6 Cặp khái niệm về tiền khiến bạn dễ nhầm lẫn | Vietcetera
Billboard banner
06 Thg 01, 2022
Tài Chính Cá Nhân

6 Cặp khái niệm về tiền khiến bạn dễ nhầm lẫn

Hiểu về sự khác nhau giữa các khái niệm này sẽ giúp việc quản lý tài chính của bạn có cơ sở vững chắc hơn.
6 Cặp khái niệm về tiền khiến bạn dễ nhầm lẫn

5 Cặp khái niệm về tiền dễ bị nhầm lẫn

Bất kỳ ngành nghề nào cũng có những thuật ngữ chuyên ngành riêng mà thường chỉ có người tiếp xúc nhiều mới hiểu. Trong đó, kinh tế - tài chính là một trong các lĩnh vực thường được cho là "khô khan" nhất.

Thế nhưng, qua những tháng ngày tiếp xúc với những thứ khô khan ấy trên giảng đường đại học và nay lại làm việc trong một lĩnh vực hướng nhiều đến xã hội nhân văn, tôi thấy những kiến thức liên quan đến tiền bạc không hẳn là nhàm chán và khó trôi như ấn tượng chúng tạo ra. Bởi trong thực tế, ai cũng cần tiếp xúc với tiền, tìm cách hiểu về nó và cách sử dụng nó.

Do đó, việc hiểu ít nhất các thuật ngữ phổ biến và phân biệt được những thứ dễ gây nhầm lẫn có thể giúp ích rất nhiều cho việc ra quyết định trong cuộc sống hằng ngày. 

1. Đầu tư - Giao dịch

Mọi người thường thấy: Cứ ai “chơi chứng khoán, chơi coin,...” thì được gọi là nhà đầu tư (investor) hay nhà giao dịch (trader). Hai thuật ngữ dường như có thể dùng thay thế cho nhau để chỉ đến những người kiếm tiền từ việc mua bán các sản phẩm tài chính và ăn chênh lệch giá.

Nhưng nói chính xác hơn: Đầu tư có nghĩa là tạo ra một danh mục đầu tư (bao gồm cổ phiếu, trái phiếu,...) và giữ chúng trong một khoảng thời gian nhất định để tích lũy lãi kép và vượt qua các chu kỳ lên xuống của thị trường. Do đó, đầu tư thường có tính dài hạn (trên một năm). 

Ngược lại, giao dịch là tận dụng việc thị trường biến động trong một khoảng thời gian ngắn hạn hoặc trung hạn để liên tục mua-bán và ăn chênh lệch giá. Do đó, nhà giao dịch cần nhiều nỗ lực tập trung, đồng thời phải gánh chịu nhiều rủi ro hơn. 

2. Cổ phiếu - Trái phiếu

Mọi người thường thấy: Cổ phiếu (stock) và trái phiếu (bond) là những thứ phổ biến được mua bán trên thị trường tài chính. Chúng là các chứng chỉ ghi nhận mối quan hệ cho vay/góp vốn giữa một cá nhân với một tổ chức. 

Nhưng nói cụ thể hơn: Cổ phiếu là chứng chỉ góp vốn, hay còn gọi là chứng khoán vốn, do các công ty cổ phần phát hành để huy động nguồn tiền. Người nắm giữ cổ phiếu (cổ đông) được xem là một thành viên của công ty và được nhận một phần lợi nhuận của công ty dưới hình thức lãi cổ phiếu. 

Tuỳ vào mức nắm giữ cổ phần, mà một số cổ đông có thể có quyền biểu quyết trong các kỳ họp định hướng và quản lý công ty. Khi công ty ăn nên làm ra thì tiền lãi họ nhận được cũng cao hơn. 

Trái phiếu của tập đoàn HTV Việt Nam
Trái phiếu của tập đoàn HTV Việt Nam.

Trong khi đó, trái phiếu là chứng chỉ ghi nợ, hay còn gọi là chứng khoán nợ, có thể do doanh nghiệp hoặc chính phủ, chính quyền địa phương phát hành. Người nắm giữ trái phiếu (trái chủ) được xem là người cho vay. Chủ thể nhận tiền vay sẽ phải trả một khoản lợi tức thường kỳ cho trái chủ, tương tự như với cổ đông. 

