7 Bí kíp soi và né bẫy tin giả từ thiện | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

7 Bí kíp soi và né bẫy tin giả từ thiện

Bạn có chắc tiền từ thiện của mình tới được đúng nơi?
7 Bí kíp soi và né bẫy tin giả từ thiện

Nguồn: Shutterstock

Lòng trắc ẩn của con người đôi khi lại bị lợi dụng vào mục đích trục lợi. Thời gian vừa qua, đã có nhiều sự việc liên quan tới lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thông qua các bài viết kêu gọi từ thiện.

Gần đây nhất là sự việc một thanh niên tại Thanh Hóa bị đánh cắp danh tính và dựng chuyện anh đã tử vong tại Đài Loan, từ đó kêu gọi từ thiện từ cộng đồng. Dù những sự việc như thế này luôn được báo đài cảnh báo, tuy nhiên các hình thức này càng ngày càng tinh vi và khó để nhận biết hơn. Sau đây là cách giúp bạn cảnh giác hơn về các hình thức kêu gọi từ thiện thông qua mạng xã hội:

1. Xác thực tổ chức từ thiện

Đầu năm 2021, một fanpage tên gọi “Hỗ trợ trẻ em" đã được lập ra với 250 bài viết được đăng đều đặn về các hoàn cảnh khó khăn của các em bé. Tổ chức giả mạo này đã thành công kêu gọi được tới 6,6 tỷ đồng.

Vậy nên, trước khi đưa ra quyết định hỗ trợ hoặc ủng hộ tiền cho các tổ chức này, bạn hãy xem xét những điều sau:

  • Thời gian thành lập trang mạng xã hội của tổ chức, có dấu xác nhận xanh của Facebook hay không? Nếu tổ chức chỉ mới được thành lập thì chắc hẳn bạn nên cân nhắc thêm;
  • Ngoài trang fanpage trên Facebook, tổ chức này có website hay mạng xã hội nào khác không? Bên cạnh đó, liệu có đơn vị truyền thông nào đưa tin về tổ chức này?
  • Khi khuyên góp từ thiện, bạn có bị bắt phải cung cấp một số thông tin cá nhân hay không (địa chỉ, số điện thoại hay số căn cước công dân)? Những thông tin ngoài ý muốn bị thu thập có thể bị dùng để lừa đảo và giả mạo danh tính;
  • Bị bắt buộc phải từ thiện một số tiền tối thiểu chứ không phải tùy tâm;
  • Kiểm tra kỹ tên, logo, giao diện website của tổ chức xem nó có gần giống với một tổ chức lớn khác. Rất nhiều tổ chức từ thiện giả mạo tự nhận mình là một chi nhánh con của một tổ chức lớn toàn cầu bằng cách tạo ra một hình ảnh gần giống với hàng thật.
alt
Một số người còn giả mạo tài khoản của những người làm từ thiện lâu năm | Nguồn: VTV

2. “Scan" những người tương tác trong bài viết

Điểm chung của các vụ lừa đảo từ thiện thông qua các bài đăng trong hội nhóm chính là sự cấu kết của nhiều tài khoản khác nhau. Trong marketing, hành vi này được gọi là seeding. Thường thì để làm tăng tính chân thực của bài viết, kẻ lừa đảo (cùng đồng bọn) sẽ lập ra nhiều tài khoản giả để tương tác trong đó.

Những hành vi này bao gồm bình luận về việc mình đã chuyển tiền từ thiện, hay chia sẻ bài viết qua nhiều hội nhóm hơn. Vậy nên, việc kiểm tra thông tin của người đăng bài cũng như những người thường xuyên bình luận là rất cần thiết.

Chúng ta cũng có thể sao chép lại nội dung của bài viết, và tìm kiếm trên thanh công cụ của Facebook để xem bài tương tự đã được đăng ở đâu và bởi ai.

3. Kiểm tra sự minh bạch trong công tác từ thiện

Các tổ chức từ thiện lâu năm thường sẽ có một danh sách công bố minh bạch về cách sử dụng tiền từ thiện, cũng như thông tin về những tài khoản đã ủng hộ. Vậy nên, đừng ngại ngần khi hỏi về số tiền mình đóng góp sẽ được sử dụng chi tiết ra sao.

Việc từ thiện đem lại cảm giác tốt và tích cực cho người quyên góp, tuy nhiên không nên vì thế mà chúng ta quên đi trách nhiệm của mình là đảm bảo số tiền đó được dùng đúng mục đích và đúng người.

4. Để ý về thời điểm đăng bài viết

Thời điểm đóng một vai trò quan trọng trong từ thiện. Một số bài đăng kêu gọi mạnh thường quân thường nhấn mạnh và đề cao tính khẩn cấp cũng như cấp thiết, yêu cầu người đọc phải hành động ngay.

Lấy ví dụ như trong thời điểm lũ lụt, các bài đăng sẽ đánh vào việc những người dân vùng lũ đang rất cần nước sạch. Việc bị đặt vào tình thế gấp gáp sẽ khiến nhiều người quên mất phải xác nhận và kiểm tra kỹ lại tính xác thực của bài đăng từ thiện.

5. Cảnh giác với tính kịch trong cách kể chuyện của bài đăng

Trong bài viết 5 Kiểu tin giả bạn đã gặp ít nhất một lần trong đời đã chỉ ra kiểu bài đăng từ thiện lừa đảo thuộc dạng “tin cải lương”. Các tin này sẽ xoay quanh một nhân vật chính bi kịch, nhằm kêu gọi lòng thương cảm của cộng đồng. Bài viết này đã kích hoạt hiệu ứng nạn nhân xác định (identifiable victim effect). Theo đó, chúng ta dễ có xu hướng đồng cảm với một nạn nhân cụ thể thay vì một nhóm người lớn, mơ hồ.

Các biện pháp kể chuyện và xây dựng nhân vật cũng được áp dụng, tạo ra cảm giác tội lỗi cho người đọc tin. Từ đó, người tạo ra tin tức này sẽ gợi ý cách giải tỏa cho người đọc bằng phương pháp từ thiện. Bên cạnh đó, các tin tức càng có khả năng khơi gợi cảm xúc thì càng dễ lan truyền xa hơn (nhà khoa học chính trị Rebekah Tromble).

Một ví dụ tiêu biểu gần đây, chính là vụ việc một bác sĩ rút ống thở của bố mẹ, để nhường cho thai nhi trong thời điểm đại dịch COVID căng thẳng.

alt
Tin giả của bác sĩ Khoa tưng khiến cộng đồng dậy sóng | Nguồn: Báo Lao Động

6. Người quen chia sẻ chưa chắc đã chính xác

Chúng ta thường có xu hướng tin tưởng các bài đăng và chia sẻ kêu gọi của bạn bè hay một người có profile “khủng" trên mạng xã hội. Chính thiên kiến này đã khiến chúng ta chủ quan và tin tưởng một cách bất chấp mà quên đi rằng, họ cũng có thể bị tin giả lừa.

7. Liên hệ với cơ quan địa phương để kiểm tra

Trong các tin giả từ thiện thì khu vực của người cần được giúp đỡ sẽ được nhắc đến (quê quán, bệnh viện,...). Vậy nên, cách đơn giản nhất để xác nhận thông tin là bạn có thể trực tiếp liên lạc cho cơ quan tại địa phương để xác minh và kiểm chứng.

Bên cạnh đó, nếu bạn có nghi ngờ về hoạt động từ thiện của một tổ chức có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, bạn có thể báo cáo ngay cho cơ quan công an để có thể giải quyết.

Ngoài ra, bạn có thể tự kiểm tra thông tin ở các nguồn sau: