“An Yên cho Trái Đất”: Đi qua “Thử thách” để được “Bền vững” | Vietcetera
Billboard banner
11 Thg 02, 2021
Kinh DoanhXu Hướng Kinh Doanh

“An Yên cho Trái Đất”: Đi qua “Thử thách” để được “Bền vững”

Những câu chuyện ý nghĩa về việc đương đầu với những thách thức, đưa ra những quyết định lớn để đạt được mục tiêu về sự Bền vững.

“An Yên cho Trái Đất”: Đi qua “Thử thách” để được “Bền vững”

Nguồn: Pizza 4P's

Trong chuỗi bài viết độc quyền với chủ đề “An yên cho Trái đất”, Pizza 4P’s kể câu chuyện về những dự án nâng cao ý thức về môi trường và những nỗ lực đều đặn mà chúng tôi đang thực hiện để hiện thực hóa sứ mệnh “Làm thế giới mỉm cười vì Hòa bình”.

Dưới góc nhìn của một người Quản lý Phát triển Bền vững, anh Yuma Nagata tích lũy cho mình những câu chuyện ý nghĩa về việc đương đầu với những thách thức, đưa ra những quyết định lớn để đạt được mục tiêu về sự Bền vững. Đồng thời, những câu chuyện đằng sau những nỗ lực thúc đẩy phát triển bền vững của Pizza 4P’s cũng lần đầu tiên được chia sẻ.

Quản lý phát triển bền vững có dễ dàng không?

Trong những năm gần đây, khi những hậu quả của biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng, các doanh nghiệp đã ngày càng nhận thức rõ rệt hơn về vai trò và trách nhiệm của mình trong câu chuyện phát triển bền vững nói chung. Những Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDGs) hay sự gia tăng đầu tư vào môi trường, xã hội và quản trị công ty (Environmental, Social and Governance) ngày càng được nhắc đến nhiều hơn. Các doanh nghiệp bắt đầu tập trung vào việc làm thế nào để có thể giảm tác động đến môi trường hoạt động kinh doanh và tạo ra những hoạt động phát triển bền vững, bên cạnh khuôn khổ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vốn đã quen thuộc thông qua các hoạt động CSR (Corporate Social Responsibility).

Từ thực tế đó, ngày càng nhiều công ty thành lập các cấp quản lý và bộ phận Phát triển bền vững. Tuy nhiên, Phát triển bền vững vẫn còn là một khái niệm tương đối mới với những nhà lãnh đạo doanh nghiệp và tầm quan trọng của nó vẫn chưa được nhìn nhận đúng đắn. Vì lẽ đó, công việc của những người Quản lý bền vững dường như là một việc khó khăn và có phần đơn độc. Tôi cũng là một trong số đó.

“Chúng ta không thể chi tiền cho những việc không tạo ra lợi nhuận”

“Phát triển bền vững không phải là ưu tiên của chúng ta”

“Việc này chỉ là một phần của Marketing”

Những bình luận như vậy sẽ khiến bạn thất vọng và dễ dàng nản lòng.

Mặc dù các doanh nghiệp muốn chuyển trọng tâm vào việc phát triển bền vững, dường như họ vẫn chưa biết cách thu hút những người có trình độ chuyên môn và cách thức đưa ra các quyết định về hành động bền vững trong công ty. Ở Pizza 4P’s, tôi cũng gặp những thách thức tương tự, nhưng thách thức cũng luôn đi cùng với một bài học kinh nghiệm mà tôi tích lũy được cho mình.

pizza4ps
Nguồn: Pizza 4P's

Cuộc chiến giữa ý tưởng xanh và chi phí thấp

Nguyên liệu là một điều rất quan trọng khi xem xét tính bền vững của một nhà hàng. Các nguyên liệu có được trồng một cách bền vững không? Nhà cung cấp có sử dụng nguyên liệu địa phương và theo mùa không? Họ có mua trực tiếp từ người nông dân hay không? Có rất nhiều khía cạnh mà nhà hàng có thể tạo ra tác động tích cực thông qua việc tìm nguồn cung ứng.

