Trong nhiều chiến dịch bảo vệ môi trường những năm gần đây, có thể nói giới trẻ là lực lượng tham gia đông đảo và nhiệt tình nhất, với những đóng góp đầy mới mẻ, sáng tạo. Tuy nhiên phần nhiều các hoạt động này chỉ giới hạn ở mặt phong trào mà chưa thật sự trở thành một lối sống bảo vệ môi trường lâu dài. Bộ phận người trẻ mong muốn và bắt đầu thực hành phong cách sống này vẫn còn là thiểu số. Vậy còn điều gì cản trở khiến cho họ chần chừ khi chuyển sang lối sống thân thiện với môi trường, đặc biệt là các bạn trẻ sống ở thành phố lớn như Sài Gòn?
1. Bất tiện
Đây hẳn là lý do chính yếu vì phần đa các bạn được phỏng vấn đều đề cập đến khía cạnh này. Với nhịp sống hiện đại ngày càng nhanh, sự tiện lợi là một nhu cầu khách quan khó tránh khỏi để mọi hoạt động sinh hoạt bắt kịp nhịp sống.
Điều này lại càng phổ biến hơn tại một thành phố lớn như Sài Gòn, vì đây là nơi tập trung nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ Millennials, thế hệ bận rộn với lịch học tập và làm việc dày đặc. Với vốn thời gian ít ỏi để mua sắm, việc sống xanh với họ lại càng khó khăn hơn.
Thay vì ra siêu thị chọn đại một món hàng đóng gói nhựa sẵn, nay phải tìm nguồn cung “xanh” để giảm lượng bao bì đóng gói. “Đặc biệt là với đồ tươi sống cần để trong hộp đựng, việc mang hộp đi khá lỉnh kỉnh và bất tiện trong di chuyển.” – Hà Phương (19 tuổi, sinh viên)
Một trường hợp khác, để hạn chế việc order đồ ăn giúp giảm lượng nhựa ra môi trường thì cần phải tự nấu ăn mang theo, hoặc tới cửa hàng. Nhưng đối với người trẻ luôn tất bật thì điều này lại là một thử thách. Khung giờ làm việc của họ thường linh hoạt, kéo theo thời gian nghỉ ngơi cũng thiếu ổn định, thậm chí có hôm nhiều việc tới nỗi phải vừa ăn vừa làm. Thế nên, việc đặt đồ ăn bên ngoài trở thành giải pháp tiện lợi nhất và không dễ dàng thay thế.
“Công việc của mình yêu cầu di chuyển nhiều nơi, nên việc ăn uống đối với mình thường phải nhanh chóng. Mình không có thời gian nấu ăn, và vì tính chất di chuyển liên tục nên cũng khó mang theo nhiều đồ hộp lỉnh kỉnh. Do đó lựa chọn của mình thường là mua đồ ăn bên ngoài.” – Thanh Trúc (20 tuổi, nhân viên tổ chức sự kiện)
Một điều nữa cần thừa nhận là điều kiện thuận tiện cho sống xanh còn chưa nhiều. Như các trạm refill chưa có nhiều cơ sở trải rộng trên thành phố. Các cửa hàng bán sản phẩm thân thiện với môi trường còn hạn chế. Những vật liệu thay thế cho nhựa dùng một lần vẫn chưa đa dạng và chưa phổ biến tại các đơn vị kinh doanh.
2. Giá cả
Chất liệu thân thiện với môi trường thông thường sẽ có giá thành cao hơn các sản phẩm tiêu dùng đại trà. Ví dụ hộp bã mía thường có giá từ 4 – 5.000 đồng/hộp, đắt hơn 5-7 lần hộp xốp). Với tâm lý muốn tối đa lợi nhuận, những loại chất liệu như trên vẫn chưa nhận được sự ưa chuộng từ người bán hàng.
Khi nhắc tới đối tượng sinh viên thì những sản phẩm thân thiện với môi trường không phải lúc nào cũng “thân thiện” với khả năng tài chính của các bạn. Ví dụ như hộp thủy tinh, ly giữ nhiệt chất lượng và an toàn cho sức khoẻ thường sẽ có mức giá từ trung đến cao, tầm 300.000 VNĐ.
Các nhu yếu phẩm thông thường có giá khoảng dưới 100.000 VNĐ tuỳ thể tích, nhưng nhu yếu phẩm hữu cơ lại đắt gấp 3-4 lần. “Dù có muốn thì mình hay các bạn thường chưa mua được ngay mà cần một khoảng thời gian tiết kiệm dần.” – Vĩnh Khang (19 tuổi, sinh viên)
3. Nỗi e ngại sống xanh “nửa vời”
Cũng vì những yếu tố kể trên nên dù có lòng thì chúng ta cũng không cách nào loại bỏ triệt để nhựa dùng một lần ra khỏi sinh hoạt được. Vì vậy đôi khi bị người ngoài nói là theo phong trào, nửa vời,… Đây cũng là một trong số nguyên nhân khiến nhiều người nản lòng thoái chí mỗi khi tính đến việc sống xanh.
