“Đại dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng đến hành vi con người như thế nào?”
Nhiều người trong chúng ta đang âm thầm chờ đợi với hy vọng công việc sẽ sớm trở lại bình thường như trước khi có đại dịch. Tuy nhiên, khi tình hình ngày càng kéo dài như hiện nay và tác động ngày càng lớn đến nền kinh tế và con người, thì sẽ càng chứng tỏ giai đoạn này chính là sự kiện xã hội mang tầm vĩ mô. Có khả năng nó sẽ định hình cả một thế hệ cũng như làm thay đổi vĩnh viễn hành vi ứng xử xã hội.
Tôi cho rằng sẽ có ba kịch bản như sau:
- Mọi việc trở lại như xưa
- Làn sóng chi tiêu hoang phí
- Nếp sống tối giản trong tương lai
Và tôi xếp theo thứ tự tính khả thi tăng dần. Nghĩa là, khả năng “Mọi việc trở lại như xưa” là ít khả thi nhất.
Kịch bản #1: Mọi việc trở lại như xưa
Nguyên nhân chính lý giải vì sao đây là kịch bản kém khả thi nhất là do khi tình hình dịch bệnh càng kéo dài thì sẽ càng có những thói quen mới được hình thành. Giống như câu nói “không chuẩn tắc” của tuyển thủ bóng chày Yogi Berra: Khi một lối sống càng được lặp lại thường xuyên, thì càng nhiều thói quen mới sẽ được hình thành.
Điều này có nghĩa là con người vốn là loài rất dễ thích nghi, đồng thời cũng chính là sinh vật của thói quen. Vậy sau thời kỳ đại dịch, chúng ta có thể từ bỏ những thói quen mới được hay không? Không có gì chắc chắn về khả năng này.
Những lỗ hỏng được phơi bày
Đối với các nhóm đối tượng tìm kiếm sự thích nghi với những thay đổi hiện nay, chính sự hỗn loạn sẽ trở thành chất xúc tác giúp họ hướng đến sự linh động trong tương lai, và đây là điều nên làm. Bên cạnh những lợi ích tiềm năng để cân bằng giữa cuộc sống và công việc, đại dịch còn lộ ra một số bất cập xã hội thực tế.
Điển hình như việc mạng lưới điện bị quá tải, thiên tai, thời tiết biến đổi và các mối đe dọa an ninh như hoạt động của những tay súng vũ trang hoặc khủng bố, là những vấn nạn thực tế sẽ vẫn tồn tại sau khi COVID-19 kết thúc. Phương án làm việc trực tuyến để giảm bớt mật độ tập trung quá đông ở các đô thị lớn có thể là giải pháp cho vấn đề này.
Cái bẫy của sự hoài niệm
Xét về ý nghĩa ngôn từ, cụm từ “trở lại như xưa” vốn mang tính gợi nhớ, hoài cổ, tương tự như một kỷ niệm đẹp thời thơ ấu. Bản thân tôi cũng có những kỷ niệm tuổi thơ rất đẹp khi được vui đùa và đạp xe cùng lũ bạn trong xóm vào những ngày hè.
Thực sự tôi rất khao khát được một vé quay về tuổi thơ, tuy nhiên tôi cũng biết rằng đó là điều không thể. Bạn thấy đó, hoài niệm là một phần không thể thiếu trong mỗi con người. Và tôi cũng tự hỏi liệu rằng chúng ta sẽ nhớ về cuộc sống trước COVID-19 như một “hoài niệm ngày xưa” như là tác động văn hóa sâu sắc do đại dịch gây ra.
Cuộc sống luôn có nhiều thay đổi. Thực tế, xã hội chúng ta đã có bao giờ ngừng vận động? Chính những sự kiện như COVID-19 đã thúc đẩy xã hội thay đổi, chứ không làm nó ngừng lại (ngay cả khi chúng ta ở yên trong nhà).
Kịch bản #2: Làn sóng chi tiêu hoang phí
Kịch bản thứ hai là sự gia tăng trong tiêu dùng và chi tiêu một khi các quy định về hạn chế và cách ly được dỡ bỏ. Đây là kết quả mang lại khi con người cảm thấy muốn bù đắp cho những thiếu thốn của bản thân trong thời gian bị hạn chế và cách ly xã hội. Có ý kiến tranh luận rằng “chi tiêu hoang phí” chính là thói quen trước thời kỳ đại dịch mặc dù không ai muốn thừa nhận.
Trong bối cảnh xu hướng thỏa mãn nhất thời, liệu chúng ta có đang đặt nhu cầu thỏa mãn bản thân lên trên tất cả? Lấy ví dụ sự việc rất nhiều sinh viên đang trong kỳ nghỉ xuân vẫn tụ tập vui chơi tại bãi biển Florida giữa thời điểm dịch bệnh bùng phát đã phần nào phản ánh xu hướng này. Thậm chí một người trong số họ còn phát biểu rằng “Nói chung là dù có dịch bệnh tôi vẫn không ngừng vui chơi”.
