Mệt mỏi với đủ kiểu lời khuyên: Nên chọn nghe gì? | Vietcetera
Billboard banner
06 Thg 06, 2024
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Mệt mỏi với đủ kiểu lời khuyên: Nên chọn nghe gì?

Trong bài này, mình chia sẻ với bạn bộ 8 câu hỏi dùng để đánh giá xem đâu là lời khuyên tốt nhất dành cho mỗi người.
Mệt mỏi với đủ kiểu lời khuyên: Nên chọn nghe gì?

Nguồn: Pexels

Nhờ các nền tảng mạng xã hội, video, việc đưa ra lời khuyên bây giờ thật dễ dàng.

Đơn giản chỉ cần đăng lên một suy nghĩ nào đó như: “Nếu bạn còn trẻ, hãy tập trung phát triển bản thân”. Đầu tư hơn một chút thì viết hẳn một bài dài 500 từ về việc “Tại sao bạn cần tập trung phát triển bản thân khi còn trẻ?”. Hoặc một content creator có thể làm video dài 15 phút để nói “10 Điều bạn phải làm trước 25 tuổi để phát triển bản thân”.

Có thể nói, ở đâu người ta cũng “thở” ra được một lời khuyên. Mình viết bài này không phải để phê phán điều đó, bởi vì chính nội dung mình đang chia sẻ cũng là những lời khuyên.

Và nếu bạn chỉ biết mình thông qua mạng xã hội, thì nên biết rằng trong 4 cấp độ chịu trách nhiệm của lời khuyên, những chia sẻ của mình đang ở cấp độ thấp nhất - lời khuyên đến từ người lạ không quen biết. Trên đó vẫn còn 3 cấp độ “đáng nghe” hơn rất nhiều.

Trong bài này, mình chia sẻ với bạn bộ 8 câu hỏi dùng để đánh giá xem đâu là lời khuyên tốt nhất dành cho mỗi người. Những câu hỏi này sẽ được chia thành 2 nhóm: Người hoặc nguồn đưa ra lời khuyên, và nội dung lời khuyên.

Nhóm 1: Người hoặc nguồn đưa ra lời khuyên

1. Họ có năng lực, hiểu biết chuyên môn trong lĩnh vực họ đưa ra lời khuyên hay không?

Câu hỏi này tương đối dễ hiểu mà phải không, chúng ta không thể đi hỏi chuyện nấu nướng với một chuyên gia làm phần mềm chưa từng vô bếp như mình. Cũng như chúng ta không nên tin những lời khuyên về tài chính từ một page hay đăng hài nhảm.

2. Họ có từng trải qua trường hợp tương tự như bạn?

Có một điều ngược đời là mỗi khi có vấn đề trong chuyện tình cảm, chúng ta hay đi xin lời khuyên từ một người bạn ế lâu năm. Dù lời khuyên của họ nghe có vẻ hợp lý, nhưng vì chưa từng trải nghiệm qua sự việc tương tự, họ sẽ khó đồng cảm được về mặt cảm xúc để đưa ra lời khuyên thực sự chạm đến bạn.

Bản thân mình đã nghiệm rất sâu sắc điều này nhưng ở khía cạnh khác. Sau khi ba mất, mình rất khó chia sẻ với những người bạn chưa từng trải qua tình huống này. Thế nhưng, khi gặp một người anh đã từng như mình, anh ấy lại cho mình cảm giác cảm thông dễ chịu. Anh không nói về những điều mình nên làm lúc này, mà chỉ đơn giản bảo mình “Em cứ buồn bao lâu em thích, tới một lúc nào đó em sẽ nhận ra, ba muốn em sống tiếp vui vẻ.”

Chỉ đơn giản vậy thôi, mà gánh nặng cảm xúc trong lòng mình giảm đi rất nhiều. Thế nên, lời khuyên, hoặc đơn giản là lời động viên từ một người đã từng ở trong tình huống của bạn thật sự rất hữu ích.

