1. Chuyện gì đã xảy ra?
Giới thể thao Mỹ trong những năm vừa qua chao đảo bởi bi kịch tình dục được gây ra bởi Larry Nassar, bác sĩ của đội tuyển thể dục Mỹ. Các nạn nhân sẽ được nhận mức bồi thường là 380 triệu USD. Đội tuyển, Ủy ban Olympic Mỹ và công ty bảo hiểm là người đứng ra chịu khoản chi phí này.
Để có thể kết thúc lại trang lịch sử đen tối này, những nạn nhân của vụ quấy rối tình dục đã phải đấu tranh trong vòng 5 năm. “Thật sự mà nói, Larry Nassar là kẻ có tội, nhưng toàn bộ hệ thống này đã cho hắn có cơ hội thực hiện hành vi lạm dụng của mình”. Đây là những gì mà Simone Biles, vận động viên thể dục dụng cụ hàng đầu thế giới bức xúc nói.
2. Tại sao Larry Nassar bị kết án 175 năm tù?
Larry Nassar đã thành công trong việc xây dựng hình ảnh một bác sĩ tốt bụng, đáng tin cậy trong mắt phụ huynh và các cô gái trẻ. Dưới áp lực thi đấu, không ít cô gái đã rơi vào bẫy của Nassar, trở thành nạn nhân của hắn khi còn quá trẻ. Một trong số nạn nhân mới 15 tuổi.
Với cái mác bác sĩ, Nassar có được sự tự do trong việc lợi dụng và quấy rối tình dục những vận động viên. Trong bộ phim tài liệu At the Heart of Gold: Inside the USA Gymnastics Scandal, các cô gái đã miêu tả lại cách mà tên này xâm hại họ bằng tay trong phòng khám, ngay cả khi có mặt người thân.
Bên cạnh đó từ năm 2016, Nassar cũng vướng phải nhiều cáo buộc tàng trữ tranh ảnh khiêu dâm trẻ em, có hành vi tình dục hình sự cấp một với trẻ vị thành niên và tấn công tình dục. Từ đó nhiều phụ nữ đã đứng ra tố cáo hành vi đồi bại của hắn. Ước tính số lượng nạn nhân bao gồm cả các vận động viên lên tới 500 người.
3. Hệ thống của Mỹ tiếp tay cho Nassar như thế nào?
Năm 2015, vận động viên huy chương vàng thể dục McKayla Maroney kể lại rằng, cô đã gọi điện cho FBI để tố cáo Nassar. Tuy nhiên những gì cô nhận được là sự thiếu cảm thông. Họ hỏi cô rằng: “Đó là tất cả à?”. Lời khai của cô sau đó còn bị làm giả.
Trong suốt vụ điều tra, đã có 2 đặc vụ FBI tại thành phố Indianapolis bị phát hiện nói dối. Bên cạnh đó văn phòng này còn đưa ra những phản ứng chậm chạp một cách kỳ lạ trước những cáo buộc. Simone Biles, người đã phải bỏ thi Olympics vì các chấn thương tâm lý khẳng định rằng Hội đồng Olympic Hoa Kỳ và cả đội tuyển Thể dục dụng cụ Mỹ đều biết điều cô bị lạm dụng nhưng họ chọn che giấu cho kẻ ấu dâm.
Tội ác của Larry Nassar có thể đã được xử lý và ngăn chặn từ trước nếu hệ thống luật và cả những tổ chức thể thao có trách nhiệm hơn trong việc điều tra, nhất là khi những cáo buộc đã xuất hiện từ năm 1998.
4. Truyền thông đối xử với vụ việc như thế nào?
Cây bút của Huffpost, Alanna Vagianos khi tường thuật về vụ án vào năm 2018 (khi đó chỉ có 140 nạn nhân lên tiếng) đã thắc mắc rằng tại sao truyền thông lại ít đưa tin về sự việc như vậy.