Hiệu suất giảm dần
Thực tế, việc chi tiêu hoang phí chỉ mang tính thời vụ. Khái niệm “hiệu suất giảm dần” trong kinh tế học đã chứng minh điều này. Khái niệm này giải thích rằng cảm giác “hưng phấn” từ lần mua hàng đầu tiên sẽ giảm dần qua các lần tiếp theo.
Ví dụ nếu bạn thèm ăn chocolate và bạn vung tiền mua một lúc những mười thanh. Thanh chocolate đầu tiên bao giờ cũng ngon nhất, thanh thứ hai cũng hơi ngon đấy nhưng không thể bằng được thanh thứ nhất. Thực tế, số thanh chocolate bạn ăn sẽ tỉ lệ nghịch với mức độ hưng phấn. Do đó khi ăn đến thanh thứ mười, bạn sẽ thấy ngán tận cổ.
Ví dụ này nhằm giải thích rằng việc tiêu hoang sẽ chỉ kéo dài đến khi người mua không còn hứng thú nữa. Do đó theo tôi, việc lạm chi tiêu nhiều hơn so với trước thời COVID-19 sẽ chỉ mang tính tạm thời.
Từ đó dẫn đến kịch bản thứ ba mà tôi rất tâm đắc sau đây:
Kịch bản #3: Nếp sống tối giản trong tương lai
Sống chậm
Có rất nhiều nguyên nhân để tin rằng điều này sẽ xảy ra. Trước hết, con người vốn quen với sự thay đổi nhanh. Nhưng lần thay đổi này lại khiến chúng ta sống chậm lại. Đã có ý kiến tranh luận rằng nguyên nhân sâu xa của hầu hết các mâu thuẫn về chính trị và xã hội hiện nay là do thế giới thay đổi quá nhanh, đến nỗi con người chúng ta không thể theo kịp. Do đó sẽ có nhiều người cảm thấy cuộc sống dễ thở hơn khi áp dụng các biện pháp cách ly ngăn ngừa dịch bệnh.
Trân trọng nhiều hơn
Sau tất cả, chúng ta sẽ thấy trân trọng hơn những điều “nhỏ bé” trong cuộc sống. Chúng ta cuối cùng cũng dành thời gian để thực hiện nó (hoặc bắt buộc phải thực hiện). Bản thân tôi gần đây cũng ăn đầy đủ chất hơn, ngủ đủ giấc thường xuyên, uống nhiều nước và vitamin, và đi bộ tập thể dục.
Thực sự tôi rất thích nhịp sống này. Mặc dù tôi đang sống tự lập một mình, nhưng vẫn thấy mình may mắn. Không phải ai cũng được may mắn như thế, nên mỗi ngày tôi càng thêm trân trọng và biết ơn cuộc sống nhiều hơn.
Sống tối giản như Marie Kondo
Thời gian gần đây, chúng ta nghe nhiều về trào lưu sống tối giản. Đây là phong cách sống theo triết lý chỉ mua sắm những gì thực sự cần thiết. Từ đó dẫn đến sự bùng nổ của thị trường nhà siêu nhỏ, kích thước không quá 37 m2 (400 ft2). Trong một khảo sát năm 2018, hơn một nửa người dân Mỹ cho biết họ sẽ cân nhắc chọn mua nhà siêu nhỏ, trong đó 63% thế hệ Y (Millennials) đồng tình với lựa chọn này.
Từ khóa “Marie Kondo’ing” đã trở thành thuật ngữ văn hóa mới sau khi chương trình thực tế về niềm vui dọn dẹp nhà cửa của cô trên kênh Netflix được lan truyền rộng rãi. Virus corona có thể trở thành bệ phóng thúc đẩy các xu hướng này phát triển nhanh hơn.
Tiền lệ lịch sử
Quá khứ có thể giúp chúng ta có thêm một góc nhìn khác. Ví dụ như Thế hệ vĩ đại nhất (The Greatest Generation) là thế hệ đã phải trải qua những điều kiện sống khắc nghiệt, những người sống sót từ cuộc Đại suy thoái kinh tế 1929-1939 trước khi giải phóng thế giới khỏi chủ nghĩa Phát-xít trong Thế chiến thứ II 1939-1945. Tỉ trọng các mặt hàng thiết yếu trong nước như bơ, sữa, thịt, xăng dầu đều được dồn lực phục vụ chiến trường do sự thiếu hụt từ cuộc Đại suy thoái kinh tế.
