6 Cách để hiểu hơn mình là ai | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
21 Thg 08, 2024
Chất Lượng Sống

6 Cách để hiểu hơn mình là ai

Muốn hiểu thì phải hỏi nhưng bạn có biết cần hỏi gì và hỏi với hình thức nào?
6 Cách để hiểu hơn mình là ai

Nguồn: Pexels

Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao một số người dường như luôn thành công trong công việc? Hoặc luôn giữ được sự bình tĩnh và kiểm soát tốt cảm xúc của mình, dù trong những tình huống căng thẳng nhất. Bí quyết nằm ở khả năng tự nhận thức – một kỹ năng không chỉ giúp bạn hiểu mà còn phát triển bản thân nhiều hơn.

Cũng như những dạng kỹ năng khác, chúng ta sẽ cần đầu tư một khoảng thời gian nghiêm túc, thực hành đều đặn để dần bồi đắp nên khả năng tự nhận thức cho mình. Bắt đầu bằng việc nhận biết những dấu hiệu bạn chưa đủ hiểu về bản thân.

Và sau khi đã “bắt bệnh” xong rồi thì đây là 6 thói quen đơn giản bạn có thể bắt tay vào làm ngay trong hôm nay để hiểu hơn mình là ai.

1. Viết tự do

Hãy dành ra khoảng thời gian từ 15-20 phút viết ra bất cứ điều gì xuất hiện trong đầu bạn. Đừng bận tâm đó có phải một suy nghĩ linh tinh hay không, cũng không cần để ý có đúng chính tả hay ngữ pháp không? Cứ để tay của bạn sao chép lại y chang những gì đang diễn ra trong đầu bạn xuống mặt giấy, hoặc thư mục của ứng dụng ghi chú.

Nếu bạn vừa bước ra khỏi cuộc họp với một loại cảm xúc mạnh mẽ nào đó, có thể là hào hứng, thất vọng, hoang mang hay vui vẻ… Hãy viết nó ra, biến cảm xúc đó thành những từ ngữ rõ ràng có thể nhìn thấy, đọc được thậm chí là cầm nắm trên tay. Khi đó bạn sẽ giải tỏa được những năng lượng tiêu cực và hơn thế, có được cái nhìn khách quan, thêm phần thấu đáo về bản thân mỗi lần đọc lại.

2. Điều hướng tò mò về bản thân

Chúng ta thường hay tò mò, háo hức về những điều xung quanh, nhưng lại không dành đủ nhiều thời gian để quay về bên trong và tự hỏi:

  • Bắt đầu một cách đơn giản là tại sao mình lại thích bạn A?
  • Tiếp tục đào sâu hơn, vì sao mình lại thích những điểm đó?
  • Đúng là mình thích bạn A đó nhưng khi bạn A có hành động X thì sao mình lại bực bội nhỉ?

Khi bạn thích một ai đó, người đó dường như trở thành trung tâm và cả thế giới của bạn xoay quanh họ. Nhưng thay vì bạn chỉ tập trung xem facebook, dò là thông tin để hiểu thêm về ‘crush’, hãy đặt cả những câu hỏi tò mò lấy bản thân mình làm trung tâm. Khi đó bạn sẽ hiểu hơn về quan niệm tình yêu của mình, hay thậm chí mở rộng hơn là những tư duy, niềm tin tồn tại sâu bên trong đang xây đắp nên thế giới quan của bạn.

3. Nhận diện cảm xúc, giá trị cá nhân và niềm tin cốt lõi

Viết tự do và hướng về bản thân là hai thói quen khởi đầu, giúp bạn có thêm thông tin để thực hiện được thói quen thứ 3. Nhận diện cảm xúc, giá trị cá nhân và niềm tin cốt lõi bạn theo đuổi sẽ định hình nên cách bạn nhìn nhận thế giới và cách bạn phản ứng với nó.

Khi bạn nhận thấy cảm xúc của mình đang ở trạng thái giận dữ vì một đồng nghiệp không tôn trọng ý kiến của bạn, hãy tự hỏi: “Tại sao mình lại giận dữ đến vậy?” Thông qua câu hỏi này, bạn sẽ ngẫm ra giá trị cá nhân mà bạn rất coi trọng là sự công bằng và tôn trọng. Thế nên, việc bị coi thường đang đi ngược lại với giá trị cốt lõi của bạn.

alt
Nguồn: Pexels

Tiếp theo hãy nâng việc phân tích lên một cấp độ cao hơn nữa. Liệu người đồng nghiệp đó không tôn trọng ý kiến của bạn là vì họ thật sự không coi trọng bạn, hay do ý kiến đó vốn dĩ không tốt như bạn tưởng.

Quá trình phản biện và không ngừng đào sâu vào suy nghĩ như vậy sẽ giúp bạn bình tĩnh hơn và hạn chế hình thành ác cảm không đáng có với đồng nghiệp, cũng như các mối quan hệ và khía cạnh khác trong cuộc sống.

