AI đọc suy nghĩ con người: Khi bộ não không còn riêng tư | Vietcetera
Billboard banner
05 Thg 05, 2023
Cuộc SốngChatGPTTóm Lại Là

AI đọc suy nghĩ con người: Khi bộ não không còn riêng tư

Với sự kết hợp của công nghệ y khoa và trí tuệ nhân tạo, ý nghĩ của con người giờ đây có thể chuyển thẳng thành từ ngữ mà không cần nói ra.
AI đọc suy nghĩ con người: Khi bộ não không còn riêng tư

Nguồn: PLOS

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Công nghệ đọc ý nghĩ của con người nghe có vẻ giống một tập truyện Doraemon hoặc một chi tiết giả tưởng trong một cuốn tiểu thuyết nào đó. Thế nhưng điều này đã trở thành sự thực, với sự giúp sức của trí tuệ nhân tạo cùng với những phương pháp thăm dò não bộ đã có.

Các nhà khoa học tại Đại học Texas (Mỹ) đã phát triển thành công một phương pháp đọc suy nghĩ của con người qua việc quan trắc các hoạt động của não, và áp dụng mô hình trí tuệ nhân tạo ngôn ngữ giống như ChatGPT. Phương pháp này thu thập thông tin về cách bộ não một người phản ứng với ngôn ngữ, sau đó vận dụng trí tuệ nhân tạo để xử lý dữ liệu và đưa ra thông tin tương ứng với từng phản ứng của não.

2. Công nghệ đọc ý nghĩ có mới?

Ý tưởng về một công nghệ có thể đọc ra những ý nghĩ chưa thành lời của chúng ta dù nghe rất không tưởng, nhưng thực tế đã được áp dụng trong một thời gian và ở một số hình thức khác nhau.

Một trong những thành tựu gần đây nhất về việc giải mã thông tin trực tiếp từ não thực hiện bởi nhóm nhà khoa học tới từ Đại học San Francisco. Nhóm này cho người tham dự thí nghiệm nghe một số câu hỏi rồi trả lời thành tiếng, trong khi thiết bị đọc thông tin từ não khi họ trả lời, từ đó tái tạo lại câu hỏi đã nghe, đáp án đã nói và đối chiếu với câu hỏi, đáp án gốc.

05may2023image20230505163507807png
Hình ảnh mô tả lại các bước thí nghiệm. Phần "Predicted" là kết quả tái tạo câu hỏi và đáp án trên cơ sở thông tin từ não. | Nguồn: Nature

Một phương pháp khác tốn kém hơn và phức tạp hơn, đó là gắn một thiết bị thăm dò não bộ vào não người để lấy thông tin trực tiếp rồi dùng thuật toán để “phiên dịch.” Cách làm này đã giúp đỡ rất nhiều bệnh nhân, nhưng không có nhiều áp dụng ngoài y học.

3. Phương pháp này thực hiện thế nào?

Các nhà nghiên cứu sử dụng hai công cụ là thiết bị scan fMRI và mô hình trí tuệ nhân tạo ngôn ngữ GPT-1. Ba tình nguyện viên tham gia nghiên cứu sẽ nghe podcast liên tục trong 16 tiếng và để máy fMRI theo dõi sự thay đổi của lượng máu chảy trong não. Điều này cho phép các nhà nghiên cứu biết được trạng thái nhất định của não bộ khi tình nguyện viên nghe thấy hoặc nói ra một từ.

Sau đó, họ sử dụng GPT-1 với những dữ liệu não bộ trên để tiên đoán xem những từ nào có thể sẽ tiếp tục xuất hiện. Để kết thúc thí nghiệm, họ yêu cầu người tham gia tưởng tượng một câu chuyện trong khi đang dùng máy fMRI.

alt
Một nhà nghiên cứu thu thập hoạt động trong não bộ người tham gia nghiên cứu tại Đại học Texas. | Nguồn: The University of Texas

Kết quả trả về đáng kinh ngạc: phương pháp không đoán được chính xác từng từ trong ý nghĩ của tình nguyện viên, nhưng đưa ra được những câu tóm gọn ý chính của thông điệp mà người đó đang suy nghĩ.

4. Phương pháp này có thể ứng dụng trong cuộc sống thế nào?

Các phương pháp “phiên dịch” ý nghĩ thành ngôn ngữ văn bản đã giúp cho rất nhiều bệnh nhân bị liệt có thể phần nào cải thiện tình trạng của mình. Họ có thể sử dụng ý nghĩ để di chuyển con trỏ chuột hay điều khiển một cánh tay nhân tạo.

Bên ngoài địa hạt y khoa, một số phương pháp thăm dò và đọc ý nghĩ trực tiếp từ não bộ của các ông trùm công nghệ như Meta hay Neuralink đang phát triển. Những chương trình này có thể nhặt ý nghĩ của bạn trực tiếp từ những nơ-ron thần kinh và chuyển chúng thành từ ngữ. Mục tiêu của những đơn vị này là các thiết bị linh hoạt có thể tháo lắp tùy ý người dùng, và có thể sản xuất trên phương diện lớn.

Tất nhiên, những công cụ này còn lâu mới có thể xuất hiện trên thị trường. Nhưng chúng hứa hẹn những khả năng và trải nghiệm mới mẻ cho cuộc sống của con người, ví dụ như điều khiển điện thoại hoặc máy tính bằng ý nghĩ chẳng hạn.

5. Thành trì cuối cùng của sự riêng tư đã bị hạ gục?

05may2023mv5bmmy5nzewm2qtzti4zs00n2uzlthjztetmdcymjjlowexntc4xkeyxkfqcgdeqxvyntmxmjgxmzav1jpg
Ý tưởng về một công cụ ghi lại toàn bộ trải nghiệm của con người từng xuất hiện trong Black Mirror. | Nguồn: Netflix

Nếu như suy nghĩ là ý thức, thì não bộ là thành trì vật chất của ý thức ấy. Đó là hai phòng tuyến riêng tư cuối cùng của con người, bởi làm gì có ai hay cái gì có thể nhảy vào não ta và nói oang oang ra là ta đang nghĩ gì?

Chính vì thế, công nghệ này có thể gây ra nhiều vấn đề về mặt đạo đức. Hãy thử tưởng tượng nếu các công ty nắm được ý nghĩ của con người, ít nhất họ sẽ sử dụng những thông tin đó để khai thác chúng ta lấy lợi nhuận. Ở một phương diện lớn hơn, chúng có thể trở thành công cụ điều khiển, định hướng, và giám sát xã hội.

Viễn cảnh ấy nghe giống một tập phim Black Mirror, nhưng không phải là không thể xảy ra. Một số nhà thần kinh học cảnh cáo rằng tiềm năng lạm dụng công nghệ này cho mục đích xấu lớn tới nỗi chúng ta phải có những bộ luật mới và làm việc lại với khái niệm “quyền con người” để tránh những ảnh hưởng tiêu cực.