Ngày 20/08, Ủy Ban UBND TP.HCM đã siết chặt chỉ thị 16 về giãn cách xã hội, trong đó người dân được yêu cầu ở yên một chỗ. Lệnh giãn cách được chỉ định sẽ thi hành trong 14 ngày, tức từ 0h ngày 23/08 đến 0h ngày 06/09.
1. Vùng xanh, đỏ, cam là gì?
Trong lần giãn cách lần này, chiến lược của thành phố là chuyển sang phòng chống dịch vừa tập trung vừa phân tán đến tận phường và xã. Do đó, 312 xã phường tại TP.HCM được chia ra theo các mức nguy cơ vùng xanh, đỏ, cam:
- Vùng xanh là những vùng không có dịch;
- Vùng cam là những vùng có nguy cơ cao (các nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, chợ, siêu thị, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh);
- Vùng đỏ là những vùng có ca dương tính hoặc khu vực phong tỏa.
Cho tới ngày 23/08, TP.HCM vẫn chưa có văn bản phân chia các vùng và việc xét nghiệm dân cư để phân vùng vẫn đang diễn ra. Theo như Thông Tin Chính Phủ thì việc công bố các khu vùng sẽ được công bố tại https://hatangdothi.tphcm.gov.vn/covid19 hoặc https://bando.tphcm.gov.vn/covid19 ngay khi có thông báo chính thức.
2. Có được ra khỏi nhà khi cần mua lương thực, thực phẩm và mặt hàng thiết yếu?
Người dân tuyệt đối không cần ra khỏi nhà để mua sắm. Tất cả những vùng dù xanh hay đỏ sẽ đều được lực lượng chức năng đi chợ hộ 1 tuần/lần và trả lại tiền khi nhận hàng.
Ban đầu người dân sinh sống trong vùng xanh được phép đi chợ. Tuy nhiên, theo đại diện Sở công thương TP.HCM, hiện vùng xanh ở thành phố rất ít và cũng đang được xét nghiệm, do đó lực lượng chức năng sẽ đi chợ hộ luôn cho cả vùng xanh.
3. Làm sao để được đi chợ hộ?
Đây là lúc để mọi người chủ động tham gia các hội nhóm, đoàn thể của khu vực mình sinh sống, từ Facebook cho tới Zalo để "nghe ngóng" tình hình.
Mỗi khu phố sẽ có những nhóm đi chợ hộ, hoặc những người chịu trách nhiệm nhận đơn hàng và phân phát cho các hộ dân. Tùy theo phường mà các cách thức sẽ khác nhau, tuy nhiên có thể chia ra như sau:
- Tổ dân phố sẽ đưa ra thông báo và phát phiếu đi chợ hộ theo đơn đăng ký;
- Đưa ra các gói combo thực phẩm trong 1 tuần cho người dân chọn lựa và gửi kèm tiền;
- Tổ chức gom và “chốt đơn" hàng qua các nhóm như Zalo kèm với danh sách mặt hàng.
Thường thì các đơn hàng sẽ được giải quyết trong vòng 1-2 ngày.
4. Ai là người đi chợ hộ?
Tổ hậu cần địa phương, lực lượng tình nguyện (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc), công an và quân đội sẽ hỗ trợ đi chợ và phân phối tới người dân.
5. Có giới hạn số lượng đồ nhờ mua hộ hay không?
Về số lượng hàng hóa thì không có công văn giới hạn cụ thể. Tuy nhiên, Lãnh đạo Sở Công Thương mong người dân mua vừa đủ hàng hóa sử dụng trong vòng 1 tuần. Một số phường có thể sẽ đưa ra các giới hạn hàng hóa và số lượng hàng cụ thể ví dụ như 15 món/ đơn.
6. Dịch vụ giao hàng có hoạt động không?
Các shipper công nghệ sẽ không được di chuyển liên quận tại TP.HCM. Các shipper giao hàng phải tạm ngưng hoạt động nội quận tại TP.Thủ Đức và các quận, huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn (TP.HCM).
Còn các quận còn lại shipper được phép hoạt động trong quận nếu xuất trình được mã QR.
7. Đối tượng nào được cấp giấy đi đường?
Có tổng cộng 31 đối tượng được cấp giấy đi đường, chia thành 3 nhóm chính như sau:
- Thành viên của Ban Chỉ đạo và lực lượng tham gia phòng chống dịch các cấp, đơn vị xử lý hạ tầng kỹ thuật;
- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của đơn vị (nhưng không quá 10% trên tổng số);
- Các trường hợp khác do thủ trưởng cơ quan tự chịu trách nhiệm cấp giác (có báo cáo với Công an TP.HCM).
8. Có tổ chức xét nghiệm toàn thành phố?
TP.HCM sẽ triển khai xét nghiệm cộng đồng toàn thành phố từ 23-25/08. Trong đó, ở các vùng nguy cơ cao (cam) và vùng nguy cơ rất cao (đỏ), người dân sẽ tự thực hiện test nhanh dưới sự giám sát của nhân viên Y Tế.
9. Trong thời gian giãn cách cần hỗ trợ thì gọi ai?
Khi cần hỗ trợ, người dân có thể liên hệ tới cho tổ trưởng, tổ phó khu phố, ấp mình sinh sống trước. Ngoài ra có thể liên hệ tới tổ phản ứng nhanh theo quận/huyện/xã, theo danh sách tại đây.
10. Quân đội làm gì trong đợt giãn cách này?
Sự xuất hiện của quân đội là yếu tố mới nhất làm xôn xao cộng đồng trong những ngày vừa qua. Lực lượng tham gia hỗ trợ TP.HCM lên tới 58.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ từ Bộ Quốc phòng, Quân đoàn 4, Quân khu 7 và lực lượng tại chỗ. Quân đội có nhiệm vụ tham gia chống dịch, cụ thể như sau:
- Thành lập Tổ y tế cơ động lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc xin và tư vấn hỗ trợ điều trị F0 tại nhà;
- Tổ chức tuần tra, chốt chặn kiểm soát
- Triển khai gói an sinh, đi chợ và tuyên truyền cho người dân.