Ba nước châu Âu từ chối hộ chiếu mới của Việt Nam | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Ba nước châu Âu từ chối hộ chiếu mới của Việt Nam

Và liệu điều này có dẫn tới một phản ứng dây chuyền trên toàn châu Âu?
Ba nước châu Âu từ chối hộ chiếu mới của Việt Nam

Nguồn: Báo Thanh niên

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Ngày 1/7, Bộ Công an ban hành mẫu hộ chiếu mới, bắt mắt hơn và đậm nét Việt Nam. Tuy nhiên, từ ngày 27/7 cho tới nay đã có ba nước tuyên bố không công nhận mẫu hộ chiếu này, lần lượt là Đức, Tây Ban Nha, và Séc. Ba nước này sẽ ngừng cấp visa cho những công dân Việt dùng hộ chiếu mới.

Quyết định này dù không ảnh hưởng tới những ai vẫn dùng mẫu hộ chiếu cũ với bìa xanh lá cây, nhưng đã gây thiệt hại lớn với các công ty lữ hành, du lịch trong nước. Việc di chuyển của một số người dân tới ba quốc gia này cũng gặp nhiều khó khăn và chậm trễ.

Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam ở các nước sở tại đã đưa ra hướng giải quyết tạm thời, đó là ghi chú nơi sinh vào phần bị chú của hộ chiếu hoặc cấp giấy chứng nhận nơi sinh đi kèm với hộ chiếu.

2. Có đúng là mẫu hộ chiếu mới thiếu thông tin về nơi sinh?

Trong việc quản lý xuất nhập cảnh, nơi sinh và ngày sinh là hai thông tin tối quan trọng để định danh một người, bởi về lý thuyết thì chúng không thể thay đổi. Bản đăng ký thị thực vào các nước khối Schengen có yêu cầu người đăng ký ghi rõ nơi sinh, và các cơ quan thị thực thường yêu cầu người dân ghi nơi sinh trong thị thực giống với trong hộ chiếu.

Hộ chiếu mới không in trực tiếp thông tin nơi sinh như hộ chiếu cũ. Khi cần xác định thông tin này, nhân viên xuất nhập cảnh phải dựa vào số căn cước công dân in trên hộ chiếu và đối chiếu với một bản danh sách dài 7 trang mà không phải nhân viên hải quan nào cũng sở hữu.

04aug2022z35343401990119643d5b0887ef6e8fa0ef1fcb50b1dad9047jpg
Hộ chiếu mới (trái) không ghi nơi sinh. | Nguồn: Báo Thanh niên

Cách đưa thông tin của mẫu hộ chiếu mới có một điểm bất cập khác, đó là trường hợp người dân không dùng căn cước mà dùng chứng minh nhân dân cũ. Khi ấy, hải quan các nước sẽ hoàn toàn không thể đối chiếu nơi sinh bởi thông tin này không được tích hợp vào số chứng minh nhân dân.

3. Liệu có xuất hiện một làn sóng các nước từ chối hộ chiếu mới?

Đức, Tây Ban Nha, và Séc là ba nước châu Âu thuộc khu vực Schengen - tên riêng để gọi khu vực di chuyển tự do giữa 26 nước châu Âu. Nhiều người đã lo ngại về một làn sóng các nước Schengen khác không công nhận hộ chiếu và từ chối cấp thị thực cho công dân Việt Nam. Đây vừa là một phản ứng dây chuyền, vừa là hệ quả của chính sách chung cho khu vực này.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại chưa có quốc gia nào ngoài ba nước trên tuyên bố không công nhận mẫu hộ chiếu mới. Trái lại, Anh và Pháp đã thông báo vẫn chấp nhận mẫu mới như một văn bản hợp lệ để cấp thị thực.

Chính phủ hai nước này cũng lưu ý rõ rằng công dân Việt sẽ không thể dùng hộ chiếu mới để đi sang Đức, Tây Ban Nha, và Séc từ Anh hay Pháp. Các quốc gia khác chưa đưa ra thông báo hay cảnh báo đặc biệt về vụ việc này, và hiện tại Bộ Công an vẫn đang tiếp tục cấp hộ chiếu bản mới song song với việc bổ sung và hoàn thiện thông tin.

4. Việt Nam có phải nước duy nhất không ghi nơi sinh trên hộ chiếu?

Theo quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), nơi sinh là thông tin không bắt buộc trong hộ chiếu. Tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn bắt buộc hiển thị thông tin này do quy định xuất nhập cảnh riêng của từng nước.

Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất không hiển thị nơi sinh trên hộ chiếu. Thông tin này cũng không được nhắc tới trong hộ chiếu của người Hàn Quốc. Hộ chiếu Nhật thì ghi nơi đăng ký hộ gia đình thay cho nơi sinh, còn Thụy Sĩ thì ghi tỉnh, thành phố mà công dân đã và đang sống tại.

04aug2022specimenpersonalinformationpagesouthkoreanpassportjpg
Hộ chiếu của Hàn Quốc cũng không ghi nơi sinh. | Nguồn: Bộ Ngoại giao Hàn Quốc

Canada và Áo là hai nước đã bỏ nơi sinh trên hộ chiếu từ năm 1986. Trong khi Áo xóa tất cả dữ liệu nơi sinh khỏi hộ chiếu, người dân Canada có thể lựa chọn có hay không hiển thị thông tin này.

5. Tại sao hộ chiếu Hàn Quốc vẫn được công nhận?

Lý do tại sao người Hàn Quốc không bị từ chối thị thực là bởi hộ chiếu của họ có gắn chip chứa thông tin nơi sinh để nhân viên hải quan quét và tra cứu nhanh. Điều này có thể thực hiện được không chỉ bởi một con chip trên tập giấy, mà còn bởi các dữ liệu dân cư của Hàn Quốc đã tích hợp trên một cổng thông tin cho phép nhân viên xuất nhập cảnh truy cập.

Hộ chiếu mới của Việt Nam không có chip, và dữ liệu dân cư của người Việt chỉ có thể được truy cập bởi các cơ quan trong nước. Đây chính là lý do tại sao cần có một bản danh sách 7 trang cho việc tra cứu. Để sớm khắc phục tình trạng này, Việt Nam cần tích cực hơn trong việc chuyển đổi số và quản lý dữ liệu dân cư.

Số hóa và chia sẻ dữ liệu dân cư là hai trong nhiều trụ cột của toàn cầu hoá. Việc này tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia trong nhiều lĩnh vực từ công nghệ thông tin tới an ninh khu vực.