Khoảng sáu tháng sau khi tôi gia nhập Pizza 4P’s, tôi đã quyết định tập trung vào việc thu mua. Tôi nghĩ rằng chúng tôi cần sử dụng nhiều rau hữu cơ hơn và các nguyên liệu khác được sản xuất theo hướng bền vững.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ sau khi chủ động đến những trang trại hữu cơ ở Việt Nam để tìm hiểu, nhận báo giá và đưa ra đề xuất với ban quản lý, cuối cùng những ý tưởng đó đều bị bộ phận Thu mua từ chối. Những nỗ lực của tôi trở nên vô ích khi không thể là người quyết định.

“Chi phí mua rau hữu cơ cao hơn chi phí mua các loại rau hiện tại”

“Tại sao chúng ta phải ký hợp đồng với một nông trại chỉ để thu mua một loại rau trong khi người bán buôn có thể cung cấp nhiều loại rau với số lượng lớn?”

Câu trả lời của bộ phận Thu mua chính là: Ưu tiên hàng đầu của họ là giảm chi phí và tránh thêm nhiều bước cho quá trình thu mua, mà những hành động của tôi hoàn toàn đi theo hướng ngược lại.

Lẽ dĩ nhiên tôi không cảm thấy vui vẻ gì trong cuộc chiến này. Nhưng suy xét vấn đề một cách kỹ càng, tôi nhận thấy tự mình tiến hành các vấn đề liên quan đến thu mua mà không hề thảo luận với bộ phận chịu trách nhiệm hoàn toàn không phải cách tốt.

Sau đó, tôi đã chia sẻ thêm với cấp lãnh đạo và người quản lý bộ phận thu mua về lợi ích và định hướng lâu dài của công ty khi chuyển sang thu mua nguyên liệu bền vững. Cuối cùng, chúng tôi quyết định rằng công ty nên tiến hành những phương thức mang tính phát triển bền vững theo nhiều cách khác nhau.

Với sự đồng lòng và phối hợp chặt chẽ cùng bộ phận thu mua, mọi việc tiến triển một cách nhanh chóng và việc thu mua nguyên liệu bền vững cũng đã chính thức trở thành một trong những điểm đánh giá KPI của họ.

pizza 4ps
Nguồn: Pizza 4P's

Pitching một ý tưởng có thể làm thâm hụt ngân sách? Ví dụ điển hình từ chương trình tái sử dụng hũ thủy tinh

Những ý tưởng cho phát triển bền vững hiếm khi nào nhận được ngân sách cao, lý do vì những hoạt động này không mang lại doanh số trực tiếp. Tất nhiên, trong vài trường hợp, những ý tưởng phát triển bền vững có thể dẫn đến việc tiết kiệm chi phí và tạo ra lợi nhuận cho công ty. Giảm mức tiêu thụ điện có thể giảm phát thải khí nhà kính, do đó có thể giảm phần nào chi phí cho công ty. Tuy nhiên, trong lĩnh vực phát triển bền vững cho doanh nghiệp, không phải tất cả đều là ý tưởng khả thi.

Pizza 4P’s không chỉ là nhà hàng mà chúng tôi còn sản xuất và bán lẻ những sản phẩm khác như phô mai, sữa chua và bánh pudding cho các cửa hàng tiện lợi và siêu thị. Với đặc tính thủy tinh của các hũ sữa chua, pudding có thể tái sử dụng sau khi được làm sạch và tiệt trùng. Tôi đã đề xuất một hoạt động tái sử dụng hũ thủy tinh: Khách có thể hoàn trả hũ thủy tinh tại các nhà hàng Pizza 4P’s và nhận những món quà nho nhỏ như phô mai sợi, sữa chua hoặc pudding thay cho lời cảm ơn của chúng tôi.

