"Từ lúc chào đời tới năm 17 tuổi, những gì anh nói với ba chỉ vỏn vẹn ba câu." | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
13 Thg 01, 2021
Gia Đình Tan Chảy

"Từ lúc chào đời tới năm 17 tuổi, những gì anh nói với ba chỉ vỏn vẹn ba câu."

Những bài văn nói về tình cha con trên trường, anh đều phải học thuộc văn mẫu...

"Từ lúc chào đời tới năm 17 tuổi, những gì anh nói với ba chỉ vỏn vẹn ba câu."

Nguồn: Maika Elan cho Vietcetera

Từ lúc mới nứt mắt chào đời tới năm 17 tuổi, những gì anh nói với ba chỉ vỏn vẹn trong vòng ba câu: “Thưa ba con đi học”, “Thưa ba con mới về” và “Con mời ba ăn cơm”. Còn lại, toàn là những lần anh bị ba chửi, hay đánh bầm đít vì tội hư.

Có lần, mùng 2 Tết, bạn bè rủ anh đi nhậu. ‘Lên đồ’ hết rồi, nhưng chình ình ở cửa nhà là ba anh đang uống bia với bạn bè. Anh loay hoay quanh cửa nhà cả tiếng đồng hồ vì không dám xin đi chơi. Cuối cùng, anh ở nhà.

18 tuổi, anh có hình xăm đầu tiên, cũng coi như hình xăm khủng nhất cuộc đời. 5 tiếng ‘quằn quại’ trên bàn xăm cũng không dễ sợ bằng chặng đường anh đi từ tiệm về nhà, với nỗi hoang mang không biết sẽ đánh bằng cây gậy nào. Ba liếc nhìn hình xăm của anh một cái. Đúng một cái. Rồi cả năm sau đó, ông không thèm nói chuyện với anh luôn.

Nhà anh không có truyền thống khen ngợi. Thứ duy nhất anh coi như lời khen, là có hôm anh nấu ăn, ba lầm bầm vỏn vẹn một chữ “được”. Chữ “được” đó khiến anh quyết tâm theo nghề đầu bếp tới giờ.

Lúc anh chuẩn bị lên máy bay đi Đài Loan đi du học, cả họ nhà anh lên tiễn. Dù đã dặn lòng phải “cool ngầu”, anh vẫn khóc chảy cả nước mũi. Cả nhà đều khóc, trừ ba anh. Anh lấy dũng khí cả đời ôm ông thật chặt. Vậy mà ba vẫn chỉ tỉnh bơ vỗ vai anh, rồi hối anh đi lẹ không thì trễ chuyến.

Phải hai tuần sau khi ‘cập bến’ Đài Loan anh mới liên lạc được cho gia đình. Mẹ anh kể, hôm đó, ngay lúc anh vừa quay lưng, lần đầu tiên sau mấy chục năm chung sống, mẹ thấy ba rơi nước mắt.

Ba anh là đầu bếp trưởng, lại là anh trai cả trong nhà. Áp lực đè nặng lên vai khiến ông có sự khắc nghiệt lớn ơi là lớn với tất cả mọi thứ, bao gồm thằng con trai lớn là anh. Những bài văn nói về tình cha con trên trường, anh đều phải học thuộc văn mẫu. Vì anh hiểu rằng mình không thể kể về thứ tình thương mình không được biết.

Hồi nhỏ, sau trận đòn khiến anh mém không ngồi được nữa, anh có hỏi mẹ “ba có phải ba ruột của con không”. Rất nhiều lần sau những trận đòn, anh đều nghĩ như vậy. Từ lúc nảy sinh suy nghĩ đó trong đầu, mỗi lần bị đánh, bị chửi, anh không còn khóc nữa.

Nhưng khi đó, cách nhà hàng ngàn cây số, lần đầu tiên sau rất nhiều năm, nghĩ về ba, anh khóc.

Tan Chảy” là series thuật lại những câu chuyện tuyệt đẹp về cuộc sống.