5 Nhận định của Chloe Uyên Trần về chất liệu bền vững trong thời trang | Vietcetera
Billboard banner

5 Nhận định của Chloe Uyên Trần về chất liệu bền vững trong thời trang

Điều gì khiến những tấm da làm từ vỏ hải sản do một người Việt sản xuất lại có thể lọt vào mắt xanh của tập đoàn xa xỉ LVMH? 
5 Nhận định của Chloe Uyên Trần về chất liệu bền vững trong thời trang

Những chất liệu mới giúp thời trang phát triển bền vững | Nguồn: SR

Khởi đầu sự nghiệp với vai trò là một nhà thiết kế thời trang, Chloe Uyên Trần dần nhận ra sự tác động tiêu cực của cả ngành công nghiệp lên môi trường. Vì vậy, cô quyết định rẽ hướng sang nghiên cứu các loại vật liệu để giúp thời trang được bền vững hơn.

Chloe Uyên Trần đã theo học thạc sĩ ngành Thiết kế vật liệu tại học viện Thiết kế Parsons – một trong những ngôi trường danh giá nhất trong lĩnh vực thời trang ở Mỹ. Cô đồng sáng lập nên TômTex, với nhiệm vụ chính là nghiên cứu và phát triển một loại da mới từ chất thải thực phẩm để thay thế cho da động vật.

Trả lời trên Forbes, Uyên Trần cho biết TômTex sẽ sản xuất được khoảng 1.000m2 vật liệu đầu tiên vào cuối năm 2022, có thể tăng lên tới 10 ngàn m2 vào cuối năm 2023 và lên tới một triệu m2 vào cuối 2024.

Dù công ty chỉ ra đời ngót nghét một năm, TômTex cùng Uyên Trần đã liên tục bỏ túi các giải thưởng danh giá, trong đó có CFDA K11 Innovation, Forbes Under 30 và dự án da sinh học đã vào đến vòng chung kết của LVMH Innovation Award 2021.

Cùng Vietcetera trò chuyện với Uyên Trần, để có một góc nhìn gần gũi hơn về chất liệu/vật liệu sinh học, cũng như dự án mà chị cùng TômTex đang theo đuổi.

1. Ý tưởng tiềm năng nhất có thể đến từ những thứ bị bỏ đi

Môi trường toàn cầu dần suy yếu do các hoạt động kinh tế xã hội của con người, từ việc xả chất thải cho đến quy trình sản xuất công nghiệp. Không những vậy, thế giới đang cạn kiệt nguyên liệu thô. Trong khi đó đó, hàng năm có tới 8 triệu tấn vỏ hải sản thải, 7 triệu tấn bã cà phê thải ra từ ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống toàn cầu.

Vì vậy, Uyên muốn tái sử dụng những chất thải này thành nguyên liệu sinh học mới, có thể áp dụng cho vật dụng hàng ngày. Team đã phát triển một phương pháp thay thế bằng cách sử dụng nguồn chất thải thực phẩm để tạo nên loại vật liệu sinh học thân thiện với môi trường.

alt
Quá trình nghiên cứu tạo ra chất liệu bền vững cho ngành thời trang | Nguồn: VNE

Hiện tại, TômTex hợp tác cùng VNFood (VNF) tại Việt Nam để lấy nguồn Chitosan từ phế phẩm vỏ hải sản. VNF cho biết, việc kiểm soát và ổn định nguồn cung đầu vào được ưu tiên trên hết.

Tại mỗi nhà máy sản xuất của đối tác, VNF xây dựng bài bản phòng thu gom trực tiếp nguồn nguyên liệu đạt vệ sinh an toàn thực phẩm và được vận hành với sự phối hợp của nhân viên từ cả hai phía.

Các nhân viên này có nhiệm vụ thu gom ngay tại nguồn và điều phối nhịp nhàng hệ thống hơn 30 xe tải chuyên dụng để vận chuyển về nhà máy của VNF trong thời gian dưới 30 phút quy định.

Sau khi nhận Chitosan, đội ngũ nhà khoa học và sản xuất TômTex sẽ làm lên tấm da bằng vỏ hải sản với quy trình đã được cấp bằng sáng chế ở trung tâm nghiên và sản xuất tại New York, Mỹ.

2. Luôn đặt bản thân ở trạng thái nghiên cứu và sáng tạo những điều mới

TômTex rất may mắn khi nhận được sự hỗ trợ đến từ những nhà cung cấp toàn cầu, bao gồm Việt Nam, Mỹ và Châu Âu. Mặc dù được biết đến nhiều với các loại vật liệu từ hải sản, công ty vẫn liên tục nghiên cứu những vật liệu mới. Đơn cử như công ty đang nghiên cứu thêm phụ phẩm từ vỏ mía và vỏ trấu, nguồn Cellulose lớn có thể được áp dụng làm bao bì sinh học.

Ngoài ra, Uyên và team cũng đang nghiên cứu để tối ưu hóa việc sản xuất bởi nguồn nguyên liệu hiện đang có dồi dào. Hiện tại, theo ước tính sơ bộ, Việt Nam đang thải ra và lãng phí 1.000 tấn phụ phẩm tôm/ngày gồm đầu, vỏ và các bộ phận khác không được sử dụng trong quá trình chế biến thủy sản.

