Bảo quản thực phẩm đúng cách mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích. Nó có khả năng làm chậm quá trình hư hỏng và giữ cho thực phẩm tươi lâu.
Cho nên, các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm sẽ không bị mất đi hoặc bị ảnh hưởng quá nhiều, từ đó giảm thiểu nguy cơ gây ngộ độc. Và thời hạn an toàn để sử dụng thực phẩm càng được kéo dài, chi phí sinh hoạt của bạn càng được tiết kiệm.
Liệu nhiệt độ của tủ lạnh nhà bạn đã đạt chuẩn?
Theo hướng dẫn của USDA (Bộ Nông nghiệp Hoa Kì), ngăn mát (ngăn lạnh) tủ lạnh nên được cài đặt ở nhiệt độ 40 độ F (khoảng 4,4 độ C) hoặc thấp hơn. Còn ngăn đá (ngăn đông) nên duy trì nhiệt độ từ 0 độ F (khoảng -17,7 độ C) trở xuống để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.
Từng nhóm thực phẩm nên được bảo quản cụ thể ra sao?
Các loại rau củ quả
Đối với việc bảo quản các loại rau củ quả, chúng ta có xu hướng bọc chúng vào túi nilon rồi cho vào tủ lạnh. Hoặc chúng ta thường rửa rau củ trước khi cho vào tủ. Tuy nhiên, hai thói quen này chưa hẳn đã mang lại hiệu quả như bạn nghĩ.
Vì hơi nước bốc lên từ rau thường đọng lại thành giọt trên túi khiến rau bị ẩm và nhanh nẫu. Theo Healthline, việc rửa sạch thực phẩm trước khi ăn rất quan trọng nhưng không nên rửa chúng trước khi đưa vào bảo quản trong tủ lạnh. Bởi độ ẩm từ việc rửa nước sẽ khiến cho rau của quả hỏng nhanh hơn.
Thay vào đó, bạn nên bảo quản rau củ bằng cách:
- Hạn chế rửa rau củ quả trước khi cho vào tủ lạnh.
- Sử dụng giấy hoặc khăn vải lau nhẹ quanh các loại rau rồi cho vào túi.
- Các loại rau ‘ít sinh khí’ như súp lơ, cà rốt… có thể bảo quản cùng nhau nhưng cần bảo quản riêng với các thực phẩm khác. Trong khi đó loại quả như táo, chuối, bơ... nên được bảo quản tách biệt để tránh gây hỏng các thực phẩm xung quanh.
Một số mẹo bảo quản với các loại rau củ quả phổ biến:
- Hành, tỏi, khoai tây cần bảo quản nơi khô ráo nhưng không nên cho vào tủ lạnh; cà chua nên bảo quản ở nhiệt độ thường để tránh làm mất hương vị và dinh dưỡng.
- Cần tây có thể bọc trong giấy bạc trước khi đặt vào tủ lạnh, không nên rửa hay cắt trước khi đưa vào lưu trữ. Việc làm này sẽ giúp bảo quản cần tây được lâu hơn.
- Trái bơ nên để ở nhiệt độ phòng cho đến khi chín, sau đó bạn có thể bỏ vào tủ lạnh để ăn dần. Dùng nước chanh hoặc dầu olive bôi lên bề mặt quả bơ (khi đã bổ) sẽ giúp tránh không khí tác động vào thịt quả.
- Các loại nấm nên được bảo quản trong túi giấy riêng khi cho vào trong tủ lạnh.
Các sản phẩm từ sữa và trứng
Sai lầm phổ biến khi bảo quản sữa hay các sản phẩm từ sữa như kem tươi là ta hay “tiện tay” bảo quản chúng ở phần cánh cửa của tủ lạnh.
Tuy nhiên đây là khu vực đối mặt với sự thay đổi nhiệt độ thường xuyên nhất. Cộng thêm bản chất nhạy cảm với nhiệt độ, có thể nói đây ắt hẳn là vị trí kém lý tưởng nhất nguy hiểm để đặt cho sữa và trứng.
Nơi an toàn nhất để ‘dự trữ’ trứng và các chế phẩm từ sữa là các ngăn giữa hoặc dưới cùng bên trong tủ lạnh. Bởi tại các khu vực này, nhiệt độ mát lạnh được duy trì ổn định.
