5 Xu hướng đồ uống hậu 2020 | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
28 Thg 11, 2020
Off The Menu

5 Xu hướng đồ uống hậu 2020

“Biến đổi khí hậu” và “COVID-19” là 2 từ khoá của năm 2020. Những biến đổi lớn này có tác động thế nào tới ngành công nghiệp đồ uống tại Việt Nam và trên toàn thế giới?

5 Xu hướng đồ uống hậu 2020

Nguồn: behance.net

“Biến đổi khí hậu” và “COVID-19” là 2 từ khoá của năm 2020. Những biến đổi lớn này có tác động thế nào tới ngành công nghiệp đồ uống tại Việt Nam và trên toàn thế giới?

Đồ uống không cồn và ít cồn — miếng bánh béo bở trong tương lai

Năm 2019, bia không cồn và ít cồn chỉ chiếm 2% tổng số lượng bia tiêu thụ ở Anh. Tuy nhiên, đây lại là dòng sản phẩm có tốc độ phát triển dẫn đầu ở xứ sở sương mù, nguyên nhân chủ yếu là do người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng sức khoẻ.

Liệu “uống cho có vị" có trở thành xu hướng tại Việt Nam? Có thể lắm chứ! 

Minh chứng là từ khi Nghị định 100 (áp dụng mức phạt lên đến 40 triệu đồng cho việc uống rượu và lái xe) có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, doanh thu thị trường đồ uống có cồn tại Việt Nam đã giảm tới 25% trong dịp Tết âm lịch 2020.

“Đồ uống và thực phẩm lành mạnh” là mối quan tâm đứng thứ 2, chỉ xếp sau “việc làm” của người Việt vào năm 2020. Vì vậy, nhu cầu cho các loại đồ uống thay thế (không cồn hoặc ít cồn) có thể sẽ tăng mạnh, đặc biệt là trong mùa lễ hội sắp tới. 

5 xu huong do uong nam 2020
Nguồn: useyournoodles.eu

 Hiện tại, điểm yếu lớn nhất của đồ uống không cồn nằm ở hương vị và “đặc tính": mùi thơm, hiệu ứng thị giác, vị, cảm giác khi ngậm trong miệng.... Tuy nhiên, việc khắc phục những điểm yếu này chỉ là vấn đề thời gian, bởi các thương hiệu đồ uống lớn trên thế giới đều đã gia nhập cuộc đua Nghiên cứu & Phát triển. Không bao lâu nữa, tương lai “nhậu nhẹt không sợ vật vờ" sẽ gần ngay trước mắt! 

Ngoài xu hướng đồ uống không cồn và ít cồn, nhu cầu tìm kiếm thức uống gluten-free, không hoặc ít đường, ít calories, carbohydrate thấp,... cũng ngày một tăng. 

 Mua sắm online duy trì sau dịch, các thương hiệu sản xuất và kinh doanh đồ uống vào cuộc 

 Trong năm nay, dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục. Số lượng người mua sắm online tăng 15,1% so với năm 2019. Điều này cũng cho thấy mua sắm online đang dần trở thành 1 thói quen tiêu dùng mới sau đại dịch.

Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đồ uống lớn và nhỏ tại Việt Nam đều đang rục rịch “số hoá".

“Sabeco 4.0” là chiến dịch số hoá tập đoàn bia - rượu - nước giải khát hàng đầu Việt Nam, Sabeco, nhằm ổn định lợi nhuận trong vòng 2, 3 năm tới. Với những thương hiệu vừa và nhỏ, giao dịch online cũng nở rộ trong thời kỳ giãn cách xã hội. 

5 xu huong do uong nam 2020
Rượu thủ công đóng chai và ship tới tận nhà trong mùa dịch. | Nguồn: Nade
5 xu uong do uong nam 2020
Cafe ủ lạnh đóng chai với dung tích lớn, giao tận nhà của Nomad. | Nguồn: Nomad Cold Brew Coffee

Người tiêu dùng thế hệ mới: sẵn sàng chi trả cho giá trị bền vững

Nhóm khách hàng trẻ đang ngày càng trở nên khắt khe hơn trong việc tiêu dùng. Họ đòi hỏi sự minh bạch, bền vững và không dễ bị đánh lừa bởi quảng cáo của các nhãn hàng. 

