1. Những sân trường vắng
Ngày 13/03, nhiều học sinh sắp xếp sách vở vào túi rồi lại bỏ ra. Các em mới nhận tin mình sẽ được nghỉ học thêm 3 tuần nữa tới 05/04, vì tình hình dịch bệnh diễn biến xấu. Ủy ban Nhân dân thành phố, Sở Giáo dục và Sở Y tế ra quyết định này vì muốn đảm bảo sức khỏe cho các em.
Nếu bạn có con, em nhỏ ở nhà một mình vào mùa dịch, hãy ghi nhớ những điều này để đảm bảo an toàn cho em nhé.
Ngày đầu tiên trở lại trường, các em chưa được học luôn mà sẽ được nhà trường kiểm tra sức khỏe, tình hình đi lại, lưu trú trong 14 ngày trước đó.
Ủy ban Nhân dân tiếp tục kiến nghị Bộ Giáo dục điều chỉnh lại lịch học năm nay và dời kỳ thi Trung học Phổ thông theo diễn biến của dịch bệnh.
2. Làm việc tại gia thành trào lưu
Để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm COVID-19, ngày càng nhiều công ty cho phép nhân viên làm việc tại nhà.
Một Giám đốc Nhân sự mới cho nhân viên linh hoạt văn phòng chia sẻ với Vietcetera, “Tuy đây là thời điểm khó khăn, anh coi nó như phép thử độ dẻo dai của công ty, niềm tin giữa công ty và nhân viên, cũng như một bài tập cho những nhà quản lý thời 4.0.”
Nếu bạn là một nhân viên đang hoặc sắp làm việc tại nhà, hãy nghe anh bạn 10 năm làm freelance này chia sẻ bí quyết duy trì năng suất và độ tập trung nhé.
3. Không khí trong lành tới lạ
Có một nghịch lý: khi bệnh viêm phổi COVID-19 rình rập lại là lúc không khí Sài Gòn dễ thở nhất.
Chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) của Sài Gòn trong 2 tuần trở lại đây giảm mạnh, giao động từ 54-88, so với mức 74-142 của 2 tháng trước.
Một phần là vì mùa ô nhiễm nặng (tháng 11 đến tháng 1) vừa mới qua đi. Một phần vì giao thông giảm tải do sự vắng mặt của 2 triệu học sinh, nhiều người đi làm và khách du lịch.
Đây là cơ hội để chúng ta nhìn lại chất lượng sống mình phải đánh đổi trong quá trình phát triển kinh tế, và những cách để giải quyết bài toán đô thị này.
4. Có một sự yên tĩnh không-hề-nhẹ
15/03 có thể gọi là Chúa Nhật Yên Lặng (Silent Sunday) của Sài Gòn: không Vinahey, múa quạt, không thanh niên dập dìu đi coi Bloodshot. Đó là vì Ủy ban Nhân dân đã yêu cầu tạm dừng tất cả cả các rạp chiếu phim, quán bar, beer club, vũ trường, massage trên địa bàn thành phố đến hết ngày 31/03.
Vũ trường và quán bar được Bí thư Quận ủy Quận 1 Trần Kim Yến nhận xét là “môi trường nhạy cảm, không đối lưu không khí, thuận lợi cho dịch bệnh lây lan”.
Đồng ý với bà, những vũ trường ở Quận 1 chấp hành đóng cửa. Nhiều cơ sở lo lắng việc đóng cửa quá lâu sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh, và đề nghị chính quyền có phương án hỗ trợ.
5. Phố vắng người nước ngoài
Từ 15/03 đến 15/04, Việt Nam chính thức cấm nhập cảnh những người đã từng ở khối Schengen, Anh, và Bắc Ireland trong vòng 14 ngày trước khi tới Việt Nam.
Ngạch visa tại cửa (visa-on-arrival) của Việt Nam cũng được tạm thời đóng trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Bộ Ngoại giao.
Phố xá Sài Gòn vắng những tiếng bấm máy ảnh hiếu kỳ từ lượng du khách từng đông đảo. Và ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa thấy ánh sáng phía cuối đường hầm. Vừa mất một lượng lớn khách Trung Quốc vào Tết Nguyên đán, ngành du lịch tiếp tục chịu ảnh hưởng trực tiếp trên diện rộng của virus corona.
Hy sinh sức khỏe cộng đồng hay kinh tế? Đây là bài toán không chỉ mỗi Việt Nam đau đầu trong pandemic COVID-19.
6. Khẩu trang là đồng phục
Khẩu trang đã, đang, và sẽ là vật bất ly thân với người Sài Gòn.
Từ 16/03, Bộ Ngoại giao yêu cầu hành khách trên mọi chuyến bay trong nước, quốc tế, đến và đi từ Việt Nam phải đeo khẩu trang từ khi vào nhà ga. Ở các sân bay sẽ có điểm cấp khẩu trang miễn phí theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải.
Bộ Công thương, Y tế đảm bảo cung ứng đủ khẩu trang để người dân đeo ở nơi công cộng như siêu thị, sân bay, ga tàu, xe bus.