54 Dân tộc, bao nhiêu ngôn ngữ? | Vietcetera
Billboard banner

54 Dân tộc, bao nhiêu ngôn ngữ?

Tôi tự hỏi 54 dân tộc anh em chúng ta liệu có nói 54 ngôn ngữ không nếu không buộc phải học tiếng Việt. Và những ngôn ngữ dân tộc có nguồn gốc từ đâu?

54 Dân tộc, bao nhiêu ngôn ngữ?

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera.

Tôi tự hỏi 54 dân tộc anh em chúng ta liệu có nói 54 ngôn ngữ không nếu không buộc phải học tiếng Việt. Và những ngôn ngữ dân tộc có phải là “rớt từ trên trời xuống” không?

Đến Ấn Độ một năm sau chuyến Bali hai tuần, tôi thực sự tròn mắt về sự giống nhau trong chữ viết của hai xứ sở này. Con đường di dân và giao thoa văn hóa bản địa đã cho chữ Phạn những hình thái mới. Và điều đó cũng xảy ra ở dọc dải đất miền Trung, phảng phất hơi thở của vương quốc Chăm Pa thuở xưa.

Những phiến đá, tượng linga, yoni ở Việt Nam được giới khảo cổ Ấn Độ quan tâm và hỗ trợ giải mã những ngôn ngữ “chết”. Tôi từng thấy cuộn kinh Q’ran viết bằng tiếng Ả Rập với lỗi tách chữ, những phiến lá viết thứ chữ giống Thái Lan của người Thái ở Thanh Hóa, và nghe-không-hiểu-gì khi… ngồi ăn sủi cảo Hà Tôn Quyền. “Hay Việt Nam cũng là một châu Á thu nhỏ nhỉ?”, tôi tự hỏi.

Và có thể nói là vậy. Vì Việt Nam có những ngữ hệ trong toàn khu vực châu Á Thái Bình Dương, trừ 3 hệ riêng biệt cho 1 dân tộc (Nhật Bản, Hàn Quốc và Tungus). Và đó là...

Ngữ hệ Nam Đảo

Đúng như bạn đang nghĩ đấy! Các dân tộc này đến từ các hòn đảo ở phía Nam: trải dài từ Madagascar, qua vạn đảo Indonesia đến các cụm đảo Thái Bình Dương (Họ chính là những tay chơi hệ thủy cừ khôi!). Có 5 dân tộc sử dụng ngữ hệ Nam Đảo ở Việt Nam:

Dân tộc ngữ hệ Nam Đảo
Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera.

Nhiều nghiên cứu xung quanh nguồn gốc của những người nói ngữ hệ Nam Đảo cho rằng họ vốn là cư dân Nam Trung Hoa di dân xuống Đài Loan rồi tỏa đi các khu vực đảo khác. Đây cũng là ngữ hệ phổ biến thứ hai thế giới sau ngữ hệ Niger-Congo, với gần 1260 ngôn ngữ.

Sự phân bố của nhóm ngữ hệ Nam Đảo gắn liền với lãnh thổ người Chăm (tức Vương quốc Chăm Pa xưa). Họ tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên và khu vực từ Phú Yên đến Bình Thuận với khoảng 1 triệu người (2009). Ngoài các nghề gắn liền với biển khơi, họ còn giỏi giao thương, làm gốm, theo chế độ mẫu hệ và tín ngưỡng phồn thực.

Có thể bạn chưa biết, chữ viết người Chăm ở Việt Nam bắt nguồn từ hệ chữ Brahmic (Nam Ấn Độ), khác với người Tây Chăm ở Campuchia sử dụng tiếng Ả Rập do ảnh hưởng Hồi giáo.

Ngữ hệ Nam Á

Dễ đoán như chính cái tên, ngữ hệ này ở phía Nam châu Á. Nhưng vì đây là châu lục lớn nhất hành tinh, nên dĩ nhiên mọi thứ phức tạp hơn. Ngữ hệ này chia thành 3 nhóm ngôn ngữ:

Ngữ hệ Nam Đảo
Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera.
Ngữ hệ Nam Á.
Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera.