3. Họ có khẳng định tính đúng tuyệt đối của điều mà họ đang nói?

Những lời khuyên hay bị gọi là đạo lý là những lời khuyên có xu hướng chỉ một chiều, và thậm chí còn hạ thấp chiều còn lại.

Chẳng hạn như là “người trẻ tan làm lúc 5h chiều là vứt”, hay “bạn phải tìm được cá tính thì mới thành công, không có cá tính bạn mãi mãi là kẻ thất bại”.

Những lời khuyên kiểu này đa phần đến từ những người mình tạm gọi là “thiếu khiêm tốn nhận thức”, họ tự phụ và tự cho mình biết hết tất cả. Họ ưu tiên niềm tin, quan điểm, thành tích bản thân hơn việc hiểu rằng thế giới này có muôn vàn cách sống, và những giá trị quan khác nhau.

Thậm chí, đáng sợ hơn nữa là có những người có xu hướng gây sức ép khiến bạn phải làm theo lời khuyên của họ. Lúc này hãy cẩn thận động cơ đằng sau những lời khuyên đó. Có thể họ đang muốn bán cho bạn một thứ gì đó, thậm chí là bất chính, mà nhất thời bạn chưa nhận ra.

4. Họ có phải chịu trách nhiệm cho lời khuyên họ đưa ra cho bạn hay không?

Bên dưới là là các mức độ chịu trách nhiệm theo mối quan hệ mình đúc rút từ quan sát cá nhân:

  • Bố mẹ, quản lý hay lãnh đạo tại nơi bạn làm việc: Những người này thường có vai trò quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và công việc của bạn. Họ biết mình phải chịu trách nhiệm và hỗ trợ bạn nếu lời khuyên của họ dẫn đến kết quả không như mong đợi.
  • Người tư vấn, cố vấn bạn trả tiền: Những chuyên gia này được bạn trả tiền để cung cấp lời khuyên, vì vậy nếu chuyên nghiệp, họ sẽ có trách nhiệm đối với chất lượng và hiệu quả của lời khuyên họ đưa ra. Họ biết rằng, nếu lời khuyên không hiệu quả, bạn có quyền yêu cầu giải thích và đưa ra nhận xét có thể ảnh hưởng lên uy tín của họ.
  • Bạn bè, người quen: Những người này thường đưa ra lời khuyên dựa trên kinh nghiệm cá nhân và sự thiện chí của họ dành cho bạn. Mặc dù họ không có trách nhiệm chính thức đối với kết quả của lời khuyên, nhưng nếu là những người bạn thật sự, họ sẽ quan tâm đến sự thành công và hạnh phúc của bạn, thế nên cũng sẽ có sự cẩn thận khi đưa ra lời khuyên.
  • Người lạ trên mạng, giống như mình đây chẳng hạn: Lời khuyên từ những người này thường không có sự cam kết hoặc trách nhiệm gì. Họ có thể đưa ra lời khuyên dựa trên ý kiến cá nhân mà chưa hoặc không thể hiểu rõ hoàn cảnh của bạn. Do đó, bạn nên thận trọng với những lời khuyên đến từ những người này. Và đừng quên tư duy phản biện bạn nhé.
Nghe lời khuyecircn nagraveo cũng cần đến tư duy phản biện Nguồn Pexels
Nghe lời khuyên nào cũng cần đến tư duy phản biện. | Nguồn: Pexels

Nhóm 2: Nội dung của lời khuyên

5. Lời khuyên có cung cấp ngữ cảnh nên áp dụng không?

Hoặc trước đó người đưa ra lời khuyên đã có thời gian lắng nghe và thu thập thông tin về hoàn cảnh của bạn hay không?

Thiếu đi ngữ cảnh cũng giống như bác sĩ kê đơn mà không cần khám bệnh cho bạn vậy. Và sẽ có khả năng bạn phải uống thuốc nhức đầu để trị cái dạ dày đang bị loét của mình.

