Sức khỏe tâm thần là cốt lõi của một cuộc sống hạnh phúc, nhưng thường không được chúng ta quan tâm đúng cách. Mặc dù có những vết thương lòng vô hình, chúng ta lại không đủ thời gian, kinh nghiệm và kiến thức để chăm sóc chúng. Sau đây là 7 tựa phim Hàn Quốc khắc họa những hội chứng tâm lý khác nhau, giúp bạn hiểu hơn về tầm quan trọng của một tinh thần mạnh khỏe.
1. I'm A Cyborg, But That's OK (2006)
Hội chứng tâm lý: Hoang tưởng (Delusional), Tâm thần phân liệt (Schizophrenia)
Young-goon làm việc trong một xưởng sản xuất máy nghe radio bán dẫn. Vì áp lực từ người mẹ vô tâm cùng công việc nhàm chán, Young-goon “chập điện” và bắt đầu tin mình là một sinh vật cơ khí hóa cyborg (nửa người nửa máy). Cô bỏ ăn vì nghĩ mình chỉ cần pin để sống và ngay lập tức bị gửi vào viện tâm thần.
Tại đây cô làm bạn cùng một bệnh nhân tâm thần phân liệt Il-Sun. Ở một nơi kỳ lạ, hai tâm hồn kỳ lạ đã tìm thấy tình yêu. Hãy xem phim I'm a Cyborg, But That's OK để biết người bất thường làm gì khi yêu nhé.
Đạo diễn Park Chan-Wook là nhà làm phim nổi tiếng với phong cách tăm tối. Và đó là điều khiến bộ phim điện ảnh này trở thành một hiện tượng trong dòng phim hài - tình cảm những năm 2000.
2. Phim Sky Castle (2018)
Vấn đề tâm lý: Kiệt quệ tinh thần, Trầm cảm, Lo âu
Với bối cảnh nền giáo dục ganh đua tới tàn nhẫn tại Hàn Quốc, Sky Castle khắc họa các nhân vật đối mặt với trầm cảm, tinh thần luôn lo lắng và kiệt quệ. Dù không thực sự nhắc đến những chứng bệnh tâm lý, Sky Castle đã phản ánh thực tế về sức khỏe tinh thần giảm sút của giới trẻ Hàn Quốc trong nỗ lực chứng tỏ bản thân và làm vừa lòng gia đình.
3. Kill Me, Heal Me (2015)
Hội chứng tâm lý: Rối loạn đa nhân cách (Dissociative Identity Disorder)
Cha Do Hyun là người thừa kế của một công ty lớn và mắc chứng rối loạn đa nhân cách. Sau những sang chấn tâm lý thời bé, anh đã tự bảo vệ mình khỏi căng thẳng bằng cách tạo ra 7 nhân cách khác nhau. Để vượt qua rối loạn thần kinh và điều hành công ty, Cha Do Hyun cần sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lý Oh Ri Jin. Tình cảm của họ dần nảy nở khi Oh Ri Jin phải học cách tìm hiểu và đối phó với con người phức tạp của Cha Do Hyun.
4. It's Okay to Not Be Okay (2020)
Hội chứng tâm lý: Rối loạn Chống đối Xã hội (Anti-social Personality Disorder)
Đây là bộ phim tình cảm về cặp đôi Moon Kang Tae và Ko Mun Young. Kang Tae là nhân viên chăm sóc bệnh nhân tại một trung tâm điều trị tâm lý, đồng thời cũng nuôi dưỡng một người anh trai bị tự kỷ ở nhà. Người anh này rất thích đọc truyện cổ tích của nhà văn nổi tiếng Ko Mun Young. Số phận đã đưa đẩy Mun Young và Kang Tae gặp mặt nhau.
Mun Young gặp vấn đề với hội chứng rối loạn chống đối xã hội, khiến cô luôn thù ghét mọi người. Còn Kang Tae thì luôn từ chối chuyện yêu đương vì có quá nhiều lo toan trong cuộc sống. Cặp đôi cùng trải qua nhiều tình huống bi hài gây nên bởi những khiếm khuyết tinh thần và nảy sinh tình cảm khi họ chữa lành lẫn nhau.
5. Good Doctor (2013)
Hội chứng tâm lý: Tự kỷ, hội chứng Savant
Hội chứng Savant là một tình trạng hiếm gặp, khi người có khuyết tật tâm thần thể hiện khả năng xuất chúng ở một lĩnh vực nào đó. Ví dụ như bác sĩ thiên tài Park Shi On trong phim Good Doctor.
Với hội chứng tự kỷ, từ bé Park Shi On được gửi vào trung tâm chăm sóc đặc biệt. Tại đây anh được phát hiện có trí nhớ siêu phàm và năng khiếu nhận thức về không gian (spatial intelligence). Tình trạng tâm lý đặc biệt của Shi On vừa giúp anh trở thành một thiên tài ngành y, vừa khiến anh đối mặt với nhiều khó khăn trong giao tiếp xã hội.
Sau này khi trở thành bác sĩ khoa nhi tại một bệnh viện lớn, anh đã phải đối mặt với sự kỳ thị tới từ cả đồng nghiệp và bệnh nhân. Vượt qua các triệu chứng tâm lý và những bất công từ những người xung quanh, anh đã dùng sự tận tâm và tài năng để chứng minh rằng mình là một bác sĩ xuất sắc.
6. Soul Mechanic (2020)
Hội chứng tâm lý: Đa dạng
Soul Mechanic lấy bối cảnh chính tại Trung tâm Y khoa Eun Kang, nơi bác sĩ tâm lý Lee Shi Joon giúp đỡ các bệnh nhân của chứng rối loạn tâm thần.
Trong quá trình làm việc, anh gặp diễn viên nhạc kịch Han Woo Joo mang chứng rối loạn bùng phát gián đoạn (intermittent explosive disorder) và rối loạn nhân cách ranh giới (borderline personality disorder). Woo Joo trở thành diễn viên hỗ trợ tâm lý và cũng là bệnh nhân của bác sĩ Shi Joon tại trung tâm Eun Kang.
Bô phim theo bước mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa cặp đôi bác sĩ - bệnh nhân, cùng với những tình huống khó khăn mà các bác sĩ tâm lý cần vượt qua để điều trị cho những bệnh nhân đặc biệt. Qua đó khuyến khích người xem chấp nhận những vết thương tâm lý của mình, vì chỉ khi đó quá trình chữa lành mới được bắt đầu.