4 Bước để có trải nghiệm du lịch “liên thế hệ” đáng nhớ bên bố mẹ | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

4 Bước để có trải nghiệm du lịch “liên thế hệ” đáng nhớ bên bố mẹ

Chỉ cần dung hòa được sự khác biệt trong nhu cầu và sở thích, bạn và bố mẹ sẽ có chuyến du lịch đáng nhớ bên nhau.
4 Bước để có trải nghiệm du lịch “liên thế hệ” đáng nhớ bên bố mẹ

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Chuyến du lịch gần nhất của bạn với bố mẹ là khi nào?

Có lẽ câu hỏi này sẽ khiến nhiều người giật mình. Bởi khi còn nhỏ, đây từng là điều chúng ta đều mơ ước sau 9 tháng miệt mài đèn sách. Trong những chuyến đi ấy, bố mẹ chuẩn bị gần như mọi thứ, chúng ta chỉ việc vui hết cỡ, chơi hết mình.

Nhưng khi ta đến tuổi trưởng thành, những chuyến đi “liên thế hệ” cũng ít dần. Một phần vì cuộc sống bận rộn, phần vì những vấn đề sức khỏe của bố mẹ. Và quan trọng hơn là “gu” du lịch của hai thế hệ đã trở nên rất khác biệt. Bố mẹ đã có tuổi thường thiên về nghỉ dưỡng, trong khi con cái còn trẻ lại thích khám phá, trải nghiệm nhiều hơn.

Dù vậy, vẫn có cách giúp bạn dung hòa sự khác biệt này. Cùng tham khảo “cẩm nang du lịch” sau để chuẩn bị một chuyến đi thật ý nghĩa cùng bố mẹ:

Bước 1: Nắm rõ các thông tin cần thiết

Khi đi du lịch cùng bố mẹ, việc quan trọng nhất là nắm rõ tình trạng sức khỏe của họ. Đây là yếu tố ảnh hưởng lớn đến lựa chọn địa điểm và hoạt động phù hợp trong cả kỳ nghỉ:

  • Tìm hiểu kỹ về bệnh lý của bố mẹ và các ảnh hưởng đi kèm. Chẳng hạn người gặp vấn đề xương khớp sẽ không thể đi bộ quá xa, do đó bạn nên chọn khách sạn ở vị trí thuận tiện, hoặc thuê xe đưa đón.
  • Nếu bố mẹ đang điều trị các bệnh mãn tính (như ung thư hay tiểu đường), cần tham vấn bác sĩ về tình trạng sức khỏe, các loại thuốc đang uống và thực phẩm cần kiêng. Từ đây bạn sẽ chọn được nhà hàng, khách sạn có lựa chọn thực phẩm phù hợp.

Bên cạnh đó, bạn lưu ý kiểm tra giấy tờ tùy thân của bố mẹ. Người cao tuổi ít đi xa thường không để ý ngày hết hạn hộ chiếu, dẫn đến nhiều sự cố “dở khóc dở cười” ở sân bay.

Một nguyên tắc nhập cảnh của hầu hết các nước là hộ chiếu còn hạn ít nhất 6 tháng, do đó bạn cần bố trí đủ thời gian để làm mới hộ chiếu, visa… cho bố mẹ trước khi khởi hành.

04may2023dulichbome4jpg
Sức khỏe và giấy tờ của bố mẹ là 2 hạng mục bạn cần kiểm tra kỹ trước khi khởi hành.

Bước 2: “Khoanh vùng” các trải nghiệm đôi bên đều thích

Cách đơn giản nhất là bạn rủ bố mẹ cùng viết ra những trải nghiệm muốn có, rồi lọc ra những cái mà đôi bên đều thích. Bạn cũng có thể làm bản đồ tư duy (mindmap) để phân tích mong muốn của mọi người theo từng cấp độ như sau:

  • Hoạt động ưa thích: Tắm biển, leo núi, cắm trại, tham quan di tích lịch sử…
  • Thời tiết: Nhiệt đới, ôn hòa, xứ lạnh hoặc khí hậu kết hợp.
  • Địa điểm: Du lịch trong nước/nước ngoài, đi trong mấy ngày, đi từ đâu đến đâu.
  • Ẩm thực: Đồ ăn Việt Nam, đồ châu Á hoặc phương Tây...

Khi đã liệt kê như trên, bạn kết hợp những lựa chọn ở từng hạng mục để lên lịch trình phù hợp. Chẳng hạn với combo tắm biển + nhiệt đới + du lịch nước ngoài ngắn ngày + đồ ăn châu Á, thì Thái Lan là điểm đến đáp ứng tất cả yếu tố trên.

Để “kích thích” thêm niềm hứng khởi của bố mẹ, bạn có thể cho họ xem các show truyền hình, vlog du lịch về địa điểm muốn đến. Nếu chính bạn từng đến đó, hãy tích cực kể lại các trải nghiệm, cho bố mẹ xem ảnh và video bạn quay.

