Ai sẽ đứng về phía những ngành nghề được coi là "vô dụng"? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Ai sẽ đứng về phía những ngành nghề được coi là "vô dụng"?

TikToker "định hướng" người trẻ về các bằng đại học "vô dụng." Họ có bỏ lỡ tiêu chí đánh giá nào không?
Ai sẽ đứng về phía những ngành nghề được coi là "vô dụng"?

Nguồn: TikTok

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Hướng nghiệp là chủ đề luôn nhận được sự quan tâm trên các mạng xã hội, nơi có số lượng đông đảo người dùng là các bạn trẻ còn hoang mang về tương lai trước mắt. Sự quan tâm này ắt gây tranh cãi, khi gần đây một số TikToker đã lên danh sách về những bằng đại học vô dụng nhất ở Việt Nam.

Những bằng này bao gồm: Quản trị Kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Marketing, Quản trị Nhân sự, Bất động sản, v.v. Nhiều ngành học khác cũng được đưa ra với lý do đa dạng, và hiển nhiên nhận được nhiều ý kiến trái chiều, người hưởng ứng cũng có, người cảm thấy bị xúc phạm cũng không ít.

Sự việc này mở ra một bức tranh giáo dục đào tạo và việc làm vô cùng phức tạp, mà gay gắt ủng hộ hoặc gay gắt phản đối đều không phải những tâm thế giúp hiểu được trạng thái này. Hơn nữa, ta cần có nhiều tiêu chí đánh giá ngành nghề hơn để người học không bị hoang mang.

2. Như thế nào thì được coi là "vô dụng"?

Trong thực tế, những TikToker gây tranh cãi không phải nhóm đối tượng duy nhất xếp hạng giá trị của bằng cấp đại học. Cách đây nhiều năm, thế hệ ông, bà chúng ta cũng truyền miệng bài thơ như thế này:

"Nhất Y, nhì Dược

Tạm được Bách Khoa

Sư Phạm bỏ qua

Nông Lâm vứt xó."

Hoàn cảnh bài thơ truyền miệng này ra đời, người ta đề cao cuộc sống ổn định mà nghề nghiệp có thể đem lại. Họ quan trọng việc vào biên chế nhà nước và có thể giữ một vị trí xã hội cả đời. Bằng cấp có liên quan tới các lĩnh vực "xã hội luôn cần" như trên được trọng vọng. Hay ngày nay, trong thời đại công nghiệp 4.0, người ta cũng có câu, "IT là vua của mọi nghề."

Bằng cấp mà các TikToker coi là vô dụng là các bằng chứng nhận loại chuyên môn mà ngay cả người không học ngành đó trong trường đại học cũng có thể làm tốt được. Logic này được áp dụng với ngành Quản trị Kinh doanh và Marketing.

Các TikToker cũng cho rằng loại bằng chỉ cho phép bạn làm một số công việc rất cụ thể, như Ngôn ngữ Anh sau khi tốt nghiệp có thể ra dạy IELTS, cũng là vô dụng. Trong khi đó, ngày nay người người, nhà nhà học tiếng Anh, nên những ai lấy bằng này ra không có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Nhìn chung, các yếu tố khiến một thứ bằng cấp thuộc về một chuyên môn cụ thể bị xếp vào dạng "vô dụng" thường chỉ xoay quanh việc nó có giúp người lao động có việc làm và kiếm được nhiều tiền hay không. Bên cạnh đó, chi phí bỏ ra để có được chuyên môn đó nhiều hay ít.

httpsimgvietceteracomuploadsimages15mar2023collegemajorsthatdontpayoffjpg
Các ngành có thu nhập không xứng đáng với số tiền đào tạo | Nguồn: Statista

Các đánh giá "ngành nghề vô dụng" trên thế giới hơi khác so với những gì TikToker Việt Nam đưa ra. Nếu như ở Việt Nam, ý kiến dư luận không mấy ưa chuộng các loại bằng hứa hẹn cung cấp cho người học những chuyên môn không cụ thể, thì ở phương Tây, các ngành thuộc khối Nhân văn bị phê phán vì những chuyên môn quá cụ thể và tách rời so với cuộc sống thực tế.

Điểm chung của cả hai cách đánh giá là đều dựa trên thu nhập mà người học sau khi tốt nghiệp có thể thu về sau khi đã đầu tư cho chiếc bằng.

Dĩ nhiên, với mục tiêu thực dụng nhất của con người là làm giàu và ăn sung mặc sướng thì việc lựa chọn sự nghiệp chỉ trên những yếu tố giản đơn như vậy không có gì là đáng phê phán. Tuy nhiên, việc lựa chọn công việc và sự nghiệp cả đời không đơn giản chỉ là một cuộc ngã giá. Bỏ tiền ra đi học không chỉ để ta kiếm được một ngón nghề điêu luyện, người học còn phải xây dựng cho mình một hệ thống giá trị về thế giới mình đang sống.

3. Đâu là hạn chế của chương trình đại học Việt Nam?

Nói đi thì cũng phải nói lại, chúng ta khẳng định rằng việc học mót chuyên môn từ internet sẽ không thể đem lại sự hiểu sâu như học một chương trình tử tế ở đại học, thì cũng phải tự hỏi thiết kế chương trình và cơ sở vật chất của các trường đại học ở Việt Nam đã đáp ứng đủ nhu cầu đào tạo của người học hay chưa.