Theo như Outside The Lines (chương trình của ESPN), có một khuôn mẫu nhất định trong cách truyền thông đưa tin về các scandal thể thao. Thường thì các thông tin này sẽ không được lan truyền mạnh mẽ nếu nó không liên quan tới một tổ chức cụ thể. Trường hợp của Nassar cũng tương tự như vậy và chỉ được thổi bùng khi bắt đầu xuất hiện sự liên quan của các tổ chức thể thao.
Bên cạnh đó, như biết bao vụ việc khác nạn nhân vẫn phải trải qua việc bị đổ lỗi, bị phủ nhận. Bản thân Nassar cũng cho rằng hắn mới thật sự là nạn nhân. Jamie Dantzscher, vận động viên đạt huy chương Olympics ngậm ngùi kể lại cô đã bị mạng xã hội và bạn bè thóa mạ, gọi cô là kẻ hám danh vọng chỉ vì nói ra sự thật.
5. Trang phục thi đấu của vận động viên nữ có vấn đề gì?
Olympics Tokyo vừa rồi cũng đã gây ra nhiều tranh cãi liên quan tới trang phục của nữ vận động viên quá gợi cảm. Thậm chí Liên đoàn Bóng ném châu Âu còn xử phạt đội bóng nữ Na Uy chỉ vì họ mặc quần đùi dài để thi đấu thay vì bikini như quy định.
Trang phục của vận động viên nữ trong thể thao đã nhiều lần bị chỉ trích khi quá ngắn và gợi cảm. Điều này khiến nhiều vận động viên nữ không thoải mái khi thi đấu. Đó là chưa kể tới việc họ luôn bị ghi hình ở những góc quay nhạy cảm và bất hợp lý.
Theo The conversation, các bộ luật liên quan tới trang phục của thể thao đương đại đều được điều hành và viết ra bởi những người đàn ông. Vậy nên, nhãn quan nam giới mặc nhiên bị áp dụng lên hình ảnh của những vận động viên nữ.
6. Vận động viên nữ từng bị đối mặt với bất công gì?
Trước đây, các nữ động viên trước khi tham gia thi đấu phải trải qua một hình thức kiểm tra đặc biệt, không áp dụng với nam giới mang tên kiểm gia giới tính. Lý do ra đời của hình thức này tới từ việc nhiều vận động viên nam đã giả nữ để tham gia thi đấu. Hiện nay quy định này được thay thể bằng "kiểm tra hormones".
Trong quá khứ, Ủy ban Olympics quốc tế cũng đã từng bắt các vận động viên nữ khỏa thân đi bộ trước mặt các bác sĩ để xác minh sự tồn tại của cơ quan sinh dục nữ. Hình thức này còn được gọi là diễu hành khỏa thân.
Tính công bằng luôn là tinh thần thể thao đáng được tuyên dương, việc kiểm tra cốt lõi cũng là để đảm bảo điều đó. Tuy nhiên, nó lại trở thành một bài kiểm tra mang đầy tính bất công cho những người phụ nữ. Phương thức này đã nhiều lần bị chỉ trích là không hiệu quả và để lại những chấn thương tâm lý. New York Times cũng gọi đây là một bài kiểm tra mang tính nhục mạ.
7. Có những chiến dịch nào đấu tranh cho phụ nữ trong thể thao?
Chiến dịch mang tên “Hãy để cô ấy chạy" nói về việc các vận động viên nữ đã bị nghi ngờ về giới tính thật khi chạy quá nhanh. Chiến dịch này đã mô phỏng lại hình thức kiểm tra giới tính trong quá khứ để nói về những định kiến tương tự mà vận động viên nữ vẫn phải đối mặt.
Bên cạnh đó, phong trào #Metoo cũng lan rộng ra cả sân cỏ khi vào năm 2019, hàng loạt cáo buộc về bạo hành tình dục trong giới được “khui ra". Một chiến dịch nội bộ mang tên #FearlessFootball đã ra đời, nhằm kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng để tạo ra một tương lai an toàn cho những thế hệ bé gái yêu bóng đá.
Sự tồn tại của những chiến dịch này đang giúp phá bỏ những định kiến lâu đời về vận động viên nữ, khiến tính công bằng trong thể thao dành cho tất cả mọi người không chỉ còn là lời nói đầu môi.