Chẳng hạn bạn cần lời khuyên cho việc “Có nên học đại học hay không?”, thì người được bạn xin lời khuyên có thể sẽ cần phải hỏi thêm những câu hỏi này để biết thêm về hoàn cảnh của bạn, như là:

  1. Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì? Để biết bạn có rõ ràng về mục tiêu nghề nghiệp của mình và liệu việc học đại học có giúp bạn đạt được những mục tiêu đó không?
  2. Tình hình tài chính của bạn ra sao? Bạn có khả năng tài chính để học đại học mà không gặp khó khăn nghiêm trọng không? Bạn có kế hoạch gì để trang trải chi phí học tập?
  3. Sở thích và kỹ năng cá nhân của bạn là gì? Bạn có thực sự hứng thú với việc học tập và cảm thấy rằng môi trường đại học sẽ phát triển kỹ năng của mình không?
  4. Cơ hội nghề nghiệp hiện tại và tương lai trong lĩnh vực bạn quan tâm là gì? Bạn đã tìm hiểu về cơ hội nghề nghiệp và yêu cầu học vấn trong lĩnh vực bạn quan tâm chưa?
  5. Các lựa chọn thay thế nào có sẵn? Bạn đã xem xét các lựa chọn thay thế như học nghề, khóa học ngắn hạn, hoặc kinh nghiệm làm việc thực tế chưa?

Thế nhưng, để chủ động và tiết kiệm thời gian cho cả hai, thì khi bạn ở vị trí là người đi xin lời khuyên hãy cung cấp thêm ngữ cảnh cho người bạn muốn xin lời khuyên.

6. Lời khuyên có xét đến sự đánh đổi hay mặt trái của nó không?

Mình tin cuộc sống là chuỗi lựa chọn những sự đánh đổi, thế nên cũng không có lời khuyên nào hoàn hảo.

Một lời khuyên tốt sẽ nêu ra được sự đánh đổi đằng sau đó. Như kiểu yêu một người đàn ông thành đạt thì phải chấp nhận anh ta bận rộn. Muốn có một cơ thể đẹp thì phải chịu những giờ tập vất vả và để ý việc ăn uống hàng ngày. Muốn có một lần thành công thì phải đứng dậy được sau nhiều lần thất bại.

Càng suy xét và nêu rõ được sự đánh đổi, thì lời khuyên càng đáng để bạn tham khảo.

7. Lời khuyên có giải thích “cơ chế hoạt động” của nó không?

Hay nói cách khác, lời khuyên có chỉ ra được lý do vì sao đó là một lời khuyên hữu ích hay không.

Đó có thể là dựa trên một nghiên cứu khoa học, một thống kế ở quy mô lớn, một trải nghiệm thực tế để người đưa ra lời khuyên đúc kết được nó, hoặc dẫn chứng về những trường hợp thành công khi áp dụng lời khuyên đó.

Trong một bài viết ngắn trước đây mình chia sẻ, mình có đưa ra một lời khuyên đó là “Nếu bạn đang có gia đình, hoặc dự định sẽ lập gia đình thì tốt nhất là hãy cố gắng kiếm được nhiều hơn mức mà bản thân cần.”

Bài học này đến tự việc một người quen của mình đã từng chọn lối sống làm bao nhiêu xài bấy nhiêu và nghĩ rằng đó là cách sống biết đủ. Cho đến khi ba của bạn gặp vấn đề sức khỏe, bệnh viện muốn bạn phải đóng ngay một khoản tiền thì mới có thể tiến hành phẫu thuật, lúc này đây bạn mới thấy lối sống trước đó không còn phù hợp nữa.

Bạn có thể đọc lại bài này để hiểu kỹ hơn. Ở đây mình chỉ dùng câu chuyện này để làm ví dụ cho việc trong lời khuyên có bao hàm luôn lý do vì sao lại tồn tại lời khuyên đó.