04may2023dulichbome1jpg
Cho bố mẹ xem các tư liệu về nơi sắp đến sẽ truyền cho họ cảm hứng du lịch.

Đôi khi bạn có thể “đảo vai”, để bố mẹ là người dẫn dắt, truyền cảm hứng cho mình. Cách này hiệu quả nếu địa điểm bạn chọn là nơi bố mẹ từng học tập, chiến đấu hay công tác trước kia. Như vậy chuyến đi sẽ vừa giúp bố mẹ ôn lại kỷ niệm, vừa cho bạn cơ hội trải nghiệm vùng đất mới và hiểu thêm về “tuổi trẻ dữ dội” của bố mẹ mình.

Bước 3: Lên lịch trình cụ thể, song vẫn nên linh hoạt

  • Lên lịch trình dự kiến các hoạt động, để bố mẹ nắm được mình sẽ đi đâu, ăn gì, làm gì…ở từng thời điểm trong ngày. Như vậy họ sẽ lựa chọn được quần áo, giày dép phù hợp nhất, cũng như mang theo thuốc thang nếu cần.
  • Nếu bạn đi phương tiện công cộng, nên tìm trước đường đến các nhà hàng, thắng cảnh…bạn muốn tới, rồi lưu lại trên bản đồ hoặc app chỉ đường. Bạn cũng cần nắm giờ tàu chạy và tần suất chuyến. Quá trình này có thể khá… hại não và khiến bố mẹ phải di chuyển nhiều, do đó bạn nên cân nhắc thuê xe cho cả chuyến đi.
04may2023dulichbome2jpg
Với người lớn tuổi, một lịch trình cụ thể sẽ giúp họ yên tâm và luôn chủ động chuẩn bị các vật dụng cần thiết.

Ngoài ra bạn nên ít nhất 1 ngày trống trong lịch trình, để thay đổi linh hoạt nếu cần. Chẳng hạn bạn muốn đưa bố mẹ đi biển mà trời mưa, có thể chuyển sang ngày trống, và tìm các hoạt động trong nhà đợi trời mưa qua đi.

Bước 4: Chọn con đường di chuyển tiện lợi nhất

Khi đã thống nhất về địa điểm và lịch trình, bạn có thể bắt đầu tìm chuyến tàu, chuyến bay. Nên làm việc này khoảng 1-2 trước khi khởi hành, để có đủ thời gian tìm ra cách di chuyển lý tưởng và tiết kiệm thời gian.

  • Ưu tiên các chuyến bay thẳng, hoặc nếu phải chuyển tiếp thì thời gian chờ ngắn. Những chặng bay này có thể đắt hơn, nhưng sẽ đỡ mệt cho bố mẹ.
  • Nếu chặng bay bắt buộc phải transit, bạn cân nhắc lựa chọn sân bay có nhiều tiện nghi. Như vậy trong khi chờ nối chuyến, bạn có thể đưa bố mẹ đi khám phá xung quanh, hoặc nhờ họ trông con ở khu vui chơi để bạn tranh thủ mua sắm, nghỉ ngơi.
  • Nếu không tìm được sân bay đủ tiện nghi, bạn chủ động chuẩn bị sách báo, ipad, trò chơi… cho bố mẹ giải trí trong thời gian chờ.
04may2023dulichbome3jpg
Nên ưu tiên các chuyến bay thẳng, hoặc sân bay nhiều tiện nghi nếu cần phải transit.

Một số bí quyết khác

Dành thời gian “me time” giữa chuyến đi

Theo tạp chí GQ, dù đi du lịch cùng bố mẹ, bạn cũng sẽ cần những khoảng thời gian cho riêng mình. Nên tranh thủ những khoảng nghỉ ở khách sạn, bạn có thể đi mua nước, chạy bộ hoặc xuống sảnh làm việc khi bố mẹ nghỉ ngơi.

Những giây phút “me time” sẽ giúp bạn cân bằng lại tâm trạng sau một ngày dài liên tục di chuyển, trò chuyện cùng bố mẹ.

Tìm thêm người đồng hành nếu có thể

Bạn và bố mẹ có thể trò chuyện liên tục những ngày đầu chuyến đi, nhưng tới ngày thứ 3 là sẽ hết cái để nói với nhau. Trường hợp này, bạn sẽ cần tìm “người đồng hành” để làm mới trải nghiệm cho bố mẹ.

Một cách đơn giản là đặt những chuyến tour ngắn trong ngày (day tour). Cách này sẽ mang lại cho bố mẹ bạn cơ hội giao lưu với những người mới, lắng nghe những câu chuyện mới từ hướng dẫn viên hoặc những du khách khác. Nếu có người quen sinh sống ở nơi đang du lịch, bạn cũng có thể mời họ đi ăn tối để mở rộng các chủ đề trò chuyện.