Do vậy, dù rất giàu có vào thời ấy, nhưng bản thân tổng thống Franklin D. Roosevelt chỉ ăn những bữa ăn rất đạm bạc như súp loãng và bánh pudding mận để hỗ trợ người dân. Và tất nhiên, sức mua tiêu dùng tăng cao khi chiến tranh kết thúc, mặc dù vậy những người thuộc Thế hệ vĩ đại nhất vẫn giữ thói quen tiết kiệm và tích trữ trong lối sống thường nhật.
Cũng như ban nhạc Rat Pack cũng là thế hệ “Pack Rat” (tiếng lóng chỉ nhóm người thích thu thập tích trữ đồ cũ). Đây là thói quen do được hình thành qua thời gian họ phải sống trong điều kiện khó khăn, nên họ khó mà bỏ được. Có lẽ sau này thế hệ chúng ta rất có thể cũng sẽ giống như vậy.
Sự đan xen giữa sức khỏe con người và môi trường
Cuối cùng, chúng ta bắt đầu nhận thấy những lợi ích to lớn khác từ việc sức tiêu thụ giảm, và quan trọng nhất là lợi ích về môi trường. Mẹ thiên nhiên cuối cùng cũng có thể thở phào nhẹ nhõm, thậm chí cũng có thể nói đây là cách Trái Đất đang cảnh báo chúng ta.
Các báo cáo cho thấy tỉ lệ ô nhiễm không khí giảm mạnh tại Trung Quốc và Ý. Trong đó tỉ lệ khí thải Nitơ dioxide (NO2) tại một số nơi ở Trung Quốc đã giảm tới 30%. Nhà nghiên cứu Lauri Myllyvirta, chủ trì phân tích cho trạm NASA, cho biết “Tôi đã trò chuyện với những người sống ở Thượng Hải và họ nói rằng năm nay bầu trời trong xanh nhất mà họ từng thấy sau nhiều năm”.
Cơ hội: Ngành kinh tế hỗ trợ hệ sinh thái
Chúng ta không thể nói cần phải kìm hãm kinh tế vì lợi ích môi trường, điều đó hoàn toàn phi thực tế. Tuy nhiên việc tạm ngừng giao thương mang lại cơ hội chuyển đổi sang các ngành kinh doanh, cơ sở hạ tầng và hệ thống mới không chỉ ngăn chặn tác hại mà còn thúc đẩy một hành tinh khỏe mạnh hơn.
Điều này hoàn toàn khả thi, nhưng khi áp dụng tốt nhất nên đi từng bước. Và do đó, khả năng tái cấu trúc nền kinh tế là rất cao. Giờ đây chúng ta đã có được cơ hội để thực hiện điều đó mà vẫn tránh được quả bom nổ chậm của sự suy thoái hệ sinh thái, vốn là một thảm họa toàn cầu.
Chúng ta làm chủ cuộc sống của mình
Suy cho cùng, chúng ta vẫn có quyền làm chủ cuộc sống của mình. Trong những ngày này, tôi rất lo lắng cho bà của mình. Ở tuổi 96, rất may mắn khi bà tôi vẫn giữ được sức khỏe tốt. Trong những năm gần đây, bà phải thay đổi nếp sống khi tuổi già khiến việc đi lại trở nên khó khăn hơn.
Và đến một ngày khi chợt nhận ra cuộc sống của mình đã thay đổi hoàn toàn, bà tôi bỗng trầm ngâm suy nghĩ. Khi đó mẹ tôi đã hỏi bà “Mẹ đang nghĩ gì vậy ạ?” thì bà tôi trả lời “Mẹ chỉ đang ngồi đây suy nghĩ xem làm sao để sống được cuộc sống như ý mình mong muốn”. Có lẽ đó cũng là điều tất cả chúng ta nên dành thời gian này để cùng chiêm nghiệm.
Bài viết nêu góc nhìn Sara Benson, Chiến Lược Gia Cấp Cao trong Đội ngũ Tư vấn Chiến lược của Tập đoàn thiết kế B+H. Trong sự nghiệp của mình, Sara đã cố vấn cho các công ty lớn và nổi tiếng trên thế giới đưa ra giải pháp tận dụng tài nguyên sẵn có để đạt được các mục tiêu chiến lược.
Cô đã từng điều hành các buổi hội thảo, nghiên cứu dân tộc học, phân tích địa lý (GIS), xây dựng chiến lược và có khả năng đánh giá các chủ đề phức tạp thông qua phân tích dữ liệu. Cô đã làm việc trong các tổ chức nhà nước, tư nhân và phi lợi nhuận.
Bài dịch bởi Đỗ Hồng Xuân Nguyên.
Xem thêm:
[Bài viết] Việt Nam hậu COVID-19: Khi đại dịch qua đi, chỉ còn những nếp sống mới ở lại
[Bài viết] Hôm nay làm gì cho qua ngày? Vietcetera gợi ý 15 thử thách cho bạn