1. Chuyện gì đã xảy ra?
Trước thềm kỳ thi đại học năm 2023, vào giữa tháng 6, có tổng cộng 1o3 trường đại học trên cả nước công bố tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, cộng điểm ưu tiên đối với các thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL iBT, TOEIC, v.v.
Dù không có tỉ lệ quy đổi thống nhất giữa tất cả các trường đại học, song hầu hết các trường công bố quy chế xét tuyển ưu tiên với chứng chỉ tiếng Anh chấp nhận kết quả tối thiểu từ 5.0 đến 5.5.
Cụ thể, liên quan đến việc sử dụng chứng chỉ để miễn bài thi ngoại ngữ trong kỳ thi THPT Quốc gia 2023, ngày 15/6, PGS. TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục Đào tạo đã ký công văn 999/QLCL-QLVBCC gửi các Sở GD-ĐT nêu rõ: thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được sử dụng chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài thi và cấp sau ngày 10/9/2022 để xét miễn thi bài thi ngoại ngữ theo quy định.
Như vậy, xu hướng xét tuyển ưu tiên đối với học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ không có dấu hiệu hạ nhiệt, dù chính sách này không được mọi chuyên gia giáo dục ủng hộ.
2. Vì sao có hiện tượng này?
Thực tế, các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL đã trở thành một trong những kết hợp để tuyển thẳng, xét tuyển đại học từ 2017. Cũng từ khoảng thời gian này, xét tuyển đầu vào đại học không còn phụ thuộc quá nhiều vào kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia.
Trong và sau đại dịch Covid-19, khi du học không còn là phương án giáo dục khả quan đối với nhiều phụ huynh như trước, số lượng các trường đại học công ưu tiên kết quả chứng chỉ ngoại ngữ tăng vọt. Họ muốn tuyển các ứng viên chất lượng cao từng có định hướng đi du học, nhưng do điều kiện không cho phép nên sẵn sàng đầu tư vào các cơ sở giáo dục có chất lượng "tương đương" trong nước.
Tới năm 2021, các em có điểm IELTS từ 5.0 đã có lợi thế tuyển sinh tại trên 30 trường đại học. Cùng năm đó, bà Nguyễn Thu Thuỷ – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ là một tiêu chí xét tuyển là phù hợp với mục tiêu đào tạo công dân toàn cầu. Bà cũng cho rằng học sinh xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế có năng lực học tập rất vượt trội.
Một số lãnh đạo từ các trường đại học cũng cho rằng việc ưu tiên tuyển sinh học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là phù hợp với chương trình đào tạo của các trường này, vốn có nhiều môn học chuyên ngành được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Tỉ lệ chỉ tiêu đối với nhóm được ưu tiên này cũng không lớn. GS.TS Lê Thanh Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ngôi trường này chỉ có 10% chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức ưu tiên xét tuyển hoặc tuyển thẳng. Điều này giúp xoa dịu những nghi ngại liên quan đến bất công trong xét tuyển đại học.
3. Đâu là lo ngại từ các chuyên gia?
Lo ngại của nhiều chuyên gia giáo dục khi bắt đầu có hình thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là có hiện tượng bất bình đẳng xã hội khi việc tuyển sinh quá lệ thuộc vào các chứng chỉ này. Sự bất công được lo ngại xảy ra giữa nhóm học sinh nông thôn và học sinh thành phố.
Trong khi đối với học sinh thành phố, việc tiếp cận với các chứng chỉ ngoại ngữ này tương đối dễ dàng cho các trung tâm Anh Ngữ được mở ra khá phổ biến. Bên cạnh đó, học sinh thành phố cũng xuất thân từ các gia đình có điều kiện tài chính khá giả hơn, có đủ điều kiện để chi trả khoản chi phí học và thi không rẻ.
Thì đối với học sinh nông thôn, việc đi học các trung tâm này là rất khó khăn. Các em phải di chuyển xa xôi từ nơi sinh sống lên thành phố thường xuyên, đồng thời nhiều gia đình không thể chi trả khoản học phí tương đối lớn so với mức thu nhập.