Nhóm Việt - Mường chiếm phần đông dân số Việt Nam với 75 triệu người (87% dân số).

Chắc chắn bạn cũng đoán được tiếng Việt thuộc ngữ hệ này. Tuy nhiên, chỉ có tiếng Việt (và tiếng Campuchia) có địa vị chính thức cấp-quốc-gia và một lịch sử ghi chép lâu dài, so với 167 ngôn ngữ khác trong nhóm! Theo nghiên cứu của Haudricourt, thanh điệu trong tiếng Việt được phát triển nhờ ảnh hưởng của Hoa ngữ và các ngôn ngữ hệ Thái-Kađai từ thế kỷ thứ 6.

Tuy nhiên, vài nhóm trong cộng đồng người Thổ, Chứt và người Nguồn (Việt) đã di cư lên miền núi hun hút từ ngàn xưa, nên họ vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa và ngôn ngữ Việt Cổ.

Ngữ hệ Thái - Kađai

Ở Việt Nam, có 2 nhóm trong ngữ hệ này:

Ngữ hệ Thái - Kadai
Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera.

Họ tập trung chủ yếu ở các thung lũng, chuyên canh tác lúa nước, thâm canh, làm thủy lợi, dệt vải điêu luyện và theo truyền thống phụ hệ. Họ thờ cúng tổ tiên và chịu ảnh hưởng Tam giáo. Hiện tại ở Việt Nam, có một số khu vực sử dụng tiếng Tày hoặc tiếng Thái là lingua franca (ngôn ngữ giao tiếp chung giữa các dân tộc khác nhau trong một khu vực)

Nhóm người Thái đã sinh sống tại Thanh Hóa từ thời kỳ đồ đá cũ và gắn bó mật thiết với 2 nền văn hóa lớn: Hòa Bình và Bắc Sơn. Ngày nay, còn khoảng hơn 200 ngàn người Thái sinh sống tại Thanh Hóa với những nỗ lực lưu giữ chữ viết dân tộc mình.

Ngữ hệ Hán - Tạng

Đây là ngữ hệ được nói nhiều thứ 2 thế giới (sau hệ Ấn- u, Alo! Đế quốc!), trước nhất là có 1.4 tỷ người Trung Quốc. Tại Việt Nam, ngữ hệ này được chia thành hai nhóm:

Ngữ hệ Hán - Tạng
Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera.

Người Hoa tập trung chủ yếu ở miền Nam. Người Ngái và Sán Dìu chủ yếu ở khu vực Đông Bắc. Nhóm Tạng-Miến sinh sống chủ yếu ở vùng núi cao phía Bắc. 

Tại Sài Gòn, cộng đồng người Hoa tập trung chủ yếu ở khu vực Chợ Lớn, quận 5. Chắc chắn ai từng ăn sủi cảo trên đường Hà Tôn Quyền cũng đã nghe các cô chú gọi món bằng tiếng Tiều. Những thương nhân gốc Hoa ấy chính là những người đã làm nên một cộng đồng văn hóa đặc sắc tại Nam Bộ ngày nay.

Người dân tộc Tạng-Miến di dân từ khu vực núi non trùng điệp, nên họ có khả năng thích nghi với độ cao. Họ cũng mang theo những tư tưởng huyền bí (mysticism) và tôn giáo theo trên con đường di dân. Vị thế hiểm trở miền núi cũng giúp họ bảo tồn được những giá trị dân tộc xa xưa của mình.

54 dân tộc thì 54 ngôn ngữ! Nhỉ?

Ôi chao, tôi quên điểm qua một số những cộng đồng dân tộc nhỏ chỉ có khoảng vài chục đến vài trăm nhân khẩu. Họ là: Pa Kô, Nguồn, Arem, Đan Lai, Tà Mun, Thủy, Xạ Phang, Ngái, En, Mơ Piu, Thu Lao và Pa Dí. Thế 54+12=66 ngôn ngữ rồi.