Bơ nên được bảo quản trong tủ lạnh nếu bạn chưa ăn hết. Bạn nên giữ lại giấy gói bơ của nhà sản xuất để bọc chúng lại sau mỗi lần lấy ra sử dụng. Lớp bao gói này sẽ giúp bơ tránh ánh sáng và không khí, cũng như giúp nó không bị ám mùi từ các thực phẩm khác trong tủ lạnh.
Với phô mai, thay vì cho trực tiếp vào túi nilon đựng thực phẩm rồi buộc chặt, bạn nên bọc chúng bằng giấy nến (wax paper hay parchment paper) và sau đó bỏ vào túi nhựa thoáng khí.
Phương pháp này giúp miếng phô mai của bạn tránh khỏi trường hợp bị biến đổi hương vị cũng như hạn chế nấm mốc.
Các loại thịt
Theo USDA, việc trữ thịt trong ngăn đông sẽ không gây ảnh hưởng quá đáng kể đến giá trị dinh dưỡng vốn có.
Thịt sống, thịt gia cầm, cá và hải sản không bao giờ được để bên ngoài tủ lạnh trừ khi bạn chuẩn bị chế biến chúng. Các loại thịt nên được bảo quản lạnh ngay khi mới mua về.
Bạn có thể tham khảo bảng hướng dẫn bảo quản chi tiết của Health Canada tại đây.
- Nhóm thịt đỏ (thịt bò, thịt bê, thịt cừu...) có thể trữ trong tủ lạnh ngăn mát từ 2 đến 4 ngày. Tuy nhiên, thịt xay chỉ có thể bảo quản khoảng 1-2 ngày.
- Nhóm cá và gia cầm… tốt nhất cần được nấu trong vòng 2-3 ngày sau khi mua. Còn các nhóm hải sản khác, bạn nên chế biến càng sớm càng tốt vì chúng chỉ nên được trữ trong tủ lạnh khoảng 1 ngày.
- Còn đối với đồ ăn đã qua chế biến, thời hạn bảo quản an toàn trong ngăn mát của chúng dao động trung bình khoảng từ 2 đến 3 ngày.
Để có thể kéo dài thời hạn bảo quản của thực phẩm, bạn có thể cho chúng vào ngăn đông của tủ lạnh.
Bạn không nên để các loại thực phẩm “chen chúc” với nhau trong tủ lạnh. Thay vào đó, các loại thịt sống, thịt gia cầm, cá, hải sản phải được bảo quản tách biệt với các thực phẩm khác.
Quá nhiều thực phẩm ở cùng một chỗ có thể khiến thực phẩm nhanh hỏng hơn. Và việc để thịt gần với các thức ăn khác trong tủ lạnh cũng có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Để ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn và các bệnh gây ra bởi thực phẩm (foodborne illness), các loại thực phẩm sống như: thịt, cá, gia cầm, hải sản... cần được trữ trong các hộp kín hoặc túi nhựa ở ngăn mát dưới cùng tủ lạnh. Trong trường hợp bạn không có nhu cầu chế biến trong vài ngày tới, bạn nên chuyển các loại thịt này lên ngăn đông, để trong các hộp hoặc túi kín khí.
Mục đích của hai việc làm này là không để nước từ các thực phẩm sống rơi vào các những món khác trong tủ lạnh.
Bánh mì tươi
Bánh mì không phải là dạng thực phẩm nên cho vào trong ngăn mát tủ lạnh. Vì thế, bạn hãy bảo quản chúng trong túi giấy tại nơi khô thoáng và ở nhiệt độ phòng.
Dựa trên ‘nguyên lý vận động’ của tinh bột (thuật ngữ: retrogradation and recrystallization of starch), trong suốt vòng đời của bánh mì - bắt đầu khi bánh mì nguội đi sau khi nướng - tinh bột của nó sẽ trở lại là trạng thái kết tinh vốn dĩ.
Do đó, qua thời gian bánh mì của bạn sẽ dần trở nên cứng và khô. Và việc cho bánh mì vào tủ lạnh sẽ thúc đẩy quá trình này.
Cách tốt nhất để ngăn chặn quá trình này khi bạn muốn bảo quản trong thời gian dài là bọc bánh mì trong hộp hoặc túi kín khí và cho vào ngăn đông.
Bài viết được chuyển ngữ và tổng hợp thêm bởi Ngọc Lê, dựa trên bài gốc của tác giả Chloe Tejada trên trang Huffpost.