Với mọi lĩnh vực, dù là kinh doanh hay học thuật, thì người học vẫn cần có sự tiếp xúc với thực tế cuộc sống. Vì công việc họ được đào tạo chuyên môn, dù sao, vẫn hướng tới mục đích phục vụ cho cuộc sống. Nhưng về mặt học tập và thi cử, nhiều chương trình đào tạo rơi vào giáo điều, học thuộc lòng, và không có sự phản tư cần thiết.

Bên cạnh đó, hệ thống trường công ở Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu tiếp cận với nguồn tài liệu học thuật nằm bên ngoài Việt Nam. Vì lẽ đó, chương trình không được cập nhật trong nhiều năm dẫn đến tình trạng lỗi thời.

httpsimgvietceteracomuploadsimages15mar2023photo21663729307693525909495jpg
Không phải đại học nào ở Việt Nam cũng có "giao diện" đẹp thế này | Nguồn: CafeF

Bằng cấp vô dụng hay không vì thế nên được xét bằng các tiêu chí cụ thể hơn, ví dụ như nhà trường ta theo học có đáp ứng được đầy đủ yêu cầu về cả học thuật và thực hành cho ta hay không, v.v.

4. Học 4 năm trong đại học khác gì tự học?

Chương trình đào tạo chính thống luôn có điểm chúng ta có thể phê phán. Nhưng nếu để công nhận, sinh viên đại học có một số đặc quyền về chuyên môn mà người tự học sẽ khó có được.

Điển hình là tính kỷ luật. Để tự học được tốt, người ta phải có sự chủ động rèn rũa bản thân để không rơi vào tình trạng hoặc là lười biếng, hoặc buộc phải ưu tiên những tác vụ gây ảnh hưởng sát sườn hơn của đời sống, như đảm bảo cơm, áo, gạo, tiền.

Trường đại học khắc phục được sự thiếu kỷ luật. Có thể không phải "ngôi đền tri thức" mà ta hay ca ngợi, thì trường học vẫn cung cấp cho ta thời gian biểu và những cột mốc phát triển cụ thể. Thành quả của sự học vì vậy bớt trừu tượng hơn.

Một khoá luận tốt nghiệp ta có thể tự hào vì nó là kết tinh cho cả chất xám và sức lao động của bản thân mình, là một trong số những thành quả rất hữu hình tôi nghĩ đến.

Sự hào phóng vì thế là điều quan trọng nhất trường học cho chúng ta. Ta có không gian để bàn thảo về các lĩnh vực chuyên môn bị cho là không thực dụng khi bước ra khỏi cổng trường. Ta không cảm thấy rằng mình đang chẳng làm gì cả, chỉ vì mình không có thu nhập khi đi học.

Trường học cũng là nơi ta dễ dàng tìm thấy và kết nối hơn với các tiền bối làm việc trong mảng chuyên môn gần giống mình.

5. Ai sẽ đứng về phía những ngành nghề được coi là "vô dụng"?

Việc phân chia bằng cấp thành "vô dụng" và "hữu dụng" sau này sẽ dẫn đến sự xếp loại nghề nghiệp "quan trọng" và "không quan trọng." Logic này dễ hiểu khi đặt trong tiêu chí đánh giá của các TikToker: tấm bằng có giá trị khi nó giúp ta "hoà vốn" số tiền học ta từng bỏ ra trước đây.

Nói cách khác, chuyên môn và nghề nghiệp phải phân theo cả sự điều phối của thị trường và sự trọng vọng của xã hội. Kết cục của lập luận này có thể dẫn đến một số câu hỏi đáng sợ như những chuyên môn và sản phẩm lao động không được thị trường đánh giá cao, hay thậm chí không có giá trị thị trường, có nên tồn tại hay không?

Trong một danh sách của Yahoo! Finance ra mắt vào đầu năm 2023, khối ngành Nghệ thuật và Nhân văn chiếm phần đa trong số những chuyên môn vô dụng. Đứng đầu danh sách là bằng Viết sáng tạo (Creative writing), sau đó là Truyền thông, Âm nhạc, Điện ảnh, Ngôn ngữ, v.v.

Ở cấp độ vi mô, ta thấy trước khi AI có khả năng sản xuất ra các bài viết với độ chính xác về nội dung và uyển chuyển về cảm xúc gần giống con người, thì chữ nghĩa vẫn có giá trị và người viết vẫn còn chỗ đứng. Ngày hôm nay, chỗ đứng ấy không còn vững vàng và thu nhập dựa trên nội dung chữ viết bắt đầu giảm do sự cạnh tranh tới từ AI.

httpsimgvietceteracomuploadsimages15mar2023downloadjpeg
Các ngành Nhân văn không được đánh giá cao về mặt tài chính | Nguồn: The Chronicle of Higher Education

Ở cấp độ vĩ mô, trong khoảng 2 thập kỷ trở lại đây, các ngành nhân văn như đã liệt kê, vốn cần sự trợ giúp từ hệ thống công ích thì lại bị cắt kinh phí. Lý do chủ yếu tới từ "tính hữu dụng" của chúng: Nghiên cứu kinh điển, tôn giáo, văn hoá, v.v. không thể làm ra tiền ngay lập tức. Không còn nhiều trợ cấp về kinh phí, các nhân tài trong lĩnh vực này cùng sản phẩm lao động của họ sẽ sống như thế nào tiếp?

Dù kết cục của các tấm bằng "vô dụng" là gì, thì ta cũng nên đặt các giá trị ít thực dựng hơn không quá mất cân bằng với giá trị thu nhập. Như vậy, ta sẽ không quá hoang mang khi đã tích vào nguyện vọng ấy trên con đường ôn luyện đại học.