chí đi bộ về trường. Cùng lắm là khoảng một tiếng rưỡi, hai tiếng. Mình cũng từng đạp xe trên tuyến đường này rồi nên nghĩ là thuộc đường. Thế mà lại lạc đường đấy! Gần 2 tiếng đi tới đi lui trên lề đường cao tốc mà vẫn lạc. Mình lại còn quên cả điện thoại và ví tiền. Lúc đó thấy thật ghét bản thân. Chẳng có nghiên cứu sinh nào đang bận làm đề tài tốt nghiệp mà lang thang giữa đường cả mấy tiếng trời thế này...

Nhưng rồi mình bình tâm lại, rồi cầu nguyện: “Cầu Chúa, Người biết con đang ở đây. Con đang lạc đường nhưng con biết Người nhìn được đường đi cho con. Con biết Người đang dùng cơ hội này để chỉ cho con bài học nào đó về cuộc sống”. Đúng lúc mình vừa cầu nguyện xong thì cậu biết không? Một chiếc ô tô đỗ xịch ngay bên cạnh. Ông Mike (thủ thư lâu năm của trường) và vợ đi ngang qua. Họ cho mình đi ké về trường ngay lập tức!

Đây là một câu chuyện thú vị với tôi. Khoan nói về vấn đề tín ngưỡng, niềm tin là một thứ kỳ diệu. Nếu như tôi tin rằng cuộc sống đang dạy cho tôi điều gì đó qua khó khăn. Nếu như tôi tin rằng một ngày nào đó nhìn lại, tôi sẽ hiểu được tất cả những điều đang xảy ra. Nếu như tôi tin rằng tôi sẽ ổn vì có ai đó luôn nâng đỡ... thì mọi việc sẽ ra sao?

Nghĩ vậy, tôi nói với J.: “Mình không theo đạo. Nhưng mình cũng muốn có niềm tin như cậu. Tin vào một điều gì đó lớn hơn.”

Ngay khi tôi vừa dứt câu nói, điện thoại của tôi reo lên. Tin nhắn hiện lên báo rằng một dự án tôi đang theo đuổi (và cảm thấy bế tắc) đã được chấp thuận và tiến thêm một bước! Đó có thể chỉ là trùng hợp, cũng có thể là sắp đặt. Nhưng tất cả những trải nghiệm này cho tôi một bài học.

“Niềm tin” có thể mang đến cho tôi bất kỳ điều gì tôi muốn, hoặc không. Nhưng nó có phép màu nhiệm của sự tích cực, thứ rất cần thiết để tôi không gục ngã trong âu lo mà vững vàng bước tiếp.

Bình an và lo âu như những người bạn, cứ đến, đi, rồi trở lại

Những ngày đen tối nhất cũng qua đi và tôi dần tìm lại cảm giác bình an. Tôi biết chắc chắn một lúc nào đó cảm giác bất an sẽ lại gõ cửa. Nhưng không sao cả, tôi chấp nhận đó là một phần của cuộc sống. Và ít nhất thì tôi cũng thu được cho mình những bài học.

titleLyacute triacute vagrave tacircm hồn Tacircm hồn cũng như một khu vườn khocircng thể chờ tới khi dấu hiệu cằn khocirc mới chăm soacutec
Tâm hồn cũng như một khu vườn, không thể chờ tới khi có dấu hiệu cằn khô mới chăm sóc. | Nguồn: Annie Spratt/Unsplash
  • Lo âu bản chất không tốt cũng không xấu. Không lo lắng chút nào mới là nguy hiểm. Bởi nó thể hiện rằng ta không còn quan tâm để mà cố gắng nữa.
  • Yêu bản thân không chỉ đến từ những thói quen có điều kiện, chẳng hạn như ngồi thiền khi cảm thấy bất an, mua sắm khi thấy buồn. Nó còn là hành động tự thưởng vào những khoảnh khắc bình thường nhất.
  • Và cuối cùng, khi gặp khúc mắc nào đó trong thời gian dài mà bản thân và bạn bè/gia đình không thể giúp được thì hãy đến gặp chuyên gia tư vấn. Tôi hy vọng đó cũng là một lựa chọn mà bạn đã và sẽ cân nhắc cho mình.

Khi tôi học lớp về Tâm lý hay Tư vấn ở trường bên Mỹ, tất cả các sinh viên chuyên ngành này đều được yêu cầu đặt lịch hẹn thường xuyên với bác sĩ tâm lý, để hiểu được thực chất công việc tư vấn là gì. Hoàn toàn không có suy nghĩ áp đặt như “chỉ có người có vấn đề thần kinh mới phải đi đến bác sĩ tâm lý”. Bản thân tôi cũng là một người được đào tạo về tâm lý (ở mảng tâm lý giáo dục) nhưng cũng có rất nhiều vấn đề khúc mắc tôi cần đến chuyên gia giải đáp.

Kết

Tôi chia sẻ câu chuyện rất riêng tư này vì tôi tin rằng mình không phải là người duy nhất cảm thấy lo âu, trầm cảm, và buồn nản về cuộc sống. Nếu bạn cũng đang trải qua những ngày u tối với đám mây xám trên đầu, đừng sợ rằng bạn chỉ có một mình.

Trên chuyến xe buýt về nhà sau lần tư vấn tâm lý nọ, tôi nhận được email từ vị bác sĩ. Cuối email là một dòng nhắn:

“I especially hope that you’re able to learn to trust the process of life unfolding moment by moment.” (Tôi rất hy vọng rằng cô có thể học cách tin tưởng vào hành trình cuộc sống, thứ sẽ bóc tách dần qua từng khoảnh khắc.)

Tôi vẫn chưa thể khẳng định mình đã học được hoàn toàn điều đó, nhưng nó là một trong những câu thần chú tôi luôn nhắc nhở mình và mong bạn cũng thế. “Be present.”