4. Ghi chú những “công tắc chọc giận”

Mỗi người đều có những công tắc chọc giận là những yếu tố kích thích mà nếu ai đó chẳng may chạm vào sẽ ngay lập tức bật chế độ phản ứng mạnh mẽ của bạn lên.

Giả sử bạn nhận thấy mình thường xuyên bực bội khi bị ai đó chỉ trích trong công việc, hãy tự hỏi: “Điều gì trong lời chỉ trích đó khiến mình tức giận? Có phải do mình cảm thấy bản thân không đủ giỏi không? Khi bạn hiểu rõ hơn về những “công tắc chọc giận” này, bạn sẽ không để cảm xúc tiêu cực dễ dàng lấn át nữa.

Thói quen này và thói quen điều hướng tò mò về bản thân sẽ bổ trợ cho nhau rất nhiều. Khi bạn đặt ra các câu hỏi lấy mình làm chủ thể thì câu trả lời bạn thu về sẽ giúp bạn lập được danh sách những điều kích hoạt cảm xúc tiêu cực trong mình. Đồng thời nhận biết những yếu tố nào sẽ dẫn đến kích hoạt xấu và phòng tránh được tốt hơn.

5. Dành thời gian với chính mình

Mình có thói quen thực hành me-time (thời gian dành toàn bộ năng lượng cho bản thân) ba mươi phút trước khi ngủ. Mình sẽ nằm trên giường, thả lỏng tay chân, tưởng tượng đang có một cái máy quét qua toàn bộ cơ thể.

  • Đầu tiên là quét tình trạng thể chất, máy sẽ đi từ đầu ngón chân lên tới đỉnh đầu. Đi tới đâu thì thử cử động ở đó một chút. Và để ý xem có bộ phận nào đang có dấu hiệu bất thường hay không?
  • Tiếp theo, máy sẽ chuyển qua quét cảm xúc là để kiểm tra xem ngày hôm nay bạn đã trải qua những cảm xúc mạnh mẽ nào? Năng lượng bạn có đang ổn hay không? Bạn sẽ cần dành bao nhiêu thời gian để phục hồi?
  • Và hạng mục kiểm tra cuối cùng là quét suy nghĩ. Bạn có nhận thấy một sự kiện nào đang ngấm ngầm chuyển hóa quan điểm của bạn về điều gì đó trong cuộc sống, nó có dẫn tới sự thay đổi cục bố của tư duy không?

Thời gian đầu mới thực hành thói quen này sẽ không dễ dàng, thậm chí đôi khi bạn sẽ thấy hơi ngớ ngẩn, nhưng đối với mình thì đây là một thói quen thú vị nhất trong danh sách. Bạn cũng có thể tạo ra hoạt động khác trong me-time của riêng mình, miến là đáp ứng tiêu chí ở một mình và tập trung vào quan sát bản thân.

6. Tìm kiếm nhận xét từ người khác

Chúng ta sẽ có những điểm mù nhất định khi nhìn nhận về bản thân. Thế nên, việc đón nhận phản hồi từ người khác là một yếu tố quan trọng giúp bạn đa dạng thêm góc nhìn để hiểu chính mình hơn. Có điều nên lưu ý rằng trước hết bản thân chúng ta phải biết tự xây dựng bộ lọc lời khuyên cho mình chứ không phải là gió chiều nào theo chiều ấy.

Và khi bắt đầu vào thực hành thói quen này, bạn cần đảm bảo được hai điều. Đầu tiên là tinh thần cởi mở, không ở cơ chế phòng thủ khi đón nhận những lời nhận xét. Thứ hai là biết chọn những đối tượng phù hợp để xin đánh giá từ họ.

Người phù hợp ở đây sẽ là người bạn tiếp xúc thường xuyên nhất, có kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực của bạn. Sẽ tốt hơn nữa nếu đó là những người chân thành, khách quan, sẵn sàng cho bạn ý kiến thậm chí không dễ nghe nếu như điều đó thật sự tốt cho con đường phát triển của bạn.

Suy nghĩ cuối

Hiểu mình, ý thức được những gì diễn ra trong mình không dễ dàng nhưng là một khoản đầu tư xứng đáng để bạn bỏ tâm sức. Như Carl Jung, nhà tâm lý học nổi tiếng từng nói: “Until you make the unconscious conscious, it will direct your life and you will call it fate.” (Tạm dịch: “Chừng nào bạn chưa biến những điều vô thức thành ý thức thì chúng sẽ còn nắm quyền điều khiển cuộc đời bạn và bạn lại nghĩ đó là số phận).

Chúc cho hành trình tự nhận thức của bạn nhiều sự thú vị và trao được quyền lèo lái cuộc đời vào trong tay chính bản thân mình.