8. Lời khuyên có được “thiết kế” dành riêng cho bạn hay không?

Mình xin lấy ví dụ về câu chuyện của Đức phật và hai đệ tử tên là Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất.

Một ngày nọ, Mục Kiền Liên đến gặp Đức Phật và hỏi: “Thưa Đức Thế Tôn, làm thế nào con có thể đạt được sự giải thoát khỏi những cám dỗ và phiền não của thế gian?”

Đức Phật trả lời: “Hãy tuân theo kỷ luật nghiêm ngặt, kiểm soát tâm trí và giữ gìn giới hạnh. Sự kiềm chế sẽ giúp con vượt qua những cám dỗ và phiền não, từ đó đạt được sự giải thoát.”

Không lâu sau đó, Xá Lợi Phất cũng đến hỏi Đức Phật cùng một câu hỏi: “Thưa Đức Thế Tôn, làm thế nào con có thể đạt được sự giải thoát khỏi những cám dỗ và phiền não của thế gian?”

Đức Phật trả lời: “Hãy hiểu rõ bản chất vô thường của mọi sự vật. Tất cả đều là không thật và tạm thời. Khi con hiểu được điều này, con sẽ không còn bị ràng buộc bởi cám dỗ và phiền não, từ đó đạt được sự giải thoát.”

Đức Phật đã đưa ra những lời khuyên khác nhau vì ông hiểu rõ tính cách và nhu cầu của từng đệ tử.

Đối với Mục Kiền Liên, ngài hiểu rằng vị đệ tử này là người có tính cách mạnh mẽ và nghiêm khắc, phù hợp với phương pháp kiểm soát và kỷ luật. Việc tuân thủ giới hạnh và kiểm soát tâm trí là cách hiệu quả để đạt được sự giải thoát.

Còn với Xá lợi phất, ngài biết xá lợi phất là người có trí tuệ sâu sắc và khả năng hiểu biết cao. Đối với ông, việc hiểu rõ bản chất vô thường của mọi sự vật là cách hiệu quả để vượt qua cám dỗ và phiền não.

Đức Phật đã sử dụng trí tuệ và sự hiểu biết sâu sắc của mình để đưa ra những lời khuyên phù hợp nhất cho từng đệ tử, giúp họ đạt được sự giải thoát theo cách riêng của mình.

Ở vị trí là người xin lời khuyên, hãy cung cấp hoàn cảnh của bạn, cũng như những giá trị cá nhân mà bạn đang hướng tới trong cuộc sống cho người đưa ra lời khuyên, để họ có thể “thiết kế” hay có thể gọi là cá nhân hóa lời khuyên dành cho bạn.

Thế nên trong trường hợp bạn vẫn chưa thể xác định được những giá trị cá nhân cho mình, thì có thể sẽ không có lời khuyên nào phù hợp nhất dành cho bạn.

Suy nghĩ cuối

Số lượng lời khuyên sẽ chỉ tăng chứ không giảm, cũng giống như cách tin tức tăng lên nhờ sự phát triển của internet. Bạn có thể chọn tự cách ly, bớt sử dụng mạng xã hội lại để không bị bội thực lời khuyên, hoặc vẫn sử dụng và xây dựng cho mình một bộ lọc thông tin để tự bảo vệ mình.

Mình xin kết thúc bằng câu nói của một trong những bộ óc vĩ đại nhất của nhân loại, Albert Einstein:

Know where to find the information and how to use it – That's the secret of success.

Tạm dịch là: Biết nơi tìm thông tin và biết cách sử dụng nó – Đó là bí quyết của sự thành công.

Hy vọng bạn có thể chọn lọc được những lời khuyên phù hợp, và cũng đã có cách để đưa ra lời khuyên hữu ích cho người khác.

Nếu bạn có thêm các câu hỏi đánh giá nào khác hãy bình luận cho mình biết nhé.