Nhưng điều khác là khoản lợi tức này cố định, không phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp và chỉ trả trong một khoản thời gian nhất định được ghi trên trái phiếu. Đến cuối kỳ hạn này, đơn vị phát hành trái phiếu phải hoàn trả lại tổng tiền vay ban đầu. 

Khi công ty bị giải thể hoặc phá sản, người nắm giữ trái phiếu sẽ được ưu tiên thanh toán tiền gốc và lãi trước người nắm giữ cổ phiếu. Với những đặc tính đó, trái phiếu thường được giới thiệu là hình thức đầu tư “ít rủi ro” cho những người có tiền nhàn rỗi. Mặt khác, đôi khi trái phiếu doanh nghiệp duy trì lãi suất khá cao, có thể gấp đôi, gấp ba lãi suất tiền gửi ngân hàng. 

Tuy nhiên, trái phiếu đôi khi không an toàn như chúng được chào mời. Vào khoảng cuối năm 2021, chính loại chứng khoán này đã khiến hàng ngàn người điêu đứng qua sự kiện “quả bom nợ” Evergrande

3. Lãi suất - Lợi suất 

Nếu bạn quan tâm đến đầu tư hay kinh doanh thì đây là hai khái niệm bạn sẽ cần lưu tâm. | Nguồn: Brooke Cagle/Unsplash
Nếu bạn quan tâm đến đầu tư hay kinh doanh thì đây là hai khái niệm bạn sẽ cần lưu tâm. | Nguồn: Brooke Cagle/Unsplash

Mọi người thường nghĩ: Hai từ nghe có vẻ giống nhau (“lãi” cũng là “lợi” như trong từ “lợi ích”), nên lãi suất và lợi suất là hai từ có thể dùng thay cho nhau. 

Nhưng nói chính xác hơn: Đây là hai thuật ngữ có ý nghĩa riêng biệt, được dùng trong nhiều khía cạnh khác nhau của lĩnh vực tài chính, nhưng tại đây, bài viết chỉ xem xét đến trường hợp đầu tư, đặc biệt là đầu tư trái phiếu.

Cụ thể, lãi suất (interest rate) là tỷ lệ sinh lời mà người cho vay thu được từ khoản vốn ban đầu. Tỷ lệ này thường được thỏa thuận ngay từ đầu giữa bên vay và bên cho vay.

Lợi suất (yield) là tỷ lệ lợi nhuận thu được hàng năm mà phải qua tính toán mới có con số cụ thể. Về cơ bản, lợi suất = tổng trái tức/giá của trái phiếu.

Ví dụ, bạn bỏ ra 100 triệu đồng để mua một lô trái phiếu chính phủ có thời hạn kéo dài trong 10 năm. Lãi suất cố định được ghi trên trái phiếu tại thời điểm mua là 3%/năm. Sau 3 năm, lãi suất không thay đổi, nhưng giá của lô trái phiếu này đã tăng lên do lạm phát, khoảng 110 triệu đồng. Khi đó lợi suất hiện tại của lô trái phiếu = (100*0.03)/110 = 2.7%. 

Bạn cũng có thể dự đoán tình hình kinh tế vào các năm tiếp sau đó, xem giá của lô trái phiếu sẽ lên xuống như thế nào, và tính lợi suất cho từng thời điểm. Như vậy, có thể xem lợi suất là một công cụ để dự đoán tính hiệu quả của lãi suất theo thời gian. Nhà đầu tư thường phải dựa vào chỉ số này để lựa chọn kênh đầu tư có lãi suất và thời gian đáo hạn phù hợp.

4. Khấu trừ thuế - Miễn trừ thuế

Nguồn: Jacob Bentzinger/Unsplash
Nguồn: Jacob Bentzinger/Unsplash

Mọi người thường nghĩ: Khi nói đến thuế thu nhập cá nhân thì khấu trừ (deduction) hay miễn trừ (exemption) đều có nghĩa là làm giảm số tiền phải đóng thuế. 