3. Hoàn thiện các tiêu chuẩn cơ bản để công ty sớm được đầu tư

Năm vừa 2021 là một năm đầy khó khăn đối với mọi người. Uyên cũng khá chật vật trong việc thành lập công ty và đối diện không ít khó khăn về vận hành, logistic, thử nghiệm, đánh giá sản phẩm…

Khó khăn lớn nhất là gọi vốn lần đầu tiên cho công ty. Thường những công ty được đầu tư sớm khi đạt được những tiêu chuẩn nhất định như có bằng sáng chế, đội ngũ nhà sáng lập giỏi và có sản phẩm đầu tiên thu hút được nhiều khách hàng.

Trong năm đầu tiên thành lập công ty, Uyên đã cố gắng nộp bằng sáng chế sớm nhất có thể cũng như tạo ra nhiều mẫu vật liệu sinh học để có thể mang đi dự thi ở nhiều cuộc thi quốc tế. Sau khi đạt được nhiều sự quan tâm và thắng ở nhiều cuộc thi, TômTex có nhiều nhà khoa học biết đến.

alt
Sớm tạo ra sản phẩm để tạo niềm tin cho nhà đầu tư | Nguồn: TômTex

Đến cuối năm 2021, Ross McBee, tiến sĩ tại trường Columbia đã ngỏ ý muốn làm việc và trở thành co-founder của TômTex. Sau hơn một năm đầy khó khăn, nhờ có đội ngũ nhà sáng lập vững mạnh và sản phẩm được nhiều người quan tâm, TômTex đã rất thành công huy động vốn 1.7 triệu đô cho pre-seed round với trị giá công ty 10 triệu đô.

Trước đó, TômTex nhận được đầu tư từ các quỹ đầu tư ở Mỹ như SOSV và Climate Tech Venture. Hiện tại công ty đã đóng vòng tiền hạt giống (Giai đoạn gọi vốn đầu tiên của startup) và chuẩn bị cho giai đoạn hạt giống (Giai đoạn gọi vốn để phát triển kinh doanh).

4. Cần tầm nhìn rõ ràng cho sản phẩm trước khi bắt tay với các đối tác lớn

Uyên rất là vinh dự và tự hào khi TômTex được chọn là 1 trong 28 startup vào vòng chung kết của LVMH Innovation Award 2021. Hiện tại TômTex đang tham gia hợp tác cùng các nhãn hàng của LVMH (hiện chưa được tiết lộ) để tạo nên những sản phẩm đầu tiên làm bằng chất liệu TômTex, được bán trên thị trường.

Đội ngũ LVMH làm việc rất chuyên nghiệp và tận tình nhưng họ cũng có những tiêu chuẩn rất khắt khe về vật liệu. Quy trình kiểm tra chất lượng cũng như làm việc với từng nhãn hàng dưới LVMH là cả một quá trình khá dài. Từ khâu trao đổi thông tin đến lên ý tưởng thiết kế cho sản phẩm có thể diễn ra hơn một vài tháng.

Startup cần trình bày tầm nhìn và sứ mệnh cũng như thông tin về sản phẩm và công ty của mình một cách hiệu quả. Mỗi cuộc họp phải nắm rõ về tiêu chí, ý tưởng và cách trao đổi làm việc cụ thể theo từng dự án với từng nhãn hàng.

Kế hoạch tiếp cận thị trường của TômTex đầu tiên là cộng tác với những hãng thời trang cao cấp và tạo ra những bộ sưu tập đầu tiên sử dụng vật liệu sinh học TômTex.

Vật liệu hiện tại đang có giá cả cạnh tranh và rẻ hơn so với da động vật nên Uyên tự tin rằng có thể cung cấp sản phẩm cho từng nhãn hàng thuộc những thị trường và nhu cầu khác nhau.

5. Khát vọng khởi nghiệp nên đi cùng năng lực quản trị bản thân và trách nhiệm xã hội

Uyên đã củng cố kiến thức cơ bản về vật liệu và áp dụng nó vào thực tiễn ngay từ khi còn học ở trường. Uyên nghĩ khát vọng thành công trong khởi nghiệp là điều tốt đẹp. Tuy nhiên, mong muốn này phải gắn liền với các vấn đề về năng lực quản trị. Bên cạnh sự sáng tạo, đột phá với hoài bão to lớn, bạn cần có nền tảng kiến thức cơ bản và am hiểu về thị trường.

alt
Sự thành công của startup đến từ năng lực quản trị và trách nhiệm xã hội | Nguồn: TômTex

Uyên luôn tự hỏi có điều gì còn thiếu sót trong nỗ lực và năng lực của bản thân cần bổ sung, hoàn thiện để nắm bắt cơ hội dẫn đến thành công. Trong tiến trình kiến tạo, chúng ta luôn có thể lựa chọn để tâm đến những giá trị chung trên lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội và lợi ích về môi trường.

Sự lựa chọn này đối với Uyên không chỉ đến từ khát vọng thành công, nó còn từ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mình tạo nên. Uyên muốn tạo dựng được doanh nghiệp đề cao giá trị con người và đặt trách nhiệm bảo vệ môi trường lên hàng đầu.