Với PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), đằng sau trào lưu luyện và thi IELTS và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác là động lực kinh tế. Người làm truyền thông đã nhúng tay nhằm làm lợi cho các tổ chức luyện và thi IELTS.
Mối lo này quả thực lớn hơn rất nhiều khi không chỉ có khối đại học sử dụng chứng chỉ để xét tuyển, mà cả khối Trung học Phổ thông và Trung học Cơ sở cũng làm như vậy.
Để chống lại hiện tượng bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ luyện và thi IELTS, một số trường công cam kết sẽ chi trả lệ phí thi cho học hinh của các trường này. Tiêu biểu là trong Nghị quyết 17/2021/NQ-HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, trường THPT chuyên Vĩnh Phúc sẽ hỗ trợ lệ phí thi lần 1 đối với các em có nguyện vọng thi IELTS, TOEFL.
4. Học IELTS từ sớm thực sự có lợi cho học sinh?
Được luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ từ sớm có lợi cho học sinh trong việc... được điểm cao khi tham gia bài thi. Điều này có thể giúp con đường học vấn của các em hanh thông, song không làm cho các em giỏi tiếng Anh và các ngoại ngữ khác một cách thực chất.
Theo chuyên gia giáo dục Tô Thị Diễm Quyên, việc chỉ đầu tư vào kỹ năng ngoại ngữ cho các em nhỏ từ sớm có thể khiến các em thiệt thòi trong việc được rèn luyện các kỹ năng quan trọng hơn. Có IELTS từ sớm có thể cho các em nhiều cơ hội về bằng cấp trong các xã hội chuộng bằng cấp, song các kỹ năng này cũng đang được thay thế bởi các công nghệ trí tuệ nhân tạo. Việc đánh bóng thái quá một loại bằng cấp, với chuyên gia này, cũng là một dạng "mị dân."
Trong thực tế, để đạt điểm cao trong bài thi chứng chỉ quốc tế thì bên cạnh kỹ năng tốt, học sinh phải quen thuộc với format đề thi. Format này chưa chắc đã hữu dụng trong các hoàn cảnh sử dụng thực tế. Tiếp cận của nhiều bậc phụ huynh ở Việt Nam hiện nay là nệ thành tích. Họ tập trung vào điểm số và chứng nhận nhiều hơn là năng lực thực sự của các con, dẫn đến những áp lực có thể gây tổn hại đến con từ khi còn bé.
5. Còn những chỉ báo nào khác về bất công trong tuyển sinh?
Bên cạnh tuyển sinh bằng chứng chỉ quốc tế, kể từ năm 2014, khi Bộ Giáo dục Đào tạo ban hành thông tư 23/2014/TT-BGDĐT, các lớp đào tạo chất lượng cao ở cấp đại học lần lượt ra đời. Đây cũng là điểm khiến nhiều chuyên gia lo ngại về bất công trong tiếp cận giáo dục đại học.
Chương trình đào tạo chất lượng cao được xây dựng và phát triển trên nền của chương trình đào tạo đại trà của cơ sở đào tạo, tuy nhiên cung cấp một số lợi ích khác như cơ sở vật chất và tăng cường số giờ dạy bằng tiếng Anh, khiến nó trở thành "nồi cơm" của nhiều đại học công.
Gần đây, qua Thông tư số 11/2023/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục Đào tạo đã chính thức xoá bỏ chương trình đào tạo chất lượng cao này. Thông tư sẽ có hiệu lực từ 01/12 năm nay. Với thông tư này, một số trường chủ động loại bỏ chương trình chất lượng cao, hoặc thay tên thành "chương trình dạy bằng tiếng Anh", "chương trình đào tạo chuẩn quốc tế", v.v.
Song, sau 2 năm giữ nguyên mức học phí, thì cho năm học 2023-2024 này, nhiều trường đại học công đã công bố mức tăng học phí từ 10-20%. Mặc dù kế hoạch tăng này là bất khả kháng, song có rất nhiều lo ngại liên quan đến việc giảm bớt cơ hội vào đại học đối với người có thu nhập thấp.