Nhưng nói chính xác hơn: Tại Việt Nam, cụm từ khấu trừ thuế hay khấu trừ thuế tại nguồn được dùng khi bạn hoặc công ty của bạn trích ra 5-35% mức tiền công, tiền lương hàng tháng để đóng thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, khấu trừ ở đây không liên quan gì đến việc giảm thuế. 

Tuy nhiên, không phải ai cũng bị khấu trừ thuế. Điều kiện là thu nhập của bạn sau khi đã “miễn trừ” và “giảm trừ” phải rơi vào ngưỡng chịu thuế (trên 132 triệu/năm). 

Trong đó, phần thu nhập được miễn thuế là phần thu nhập không phải chịu thuế do thoả mãn các điều kiện được pháp luật quy định. Chẳng hạn:

  • Thu nhập từ tiền công, tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền công, tiền lương làm việc ban ngày, làm trong giờ. Ví dụ, A làm thêm giờ vào ngày lễ và được trả 150,000 đồng/giờ, gấp 3 lần mức lương thông thường thì thu nhập được miễn thuế thu nhập cá nhân của A là: 150,000 đồng/giờ - 50,000 đồng/giờ = 100,000 đồng/giờ.
  • Thu nhập của cá nhân là chủ tàu, cá nhân có quyền sử dụng tàu và cá nhân làm việc trên tàu
  • Tiền lương hưu do Bảo hiểm Xã hội chi trả
  • Thu nhập từ học bổng.

Tương tự với miễn trừ thuế, giảm trừ thuế cũng giúp người đóng thuế giảm số tiền chịu thuế, nhưng có một đặc điểm riêng đối với các khoản giảm trừ thuế là hầu hết chúng xuất phát từ chi tiêu của bạn. 

Chẳng hạn, bạn sẽ được giảm trừ thuế phần nào đó nếu dùng một phần thu nhập để đóng góp khuyến học, làm từ thiện, đóng bảo hiểm y tế, thất nghiệp, xã hội hay quỹ hưu trí. Ngoài ra, nếu bạn phải chăm sóc cho người phụ thuộc như con cái hay vợ/chồng, cha mẹ mất khả năng lao động,... bạn cũng được giảm trừ thuế với mức 4.4 triệu đồng/tháng/người. 

Tham khảo thêm tại các quy định của nhà nước.  

5. Lãi suất danh nghĩa - Lãi suất thực tế

Mọi người thường nghĩ: Khi gửi tiết kiệm hay đi vay tại ngân hàng, tiền lời nhận được, hay tiền lãi phải trả vào cuối kỳ được tính chính xác dựa trên một tỷ lệ lãi suất duy nhất. 

Nhưng nói chính xác hơn: Lãi suất có thể được ngân hàng công bố dưới 2 dạng: danh nghĩa (nominal) và thực tế (effective).  

Giả sử bạn có 100 triệu tiền nhàn rỗi để gửi tiết kiệm. Khi tra cứu trực tuyến, bạn thấy ngân hàng công bố lãi suất 6%/năm đối với kỳ hạn gửi 12 tháng. Vậy theo logic cơ bản, nếu gửi với kỳ hạn 12 tháng, bạn sẽ nhận được tổng số tiền lãi là 100*0.06 = 6 triệu đồng. 

Tuy nhiên, 6% ở đây chỉ là lãi suất danh nghĩa. Thường trước khi xác nhận gửi tiền tiết kiệm, bạn sẽ được yêu cầu chọn giữa “cộng gộp tiền lãi hàng tháng”, hoặc “trả lãi về tài khoản gốc theo tháng”. Nếu bạn chọn phương án cộng gộp tiền lãi, thì lãi suất thực tế phải được tính theo công thức lãi kép

Nếu tính theo cách thủ công, bạn có thể hiểu công thức này hoạt động như sau:

Tiền lãi tháng đầu tiên bạn nhận được = 100,000,000 * 0.06/12 = 500,000 đồng. Số tiền này sẽ được cộng vào tiền gốc để tính lãi cho tháng tiếp theo. 

