2 Robot Daft Punk và 28 năm kiến tạo nền âm nhạc | Vietcetera
Billboard banner
25 Thg 02, 2021
Âm Nhạc

2 Robot Daft Punk và 28 năm kiến tạo nền âm nhạc

Bằng cách nào mà hai “robot” giấu mặt đã ảnh hưởng nền nhạc pop trong suốt 28 năm hoạt động?
2 Robot Daft Punk và 28 năm kiến tạo nền âm nhạc

Những người tiên phong giấu mặt. | Nguồn: officialcharts.

Daft Punk là bộ đôi DJ sản xuất nhạc điện tử mang tầm ảnh hưởng lớn đến âm nhạc đại chúng. Chúng ta có thể nhận thấy ảnh hưởng của họ trong những sản phẩm nhạc pop trải dài từ khi họ tạo tiếng vang vào năm 1997, tới khi họ quyết định “về hưu”, tức mới cách đây 2 ngày.

Bất cứ nghệ sĩ nào khi làm nhạc đều hướng đến hai từ “bất hủ”, tức tạo ra những nhạc phẩm thời nào nghe cũng hợp, và Daft Punk là bậc thầy trong việc này. Lý do là họ luôn tìm được cách kết hợp những yếu tố âm nhạc thành công từ những thập niên trước với sắc màu nhạc pop đương đại. Và cứ mỗi khi Daft Punk ra sản phẩm mới là sẽ mang tới thay đổi cho xu hướng âm nhạc đương thời.

Hai nhân vật bí ẩn này đặc biệt kiệm lời khi tiếp xúc với truyền thông, và luôn đặt nặng sự ẩn danh của mình. Làm thế nào mà hai robot giấu mặt ảnh hưởng thị trường âm nhạc trong suốt 28 năm hoạt động?

alt
Nguồn: Pitchfork.

Daft Punk và những lần “khai sinh” ra âm nhạc

Daft Punk là bộ đôi “robot” Pháp, tên thật là Thomas Bangalter (robot bạc) và Guy-Manuel de Homem-Christo (robot vàng). Vào năm 1997, album Homework của họ đã gây chú ý trong cộng đồng nhạc dance quốc tế với âm thanh đậm chất Chicago house. Single Da Funk trong album này cũng đã giúp bộ đôi nhận đề cử giải Grammy đầu tiên trong sự nghiệp.

Homework đã ảnh hưởng tới những nghệ sĩ đã định hình nhạc pop như Janet Jackson, Madonna hay Kylie Minogue,... Âm thanh cộp mác của nhạc pop cho tới ngày nay, được phổ biến bởi Daft Punk là cách họ bắt đầu và kết thúc một bài hát bằng cách tăng dần và giảm dần âm lượng của nhạc cụ, để tạo được hiệu ứng như DJ đang chơi nhạc trên bàn mix. Thêm vào đó là những âm thanh bộ gõ như tiếng trống được sắp xếp và xử lý để nghe giống như chúng “nhảy bật” lên trên tất cả những âm thanh khác trong một tíc tắc, tạo nhịp đập đều đặn xuyên suốt bài hát. Hai yếu tố này đã trở thành những điều không thể thiếu trong vô số bài nhạc pop sau này. Ví dụ như những ca khúc tiêu biểu sau đây vào năm 2005, và 2010:

Về khởi nguồn của làn sóng EDM, nghệ sĩ Pharrell William đã nói rằng: “Ai chịu trách nhiệm cho EDM à? Là Daft Punk.” EDM là thể loại nhạc cực kỳ phổ biến, và nhiều người cũng có cùng ý kiến với Pharrell, cho rằng Daft Punk chính là nghệ sĩ đã bắt đầu phong trào “quẩy” EDM tại những bữa tiệc “rave” với màn trình diễn tại Coachella năm 2006. (dù bộ đôi này không thừa nhận mình là người đã khai sinh EDM)

Tính tới nay, Daft Punk chỉ mới có 2 chuyến lưu diễn mang tên Alive cách nhau 10 năm, năm 1996 - 1997 và năm 2006 - 2007. Trong Alive 2006, cụ thể là trên sân khấu Coachella, màn trình diễn của họ được nhiều người nói rằng đã kích ngòi cho cú nổ EDM vào những năm sau đó.

