5 Phim điện ảnh đưa bạn về lại thập kỷ 80 | Vietcetera
Billboard banner
30 Thg 07, 2021
Sáng TạoĐiện Ảnh

5 Phim điện ảnh đưa bạn về lại thập kỷ 80

Lên "cỗ máy thời gian" quay trở lại thập niên 80 ngập tràn ánh đèn neon màu với những tác phẩm điện ảnh kinh điển về tuổi thiếu niên.

5 Phim điện ảnh đưa bạn về lại thập kỷ 80

Một chút của thập niên 1980 cho mùa giãn cách xã hội.| Nguồn: Ferris Bueller's Day Off (1986)

Người ta thường nhìn lại thập niên 80 với lăng kính của sự hoài niệm. Bằng chứng xuất hiện trong các lĩnh vực truyền thông và văn hóa đại chúng. Gần đây nhất ta có những Stranger Things, Summer of ‘84 hay It đều là những tác phẩm với mục đích để tri ân những di sản mà các đạo diễn của thập niên 1980 đã để lại. Các đạo diễn lớn lên với những bộ phim của thập niên 80, phần nào đó phản ánh qua các nội dung thể hiện sự tò mò và định hình của những đứa trẻ với thế giới ở thời điểm nhiệm màu ấy.

Năm phim điện ảnh dưới đây được lựa chọn theo các tiêu chí sau: sâu sắc về nội dung, âm thanh lẫn hình ảnh bắt tai và mắt, trên hết là phù hợp để xem nếu như bạn đang ở trong giai đoạn thiếu niên - giai đoạn quan trọng để phát triển những tư tưởng và cách suy nghĩ của bản thân.

1. Ferris Bueller’s Day Off (1986)

Ferris Bueller’s Day Off (Ngày cúp học của Ferris Bueller) là bộ phim ra mắt năm 1986 của đạo diễn John Hughes. Câu chuyện theo chân hai người bạn, Cameron và Slaone quyết định cúp học để theo chân cậu nhóc nổi tiếng quậy phá Ferris Bueller để trải nghiệm một ngày những gì mà họ không thể tưởng tượng nổi, như đứng trên tòa tháp cao nhất Chicago, lái chiếc Ferrari quanh thành phố và dừng lại giữa một đoàn diễu hành để hát cùng với tất cả mọi người.

Có thể nói, nhân vật Ferris thủ vai bởi Matthew Broderick là biểu tượng cho sự phóng khoáng và nổi loạn của tuổi trẻ: Cậu tràn đầy năng lượng tích cực, niềm tin vào hiện tại, thoát ly khỏi những “vùng an toàn” (comfort zone) được đặt ra bởi xã hội và luôn cố gắng tìm trải nghiệm những khả năng mà bạn không thể ngờ tới. Ai cũng muốn được làm Ferris, còn Ferris không thể trở thành ai khác ngoài chính bản thân cậu ta.

2. The Breakfast Club (1985)

The Breakfast Club (Hội Điểm Tâm) kể về một ngày “dài đằng đẵng” của năm người bạn không quen biết nhau nhưng đại diện cho các “tầng lớp” khác nhau trong trường trung học bị đưa vào một buổi cấm túc kéo dài từ sáng đến chiều. 

Bộ phim như “chịu trách nhiệm” kiến tạo ra các stereotype hiện đại mà ta hay bấu víu vào: Ta có cậu nhóc mọt sách (The Nerd), cô tiểu thư (The Princess), cậu nhóc điền kinh (The Athlete), kẻ lập dị (The Weirdo) và kẻ nổi loạn (The Criminal), thằng nhóc cứng đầu bật lại như lò xo những người làm nó chướng tai gai mắt. Thông qua việc chia sẻ và cả xung đột, những người bạn được kết nối với nhau về cảm xúc và thấu hiểu mọi người cũng như là chính bản thân hơn.

The Breakfast Club đề cập đến những vấn đề học đường, tâm sinh lý của tuổi thiếu niên và thông qua đó nêu lên thông điệp tích cực về việc chấp nhận chính bản thân mình: Có thể bạn khác biệt so với đám đông, song quan trọng nhất là thái độ của bạn với tất cả những cái gai định kiến ở ngoài xã hội mà ai cũng phải đối mặt trong giai đoạn trưởng thành.

3. The Karate Kid (1984)

Một cậu bé (thủ vai bởi Ralph Macchio) chuyển đến một khu ở mới và bị bắt nạt bởi một băng nhóm trong trường - cậu phải học cách đứng lên vì chính bản thân nhờ sự giúp đỡ của một người thợ sửa xe nhận cậu làm đệ tử karate. Ở thời điểm ra mắt, The Karate Kid như thổi một làn sóng mới vào dòng phim gia đình khi mang những triết lý phương Đông xa lạ với người dân nước Mỹ lên màn ảnh. Bộ phim vào năm 1984 đã tạo ra một cơn sốt không thể chối cãi đối với một thế hệ thanh thiếu niên tại Mỹ, đẩy mạnh phong trào luyện tập bộ môn karate cho đến ngày nay. 

The Karate Kid về sau được sản xuất thêm hai phần, The Karate Kid Part II lấy bối cảnh ở Nhật Bản và The Karate Kid Part III. Ngoài ra, series hậu truyện của ba phần The Karate KidCobra Kai lấy bối cảnh ba thập kỷ sau loạt phim gốc hiện đã ra đến season 3 và dự kiến season 4 sẽ được công chiếu vào quý 4 năm nay trên nền tảng Netflix.

4. Stand By Me (1986)

Tụ họp những gương mặt tiêu biểu River Phoenix, Wil Wheaton, Corey Feldman, Jerry O’ Connell, Stand By Me là chuyến phiêu lưu của bốn cậu bé lên đường đi tìm kiếm một cái xác chết mà một băng nhóm đã thủ tiêu. Qua chuyến đi, ta được hiểu thêm về nội tâm của từng nhân vật và những trắc trở mà chúng phải đối diện trong thời thơ ấu, ngay cả ở cậu thủ lĩnh cứng rắn như Chris.

Luôn xuất hiện trong các danh sách các phim đề cao tình cảm bạn bè, Stand By Me được đạo diễn bởi Rob Reiner là một bức họa gần gũi, nhẹ nhàng cho một buổi chiều ấm áp và thích hợp để xem cùng những người mà bạn cảm thấy thoải mái để chia sẻ nhất.

5. Back to the Future (1985)

Chẳng phải là một bộ phim du hành thời gian với plot phức tạp, khó theo như Primer, hay phong cách editing ẩn dụ và trừu tượng như La Jetée, song Back to the Future đã góp phần đặt tiền đề cho nhiều các tác phẩm sci-fi về sau: soundtrack tuyệt vời, lời thoại trào phúng, thông qua các các nhân vật mang tính biểu tượng gửi đến những bài học sâu sắc về cuộc sống. Hình ảnh cậu nhóc tuổi teen Marty McFly ngồi trên chiếc xe DeLorean cùng với bác tiến sĩ điên Doc Brown đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa đại chúng Mỹ mỗi khi ta nhắc đến một thập niên 1980 phồn vinh và tráng lệ.

Cũng như The Karate Kid, Back to the Future đã trở thành trilogy với hai phần kế tiếp là Back to the Future Part IIBack to the Future Part III được đáng giá cao không kém bởi khán giả đại chúng.