4 Nhận định về nền âm nhạc của nhà sản xuất quốc tế Michael Choi | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

4 Nhận định về nền âm nhạc của nhà sản xuất quốc tế Michael Choi

Đối với Michael, dù thị trường âm nhạc Việt vẫn cần có thêm nhiều nghệ sĩ và bài hát hơn, nguồn thu cho các nghệ sĩ đã chạm trần, bão hòa.
4 Nhận định về nền âm nhạc của nhà sản xuất quốc tế Michael Choi

Nguồn: nhân vật.

Michael Choi sinh ra tại Hàn Quốc, trong một gia đình ngoại giao, vì vậy anh đã từng sống ở nhiều quốc gia trước khi bắt đầu sự nghiệp âm nhạc tại Anh.

Trong 27 năm hoạt động chuyên nghiệp, Michael Choi đã từng nắm giữ nhiều vai trò: nhạc công bass, sản xuất và đạo diễn âm nhạc tại Luân Đôn - Anh và Los Angeles - Mỹ. Ở những thị trường này, anh từng hợp tác với những nghệ sĩ như MIKA, Annie Lennox, Gareth Gates, Zara Larsson, Shamir, Mr. Hudson, Beth Ditto,…

Từ năm 2017 tới nay, anh dừng chân tại Việt Nam theo lời mời của nghệ sĩ Thanh Bùi với vai trò CEO của InQ International. Mục tiêu của Michael là dẫn dắt và phát triển tài năng của những nghệ sĩ Việt Nam có định hướng hoạt động tại thị trường quốc tế.

Đối với Michael, dù thị trường âm nhạc Việt vẫn cần có thêm nhiều nghệ sĩ và bài hát hơn, nguồn thu cho các nghệ sĩ đã chạm trần, bão hòa. Đây là một vấn đề cản trở sự phát triển của ngành âm nhạc Việt Nam nói chung. Do đó, đã xuất hiện một thế hệ nghệ sĩ Việt mới với đủ khả năng vươn khỏi biên giới quốc gia.

1. Âm nhạc không phải là nền dân chủ

Một nhạc sĩ thành công đơn giản là người chiếm được lòng trung thành của khán giả qua âm nhạc của mình.

Những nghệ sĩ lớn trên thế giới như Adele, Ed Sheeran, Taylor Swift,... là những người viết nhạc thực thụ. Đó là những người có fan base rất trung thành, có lẽ vì nhạc của họ xuất phát từ sự thấu cảm về cuộc sống.

Theo Michael, một nghệ sĩ xuất sắc sẽ khơi gợi được tình yêu của khán giả bằng cảm xúc và sự trưởng thành trong âm nhạc. Đây là một mối liên kết bền chặt hơn lòng "hâm mộ" những yếu tố khác như ngoại hình, vũ đạo, cách nghệ sĩ đi đứng hay hành xử trên mạng xã hội,...

alt
Thời trẻ, Michael từng là một nhạc công chơi bass có tên tuổi và đã trình diễn tại những nhạc hội lớn như Coachella, Glastonbury,...

Điều này dấy lên một vấn đề với Kpop và những trào lưu liên quan. Kpop có thể nói là “nhạc công nghiệp”, không phải là “nền công nghiệp âm nhạc”. Với tư cách là một người Hàn Quốc làm nhạc, Michael không ngại nói về mặt tối của Kpop. Vì anh cũng không muốn ngộ nhỡ một ngày cháu gái mình bị lợi dụng bởi nền công nghiệp này.

Kpop là loại hình giải trí phát triển từ mô hình kinh doanh và được định hướng bởi doanh nhân. Văn hóa Kpop không hoàn toàn được dẫn lối bởi âm nhạc, mà kỳ thực bởi những yếu tố khác xung quanh "ngôi sao" là chính, đó là lý do họ dùng chữ “thần tượng”. Từ những thông tin bên lề, đến những thứ khán giả nghe, nhìn và trải nghiệm với Kpop đều đã được tính toán kỹ lưỡng trên góc độ tâm lý, xã hội và kinh tế.

Hiển nhiên, với một sản phẩm công nghiệp thì "khách hàng là thượng đế", vì vậy ý kiến của fan Kpop có tác động lớn tới cách nghệ sĩ làm nhạc. Michael bộc trực: “Với tôi âm nhạc không phải một nền dân chủ. Nghệ sĩ trước nhất nên làm nhạc vì chính quan điểm của họ, còn người nghe có quyền chọn lựa thích quan điểm đó, hoặc không.

