Cabin fever là gì? Bạn có đang bị cabin fever không? | Vietcetera
Billboard banner

Cabin fever là gì? Bạn có đang bị cabin fever không?

Mùa dịch, không gì “nóng” bằng cabin fever.

Cabin fever là gì? Bạn có đang bị cabin fever không?

Nguồn: Unsplash | Thiết kế bởi Hân Nguyễn cho Vietcetera.

1. Cabin fever là gì?

Cabin fever /ˈkæb.ɪn ˌfiː.vər/ (danh từ), theo định nghĩa của từ điển Cambridge, là cảm giác tức giận hoặc chán chường vì phải ở lì trong nhà quá lâu. 

Tình trạng này phổ biến hơn cả vào các tháng mùa đông ở xứ lạnh, hay dễ thấy nhất gần đây là trong những ngày dài phải làm việc ở nhà vì đại dịch.

2. Nguồn gốc của cabin fever?

Từ cabin fever được cho là xuất hiện lần đầu vào những năm đầu thế kỷ XX, khi mùa đông khắc nghiệt kéo dài ở các bang hẻo lánh miền Tây nước Mỹ như South Dakota, Montana, Wyoming. Lúc này, người dân tại đây buộc phải náu mình hàng tháng trời trong những căn nhà gỗ (log cabin) để tránh bão tuyết. “Sốt cabin” từ đó được gọi tên. (theo Mental Floss)

mùa đông
Mùa đông là nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều người “phát sốt" vì phải ở lì trong nhà | Nguồn: Unsplash

3. Vì sao cabin fever trở nên phổ biến?

Sự cô lập dẫn đến cabin fever đến từ nhiều tình huống, như bị giam cầm, bị lạc ở một vùng đất hoang vắng, ở lâu trong một không gian hẹp (khoang tàu, buồng máy bay, xe hơi, tàu ngầm…), gặp vấn đề sức khỏe tạm thời không thể di chuyển.

Theo tờ verywellmind, nếu cảm thấy “mắc kẹt” khi ở trong những trường hợp kể trên, rất có thể bạn đang trải qua cabin fever với một số biểu hiện như:

  • Rối loạn giấc ngủ
  • Mất tập trung trong công việc 
  • Cảm thấy vô vọng, không thiết “động tay động chân” vào bất cứ gì
  • Thường xuyên thèm ăn (hoặc chán ăn)
  • Mất kiên nhẫn
  • Liên tục khó chịu, nóng giận với người xung quanh
  • Buồn bã, có nhiều suy nghĩ tiêu cực

Trước đây tại Việt Nam, những căn bệnh truyền nhiễm như phát ban đỏ, thủy đậu, bệnh phong... là lý do hàng đầu khiến nhiều người phải tách biệt mình khỏi cộng đồng. Nhiều tuần, nhiều tháng liền cách ly trong một không gian kín, chắc hẳn họ đã gặp không ít các biểu hiện tương tự cabin fever.

Còn trong nghệ thuật, Đảo Của Dân Ngụ Cư (2017), Phim xuất sắc nhất LHP quốc tế Asean (AIFFA), chính là một câu chuyện tiêu biểu về những vấn đề xuất phát từ cabin fever.

dao cua dan ngu cu
Đảo Của Dân Ngụ Cư là bộ phim nói về sự bí bách không chỉ của một người, mà của cả một gia đình | Nguồn: Blue Productions

Tương tự những từ như “quarantine” (cách ly), “social distance” (giãn cách xã hội), đại dịch cũng là nguyên nhân khiến từ cabin fever được nhiều người dùng. Năm 2020, tờ Guardian đã đặt tiêu đề “From Panic Room to Cabin Fever” cho một bài báo liệt kê danh sách các bộ phim thích hợp để xem trong mùa dịch.

Trong tiếng Việt, để diễn tả trạng thái tương tự cabin fever, ta thường dùng từ “muốn bệnh” hay “sinh bệnh”. Ví dụ: Ở nhà lâu ngày, tôi muốn bệnh/sinh bệnh luôn!

Tuy nhiên, ngoài áp lực từ không gian, có đến 6 yếu tố ảnh hưởng đến tâm trạng thường gặp khác mà bạn không để ý, như thời tiết, mạng xã hội, chế độ ăn uống, tần suất vận động...

Càng căng thẳng, chúng ta lại càng phải giữ niềm tin rằng tình trạng này chỉ là tạm thời, và cơn sốt nào cũng đến hồi hạ nhiệt. Ngay lúc này, bạn có thể tham khảo 8 gợi ý tận hưởng mùa giãn cách từ tác giả Chương Đặng và bớt lo nghĩ.

chăm sóc cây
Ở nhà cũng có thể “chill” nếu bạn biết tìm những niềm vui nho nhỏ | Nguồn: Unsplash

4. Dùng cabin fever như thế nào?

Tiếng Anh

A: This whole month of working from home is giving me a serious cabin fever. What should I do? 

B: Exercise, plant something, learn the online course you bought recently. Hey, have you finished reading the book I gave you a while ago?

Tiếng Việt

A: Cả tháng nay làm việc ở nhà, tui muốn bệnh luôn. Phải làm sao đây bà ơi?

B: Tập thể dục, trồng cây, học cái khóa học trên mạng bữa bà mua đi. Ủa mà cuốn sách hồi lâu tui đưa bà đọc xong chưa?