7 Bộ phim giúp bạn hiểu hơn về nạn phân biệt chủng tộc | Vietcetera
Billboard banner

7 Bộ phim giúp bạn hiểu hơn về nạn phân biệt chủng tộc

Những tác phẩm tiêu biểu giúp chúng ta hiểu hơn về nạn phân biệt chủng tộc đang tồn tại dai dẳng trong xã hội Mĩ.
7 Bộ phim giúp bạn hiểu hơn về nạn phân biệt chủng tộc

7 Bộ phim giúp bạn hiểu hơn về nạn phân biệt chủng tộc

Từ thập niên 60, điện ảnh Mĩ đã bắt đầu đề cập và khai thác về vấn nạn phân biệt chủng tộc. Nếu trước đây chúng ta được biết đến những vấn đề về bất bình đẳng chủng tộc qua các nhà làm phim, nhà văn người da trắng, thì thập kỉ vừa qua đánh dấu bước ngoặt cho những bộ phim được đạo diễn và sản xuất bởi người da đen.

Từ việc được nhìn nhận một cách đầy nhân văn nhưng chưa thật sự sâu sát qua những bộ phim ở thế kỉ trước, đến cái nhìn cận cảnh và thấu đáo hơn, chúng ta hiểu rằng cuộc chiến chủng tộc đã và đang là một vấn đề nhức nhối còn đang tồn tại dai dẳng trong xã hội Mĩ.

Dưới đây là những tác phẩm tiêu biểu giúp bạn hiểu thêm về vấn nạn này.

1. To Kill a Mockingbird (1962)

“To Kill a Mockingbird” (Giết con chim nhại) của nhà văn Harper Lee lấy bối cảnh nước Mĩ thập niên 30s, là một trong những tác phẩm kinh điển nhất trong thời kì này về tàn dư khủng khiếp của nạn phân biệt chủng tộc. Câu chuyện được kể qua thế giới quan của Scout, một bé gái da trắng sáu tuổi, sống cùng anh trai Jem, bố Atticus và người giúp việc da đen Caputrina ở một ngôi làng nhỏ tại tiểu bang Alabama.

Với cách nhìn nhận thế giới ngây thơ và đơn giản của Scout, “To Kill a Mockingbird” đưa những bài học về sự tử tế và lương tâm con người, qua đó nói về những bất công xã hội một cách chậm rãi mà thấm thía. Chẳng hạn như nhân vật Atticus Fitch từng khiến bao thế hệ độc giả xúc động. Ông từ một người bố từ tốn trầm lặng, luôn dạy con mình lòng nhân ái và sự can đảm, đến một luật sư da trắng không ngại đương đầu với cả hệ thống để giành lấy công bằng cho người da đen.

Tác phẩm không rao giảng đúng sai mà chứng minh rằng sự thật luôn nằm ở trong lương tâm mỗi chúng ta.

2. Phim The Green Mile (1999)

"The Green Mile" (1999) được chuyển thể thành phim điện ảnh từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Stephen King. Lấy bối cảnh nhà tù nước Mĩ năm 1932, bộ phim kể về tình bạn tưởng chừng như không thể giữa một giám sát viên da trắng và một tù binh da đen bị tuyên án tử oan vì tội xâm phạm tình dục và giết người. Paul Edgecombe là một giám sát viên đứng đắn và không bao giờ ngược đãi tù nhân, trong khi đó John Coffey, mặc cho vẻ ngoài to lớn và đáng sợ của mình, lại là một người nhút nhát và dễ xúc động.

Truyền thông Mĩ khi ấy liên tục chia sẻ hình ảnh người đàn ông da đen cao lớn hãm hiếp những cô gái da trắng, điều đó đã vô tình in sâu vào tiềm thức nhiều người. Vì thế, tương tự nhiều tác phẩm điện ảnh về nạn phân biệt chủng tộc ở Mĩ thời bấy giờ, "The Green Mile" cũng khắc họa nỗi sợ bị xâm phạm tình dục bởi người da đen.

Đây là một bộ phim mang tính nhân văn cao với cái nhìn đầy cảm thông, thương xót và nhân đạo. Tuy nhiên, cũng như “To Kill a Mockingbird”, tác phẩm này được kể dưới điểm nhìn của người da trắng (Paul Edgecombe).

3. The Help (2011)

Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Kathryn Stockett, "The Help" là câu chuyện tình bạn giữa một người Mĩ da trắng và hai người giúp việc da đen trong bối cảnh nước Mĩ năm 1960. Là một người đam mê viết lách, Skeeter trở về quê nhà tại bang Mississippi để làm việc cho tờ báo Jackson, chuyên mục mẹo vặt và quét dọn. Cô nhờ sự giúp đỡ của người giúp việc Aibileen, qua đó dần hiểu hơn về cuộc đời nhiều bi kịch của Aibileen và Minny. Cả ba cùng nhau viết cuốn sách “The Help” gây chấn động nước Mĩ.

Vào thập niên 60, Mississippi là một trong những tiểu bang mang tư tưởng phân biệt chủng tộc nặng nề nhất nước Mĩ. Sự xa hoa phù phiếm của người da trắng, những vất vả và sỉ nhục mà các cô giúp việc da đen phải gánh vác tương phản gay gắt trong bộ phim. Với giọng điệu châm biếm hài hước, bộ phim để lại trong lòng người xem một cảm xúc miên man về sự đấu tranh dai dẳng, nhưng mạnh mẽ và đầy dũng cảm của những người da đen bị kì thị.

