Generalist - Tổng quát viên là gì?
Generalist hay tổng quát viên là người có kĩ năng, kiến thức và kinh nghiệm tổng quát trên nhiều lĩnh vực. Đối lập với họ là chuyên viên, người có kĩ năng và kiến thức tập trung vào duy nhất một lĩnh vực. Trong một tổ chức, tổng quát viên giữ vai trò kết nối và dẫn dắt các bộ phận hay các chuyên viên để thực hiện nhiệm vụ đề ra.
So với chuyên viên, generalist có lợi thế:
- Kết nối các lĩnh vực hoàn toàn không liên quan và tạo nên những ý tưởng đột phá.
- Có cái nhìn bao quát và khả năng chuyển đổi linh hoạt khi thị trường thay đổi.
- Sự nghiệp đa dạng, thú vị và khó bị gián đoạn vì dễ dàng thích ứng trên nhiều lĩnh vực.
Yếu thế:
- Khó phát hiện và giải quyết được vấn đề cốt lõi ở một lĩnh vực cụ thể.
- Dễ bị thay thế bởi những tổng quát viên khác.
- Khó tìm kiếm được công việc thu nhập cao vào giai đoạn đầu sự nghiệp.
Vì sao generalist sẽ dần thành xu hướng bắt buộc?
- Sự phát triển của nền kinh tế gig (kinh tế lao động tự do: nơi người lao động không gắn kết lâu dài với một tổ chức mà chỉ làm thuê ngắn hạn) khi Việt Nam sẽ trở thành thị trường đầu tiên trong APEC vượt ngưỡng 50% lao động tự do, đòi hỏi các freelancer (lao động tự do) phải linh hoạt với sự thay đổi và có hiểu biết đa dạng trên nhiều lĩnh vực để cạnh tranh tốt hơn.
- Sự thay thế của công nghệ cho những chuyên môn trước đây thực hiện bởi con người khiến các chuyên viên phải phát triển song song những lĩnh vực khác để trụ lại tổ chức. Theo dự đoán của hơn 1900 chuyên gia công nghệ, 50% công việc sẽ bị thay thế bởi robot vào năm 2030.
- Sự tăng cường liên thông giữa nhiều lĩnh vực (kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị…) đòi hỏi người lao động phải có cái nhìn bao quát để dự báo trước những tác động qua lại và linh hoạt chuyển đổi nhằm phát triển hay duy trì lợi thế cạnh tranh của tổ chức.
- Xu hướng giảm nhân lực nhưng giữ nguyên khối lượng công việc yêu cầu người lao động phải trở nên tổng quát hóa và gánh vác nhiều hơn những lĩnh vực ngoài chuyên môn. NBC, Huffpost, ESPN, CNN cũng có tên trong làn sóng cắt giảm này.
Có một xu hướng giảm nhân lực đang diễn ra, nhưng khối lượng công việc không hề giảm, dẫn đến rất nhiều người đang phải thực hiện những nhiệm vụ ngoài chuyên môn của họ. – Theo Nannette Ripmeester, sáng lập viên của ELM (Expertise in Labour Mobility).
Ứng dụng năng lực tổng quát ở các nấc thang sự nghiệp
Ở giai đoạn đầu sự nghiệp
Qua việc nắm bắt những kiến thức cơ bản và hiểu biết chung trên nhiều lĩnh vực, một generalist có thể xác định lĩnh vực chuyên môn nào phù hợp khả năng, cùng với đó là nhìn thấy bức tranh tổng thể của tổ chức để biết đề ra định hướng tốt nhất tiến tới mục tiêu sự nghiệp. Một cách hữu hiệu để phát triển khả năng tổng quát ở giai đoạn này là tận dụng cơ hội luân chuyển phòng ban.
Ở giai đoạn quản lý
Việc phát triển chuyên môn không còn là ưu tiên mà là khả năng lãnh đạo và tầm nhìn bao quát. Vì thế năng lực tổng quát càng tốt, nhà quản lý càng dễ dàng thăng tiến và đạt được những thành tựu vượt bậc trong sự nghiệp.
Thực tế là ở nấc thang sự nghiệp càng cao, bạn càng cần trau dồi kĩ năng quản lý và tổng quát. Càng thành tài các kĩ năng này sớm, bạn sẽ càng nhanh chóng đưa sự nghiệp của mình lên tầm cao mới. – Theo Nannette Ripmeester, sáng lập viên của ELM (Expertise in Labour Mobility).
Generalist liệu đã tối ưu?
Hiện nay, xu hướng sự nghiệp đang chuyển dịch sang chuyên-tổng quát viên (expert-generalist), người hội đủ những kĩ năng của cả một chuyên viên và một tổng quát viên (T-shaped employee skill set). Bởi:
- Họ có thể tự đánh giá chất lượng chuyên môn và xác định được những việc cụ thể đang làm có thể điền vào đâu trong chiến lược phát triển của tổ chức, thậm chí nên thay đổi như thế nào để tạo lợi thế cạnh tranh trước đối thủ.
- Ứng dụng những ý tưởng đã thành công trong một lĩnh vực sang các lĩnh vực khác để tạo ra sự đột phá.
- Trở thành đầu mối liên lạc giữa những nhóm chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực và mở ra cơ hội thăng tiến vượt bậc.
- Dự đoán tốt hơn những biến chuyển cả về mặt chuyên môn lẫn thị trường để có chiến lược đón đầu tối ưu.
Khi đưa ra các dự đoán, những người không phải chuyên gia (hay nói cách khác: tổng quát viên) thường có nhận định chuẩn xác hơn. – Theo kết quả nghiên cứu trong hơn 20 năm của Tetlock trên xấp xỉ 80,000 bảng dự báo thuộc 248 nghề nghiệp.
Hình ảnh được thực hiện bởi Tâm Phạm.