Hình ảnh Daft Punk đứng trong một kim tự tháp lập lòe ánh sáng neon và những hiệu ứng ánh sáng mãn nhãn của sân khấu Coachella đã tạo tiền đề, giúp những màn trình diễn live của các DJ trở thành một phần không thể thiếu trong các nhạc hội lớn trên thế giới.

Daft Punk và những lần giúp âm nhạc “tái sinh”

Sau thành công của album Homework, Daft Punk còn thành công lớn hơn với album thứ hai Discovery phát hành năm 2001. Đây là một sự kết hợp của những âm thanh từ thế kỷ trước như disco, R&B và glam rock bằng phong cách điện tử của thế kỷ 21.

Trong album này có 2 bài hát được đề cử giải Grammy là Around The World và One More Time, một bài thắng giải là Harder Better Faster Stronger. Đặc biệt, Daft Punk đã trả 4 triệu đô-la để thuê họa sĩ anime Leiji Matsumoto sản xuất ra phim hoạt hình Interstella 5555: The 5tory of the 5ecret 5tar 5ystem để làm MV cho toàn bộ album Discovery.

Album cuối cùng của sự nghiệp, Random Access Memories (RAM) lại giành tiếp hai giải Grammy nữa, và hơn cả là sự nể phục của những nhà chuyên môn cho Daft Punk. Lý do là Random Access Memories đã mang lại sự sôi động của nhạc disco đến văn hóa đại chúng vào thập niên 2010s, khi mà disco tưởng chừng đã biến mất trong danh sách nhạc của phần đông khán giả.

Từng là thể loại nhạc cực thịnh của thập niên 70, là linh hồn của những bữa tiệc tùng nhảy nhót, danh tiếng của disco dường như sụp đổ tan tành chỉ sau một đêm.

Ngày 12/7/1979, một sự kiện được coi là đánh dấu ngày tàn của Disco xảy ra… trên một sân bóng chày tại Mỹ. Đó là khi những khán giả giận dữ với thể loại nhạc này quyết định đem rất nhiều đĩa disco đến bẻ gãy, đập nát và thậm chí là cho nổ tung một thùng đựng đĩa giữa sân banh. Hành động này đã dẫn đến một cuộc bạo loạn và bắt đầu phong trào “Disco Demolition”. (Phá hủy Disco)

alt
Nguồn: buzzfeed.

Trong những năm sau đó, phong trào càng trở nên mạnh mẽ, với lý do thù ghét thể loại nhạc này được cho là bắt nguồn từ định kiến với những người đầu tiên yêu thích chúng: người da đen, châu Mỹ La-tinh và người đồng tính.

Bài hát đầu tiên của RAM, Give Life Back To Music khẳng định mục đích của Daft Punk là đem màu sắc sôi động và vui tươi của disco những năm 70 quay trở lại thế kỷ 21. Bắt đầu với tiếng guitar điện glam rock đầy “kịch tính” như đoạn “mào đầu” trước khi vén màn sân khấu, bài hát “vỡ” ra với giai điệu không-thể-lẫn-vào-đâu-được của nhạc disco với nhịp trống và guitar phối hợp thành một âm thanh khiến bạn phải nhún nhảy theo.

Lý do mà Daft Punk có thể trình bày xuất sắc sự cổ điển của disco là nhờ vào sự kết hợp với Nile Rodgers, một tay guitar huyền thoại đã góp phần định hình disco từ thời hoàng kim của nó. Màu sắc của Nile Rodgers trở nên rõ ràng hơn cả trong đĩa đơn Get Lucky. Trong bài hát đạt 2 giải Grammy này, Daft Punk và Nile Rodgers cùng phối hợp với giọng giả thanh của Pharrell Williams, mang một bầu âm hưởng đậm đặc disco tới khán giả đương đại.

Nghe thêm những bài hát khác trong Random Access Memories, bạn sẽ cảm nhận được sự kính trọng và tình yêu của bộ đôi DJ dành cho nhạc disco. Thuở “hồng hoang”, Daft Punk đã bắt đầu những sản phẩm âm nhạc đầu tiên của mình bằng cách biến tấu, phối ghép những giai điệu disco có sẵn để đặt những nền móng đầu tiên. Trong album cuối cùng, họ quyết định quay trở lại với disco và hoàn thành chuyến hành trình âm nhạc của mình.