4. Twelve Years a Slave (2013)

"Twelve Years a Slave" (12 năm nô lệ) là một câu chuyện có thật về Solomon Northup, một nghệ sĩ vĩ cầm tự do da đen bị bắt cóc bởi hai người da trắng và đem bán làm nô lệ vào năm 1841, mở ra mười hai năm bi kịch trong cuộc đời anh. Dù có trải qua bao nhiêu đau khổ, lòng tự trọng của một người đàn ông tự do ở Solomon chưa bao giờ mất đi, dù anh đã bị tước đi quyền phản kháng và quyền con người. Câu chuyện kể về hành trình đấu tranh cho tự do đầy khổ nhục của Solomon và những số phận mà anh chạm phải.

“12 năm nô lệ” phản ảnh chân thực và trần trụi một trang lịch sử khủng khiếp, đen tối của nước Mĩ, đem lại ám ảnh day dứt cho người xem. Năm 2014, bộ phim trở thành tác phẩm điện ảnh đầu tiên được đạo diễn và sản xuất bởi một nhà làm phim da đen (Steve McQueen) giành giải Oscar cho hạng mục phim hay nhất năm. Từ đó, Twelve Years a Slave trở thành một tác phẩm quan trọng và tiêu biểu phản ánh nạn phân biệt chủng tộc ở Mĩ thời bấy giờ.

5. Moonlight (2016)

Được chuyển thể từ vở kịch “In Moonlight Black Boys Look Blue”, “Moonlight” là một tác phẩm điện ảnh đẹp và buồn. Lấy bối cảnh thành phố biển Miami, câu chuyện kể về cậu bé da đen đồng tính Chiron, lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó, bố mất sớm còn mẹ thì nghiện ngập. Cuộc đời cậu biến động qua ba giai đoạn: khi cậu còn là “Little” rụt rè và nhút nhát, khi cậu ở tuổi vị thành niên, và khi trở thành “Black”, một anh thanh niên với vẻ ngoài cao lớn và dữ dằn, nhưng tâm hồn vẫn đỗi nhạy cảm.

Lấy một số phận điển hình cho vòng xoay cuộc đời đầy bất hạnh của một người da đen, tác phẩm gửi đi thông điệp về quyền bình đẳng và quyền được sống của cả một cộng đồng. “Moonlight” cho chúng ta thấy vấn đề bất bình đẳng giai cấp và màu da vẫn còn là một vấn đề đương thời chứ không chỉ là lịch sử. Tiếp nối “12 năm nô lệ”, năm 2017, “Moonlight” giành giải Oscar cho hạng mục phim hay nhất năm.

6. Get Out (2017)

"Get Out", tác phẩm điện ảnh đầu tay của Jordan Peel, một nhà soạn kịch da đen. Bộ phim đánh dấu bước tiến lớn trong sự nghiệp của ông qua việc khai thác vấn đề phân biệt chủng tộc trong dòng phim kinh dị.

Câu chuyện mở đầu bằng chuyện tình hạnh phúc giữa anh chàng da đen Chris Washington với cô bạn gái da trắng Rose Amitage, và chuyến đi thăm gia đình cô gái. Sau những bữa tiệc nhuốm mùi kì thị của các vị khách tại đây, nơi nhiều người da đen mất tích không dấu vết, Chris dần cảm thấy có gì đó mờ ám và muốn trốn thoát cùng bạn gái.

Bộ phim cho thấy nạn phân biệt chủng tộc đã in sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ người Mĩ, khi cả gia đình người da trắng tự nhận mình đẳng cấp hơn người da đen và sử dụng họ như một công cụ. Tựa phim “Get Out” có nghĩa là trốn thoát, nhưng cũng như một lời xua đuổi, rằng nơi này không dành cho những người da đen. “Get Out” là một tác phẩm kinh dị lôi cuốn hiếm thấy, thách thức những ý kiến cho rằng phân biệt chủng tộc chỉ là vấn đề của quá khứ.

7. 13th (2016)

Ngày 6 tháng 12, năm 1865, lần sửa đổi Hiến Pháp thứ 13 của Hoa Kỳ được Quốc hội phê chuẩn với nội dung như sau: “Cả chế độ nô lệ và phục dịch không tự nguyện, ngoại trừ sự trừng phạt tội phạm bị kết án hợp lệ, sẽ không tồn tại ở Hoa Kỳ hoặc bất kì nơi nào thuộc thẩm quyền của Hoa Kỳ.”

Trên lí thuyết, điều này mang tới tự do cho tất cả nhân dân Hoa Kỳ. Tuy nhiên, từ năm 1865 tới nay, sự bất bình đẳng chủng tộc tại Hoa Kỳ chưa từng thực sự được “bãi bỏ”.

Bộ phim đưa ra nhiều bằng chứng xác đáng về cách mà nền công nghiệp tù binh đã và đang đem lại lợi ích cho các nhà tài phiệt và chính trị gia Mĩ. Đồng thời, nó thẳng thắn chỉ trích việc chính quyền Hoa Kỳ qua nhiều nhiệm kì liên tiếp đã lợi dụng lỗ hổng trong điều khoản “ngoại trừ sự trừng phạt tội phạm bị kết án hợp lệ” như một công cụ để “cải cách” chế độ nô lệ thành “sự tống giam hàng loạt” những tội nhẹ.

"13th" là bộ phim tài liệu đặt vấn đề phân biệt chủng tộc ở trung tâm để mở ra những cuộc đối thoại đau đáu, chân thật, và cởi mở về những thay đổi nhân đạo hơn cho người da đen và cho toàn bộ dân tộc Hoa Kỳ trong tương lai.