12 Triệu mua đàn để tìm lại tôi của ngày xưa | Vietcetera
Billboard banner

12 Triệu mua đàn để tìm lại tôi của ngày xưa

Sau một vụ tai nạn và hai tháng bó tay là một đợt giãn cách xã hội. “Chán nản” là hai từ miêu tả chính xác tâm trạng của tôi khi ấy.
12 Triệu mua đàn để tìm lại tôi của ngày xưa

Tôi nhận ra tiếng đàn đã đưa tôi về những ngày cấp 3 vô tư. | Nguồn: Unsplash

Hồi tháng 3 năm nay, tôi bị gãy xương cổ tay phải phẫu thuật bắn đinh và băng bó mất 2 tháng. Sau đó là một thời gian dài vật lý trị liệu để tay phải tôi hoạt động bình thường.

Trong lần kiểm tra sau mổ, bác sĩ có hỏi tôi có biết chơi loại nhạc cụ nào không. Trước kia tôi có học piano ở trường, rồi về chơi nhờ đàn của đứa em hàng xóm. Sau đó nhà tôi chuyển đi chỗ khác, tôi lại đi du học nên bỏ luôn.

“Nếu được cháu nên chơi lại nhé. Cổ tay cháu vẫn rất cứng, ngoài trị liệu thì chơi đàn sẽ giúp nó mềm ra dễ hơn” - bác sĩ bảo vậy.

Nhiều lúc tôi cũng muốn học đàn lại, nhưng bận làm nên lại bỏ ý nghĩ ấy. Đầu tư hẳn cái đàn rồi về không có thời gian tập thì phí lắm.

Nhưng bây giờ thì khác. “Chán nản” chính xác là 2 từ miêu tả tâm trạng tôi lúc đó. Vừa trải qua 2 tháng bị tai nạn, về nước cách ly và điều trị mà giờ dịch bùng trở lại. Đằng nào cũng chẳng có việc gì làm nên tôi nghiêm túc suy nghĩ về lời nói của bác sĩ.

“Con có muốn tập đàn lại không?” bố tôi hỏi trong lúc rời bệnh viện.

“Có bố ạ” - tôi trả lời sau một hồi suy nghĩ.

Vậy là đến tháng 7, tôi gom góp số tiền tiết kiệm từ trước, cộng thêm tiền bố cho là 12 triệu rưỡi. Số tiền này đủ mua một chiếc piano điện tử loại nhỏ gọn, phù hợp với dân không chuyên. Chiếc đàn về đúng ngày sinh nhật tôi, cũng là thời điểm Hà Nội tiến hành chỉ thị 16.

Thế là cuối cùng tôi cũng có một chiếc đàn piano cho riêng mình. Để tạo thêm động lực, tôi còn đăng ký tài khoản trên Simply Piano. Tôi tự nhủ, đã bỏ tiền ra rồi thì phải theo tới cùng.

Tôi bắt đầu lại với những bài tập 5 ngón, rồi 10 ngón. Dù không có cô giáo ngồi kèm, tôi vẫn phải nhấn đủ mạnh và đúng nhịp để “qua môn” trên Simply Piano. Với tay khỏe thì không thành vấn đề, nhưng với một đứa bó tay 2 tháng như tôi, việc giữ được 5 ngón tay trên phím đàn mà không tõe là cả một sự cố gắng.

Sau một tháng, tay tôi dần đỡ cứng và di chuyển tốt hơn giữa các phím. Nhưng hơn thế nữa, việc tập piano giống như một liều thuốc tinh thần giữa cơn bão tin tức dịch bệnh.

Tôi nhận ra tiếng đàn đã đưa tôi về những ngày cấp 3 vô tư. Tôi tìm lại được sự hứng khởi khi đánh được một bản nhạc mới. Tôi tìm lại được cả sự ngạc nhiên khi không biết từ lúc nào, tay tôi có phản xạ tự nhiên với nhịp điệu của bản nhạc. Những niềm vui nho nhỏ ấy bỗng trở về sau bao tháng ngày biến mất, mang lại cho tôi những cảm xúc khó tả.

Dần dần tôi hình thành thói quen ngồi vào đàn mỗi tối. Giây phút chỉ có tôi với tiếng đàn là thời điểm hoàn hảo để thực hành chánh niệm, quên đi mọi căng thẳng trong ngày. Sự nhiệt huyết và kiên trì của tôi năm 16 tuổi vốn dĩ vẫn ở đó, chỉ là chính tôi đã quên nó đi. Cú gãy tay và chỉ thị 16 hóa ra lại là cơ hội để tôi bình tĩnh tìm lại được mình của ngày xưa qua những phím đàn.

Ngay lúc này, tôi đã đánh được bản Minuet in G của Bach. Sẽ còn rất lâu để tôi đánh lại được Fur Elise như trước kia, nhưng tôi tin rằng cứ kiên trì tập luyện, ngày đó rồi sẽ tới. Bởi vì chiếc đàn giờ đã là một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của tôi.

12 triệu mua đàn hóa ra không chỉ giúp tay tôi hết cứng. Nó còn giúp tôi tìm lại niềm đam mê với piano, sự hứng khởi, nhiệt huyết và kiên nhẫn của chính mình khi xưa.