72 Giờ vượt qua mùa sale | Vietcetera
Billboard banner

72 Giờ vượt qua mùa sale

Nếu là người thuộc hệ hối hận sau khi chốt đơn, quy tắc 72 giờ sẽ là cứu cánh giúp bạn vượt qua mùa sale an toàn.
72 Giờ vượt qua mùa sale

72 Giờ vượt qua mùa sale

Đại dịch COVID-19 góp một phần không nhỏ vào sự chuyển dịch trong xu hướng mua sắm của mỗi người. Sau đợt giãn cách kéo dài, người tiêu dùng Việt Nam đang có dấu hiệu mua sắm mạnh tay như một hình thức để "phục thù" cho khoảng thời gian dài không chi tiêu.

Cuối năm còn là thời điểm các nhãn hàng đẩy mạnh chương trình khuyến mãi để đón những ngày lễ lớn như Giáng sinh, Năm mới, Tết… Vậy làm thế nào chúng ta có thể “sống sót” qua những đợt sale này để không cảm thấy hối hận khi chốt đơn?

Quy tắc 72 giờ sẽ giúp bạn an toàn vượt qua bão sale sắp tới.

Bước 1: Nhận biết các yếu tố kích thích

Việc thấy quảng cáo dồn dập rất dễ kích thích bạn chốt đơn mà thiếu đi cân nhắc.

Đã bao giờ bạn trót chốt đơn mà không hề đọc review sản phẩm chỉ vì liên tục nhìn thấy quảng cáo của một món hàng chưa?

Các nhãn hàng biết điều này. Không phải ngẫu nhiên mà sau khi tìm kiếm tên sản phẩm trên Google thì quảng cáo của chính món hàng ấy cứ “theo đuôi” bạn trên mạng xã hội.

Theo thống kê thì 90% người tiêu dùng quyết định mua hàng bởi ảnh hưởng của quảng cáo. Trong đó, 42% người mua hàng sau khi thấy quảng cáo trên mạng xã hội.

Rất nhiều lời khuyên “cai nghiện” cho rằng bạn có thể sử dụng sức mạnh ý chí để chống lại cám dỗ. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ bản chất sự phản kháng đó cũng là một dạng chú ý.

Sự chú ý sau đó sẽ ngày càng lớn dần và cuối cùng thì bạn buông xuôi bởi thỏa mãn cám dỗ thì nhanh hơn là chống lại nó.

Thay vào đó để phần nào giải tỏa cơn khát mua hàng, bạn hãy:

  • Lập một danh sách những thứ bạn muốn mua (vì cần, vì thấy đẹp, vì đang sale,...).
  • Cho vào giỏ hàng hoặc thêm vào mục “yêu thích”.

Cơ chế này vận hành giống một to-do list, khi biết rằng sản phẩm đã yên vị trong danh sách, não sẽ giải phóng bạn khỏi việc liên tục bận tâm về nó. Từ đó, các món hàng chưa mua sẽ ít đeo bám tâm trí bạn hơn.

Bước 2: Đợi 72 giờ để cơn khát mua sắm nguội bớt

Bạn cần tạo một "khoảng trống thời gian" giữa mong muốn mua hàng và hành động chốt đơn.

Nhà thần kinh học người Áo Viktor Frank cho biết: “Giữa kích thích và phản ứng có 1 khoảng trống, đây là chỗ để bạn có thể nắm quyền kiểm soát trước ham muốn tiêu tiền”.

Một cách dễ hiểu, thay vì đè nén ham muốn chi tiêu, điều mà bạn nên tập trung chính là “khoảng trống 72 giờ” từ giai đoạn mong muốn đến giai đoạn rút hầu bao.

Vào khoảng thời gian này, bạn có thể làm bất kỳ điều gì mình muốn miễn là không bấm nút “mua hàng”. Bạn có thể tranh thủ tối ưu quyết định mua sắm bằng cách:

  • So sánh giá của món hàng mà bạn muốn mua giữa những sàn điện tử khác nhau.
  • Kiểm tra “sale ảo” (nâng giá gốc rồi gắn nhãn sale) thông qua tiện ích mở rộng BeeCost (bạn có thể cài đặt trên Google Chrome).
  • Đọc review/thông tin chi tiết của sản phẩm. Hình ảnh quảng cáo không phải là nguồn tin lý tưởng để giúp bạn đưa ra quyết định tiêu dùng thông minh. Khá nhiều chi tiết quan trọng sẽ bị lờ đi để tăng tỷ lệ chốt đơn. Chẳng hạn đối với đồ điện tử, đó chính là thông số sản phẩm, điều kiện đổi trả/bảo hành và những khiếm khuyết mà chỉ có người dùng rồi mới hiểu.

Bước 3: Loại bỏ những gì mình không cần

Sau 72 giờ trôi qua và cám dỗ dịu xuống, bạn sẽ nhận ra rằng có rất nhiều thứ không mua cũng được.

Sau khi cơn khát mua sắm đã dịu xuống sau 72 giờ, bạn sẽ nhận ra danh sách của mình tồn tại rất nhiều món hàng mà “không có cũng chẳng sao”. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ được một phen giật mình khi nhìn vào tổng hóa đơn.

Lúc này, bạn buộc phải tự cân đối giữa ‘ngân sách’ và ‘danh sách’ bằng cách sắp xếp lại thứ tự ưu tiên, loại bỏ đi những món hàng không thiết yếu.

Trước khi chốt đơn hãy đảm bảo rằng bạn vẫn còn tiền để sống tốt mà không sa chân vào vòng lặp nợ nần với tư tưởng “tiêu trước tính sau”. Cần lưu ý, cuối năm thường là thời điểm “ra tiền”. Ngoài mua sắm cho bản thân, bạn vẫn còn rất nhiều nhu cầu khác phải chi như các buổi gặp mặt, quà cáp, tiệc tùng,...

Tự thưởng cho bản thân sau một năm lao động vất vả là một nhu cầu hợp lý. Với quy tắc 72 giờ, bạn không cần phải kìm hãm trước những nhu cầu chi tiêu mà thay vào đó là cho bản thân thêm thời gian để thay đổi phản ứng của mình.