Tèn ten, theo trang Ethnologue, Việt Nam chúng ta có 110 ngôn ngữ được thống kê, bao gồm tiếng Việt và 2 ngôn ngữ bên lề là tiếng Hoa Phổ thông và Pháp. Danh sách này cũng bao gồm 3 hệ thủ ngữ từ Hải Phòng, Hà Nội và Sài Gòn. Trong đó có 1 đã chết, đó là tiếng… Tây Bồi. Trong số các ngôn ngữ đang sống, có 93 là bản địa và 16 thì không.

Một số dân tộc có nhiều hơn 1 ngôn ngữ vì họ có những nhóm dân tộc khác nhau. Ví dụ: Cơ Lao Xanh, Đỏ, Trắng; Mnông Đông, Nam,... Sự phân hóa này cũng thường xuyên diễn ra ở những quốc gia, dân tộc khác.

Bên cạnh quốc ngữ, chúng ta có 15 tiếng đang phát triển, 45 tiếng đang khỏe mạnh, 42 tiếng đang gặp khó khăn và 6 tiếng đang chết. Những ngôn ngữ đang chết hiện tại có khoảng từ 20 đến 300 người còn nói được.

Tiếng Việt luôn lắng nghe

“Trong các loại cây trồng, lúa là cây duy nhất trong thời kỳ làm đồng được các tộc người ở Đông Dương gọi là có Chửa (Việt) = Bun (Cơho) = Mtain (Giarai) như người mẹ là cây duy nhất được coi có Hồn (Việt) = Soan (Cơho)...”, Tiến sĩ Vũ Hồng Vận đã viết trong cuốn Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam.

Bỏ qua rào cản về âm tiết và chữ viết, các dân tộc trong Việt Nam có những hệ tư tưởng giống nhau và được gìn giữ trong toàn bộ chiều dài lịch sử. Thuyết vạn vật hữu linh luôn hiện hữu trong những tín ngưỡng dân gian của dân tộc Việt (thờ Mẫu, thờ cúng tổ tiên,...) Dù hình thức, nghi lễ khác nhau, nhưng các dân tộc đều hướng về việc tôn vinh giá trị thiên nhiên, vị thế khiêm nhường của con người và một hòa bình trong tâm thức.

Những hệ tư tưởng này trở thành một phần trong tiềm thức của người Việt Nam vì nó được củng cố nhờ một lối sống từ thuở hồng hoang: nền nông nghiệp trồng trọt. Theo Giáo sư Hà Văn Tấn trong cuốn Theo dấu các văn hóa cổ, các tộc người ở Việt Nam đều phát triển nông nghiệp theo dạng phổ rộng. Tài nguyên thiên nhiên trù phú trên khắp dải đất chữ S là yếu tố quyết định mọi dân tộc tiến lên nền văn minh lúa nước, bên cạnh chăn nuôi một số ít loài động vật. Từ đó, chúng ta hình thành những hệ tư tưởng tương đồng nhau.

Và khi một dân tộc giao thoa với những dân tộc khác, việc thấu hiểu về giữ giá trị cốt lõi trở nên dễ dàng hơn. Song, trường từ vựng và từ ngữ tiếng Việt luôn hấp thu từ những dân tộc khác vào mọi thời điểm. Nói cách khác, lòng khoan dung và trắc ẩn chính là chất keo chảy ra từ tâm thức để kết nối mọi dân tộc trên đất Việt Nam.

Những địa phương dân tộc thiểu số luôn có những lớp dạy phương ngữ cho lớp trẻ, song song với những bài học về lịch sử. Trên hành trình này, không ai là người ngoài cuộc. Việc xây dựng các bảo tàng dân tộc học, trùng tu các di tích, đền chùa và đưa sử thi Đăm Săn (Êđê), Đẻ đất đẻ nước (Mường) vào chương trình giáo dục là những nỗ lực mà chúng ta sẽ cần tiếp tục.

Nhưng quan trọng hơn hết, hãy hiểu rằng tiếng Việt luôn lắng nghe.