10 Sai lầm thường gặp của độ tuổi 20 và cẩm nang cải thiện cho năm mới | Vietcetera
Billboard banner

10 Sai lầm thường gặp của độ tuổi 20 và cẩm nang cải thiện cho năm mới

Hành trình của tuổi 20 khó tránh khỏi những sai lầm, Vietcetera tổng hợp một số cẩm nang giúp bạn nhìn nhận và thay đổi thiếu sót của bản thân.
10 Sai lầm thường gặp của độ tuổi 20 và cẩm nang cải thiện cho năm mới

10 Sai lầm thường gặp của độ tuổi 20 và cẩm nang cải thiện cho năm mới

Trên hành trình của độ tuổi 20, chúng ta không tránh khỏi những sai lầm. Nhưng có sao đâu? Đây mới chỉ là điểm bắt đầu của quãng đời trưởng thành – người trẻ chúng ta vẫn còn thật nhiều thời gian để nhìn nhận và thay đổi.

Sau đây là một số sai lầm điển hình của lứa tuổi 20s, dù trong công việc, tình yêu, trong quan hệ với gia đình, bạn bè hay với chính bản thân. Đồng thời, chúng tôi tuyển chọn các bài viết từ Vietcetera giúp bạn tránh những sai lầm này, hoặc chí ít, để cú ngã đỡ đau hơn và đứng dậy thêm vững vàng.

Bạn đã, và đang gặp phải những sai lầm nào?

1. Không quản lý tiền bạc

Chúng ta chi tiêu thiếu kế hoạch, không theo dõi thu chi, và thường xuyên nuông chiều bản thân. Những món đồ dư thừa, những thói quen tiện lợi cộng dồn lại khiến chúng ta gần như không có các khoản tiết kiệm và tích lũy phòng thân.

Đọc gì: Trên hết, cần đánh giá mối quan hệ bạn có với tiền bạc và xác định lối sống phù hợp với tình hình tài chính. Tìm hiểu mô hình 5 bước hình thành thói quen sẽ giúp bạn định hình được mình đang ở đâu và cần gì để cải thiện. Tiếp đến, chủ đề Tài chính cá nhân sẽ là nguồn hỗ trợ bạn với đa dạng các phương pháp quản lý chi tiêu đến bài học cho người mới đầu tư.

20s mistakes
Quản lý tài chính luôn là nan đề đối với độ tuổi 20. | Nguồn: Pexels

2. Theo đuổi những hình mẫu do xã hội đặt ra

Văn hóa ganh đua dựng lên bức tranh hoàn mỹ: tốt nghiệp đại học tốt, gây dựng sự nghiệp thành công, mua nhà mua xe, và tìm được có một cuộc hôn nhân hoàn hảo – tất cả trước ngưỡng cửa 30. Chúng ta thấy mình lạc trong những cuộc ganh đua, luôn so sánh mình với những người cùng trang lứa.

Nhưng hạnh phúc liệu có đến từ vật chất hoặc sự chú ý? Trong cuộc đua này, đâu là khoảng lặng để chúng ta trả lời câu hỏi của đời người – Ta là ai?

Đọc gì: Mỗi người sẽ phải tìm cho mình định nghĩa riêng về hạnh phúc. Khi ngẫm sâu về những giá trị sống bạn muốn theo đuổi, bạn nên tham khảo 3 công thức cho cuộc sống hạnh phúc. Học cách thiết lập ranh giới cá nhân cũng sẽ giúp bạn tránh khỏi ảnh hưởng bởi ý niệm và cảm nhận của người ngoài.

3. Giữ những mối quan hệ thừa thãi, thậm chí là độc hại

Vì nể những kỉ niệm cũ hoặc để né tránh sự cô đơn, ta cố gắng níu kéo những người bạn tiêu cực, thường xuyên bất đồng hoặc than phiền. Chúng ta lờ mờ nhận ra một số “cờ đỏ” chỉ dấu mối quan hệ độc hại, nhưng đổ lỗi lên chính mình, hoặc nặng lòng không thể từ bỏ người đó.

Đọc gì: Không phải tất cả các mối quan hệ đều bền vững dài lâu. Hiểu rằng tình bạn đòi hỏi nhiều sự vun đắp từ hai phía giúp chúng ta chọn lọc vòng tròn bạn bè, kết nối có ý nghĩa hơn với những người bạn tốt. Nếu bạn là nạn nhân của trong mối quan hệ độc hại, hãy dành cho mình khoảng nghỉ và kiên trì với lựa chọn thoát ra.

20s mistakes
Một mối quan hệ độc hại là điều không ai mong muốn. Nó để lại nhiều nỗi đau vô hình lẫn hữu hình nếu không được can thiệp kịp thời. | Nguồn: Pexels

4. Không biết cách ở một mình

Việc ở một mình vô tình bị gắn với những ẩn dụ tiêu cực, thực chất lại cần thiết cho một tinh thần khỏe mạnh. Chúng ta phủ kín thời gian rảnh bằng các hoạt động sôi nổi, các buổi gặp gỡ để đánh lạc hướng bản thân khỏi sự bất an. Để rồi khi cần phải ở một mình, ta lại không biết cách.

Đọc gì: Học cách ở cạnh chính mình vừa cho bạn thời gian suy ngẫm, vừa là điều thiết yếu trong một thế giới bận rộn. Nên phân biệt rằng một mình là chủ động và cô đơn là bị động - bạn hoàn toàn có thể cô đơn ở nơi đông người khi thiếu những kết nối giàu ý nghĩa. Lắng nghe bản thân và hiểu rõ cảm xúc sẽ là bước đầu để nguôi đi sự bất an và tạo thế chủ động cho những phút giây một mình.