Millenials và Gen Z cũng là thế hệ sống trong môi trường biến đổi khí hậu tồi tệ hơn so với ông cha mình. Vì thế, họ tích cực hoạt động bảo vệ môi trường và sẵn sàng trả giá cao hơn 50 – 100% cho những sản phẩm có giá trị bền vững. Ở Việt Nam, ngày càng có nhiều phong trào thu gom, phân loại rác, và những nghiên cứu khoa học được trao huy chương quốc tế

Để phục vụ cho đối tượng khách hàng của tương lai, đã đến lúc các thương hiệu sáng tạo hơn nữa trong việc phát triển sản phẩm và phát động các chương trình, phát kiến để phục vụ cho nhu cầu sống xanh.

Pizza 4P
Bia Dalat Whey Stout từ Pizza 4P's, tận dụng nguồn nước whey - loại nước sản phẩm phụ được tạo ra mỗi ngày từ việc sản xuất phô mai tại nhà máy ở Đà Lạt. | Nguồn: Pizza 4P's.

Sự lên ngôi của các loại rượu được chưng cất thủ công 

 “Ginassance” – chiến dịch với mục tiêu “phục hưng gin” vào năm 2018 đã khiến doanh thu rượu gin toàn cầu đạt mức tăng trưởng lên tới 8.3% so với 2017. Năm 2019, ông lớn Amazon ra mắt thương hiệu rượu gin của riêng mình – Tovess, mở đầu cho xu hướng trở lại của các dòng rượu mạnh trên thế giới.

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến xu hướng này liên quan đến sự nóng lên của Trái Đất. Gin là loại “nước giải khát” có nguồn gốc từ Scotland, được người Anh chuộng uống vào mùa hè. Với nhiệt độ nóng kỷ lục trong thời gian dài vào những năm gần đây, doanh thu gin tại Anh quốc bùng nổ. 66 triệu chai gin được bán ra vào năm 2018, tăng 41% so với năm 2017.

 Những xưởng chưng cất rượu mạnh mọc lên như nấm và được dự đoán phát triển ở những quốc gia không có truyền thống về rượu mạnh như: Nhật Bản, Nigeria, Mexico, Brazil, Nga và Nam Mỹ. Tại Việt Nam, chúng ta cũng chứng kiến sự trỗi dậy của hàng loạt các thương hiệu chưng cất bia, rượu thủ công, sử dụng nguyên liệu thuần Việt. Một vài cái tên có thể kể đến là: Sông Cái Distillery, Saigon Baigur, Brewstillery,...

5 xu huong do uong nam 2020
Brewstillery - rượu Gin thủ công đầu tiên trên thế giới được làm từ bia thủ công . | Nguồn: Brewstillery
5 xu huong do uong nam 2020
Saigon Baigur là thương hiệu rượu mạnh tuyển chọn 16 nguyên liệu đặc trưng từ miền Bắc Việt Nam tới lưu vực sông Mekong để cho ra loại gin thủ công chất lượng nhất.

 “Premiumsation”: Xu hướng nâng tầm đẳng cấp rượu mạnh

Rum vốn được biết đến là một dòng rượu mạnh rẻ tiền. Thời xưa, cướp biển uống rum như nước lã. Ngày nay, rum là rượu mặc định cho những buổi tiệc tùng chè chén. Nhưng cũng như cách mà gin chuyển mình đầy ấn tượng sau “Ginaissance", rum và tequila sẽ được tái định vị để góp mặt trong xu hướng cao cấp hoá rượu mạnh.

5 xu huong do uong nam 2020
Hibiki – rượu whisky Nhật Bản được yêu thích trên khắp thế giới bởi hương vị ngây ngất. | Nguồn: wallsholicwallsholic.com

Những năm gần đây, các dòng rượu mạnh cao cấp như Macallan, Hennessy, Martell L’Or, Hibiki… rất được ưa chuộng tại Việt Nam. Hibiki khan hiếm và cũng rất đắt. Một chai Hibiki Yamazaki được định giá dựa trên năm tuổi và có giá từ 100$ (khoảng 1,200,000 VND). Phiên bản đắt nhất của dòng whisky này được ủ tới 35 năm và có giá từ 800,000,000 VND

Vài năm trở lại đây, thưởng thức cocktails đã trở nên quá phổ biến tại Việt Nam. Liệu sau khi xu hướng này đạt đến cực thịnh rồi thoái trào, thưởng thức “straight” hoặc “on the rocks" có lên ngôi?