“Biết mình đang cố gắng thay đổi lối sống, nhiều đồng nghiệp thường đùa ‘để xem thử được bao lâu’. Đi mua hàng từ chối túi ni-lông thì bị nói là chẳng thấm vào đâu. Nhưng nếu trót tiêu thụ một chiếc ống hút nhựa hay một chai nhựa thì sẽ thành mục tiêu trêu chọc của mọi người ngay. Mặc dù biết chỉ là đùa vui, nhưng nhiều khi cũng chạnh lòng lắm. Vô tình một hành động tốt xuất phát từ nhận thức và tự giác cá nhân lại biến thành áp lực mỗi ngày.” — Bích Ngọc (24 tuổi, nhân viên văn phòng)
4. Chưa có chất liệu phù hợp để thay thế nhựa dùng một lần
Dù gây sức ép rất lớn lên môi trường nhưng không thể phủ nhận vai trò nhất định của chất liệu nhựa trong đời sống của con người, chẳng hạn như góp phần phát triển ngành công nghiệp thực phẩm, giúp thực phẩm được xuất khẩu đi khắp thế giới. Nhựa len lỏi trong hầu hết sinh hoạt hàng ngày của người dân thành thị bởi tính tiện dụng và giá thành thấp. Đây là hiện thực khó mà thay đổi trong một sớm một chiều.
Có những công việc sử dụng rất nhiều sản phẩm nhựa, rất khó để tìm được chất liệu khác thay thế được tính chắc chắn và giá thành rẻ của nhựa. “Do đặc thù của mỹ phẩm thường là hàng dễ vỡ nên mình thường xuyên dùng chất liệu nhựa như băng keo, giấy bong bóng, giấy xốp để đảm bảo sản phẩm còn nguyên vẹn sau vận chuyển đường dài. Dù biết là không tốt cho môi trường nhưng mình và thậm chí là nhiều cửa hàng khác nữa vẫn chưa tìm được phương án thay thế tốt hơn.” – Thu Quỳnh (27 tuổi, chủ cửa hàng mỹ phẩm)
“Làm kế toán công ty nên mỗi ngày nên mình mở biết bao nhiêu gói tài liệu từ khách hàng. Mỗi lần nhận hàng hóa, thư từ đối tác gửi, mở ba bốn lớp băng keo, nhựa gói, nhựa bong bóng là mỗi lần mình cảm thấy “tội lỗi”, nhưng lại không thể ép họ gói hàng “không xài nhựa” được.” – Minh Sơn (26 tuổi, kế toán)
5. Hệ thống xã hội chưa hoàn thiện
Hiện nay việc giảm thiểu và phân loại rác thải ở Việt Nam vẫn còn mang tính kêu gọi. Các bộ luật bảo vệ môi trường chưa gắt gao và thống nhất ở tất cả các khu vực, cũng như chưa có hệ thống phân loại và xử lý rác thải hoàn chỉnh. Vì vậy mà bản thân mỗi người chỉ phân loại được một phần nhỏ ban đầu (chai thủy tinh, vỏ lon), nhưng cuối cùng toàn bộ rác vẫn bị gom chung để đem đi xử lý.
“Chung cư nơi mình đang sống đột ngột phân thành hai thùng rác đi kèm bảng hướng dẫn thùng nào cho loại rác nào. Tuy có bảng hướng dẫn nhưng thông tin không đầy đủ, một số loại rác không biết thuộc bên nào.” — Minh Hoàng (23 tuổi, nhân viên văn phòng)
Tại một số khu vực trong thành phố lớn, các ban ngành địa phương và các nhà hoạt động xã hội cũng cố gắng nâng cao nhận thức về phân loại rác thải của người dân. Thậm chí, họ còn hướng dẫn cách phân loại rác, phát túi khác màu cho từng loại, phân bổ lịch thu gom,… Nhưng ở nơi thu gom, các loại rác vẫn trộn lẫn với nhau, lẫn lộn từ khi lên xe cho tới bãi tập kết cuối cùng. Thế là mọi nỗ lực bị đứt quãng tại quy trình thu gom, bởi chưa có sự thống nhất trên diện rộng.
Ngày nay, lối sống bền vững vẫn là một vấn đề nan giải vì nó yêu cầu những điều đi ngược lại với cách xã hội vẫn đang vận hành. Các giải pháp cho vấn đề về môi trường cần được hệ thống hoá theo điều luật chung. Nếu chỉ có những cá nhân cố gắng “lội ngược dòng” trong khi hệ thống xã hội được thiết kế cho những điều ngược lại, cụ thể là “nhanh” và “tiện”, thì lối sống này sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu bền vững.
Kết
Qua một vòng tham khảo ý kiến từ các bạn trẻ sống tại Sài Gòn, “sống xanh – sống tiện” thực sự là một cuộc đấu tranh tư tưởng đối với những cá nhân ý thức được những gánh nặng mà chúng ta đang bắt môi trường hứng chịu. Tuy vấp phải nhiều rào cản, nhưng phần đông các bạn vẫn bày tỏ mong muốn tìm kiếm những giải pháp khả thi để góp một phần sức lực nhỏ bé của mình.
Mọi nỗ lực giảm thiểu rác thải đều đáng thử và đáng trân trọng. Đừng chờ đợi cho tới khi có giải pháp triệt để rồi mới bắt tay vào thực hiện, mà hãy bắt đầu từ những bước nhỏ ngay từ bây giờ. Nếu bạn vẫn cho rằng những hành động nhỏ bé như vậy chẳng đáng là gì và không thay đổi được gì, thì hãy nhớ rằng tầm 2 năm trước, mọi người vẫn chưa sử dụng ống hút, ly và bình inox nhiều như bây giờ đâu.
Bài viết này được thực hiện bởi Hà Phạm.