Tất cả những bài hát chúng ta yêu mến từ Trịnh Công Sơn, từ Prince, Paul McCartney,... đều xuất phát từ cá tính âm nhạc của họ. Khi những nghệ sĩ âm nhạc không được dẫn lối bởi âm nhạc, theo bạn điều này có ý nghĩa gì?”

alt
Michael từng sản xuất album '3' với Ngọt và 'Inner Me' cùng Vũ Cát Tường .

Thêm vào đó, ngành công nghiệp Kpop (và ngành giải trí nói chung) thường chiêu mộ những nghệ sĩ trẻ tuổi. Không chỉ vì họ đẹp, khỏe, mà còn vì họ dễ bị thao túng hơn nữa. Họ thường nói “Bạn hãy tận dụng triệt để tuổi trẻ của mình trước khi bị đào thải.” Nhưng thực tế đáng buồn là có nhiều idol trẻ chẳng giữ được gì trong tay khi sự nghiệp kết thúc. Đó là lý do có nhiều người tự vẫn, hoặc phải hành nghề mại dâm.

Thế nhưng, một ca sĩ thường đạt được đỉnh cao về thanh nhạc vào tuổi 40, và có lẽ còn cả đỉnh cao trí tuệ nữa. Vì thế những nghệ sĩ với tham vọng thực sự trong nghệ thuật thường không tham gia Kpop. Họ nhận thức rằng âm nhạc của mình sẽ thay đổi qua thời gian, khi họ trưởng thành cả về chuyên môn lẫn kinh nghiệm sống.

2. Cán cân "lệch" giữa nghệ sĩ và các nhãn hàng

Hiện nay, phần lớn nghệ sĩ tại Việt Nam chưa sống được nhờ vào âm nhạc của mình vì nhiều lý do, điều này đặt rất nhiều quyền lực tài chính vào tay các nhãn hàng. Các sản phẩm âm nhạc có lẽ vì thế mà cũng mất đi tính cá nhân của nghệ sĩ.

Thế nhưng, hiểu rằng ai cũng cần "đồng ra đồng vào", điều Michael tìm kiếm là một chỗ đứng tốt hơn cho nghệ sĩ để họ được nuôi sống bằng âm nhạc của mình. Đó là khi nghệ sĩ bán được album, vé xem liveshow và tăng thu nhập từ các dịch vụ streaming. Khi cán cân giữa nghệ sĩ và nhãn hàng đồng đều thì người làm nhạc mới dễ dàng nói “không” với những thương hiệu không phù hợp.

Với những thị trường lớn, mỗi thể loại hay trường phái âm nhạc lại có một cộng đồng riêng, vì thế nhãn hàng tự biết cộng đồng nào là phù hợp với mình. Trong thị trường nhỏ như Việt Nam, chỉ tồn tại có một số nguồn tiền nhất định nên các nghệ sĩ từ những môi trường khác nhau (lấy ví dụ hai trường phái thương mại và độc lập) đều phải “câu” lấy cơ hội trong cùng một “chiếc ao” bé.

Đó là lý do việc đầu tư vào sự chín chắn của nghệ sĩ, để họ có kết nối bền chặt với người nghe bằng âm nhạc là một hướng đi bền vững và nhiều niềm vui hơn cho mọi người.

3. Bước tiếp theo cho nghệ sĩ Việt là thị trường quốc tế

Trên thế giới, nghệ sĩ chủ yếu có thu nhập từ những liveshow. Nhưng ở Việt Nam, vì thiếu cơ sở hạ tầng nên tần suất liveshow cũng thấp, và liveshow thường được tổ chức với ý nghĩa nghi thức hơn là một hình thức để nghệ sĩ kiếm sống.

Với kinh nghiệm của mình, tìm cách đưa tài năng Việt ra thế giới cũng là thế mạnh của Michael khi bước đến Việt Nam.

“Tôi nghĩ với tình hình hiện tại, đi ra thị trường nước ngoài để trình diễn đôi khi lại là phương án khả thi hơn cho nghệ sĩ. Hơn nữa, việc có một nghệ sĩ Việt Nam chính thức hoạt động trên thị trường quốc tế sẽ mang ý nghĩa biểu tượng.

Tôi rất thích lấy ví dụ đội bóng Quốc gia Việt Nam. Với những thành công của trên sàn đấu thế giới, họ đã truyền niềm tin cho một thế hệ cầu thủ Việt khác. Kể từ nay, tư duy ‘chơi là phải chơi quốc tế’ trở thành một nhu cầu hiển nhiên của những cầu thủ chuyên nghiệp.