Vấn đề của ý tưởng thoáng nghe qua rất hay và đầy tính “tái sử dụng” này chính là ngay cả sau khi trừ chi phí của các hũ thuỷ tinh và các khoản quà tặng “sữa chua, pudding” miễn phí, chương trình không hề có lợi nhuận. Liệu công ty có thể tiếp tục thúc đẩy việc tái sử dụng hũ thuỷ tinh với nhiều nguy cơ rủi ro? Thông thường, ý tưởng có khả năng cao bị từ chối hoàn toàn.

Tuy nhiên, Giám Đốc Điều Hành của chúng tôi có một ý nghĩ khác. Anh ấy nói rằng: “Ngay cả khi chúng ta mất một khoản doanh thu cho việc thu gom, tôi vẫn nghĩ đây là một chương trình tuyệt vời để thu hút khách hàng đến nhà hàng của chúng ta. Khi khách đến hoàn trả hũ và biết đâu khách sẽ có ý định dùng bữa tại nhà hàng thì đây cũng là một cách góp phần tăng doanh thu”.

Và kết quả nhận được đó là hơn 2.000 hũ thủy tinh đã được tái sử dụng trong bốn tháng qua kể từ khi chúng tôi khởi động chương trình tái sử dụng hũ thủy tinh này.

lo thuy tinh
Nguồn: Pizza 4P's

Hiện thực hóa các hành động bền vững còn là cả một quá trình

Để đưa ra các quyết định về việc phát triển bền vững đi kèm với lợi nhuận cho công ty không hẳn là khó. Tuy nhiên, có rất nhiều ý tưởng phát triển bền vững không thể dự đoán được kết quả cho đến khi chúng được chính thức triển khai, liệu những hoạt động này có giúp cho doanh thu, giảm chi phí, hay tăng giá trị của thương hiệu hay không.

Đối với một công ty, lợi nhuận giống như không khí: nó không phải là mục đích sống duy nhất của việc kinh doanh, nhưng nếu doanh nghiệp không tạo ra lợi nhuận, doanh nghiệp đó sẽ không thể tiếp tục duy trì hoạt động. Một ý tưởng phát triển bền vững tuyệt vời đến đâu cũng vẫn không thể tách rời chi phí và lợi nhuận.

Nếu xã hội đặt kỳ vọng cao về tính bền vững, đôi khi công ty vẫn phải đưa ra quyết định dù cho lợi nhuận kinh doanh không rõ ràng. Không phải lúc nào chúng tôi cũng có thể cung cấp chính xác kết quả các dữ liệu số về hành động bền vững, điều này có thể khiến các bên liên quan cảm thấy khó chịu như thể họ đang đi vào một khu rừng tối.

Tôi tin rằng một phần thú vị trong công việc của một nhà quản lý phát triển bền vững đó là hỗ trợ các quyết định của công ty một cách tốt nhất có thể. Bạn phải thu thập dữ liệu, sắp xếp thông tin, tìm cộng tác viên, tính toán số liệu và củng cố những ý tưởng một cách hiệu quả để công ty có thể dễ dàng đưa ra các quyết định. Và nếu những ý tưởng đó vẫn bị từ chối, có lẽ nên kiểm tra lại hướng đi của mình đã thực sự đúng, hoặc thời điểm đó chưa phù hợp với tình hình hiện tại của công ty.

Như bộ phim tài liệu “OUR PLANET: OUR BUSINESS” của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (World Wildlife Fund) cho rằng sự thay đổi hướng đi mang tính phát triển bền vững của các công ty có thể góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu hiện nay. Con đường chúng tôi đang đi những bước đầu tiên có thể còn rất khó khăn, nhưng chúng tôi tin vào giá trị mà doanh nghiệp mang đến cho xã hội cũng như sứ mệnh của Pizza 4P’s “Làm thế giới mỉm cười vì Hòa bình” theo một cách bền vững.