Daft Punk và hai chiếc mũ robot

alt
Guy (robot vàng) và Thomas (robot bạc). | Nguồn: festivalsherpa

Bức hình cuối cùng chụp mặt thật của Daft Punk được chụp vào năm 1995. (không phải bức hình trên)

Sau khi phát hành album Discovery, Daft Punk quyết định giấu đi danh tính của mình dưới thân phận hai robot. Để giải thích cho quyết định này, robot bạc Thomas Bangalter nói rằng: “Chúng tôi đâu có chọn trở thành robot, vào đúng 9 giờ 9 phút sáng ngày 9/9/1999, studio của chúng tôi phát nổ. Sau khi tỉnh dậy thì chúng tôi thấy mình biến thành robot.”

Thế nhưng, mục tiêu thực sự của cặp đôi bí ẩn này là muốn khán giả tập trung hoàn toàn vào âm nhạc, chứ không phải những người tạo ra âm nhạc. Guy-Manuel de Homem-Christo chia sẻ trong một bài viết của Pitchfork: “Theo dõi mấy con robot không giống như theo dõi một thần tượng. Chúng không phải là người, nên cảm giác giống như nhìn vào một tấm gương hơn: năng lượng của khán giả được truyền lên sân khấu và “nảy ngược” trở lại, giúp mọi người vui vẻ cùng nhau mà không cần tập trung vào chúng tôi.”

Trong thế kỷ 21, khi ngành âm nhạc và khán giả dường như “xoay mòng mòng” quanh những “thần tượng” và chuyện bên lề, thì quyết định ẩn danh của Daft Punk quả là một nước đi đặc biệt ý nghĩa và đáng suy ngẫm.

Daft Punk và những di sản cuối cùng

Trong những năm cuối của sự nghiệp âm nhạc, Daft Punk vẫn tiếp tục để lại dấu ấn mạnh mẽ qua những bài hát thành công phối hợp cùng The Weeknd như I Feel It Coming hay Starboy. Khi được Wall Street Journal phỏng vấn, The Weeknd bày tỏ sự ngưỡng mộ với phong cách sản xuất đầy sáng tạo của Daft Punk: “Họ làm nhạc bằng một cách rất ‘điện ảnh’, cứ như họ đang đắm mình trong một cuốn tiểu thuyết vậy: ‘Chúng tôi muốn phần cuối bài có cảm giác như mặt trời đang mọc lên trên đỉnh đầu của một cuộc rượt đuổi bằng xe hơi.’ Họ có thể ‘máy móc’, nhưng cách họ hình tượng hóa âm nhạc của mình cũng rất thú vị.”

Michael Choi, một nhà sản xuất âm nhạc quốc tế hiện đang hoạt động tại Việt Nam cũng bày tỏ sự hâm mộ với Daft Punk: “Với tôi, Daft Punk nằm trong top 3 những nhà sản xuất quan trọng nhất của dòng nhạc điện tử, cùng với Kraftwerk và Moroder.

Daft Punk là một cặp đôi mang tính nguyên bản và cấp tiến cực kỳ cao. Họ đã tạo nên ảnh hưởng bằng những âm thanh của tương lai, đặc biệt với cách họ dùng vocoder. (một thiết bị làm ‘méo’ giọng)

Chính những kỹ thuật sản xuất độc đáo của họ đã tạo ra những sản phẩm ấn tượng. Tuy nhiên, với album cuối cùng của mình, họ thực chất lại muốn bày tỏ lòng biết ơn tới những phong cách sản xuất của những thập niên trước, tới những người hùng của họ như Giorgio Moroder và Nile Rodgers. Tôi yêu album này! Hai đồng nghiệp tôi từng có cơ hội làm việc cùng là Omar Hakim và JR Robinson cũng góp phần trong Random Access Memories. Và họ cực kỳ ấn tượng với Daft Punk, vì ngoài thuần thục kỹ thuật máy tính, họ còn có kiến thức rất sâu về những phong cách sản xuất cổ điển.

Tôi mong họ sẽ quay trở lại, chắc là sau 10 năm, cùng với một tuyệt phẩm làm rung chuyển thế giới một lần nữa.”

alt
Tạm biệt Daft Punk! | Nguồn: Daft Punk.