5. Không giữ gìn sức khoẻ

“Quá bận" là cách chúng ta biện minh cho các thói quen xấu như thức khuya, ăn uống qua loa, ít vận động và uống cà phê quá độ. Chặc lưỡi “Mình còn trẻ”, nhưng bạn không thể dối mình trước những cơn đau lưng, mỏi mắt và cảm giác uể oải triền miên.

Đọc gì: Sẽ là quá tham vọng để đột ngột thay đổi toàn bộ lối sống, bạn nên bắt đầu từng thói quen nhỏ với cường độ vừa phải, từ tập bodyweight tại nhà cho đến tập gym, chọn lựa chế độ ăn phù hợp, đến thiết kế giấc ngủ ngon. Bám theo một thời gian biểu cố định sẽ giúp bạn dễ dàng thiết lập thói quen và ổn định đồng hồ sinh học.

20s mistakes
Chúng ta càng bận rộn, những thói quen lành mạnh càng khó giành được sự chú ý. Thay vì nhắm đến những mục tiêu lớn lao, hãy chuyển sang những bước dễ dàng, ít tốn thời gian hơn. | Nguồn: Unsplash

6. Kỳ vọng quá mức vào tình yêu

Chúng ta kỳ vọng rằng có người yêu khiến cuộc sống trở nên hoàn thiện, nhầm tưởng rằng tình yêu sẽ giải quyết mọi vấn đề. Tuy nhiên, bản thân tình yêu cũng là một vấn đề – nếu không muốn nói là một trong những thử thách gian nan nhất.

Đọc gì: Trước khi yêu ai đó, chúng ta nên đặt kỳ vọng thực tế và cẩn trọng xem xét những điều bạn tìm kiếm ở người đồng hành. Nếu đang trong một mối quan hệ, hãy nhớ rằng tình yêu bền lâu đòi hỏi sự nuôi dưỡng từ cả hai phía – ví dụ như luyện tập khả năng thấu cảm hay trao đổi chân thành với đối phương.

Bản thân tình yêu sẽ không giải quyết mọi vấn đề, nhưng tình yêu chân thành sẽ đem lại động lực để chúng ta tìm ra những thiếu sót của mình và giải quyết chúng.

7. Thu mình trong một rào chắn an toàn

Chúng ta bó mình vào những môi trường quen thuộc, quanh quẩn bên đồng nghiệp hoặc những người bạn học cũ. Chúng ta khép mình vì ngại ngần, hoặc vẫn giữ các định kiến với người khác.

Đọc gì: Kết bạn ở tuổi trưởng thành không hề dễ dàng, nhưng có những người bạn với nền tảng, lối sống khác nhau sẽ giúp bạn mở rộng góc nhìn. Đừng quá áp lực phải “làm thân” và tạo ấn tượng. Đôi khi, một cuộc trò chuyện sâu sắc đơn giản đến từ việc tập trung lắng nghe một cách chân thành, thay vì nói về bản thân.

20s mistakes
Khi bạn quá quen với việc ở một mình, bạn càng ít có động lực mở rộng mối quan hệ. | Nguồn: Pexels

8. Cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người

Chúng ta lo lắng về suy nghĩ của những người khác, cố gắng chiều lòng những nhận xét vô thưởng vô phạt hoặc kỳ vọng thừa thãi. Trước xung đột, chúng ta không dám đứng lên vì chính mình, dù bản thân làm đúng.

Đọc gì: Nếu là một người cầu toàn và luôn kiếm tìm sự chấp thuận, bạn cần thoát khỏi ám ảnh về sự hoàn hảo. Hiểu rằng người khác không để ý nhiều như bạn tưởng, và tập trung vào những hành động cần thiết là một trong những cách để ngừng lo lắng người khác nghĩ gì. Học cách đón nhận phê bình cũng giúp bạn bảo toàn suy nghĩ tích cực và hoạch định bước tiếp theo.

9. Sống quá vội vã

Cuộc sống trôi tuột khỏi tầm kiểm soát sau những ca làm thêm miên man, những cuộc gặp gỡ chóng vánh. Chúng ta hoảng hốt khi ngày tháng trôi qua không ghi dấu nhiều kỷ niệm, mà trước mắt còn ngổn ngang kế hoạch, nhiều khi khiến bạn bật thốt “Sao thời gian của mình ít thế?”

Đọc gì: Bài viết "Sống bận rộn hay bận rộn để sống" đem lại một cái nhìn thiết thực về sự bận rộn, và cách bận-rộn-có-ý-nghĩa. Đó là lên kế hoạch và điều tiết hoạt động theo thứ tự ưu tiên, từ đó thiết lập quyền kiểm soát với sự bận rộn của mình.

20s mistakes
Nỗi sợ bị bỏ lại đằng sau khiến chúng ta ép mình tham gia vào cuộc đua tham công tiếc việc. | Nguồn: Pexels

10. Nghĩ rằng bạn là người duy nhất đang chật vật

Trước những hình ảnh thành công trên mạng xã hội, người trẻ lo ngại rằng họ là người duy nhất đang chật vật, từ đó càng tự ti hơn. Nếu danh sách sai lầm nêu trên khiến bạn giật mình tủi thân, đừng lo – bạn không phải là người duy nhất!

Đọc gì: Khủng hoảng tuổi 20 thực chất là một hiện tượng vô cùng phổ biến. Biết đâu, danh sách 10 sai lầm này sẽ giúp bạn mở ra những hội thoại sâu sắc với bạn bè và những người đi trước? Lắng nghe và thấu cảm là bước đầu tiên để bạn học từ sai lầm của người khác, và từ đó đánh giá sai lầm của mình với cái nhìn khoan dung, cầu tiến.