Thị trường âm nhạc cũng vậy, tôi muốn có thêm những nghệ sĩ trẻ mang suy nghĩ tương tự trong tương lai. Đó là lý do ưu tiên hàng đầu của tôi hiện nay là phát triển khả năng của MINH tại InQ International.”

alt
Mỹ Anh, Minh, Wren Evans là 3 nhân tố trẻ được cho là khởi đầu của thế hệ nghệ sĩ quốc tế người Việt Nam.

MINH, Mỹ AnhWren Evans là những nhân tố bàn đạp cho thế hệ nghệ sĩ tiếp theo tại Việt Nam. Họ là một trong số ít những nghệ sĩ Việt đã xác định tham gia mặt trận quốc tế với tâm thế nghiêm túc, có mục tiêu và chiến lược rõ ràng.

Để có thể hoạt động vượt khỏi khuôn khổ quốc gia, yêu cầu cơ bản là khả năng phát âm tiếng Anh hoàn hảo, nghĩa là hát như một người nói tiếng Anh bản địa. Lý do là giọng hát chuẩn sẽ dễ nhận sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế hơn.

Đó chỉ là bước khởi đầu, theo Michael, những nghệ sĩ đủ tiêu chuẩn để hoạt động “liên thị trường” phải có những điều kiện tối thiểu sau:

  • Đã viết được nhiều bài hát.
  • Có khả năng hát live theo set khoảng từ 1 đến 1 tiếng rưỡi.
  • Có khả năng trình diễn.

“Và vì đã làm việc nhiều năm với những nghệ sĩ quốc tế thành công khác, tôi sẽ không nói rằng các bạn ấy đặc biệt, mà các bạn là những nghệ sĩ QUỐC TẾ bình thường.

Các bạn sẽ phải luôn cố gắng, trau dồi để sáng tác giỏi hơn, hát hay hơn và chinh phục khán giả BẰNG âm nhạc. Khả năng trong âm nhạc mới là khía cạnh đáng được đầu tư cho một nghệ sĩ, không phải những yếu tố xung quanh.” - Michael chia sẻ.

4. Chúng ta cần thêm những cái bắt tay giữa các nghệ sĩ

Theo Michael, vai trò của anh là "phát triển nghệ sĩ". Nhận thức rõ mình không phải là người có thể thay đổi nền công nghiệp âm nhạc tại Việt Nam, nên anh tập trung hỗ trợ những cá nhân có khả năng tạo ra sự thay đổi đó.

Ngoài chuyên môn nghệ thuật, Michael cũng muốn hướng dẫn cho nghệ sĩ hiểu về mô hình tài chính, xuất bản tác phẩm, phí bản quyền,... và như thế nào là một hợp đồng công bằng. “Tôi từng thấy những hợp đồng ăn chặn, bóc lột nghệ sĩ đã được ký kết, nhưng nghệ sĩ lại không biết là chúng hoàn toàn bất hợp pháp.” - Michael nói.

alt
Michael Choi là một nhà sản xuất có kinh nghiệm tại những thị trường âm nhạc cực kỳ phát triển.

Trong năm 2021, anh có 3 mục tiêu chính. Thứ nhất là khởi động quy trình quảng bá nghệ sĩ ra quốc tế, trước mắt là Đông Nam Á và phối hợp với những hãng đĩa ở những thị trường này.

Thứ hai là thúc đẩy sản xuất âm nhạc: kết nối những người làm nhạc có cùng niềm tin, cùng giá trị với nhau và hỗ trợ họ viết ra RẤT NHIỀU nhạc mới. "Tôi muốn xây dựng một kho tác phẩm đủ lớn. Vì trong 100 bài hát được viết ra, có lẽ chỉ có 20 bài được phát hành."

Thứ ba là đem đến nhiều cơ hội hợp tác giữa các nghệ sĩ cả trong và ngoài nước. Ngoài một số dự án hợp tác giữa MINH và những nghệ sĩ thuộc Đông Nam Á, gần đây anh đã kết nối Vũ Đinh Trọng Thắng (Ngọt), MINH, Wren Evans và nhóm rap Hustlang trong một buổi diễn "freestyle jam" đầy ngẫu hứng.

Thời gian tới, Michael cũng muốn xây dựng thêm địa điểm để diễn live. Đây sẽ là nền tảng cho sự phát triển của những nghệ sĩ trẻ, đồng thời cũng khuyến khích thói quen đi xem liveshow của cộng đồng khán giả.