Tiền lãi tháng thứ hai = 100,500,000 * 0.06/12 = 502,500 đồng.

Số tiền cứ được tiếp tục cộng dồn như thế cho đến tháng 12. 

Như vậy, lãi suất cuối cùng mà bạn thực nhận sẽ cao hơn so với lãi suất danh nghĩa. Trong ví dụ này, với lãi kép hàng tháng, bạn sẽ nhận được cả gốc lẫn lãi với tổng số tiền khoảng 106,168,000 triệu sau một năm. 

Sự khác biệt giữa hai định nghĩa này thường được thấy rõ hơn trong thời gian dài (hơn 1 năm) với lãi suất cao. Nó không chỉ ứng dụng trong trường hợp gửi tiết kiệm, mà còn là trả góp và dùng thẻ tín dụng. Do đó, khi cho vay hoặc đi vay, sẽ sáng suốt hơn nếu bạn dành thời gian tìm hiểu cách tính lãi suất của các bên liên quan.

Ngoài ra, lưu ý còn một khái niệm khác khi dịch sang tiếng Việt cũng có tên "lãi suất thực tế" là "real interest rate", được tính bằng cách lấy lãi suất danh nghĩa trừ đi tỷ lệ lạm phát. Khái niệm này thường được sử dụng trong kinh tế vĩ mô. 

6. Tài sản - Nghĩa vụ nợ

Nguồn: Suzy Hazelwood/Pexels
Nguồn: Suzy Hazelwood/Pexels

Mọi người thường tự tin rằng: Mình có thể phân biệt đâu là tài sản (asset), đâu là nợ phải trả, hay nghĩa vụ nợ (liability). Chẳng hạn như tài sản là tiền, hiện vật hoặc giấy tờ có giá trị mà bạn đang nắm giữ. Trong khi đó, nghĩa vụ nợ là khoản bạn phải trả cho người khác. Ví dụ như tiền vay nợ cá nhân (debt), tiền trả lãi ngân hàng, tiền thuế,...

Nhưng thực tế là: Thứ bạn nghĩ là tài sản (mang lại giá trị cho bạn) có thể đang là nghĩa vụ nợ (khiến tiền trôi khỏi túi của bạn). 

Trong cuốn sách nổi tiếng Cha Giàu, Cha Nghèo, tác giả Robert Kiyosaki cho rằng tài sản là những thứ mang tiền về cho bạn (tiền đẻ ra tiền). Nghĩa vụ nợ là những thứ không mang về cho bạn đồng nào, mà còn khiến bạn phải chi thêm để duy trì tình trạng sở hữu, bảo trì,... 

Nhà là một trong những món điển hình mà mọi người thường nghĩ là tài sản, nhưng thực chất là nghĩa vụ nợ. Về cơ bản, nhà không có giá trị tăng lên, không bán đi thì không có đồng nào. Trong khi đó, hàng tháng bạn còn phải trả thuế nhà, thuế đất, chi tiền sang sửa căn nhà,... Nhà cửa chỉ là tài sản khi chúng được đem ra kinh doanh. 

Ví dụ tương tự là xe máy, xe hơi cá nhân.

Đây không chỉ là một quan điểm lạ lẫm với cách hiểu phổ thông mà khá trái ngược với kiến thức cơ bản về kế toán. Do đó, khi cuốn Cha Giàu, Cha Nghèo mới ra mắt, khái niệm nhận về nhiều chỉ trích rằng đã làm phức tạp vấn đề. Tuy nhiên, từ sau cơn khủng hoảng nhà đất năm 2008, khi nhiều người mất trắng vì đặt cọc mua nhà, góc nhìn mới của Robert ngày càng được nhìn nhận.

Nhìn chung, cách phân biệt này nhắc nhở chúng ta về việc xem xét lại các nguồn nợ/tài sản, biết đâu là gánh nặng, đâu là đòn bẩy tài chính để cân bằng dòng tiền ra/vào tốt hơn.